;
Ngẫm về chức năng đúng nghĩa của ngôi chùa ngày nay
Sau khi bài viết “Chùa chết” của tôi được nhiều bạn đọc được, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi. Thành tâm biết ơn sư quan tâm của các bạn. Nay tôi quyết định đi sâu thêm 1 chút nữa, chỉ 1 chút và động đến 1 góc nhỏ thôi ạ. Chuyện chùa chết thì đã rõ. Nhưng ai là người giết chùa.
Tôi đến thăm một ngôi chùa khá nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội. Tôi lễ Phật rồi đi vãn cảnh chùa. Tự nhiên tôi muốn được gặp thầy trụ trì. Tôi hỏi thăm và được bà cụ đang quét chùa nói rằng bà không thấy thầy đâu. Hoặc thầy vẫn đang ngủ. Hoặc thầy đã đi từ sớm. Lúc đó khoảng 8h30 sáng.
Theo chỉ lối của bà, tôi đi xuống phía sau. May thay, gặp thầy đang uống trà và hút thuốc lào. Tôi tự giới thiêu và chúng tôi làm quen với nhau. Thầy năm nay 40 tuổi và đã trụ trì ở ngôi chùa nổi tiếng này gần 20 năm. Thầy cho biết trong chùa chỉ có mình thầy là sư. Các thầy khác đi nhận chùa hết rồi. Khi tôi bàn với thầy nguyện vọng của tôi muốn tổ chức các khóa tu, các buổi giảng pháp cho các bạn trẻ, cho người dân, thầy bảo rằng không làm được đâu. Bởi thầy có một mình sao mà làm được. Tôi hỏi tại sao thầy lại có một mình, sao không có thêm các thầy khác. Thầy nhìn tôi như người ngoài hành tinh “Anh học rộng biết nhiều mà không biết ngoài bắc mình có truyền thống nhất tăng nhất tự à”. Thì ra vậy. Truyền thống bao đời nay rằng chỉ có 1 sư cho 1 ngôi chùa. Các thầy tu lớn dần và tự đi nhận chùa, coi như ra ở riêng. Phật ơi, tu cần có tăng thân, ngay cả quý thầy xuất gia tu môt mình cũng rất khó, tu giữa làng một mình rất khó, chưa nói đến hoằng pháp. Tôi đã tìm ra kẻ giết chùa đây rồi. Tên nó là “truyền thống nhất tăng nhất tự”.
Lại nhớ đến câu chuyện tuần trước. Tôi được một Đại đức (lại là trụ trì 1 ngôi chùa khác, cũng ở ngoại thành Hà Nội) mời về để thăm. Thầy rất nhiệt tình và mong tôi một lần về đó giúp thầy. Thầy tiếp đón tôi nồng hậu lắm. Cuối cùng thầy dẫn lên thất riêng để tâm sự. Chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Tôi tập trung nói về 2 chủ đề: thực hành lời Phật dạy và hoằng pháp. Trước khi về, tôi xin phép thầy nói thẳng rằng có mấy chai bia ở trong thất riêng thờ Phật rất nguy nga thế này là không ổn. Thầy xin lỗi và nói rằng do các Phật tử cúng. Tôi đề nghị thầy cất ngay đi, dấu kín ngay đi, bởi nếu Phật tử có tu học nhìn thấy, thầy mất hết uy tín và nói không ai nghe đâu. Tôi cũng nói rằng tôi linh cảm ở chùa có đồ mặn. Thầy thú thật rằng các Phật tử vẫn mang thịt, rượu đến cúng ở ban Đức Chúa Ông. Tôi tỏ ra khó chịu. Thầy hỏi, thế thì làm thế nào. Tôi nói rằng phải giải thích cho dân làng. Rằng nếu thầy đồng ý cho họ mang rượu, thịt vào chùa là tiếp tay cho họ phạm giới. Trên đường lái xe về nhà tôi đã tìm ra kẻ giết chùa. Đó là chính là việc các nhà sư không giữ giới. Đó là chính việc các nhà sư chiều theo ý của dân làng, ủng hộ họ làm bậy, làm trái lời Phật dạy.
Một ngôi chùa bị cháy do lỗi khách quan - Ảnh mang tính chất minh họa.(Trung Kiên)
Tôi chợt nghĩ, cư sỹ tại gia giữ 5 giới. Các thầy mới xuất gia làm sa di giữ 10 giới, còn các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giữ 248 và 350 giới. Tại sao một vị Đại đức xuất gia từ nhỏ lại vẫn uống bia, uống rượu. Tôi thật sự không hiểu. Và cứ nghĩ, liệu có quý Đại đức, Thượng tọa nào giữ không trọn 5 giới của người tại gia không?
Tôi lại nghĩ đến buổi gặp gỡ với một thầy từ châu Âu. Thầy cũng rất muốn găp tôi, và hẹn gặp trước khi lên máy bay về nước. Ở buổi nói chuyện, thầy buồn 2 điều. Thứ nhất, các bạn trẻ rất không muốn xuất gia. Bởi ở nhà sướng quá, vào chùa không chịu kham khổ và kỷ luật được. Rồi nếu có xuất gia thì lại không giữ giới. Hoặc xin quay lại đời Thứ 2, thầy buồn vì nhiều Phật tử bây giờ khi quy y nhưng xin quy y Nhị Bảo chứ không phải Tam Bảo. Họ chỉ quy y Phật, quy y Pháp chứ không quy y Tăng. Họ mất lòng tin vào Tăng. Ôi tôi buồn quá. Tôi không tin vào điều này. Cứ như nghe trong mơ, trong mộng. Thế này thì kẻ giết chùa là chính các quý thầy và quý phật tử chúng ta thật rồi!
Ngày hôm qua tôi đến thăm một ngôi chùa rất lớn, rất nổi tiếng. Bao lần qua đây mà chưa một lần được gặp người trụ trì. Lần này, trước khi có chuyến hành hương xa, tôi muốn được đảnh lễ và thăm Sư Bà. Tôi cũng muốn mời Sư Bà tham gia một khóa tu ở nước ngoài. Rồi những câu chuyện của Sư Bà làm tôi rất cảm động. Sư Bà bị bệnh. Sư Bà rất tâm huyết với phát triển Phật Giáo nhưng lực bất tòng tâm. Thậm chí, nay mai bà mất, không biết ai sẽ lên thay đây. Không tìm ra người kế nhiệm xứng đáng!
Qua câu chuyện tôi lại nhận ra một điều rằng, ở đâu chùa được công nhận di tích lịch sử thì thì ở đó Phật Giáo không (hoặc rất khó) phát triển. Nghe vô lý quá đúng không ạ. Hóa ra vấn đề ở chỗ, đã là di tích thì địa phương quản lý hết, nhà chùa không có quyền gì cả. Làm bất cứ gì cũng cần xin phép mà xin thì rất lâu, phép thì khó, cho lại rất ít. Lãnh đạo và ban quản lý di tích thì không quan tâm đến tu tập, đến hoằng pháp, bởi họ không là Phật tử. Họ chỉ quan tâm đến lễ hội và thu tiền, rồi bán vé, rồi quyên góp, rồi xin công đức. Đây rồi. Kẻ giết chùa đã được tìm thấy rồi.
Bạn có thể không biết và không tin rằng, các nhà sư không thích về các ngôi chùa là di tích lịch sử. Về đây họ không được tu, không được hoằng pháp. Về đây họ bị biến thành công cụ phục vụ tín ngưỡng, phục vụ địa phương. Phật ơi, con sợ chùa di tích lắm rồi. Tự nhiên con muốn đi Làng Mai Pháp để được bên những ngôi chùa giản dị mà có rất nhiều Tăng, Ni đang tu học và hoằng pháp ở đó.
Ai là kẻ giết chùa? Còn những kẻ giết chùa nào nữa? hãy hiện nguyên hình ra để những Phật tử chân chính nhận diện nào.
Người Ăn Mày Thế Kỷ
Phật tử NMHùng viết thật hay, chỉ sai ở phần Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giữ 250 và 348. Vấn đề ở đây là làm sao phổ biến GIỚI SADI và TỲ KHEO cho Phật tử đều biết thì các NGÔI CHÙA sẽ sống trở lại, khi mà các vị TU HÀNH không UỐNG BIA RƯỢU và ĂN MẠNG của chúng sanh.
Binh Dong
Phật tử u mê, thầy buông lung việc trì giới thì làm sao đạo pháp phát triển cho được. Phật tử xuất gia tu học phải có tăng đoàn, làm sao lại có thể nhất sư nhất tự được chứ, như vậy là trái với lời dạy của đức Phật. Các chùa là di tích lịch sử chính là công cụ của chính quyền vì mục đích kinh tế. Làm kinh tế theo kiểu mua thần bán thánh thì chánh pháp nào hoằng dương được, giáo dưỡng sao được lòng dân. A Di Đà Phật. Thiện tai ! thiện tai!
Vô sắc thanh hương
Lãnh đạo GHPGVN cần tự xem lại mình và sửa chữa (nếu có). Bên cạnh đó cần sớm có phương cách giải pháp phối hợp cùng các đơn vị truyền thông, tuyên truyền răn đe giáo dục để giải quyết triệt để nhằm chấn chỉnh lấy lại niềm tin với cộng đồng xã hội và tín đồ . Nam mô thường tinh tấn Bồ Tát Ma Ha Tát
trùn quang
Thực ra bài viết hời hợt, nông cạn thiếu hiểu biết ! Hay nói cách khác giống như là " người mù sờ Voi ' .Các vị chẳng hiểu biết gì về Đạo Phật cả, mà cùng không hiểu gì về cái mang tên là Đạo Phật đang có mặt tại Việt nam cả. Các vị nên nhớ là chùa ở Miền Bắc là của nhân dân và do chính quyền quản lý, sư trụ trì cũng chỉ như người trông chùa thôi. Và nếu muốn tổ chức thuyết pháp hay tập trung đông người để tu hành hay nghe giảng pháp, phải xin phép cấp tỉnh, và chủ đề thuyết pháp phải trình cho chính quyền trước. Và chủ đề ấy phải có lợi cho chế độ. Và sẽ thành tuyên truyền cho ai đó thôi. Còn cái mà tác giả bảo rằng Giáo Hội Phật Giáo phải thế này thế nọ, thì nó càng biểu hiện rằng bạn chẳng biết cái quái gì cả . Giáo Hội Phật Giáo chỉ là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thôi, làm gì có quyền hành gì với các ngôi chùa. ông trưởng thôn nào có cái chùa đó đều có tư cách đuổi Giáo hội ra khỏi chùa của họ. Vậy nên nếu không biết thì không nên nói, mang nghiệp vào thân. Còn nếu muốn hiểu biết thì nên đi mà học hỏi. Hàng hàng lớp lớp các Cao Tăng thạc đức đang ở ẩn chờ thời.
Thích 2 Trả lời 6/24/2016 12:45:38 PM