;
Qua tìm hiểu, được biết ĐĐ. Thích Pháp Như sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bình Thuận đầy nắng và gió. Thầy đã trải qua thời niên thiếu với niềm đam mê tột cùng là âm nhạc. Thầy tâm sự: "Âm nhạc đối với tôi là một chất liệu không thể thiếu trong cuộc sống. Tôi đến với âm nhạc như là định mệnh mà tạo hoá đã sẵn dành. Hồi bé, hình như tôi biết hát trước khi biết nói."
Niềm đam mê đó đã thôi thúc thầy theo học các lớp nhạc lý từ khi còn nhỏ. Những tưởng đời thầy sẽ theo nghiệp hát ca, nhưng khi lớn lên, tiếp xúc với giáo lý đạo Phật, thầy lại phát sanh duyên lành, phát tâm xuất gia theo con đường tỉnh thức của đức Phật. Ngỡ rằng niềm đam mê lúc nhỏ phải từ bỏ, nhưng khi đến với Phật giáo, được tiếp xúc với những ca khúc mang đậm triết lý nhà Phật, chuyển tải sự bình an và giải thoát đến với mọi người, niềm hạnh phúc của thầy như được nhân đôi khi nhận ra mình vừa có thể tu tập, mà cũng có thể thực hiện được đam mê ca hát của mình.
Thế là thầy bắt đầu tập hát những ca khúc Phật giáo. Và nhận ra, hát nhạc Phật giáo mà chuyển tải hết ý nghĩa của nó thật không phải là điều dễ dàng. Một ca sĩ chuyên nghiệp, nắm được nhạc lý thì phần nhiều là cảm thụ giáo lý không được thông suốt, còn đối với người hiểu đúng giáo lý thì đa số không nắm vững nhạc lý. Hai yêu cầu quan trọng để làm nên phần hồn của ca khúc cứ khập khiễng nhau nên những bài hát Phật giáo trình bày thường không được trọn vẹn, làm người nghe không cảm nhận được hết những âm hưởng và ý nghĩa mà ca khúc muốn chuyển tải.
Vậy là song song với việc tập hát, thầy ôn lại nhạc lý, nỗ lực học hỏi giáo lý cũng như kiến thức văn hoá, rồi áp dụng trong đời sống tu tập của mình, để thể nghiệm được những nhiệm mầu trong giáo lý của đức Từ phụ, những mong sau này cống hiến sức mình cho đạo pháp, cho cuộc đời.
Lý tưởng đó như được chắp cánh khi thầy gia nhập câu lạc bộ Hoằng Pháp Trẻ. Phương châm "đem ánh sáng phật pháp đến với tất cả mọi người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên ở vùng sâu vùng xa" của CLB đã đồng hành cùng thầy trên các nẽo đường hoằng pháp. Không những ở TP. HCM, thầy còn đến các tỉnh miền tây như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu,... rồi các tỉnh vùng cao như Đăklăk, Lâm Đồng,... và cả miền Trung, miền Bắc, nơi nào cần thầy đều có mặt.
Những nơi đến, ngoài việc giảng dạy giáo lý, thầy còn mang lời ca tiếng hát của mình tặng cho bà con Phật tử, vừa giúp giải trí vừa giúp họ thấy gần gũi giáo lý đạo Phật, tiếp thu dễ hơn, gần gũi quý thầy cô hơn.
Được sự khuyến khích của Phật tử cùng chư huynh đệ, đặc biệt là sau khi đoạt huy chương vàng tiếng hát sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng năm 2006, thầy đã mạnh dạn tiến hành thu âm giọng hát của mình và tặng cho chư huynh đệ cùng Phật tử, làm quà khuyến khích học tập cho các em thanh thiếu niên mỗi khi thầy đi giảng dạy.
Một niềm vui không những đối với riêng Đại đức Pháp Như, mà có thể nói là niềm vui chung của Phật giáo khi đầu năm 2010, những ca khúc Phật giáo mà thầy thể hiện được mạng viễn thông Mobifone và Viettel đưa vào hệ thống nhạc chờ. Từ đó, những người Phật tử có thể nghe và gửi tặng nhau các ca khúc Phật giáo ở mọi lúc mọi nơi mà mình muốn.
Đến nay, “gia tài” mà thầy Pháp Như có qua những tháng ngày lao động nghệ thuật nghiêm túc thật đáng khích lệ: thầy sắp tốt nghiệp cùng lúc hai trường đại học: khoa PG Việt Nam tại Học viện Phật giáo TP. HCM (khoá VII) và khoa Xã hội học trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã ra mắt 6 CD và tất cả đều được Mobifone và Viettel chọn làm nhạc chờ. Những ca khúc thầy hát cũng có mặt trên khắp các webside Phậtgiáonhư: Hoalinhthoai.com, daophatngaynay.com, Phoquang.org, Phapamthuongchuyen,com,...
CD vol7 với chủ đề Bao la tình thầy, gồm 12 ca khúc, trong đó đó 3 ca khúc do chính Đại đức Pháp Như sáng tác dù chưa chính thức ra mắt cũng đã được Mobifone và Viettel cấp mã số nhạc chờ, cụ thể với các bài hát và mã số như:
12 ca khúc với 12 phong cách khác nhau, sự vui tươi trong nhạc phẩm Hôm nay ta về đây, sự hồi tưởng suy tư trong bài Về thăm chùa xưa, nhẹ nhàng nhưng quyết liệt trong Theo dấu chân thầy, thành kính, thiết tha trong Nhớ mãi ơn thầy và ngọt ngào đậm chất Nam bộ trong Dâng y ca sa… Tất cả tạo nên một Pháp Như đa phong cách trong sự thể hiện của mình.
Điều đáng trân trọng là dù tiếp xúc với âm nhạc và giới nghệ sĩ, thường xuyên đứng trên sân khấu biểu diễn và tổ chức các chương trình âm nhạc Phật giáo, nhưng Đại đức Pháp Như luôn ý thức mình là một “tu sĩ hát” chứ không phải là “ca sĩ hát”. Thầy luôn nhắc mình “làm sao khi mình xuất hiện giữa sân khấu luôn giữ được phong cách của một người tu, cũng có một chút 'nghệ sĩ tính’ để vừa không gò bó, vừa giữ được ‘chất tu sĩ’ của mình.”
Mong rằng hạnh nguyện dấn thân và lý tưởng mang ánh sáng Phật pháp đến với mọi người bằng con đường âm nhạc của thầy sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa trong công tác hoằng pháp thời hiện đại này..
Mời quý vị xem ca khúc Đời Tăng Lữ do thầy Pháp Như thể hiện
Suối Thông