;
Trong bài "Tất Đạt Đa và Nguyễn Tất Thành", blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận định: "Con đường của chàng Tất Đạt Ta là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua, hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này".
Tuy nhiên, ngộ nhận về con đường giải thoát khổ đau của đạo Phật trên đây của blogger Huỳnh Ngọc Chênh đã vấp phải phản hồi của Kỹ sư Lê Quốc Trinh, một phật tử Việt kiều thuần thành, nghiên cứu triết lý nhà Phật theo lăng kính khoa học, hiện định cư tại Canada.
KS Lê Quốc Trinh khẳng định: "Hổng phải vậy đâu ông (blogger Huỳnh Ngọc Chênh - PV) ơi! Là con người không ai có thể từ bỏ hay diệt tham sân si được đâu, vì đó là trạng thái tâm lý, hiện tuợng năng lượng phát triển.
Thái tử Tất Đạt Ta đã vì lòng ham muốn “tìm chân lý” mà phải trải qua biết bao khổ cực, suýt chết đấy. Tham Sân Si thường được Đức Phật so sánh như ba ngọn lửa nóng. Đó là năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu.
Tuy nhiên, Đức Phật không hề kêu gọi “diệt” tham sân si, ngược lại Ngài hướng dẫn phương pháp tu hành để phát triển trí tuệ nhằm kiểm soát ba ngọn lửa đó.
Ba nguyên tắc tu học theo thứ tự ưu tiên là GIỚI , ĐỊNH , TUỆ. Chỉ có con đường GIÁC NGỘ, phát triển trí tuệ khám phá chân lý mới giải thoát con người khỏi khổ não mà thôi.
Nói chính xác hơn thì phát triển trí tuệ đi đến giác ngộ chỉ là phương tiện, mà hướng tiến đến chính là “lòng từ bi” yêu thương chúng sinh. Có trí tuệ mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẫn quẩn của thù hận."
Đồng quan điểm với KS Lê Quốc Trinh, giáo sư Trần Kiêm Đoàn, một nhà nghiên cứu Phật học khả tín, hiện sống tại Hoa Kỳ cũng chia sẻ: "Nói về tham, sân, si không đơn giản như những chứng bệnh đến rồi đi trên thân phận con người. Từ căn nguyên, lý trí, cảm xúc, ước muốn... là những yếu tố tinh thần tạo thành một sinh thể như con người. Vì thế, tiêu diệt những yếu tố nguyên sinh đó là tiêu diệt sự hiện hữu của con người.
Cho nên không có vấn đề diệt tham, diệt sân, diệt si đơn giản và dễ dàng như diệt vi trùng của một chứng bệnh, mà phải chuyển đổi con sâu xấu xí thành con bướm rỡ ràng; biến nước bẩn trong ao tù, suối độc thành hơi nước thanh tân và mây trắng nhẹ nhàng.
Tu không phải là diệt con người cũ mà là chuyển hoá tâm ý của cùng một con người đó từ phàm sang dần tính thánh. Đó là một tiến trình chuyển hóa tham lam thành hảo vọng, sân hận thành thiện tâm, si mê thành huệ mẫn. Sự chuyển hóa đó là sự thay đổi tận cùng bất thối chuyển của Tâm.
Quá trình chuyển hóa có khi qua bao nhiêu đại kiếp chưa thành, nhưng cũng có khi xẩy ra chớp nhoáng như 'đốn ngộ'. Đó là những trường hợp 'đồ tể quăng dao thành Phật' hay 'Tạc nhật dạ xoa tâm, kim triêu Bồ tát diện...'
Khái niệm “sát na tâm khởi” trong lý duyên khởi của đạo Phật thật là kỳ vỹ tuyệt vời".
Như vậy, theo quan điểm của Giáo sư Trần Kiêm Đoàn và Kỹ sư Lê Quốc Trinh, trong Phật giáo không có chuyện diệt tam độc: Tham, Sân, Si, mà chỉ có thể chuyển hóa chúng mà thôi.