;
Phúc Trạch là một xã miền núi cách trung tâm huyện Hương Khê chừng 10km về phía nam, nơi có đặc sản bưởi nổi tiếng khắp cả nước, người dân nơi đây chân chất hiền hòa. Sau chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc ngoài những loại cây ăn trái cho thu nhập quanh năm, thì dó trầm, loại cây hiện đang là nguồn thu nhập cao cho vùng đất giàu truyền thống này.
Ông Nguyễn Văn Mậu, một người con quê hương Phúc Trạch đã an cư lập nghiệp tại TP Hà Tĩnh, một đại tá quân đội về hưu, với bản tính siêng năng chăm chỉ khu vườn này đã được phủ kín cây dó trầm từ 8 -10 năm tuổi, nằm tại vị trí xóm 1, xã Phúc Trạch với diện tích hơn 2.000m2.
Lối vào khu vườn.
Khu vườn dó trầm.
Lối vào Tịnh thất Hương Pháp.
Câu chuyện đến với Phật pháp của ông được bắt đầu cách nay gần 15 năm. Vào khoảng cuối năm 2009 trong lúc vợ ông (Phật tử Liên Bảo – Nguyễn Thị Bé) bạo bệnh thập tử nhất sinh ông chạy vạy khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc trong lúc khó khăn ông may mắn được người quen giới thiệu với thầy Thích Hạnh Nhẫn, lúc bấy giờ đang là Chánh đại diện Phật giáo huyện Hương Khê, với mục đích thỉnh thầy về khai thị Phật pháp để vợ ông ra đi được sanh về cảnh giới an lành.
Phật tử Tịnh Nhẫn - Nguyễn Văn Mậu.
Sau khi được thầy về nhà chia sẻ Phật pháp, thấy bà thích thú tinh thần phấn chấn, cơn đau ngày càng bớt dần, bà bắt đầu chuyên tâm niệm Phật da dẻ thần sắc ngày càng tốt hơn., mọi sinh hoạt dần trở lại bình thường. Tuy nhiên bệnh tật vẫn chưa thể lành hẳn. Cũng từ đó ông bắt đầu tìm mua kinh sách, đến chùa cúng dường tìm hiểu Phật pháp.
Vài năm lại đây, ông bà và con cháu đã được bổn sư thượng tọa trụ trì chùa Hoằng Pháp làm lễ quy y hiện sinh hoạt tu tập tại chùa Giai Lam – Tịnh Pháp.
Khi chúng tôi cùng Quý thầy và gia đình ông về quê làm lễ an vị tôn tượng Phật, Phật tử Tịnh Nhẫn (Nguyễn Văn Mậu) tâm sự rằng: "Gieo nhân tốt, sẽ hái được quả lành". Có lẽ đúng như vậy. Quả hôm nay ông đang có là một gia đình hạnh phúc, thịnh vượng, con cháu đến chùa học đạo, ông đủ phước báu cùng con cháu thuận lòng phát tâm đem mảnh đất hơn 2.000m2 xây dựng tịnh thất làm chổ tu tập cho bà con lối xóm anh em trong vùng.
Đại đức Thích Tâm Phong và thầy Thích Giác Minh Hữu chia sẻ Phật pháp cùng đạo tràng.
Tịnh thất Hương Pháp nhìn từ phía sau.
Đi qua các nhà thờ Công giáo trên địa bàn, đến xóm 1 xã Phúc Trạch, trước mắt chúng tôi một ngôi nhà cấp 4 chừng 30m2 nằm bao bọc bởi vườn cây dó trầm, ngay chính giữa ngôi nhà là nơi tôn trí tượng Đức Bổn sư, tịnh thất vẫn còn đơn sơ thiếu thốn, đạo tràng trang nghiêm, công tác chuẩn bị đã hoàn thành, mặc dù Phật tử chưa được đông đủ như ông mong muốn. Nhưng với chúng tôi - những Phật tử tại gia đã thấy vô cùng cảm phục, cảm phục trước cuộc sống đầy sự bon chen, đầy sự tranh dành đất đai tài sản giữa cha con, anh em, họ tộc...nhưng ông và gia đình, người thân đã biết hy sinh tài sản để hoằng dương đạo Phật, làm cho ngôi Phật bảo được huy hoàng và trang nghiêm, giúp những người dân vùng quê biết đến Phật pháp, có nơi tu học, sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh.
Đại đức Thích Hạnh Nhẫn cùng đạo tràng làm lễ an vị.
Ðức Phật dạy rằng, ai cũng có bồ đề tâm, nhưng vì trải qua nhiều đời, chúng ta bị ngũ uẩn bao bọc, ngăn che, trần ai làm ô nhiễm nên không phát được bồ đề tâm. Vì vậy, dù bồ đề tâm có sẵn, mà không đủ duyên cũng không thể phát.
Đặc biệt nhất là trên mãnh đất Hà Tĩnh này, vào giai đoạn này phải nói rằng ông là người tiên phong trong việc hiến đất lập tự. Và mong muốn của ông sau khi ổn định cơ sở hạ tầng, đạo tràng tu học đông đủ, nơi đây sẻ được Giáo hội chính thức công nhận Tịnh thất, và tiến tới đủ duyên sẽ xây dựng một ngôi chùa.
Từng là Chánh đại diện Phật giáo huyện, thầy Hạnh Nhẫn vốn chẳng xa lạ gì với những khó khăn khi hoằng pháp, làm Phật sự tại vùng đất miền núi này. Nên khi có sự phát tâm của Phật tử Tịnh Nhẫn thầy hoan hỷ lên đường. Trước lúc buổi lễ diễn ra chừng 30 phút một cơn mưa lớn đổ xuống dập tắt không khí oi bức, cái nắng chói chang, hanh vàng còn sót lại của mùa hè.
Lễ sái tịnh và trì niệm 21 biến chú Đại Bi.
Toàn cảnh ngôi tịnh thất vừa mới thiết lập.
Buổi lễ an vị diễn ra với sự góp mặt của hơn 20 Phật tử và bà con lân cận trong sự trang nghiêm, thành kính theo nghi lễ truyền thống.
Sau lễ an vị, thầy có thời pháp ngắn tán thán tinh thần hộ trì, phụng sự Tam bảo của Phật tử Tịnh Nhẫn đồng thời nhắc nhở các Phật tử tinh tấn hơn trong việc tu học và phụng sự đạo pháp cần tạo điều kiện để thu hút nhân dân Phật tử đến tu học ngày càng đông.
Chia sẻ pháp thoại cùng Phật tử.
Được biết, trước đó chiều ngày 20.8.2014, nhân dịp về thăm quê Đại đức Thích Giác Minh Hữu (một người con quê hương đang tu học tại Tịnh xá Trung Tâm TPHCM) cùng Đại đức Thích Tâm Phong (chùa Giai Lam – Tịnh Pháp) đã về đây thăm và chia sẻ Phật pháp cho các Phật tử, và mong muốn đạo tràng ngày càng đông tinh thần tu học ngày càng lan rộng, quý phật tử đoàn kết nương tựa Chư tăng để cùng nhau tu học phụng sự đạo pháp, giúp bản thân và gia đình có cuộc sống an lạc.
Thầy Hạnh Nhẫn chụp hình lưu niệm cùng Đạo tràng Hương Pháp.
Lễ an vị tôn tượng Phật đã khép lại, niềm hoan hỷ hiện lên những gương mặt khắc khổ của những người con Phật nơi đây. Mong cho Hương Pháp, hương của từ bi trí tuệ được khai tỏa, được lưu truyền và phát triển đi lên trong chánh pháp của Đức Phật.