;
Dấu ấn Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với chùa Tượng Sơn
Hà Tĩnh: Ca nhạc mừng lễ khánh thành chùa Tượng Sơn
“ Với Hà Tĩnh mình răng mà thương mà nhớ. Khi tôi ấu thơ gió bụi cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn, Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ, trời chang chang nắng ai quàng áo tơi. Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn, cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn.
Đứt ruột nhớ mong.”
Chất giọng ngọt ngào của người hát cùng với âm hưởng của lời ca đặc trưng của xứ Nghệ cứ theo chúng tôi trên suốt quãng đường khi đặt chân đến địa phận Hà Tĩnh tới xóm 1 xã Sơn giang, huyện Hương Sơn. Nơi chúng tôi tìm về là ngôi chùa Tượng Sơn. Đây rồi, một ngôi chùa được nằm trên một khu đất bằng phẳng trước mặt là dòng sông Ngàn Phố, sau lưng là núi Voi sừng sững. Sơn thủy thật hữu tình hòa quyện cùng tiết xuân làm cho lòng người thật thư thái.
Chùa Tượng Sơn được xây dựng từ thời Hậu Lê, đời Lê Dụ Tông (đầu thế kỷ XVIII),theo ý tưởng của bà ngoại của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông là bà Đặng Phùng Hậu, vợ của Tả hiệu điểm Tham đốc Quận công Bùi Tướng Công và được hai anh em Lê Hữu Trác và Lê Hữu Tán trực tiếp xây dựng.
Chùa Tượng Sơn với diện tích 1,5 hecta cách khá xa khu dân cư, chùa có 3 toà, chùa Thượng chính điện thợ Phật Thích Ca, bên phải thờ ông bà cụ Tham đốc quận công (tức ông bà ngoại của Lê Hữu Trác) và bà Bùi Thị Thưởng, bên trái thờ tổ tiên họ Lê Hữu.
Nơi đây, ở những năm 1760 – 1786, Hải Thượng Lãn Ông đã lưu lại chùa, Ông đã mở phòng mạch chữa bệnh cho dân khắp vùng Hương Sơn và hoàn thành tác phẩm Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh để lại cho ngàn đời sau cho ngành y dược nước nhà.
Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.
Ngôi chùa đã chải qua bao thăng trầm bể dâu của thời thế và sự tàn phá của thời gian đã bị xuống cấp nghiêm trọng, theo dân làng ở đây cho biết chùa gần như chỉ còn lại túp nều tranh, duy nhất chỉ có khu lăng mộ là còn gần như nguyên vẹn. Thể theo nguyện vọng của bộ Y tế và dòng tộc họ Lê Hựu. Ngày 17/07/2010, Viện Bỏng Quốc gia mang tên Đại Danh y Lê Hữu Trác được Bộ Y tế giao cho làm Chủ đầu tư công trình Đại trùng tu chùa Tượng Sơn. Sau 32 tháng thi công, công trình được hoàn thành. Ngôi chùa cũng đã được nhà nước xếp hạng và cấp bằng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1994.
Để phát triển sinh hoạt tu học của Chùa Tượng Sơn, ngày 31-01-2013, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Ban Tôn giáo tỉnh Hà Tĩnh, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, UBND huyện Hương Sơn và UBND xã Sơn Giang đã giới thiệu Thượng tọa Thích Nhật Từ về tiếp nhận và ra mắt Phật tử Chùa Tượng Sơn.
Sáng nay 23 tháng 2 tức ngày 14 tháng 1 năm 2013 xóm 1 thật khác lạ, cờ tổ Quốc, cờ Phật tung bay trong buổi sáng mùa xuân. Cả một quãng đường Hải Thượng hàng trăm xe hơi, xe buyt cùng với lực lượng Công An, An ninh có mặt kéo dài vài km trong quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông.
Về tham dự lễ khánh thành chùa Tượng Sơn có Phó chủ tịch Quốc hội Ông Uông Chu Lưu ; bà Nguyễn Thị Kim Tiến Bộ Trưởng bộ Y tế, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Ông Nguyễn Thanh Bình, Bà Trần Thị Trung Chiến nguyên bộ trưởng bộ Y tế và các quan chức khác của tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Sơn, UBND xã Sơn Giang, đại diện 64 sở y tế các tỉnh thành trong cả nước, cùng với nhân viên y tế tỉnh Hà tĩnh và nhân dân huyện Hương Sơn về tham dự ngày lễ khánh thành khu quần thể bao gồm tượng đài danh y Lê Hữu Trác, Lăng mộ Hải Thượng Lãn Ông và Chùa Tượng Sơn.
Có lẽ trời Phật đã thấu lòng người dân Hà Tĩnh và riêng với người dân Hương Sơn vì suốt mầy ngày qua mưa cả ngày không dứt, mưa tới tận gần 22 giờ ngày 22 tháng 2, làm cho quãng đường vào chùa lầy nội, ai cũng lo và thầm cầu mong ngày mai trời sẽ tạnh, để cho mọi người đỡ cực, đỡ rét buốt hơn, chùa cũng sẽ sạch hơn, người người, già trẻ, đều có thể đến chùa trong những bộ quần áo đẹp nhất.
Do chùa mới được xây dựng lại, Thượng tọa cũng mới chỉ tiếp nhận hơn tháng nay, hơn nữa lại cận kề cái tết, một vài Thầy khác cũng mới có mặt trước ngày khánh thành có hai ngày. Công việc còn đang dở dang và vô cùng bề bộn, thậm chí nơi chính điện mới được Thầy cho nát lại gạch nền khác cho sạch đẹp hơn cũng chỉ trước có vài ngày. Mọi việc mua bán vật liệu phải về tận thành phố Vinh ( hơn 70 km) mới mua được, hoặc phải mua từ Sài Gòn mang ra. Vì chùa nằm cách xa khu dân cư gần nhất cũng tới 2km. Cho nên, mua bất cứ những gì nhỏ nhất cũng phải chạy rất xa mới có. Đêm trước giờ khánh thành, các Thầy, nhất là Thượng tọa gần như thức trắng đêm ở ngoài trời mưa rét, nhiệt độ chỉ còn có 14 độ về đêm ở nơi đây để điều hành các công việc còn lại phải bắt buộc hoàn tất trước 6 giờ sáng hôm sau.
Khi chúng tôi từ Sài Gòn ra nhìn Thầy đội chiếc nón lá trong mưa rét đang hướng dẫn cho đội lắp đặt bức tượng Di lạc và các bức điêu khắc của ngành y dược trong sân chùa.
Chỗ ở của các Thầy tuy là có nhà mới nhưng mọi thứ lại gần như chưa có gì.
Chùa xây xong nhưng hạng mục bếp thì không có, nhà vệ sinh chỉ có hai phòng trong khi một buổi giảng pháp bình thường cũng có tới cả trăm người nói chi phục vụ cho vài ngàn người.
Ngay chuyện chỗ để chiếc laptop để đọc, viết nhận thư cũng được đặt dưới nền nhà, nói gì đến việc ở của các Thầy (Nhiệt độ xuống thấp như vậy mà không có nước nóng để tắm). Nhìn chỗ nghỉ ngủ của các Thầy thì chúng tôi không biết diễn tả thế nào chỉ thấy là rất khổ và thiếu thốn đủ mọi thứ. Ai cũng ái ngại và quá lo lắng cho sức khỏe của Thầy. Khi chúng tôi đề cập đến việc này Thầy cười “ Ai cũng thế cả, Hoằng pháp thì phải vậy”. Chúng tôi hiểu ý Thầy muốn nói gì rồi. Nhưng Thầy ơi, Thầy còn phải làm Phật sự với một trách nhiệm rất lớn cho việc phục hưng Phật giáo ở những vùng như thế này .
Vậy là giờ phút khánh thành cũng tới, ai cũng ngỡ ngàng rồi đến hân hoan vui thích, nhất là đối với những ai đã đến, đã biết tới ngôi chùa này trước đây vài năm, vài tháng, vài ngày. Cả một vùng Hương Sơn vốn yên tĩnh như bao vùng xâu, vùng xa khác. Đã bao chục năm rồi, người dân nơi đây mới được tận mắt nhìn thấy lá cờ Phật giáo và điều đặc biệt là họ mới được tận tay cầm, mở và được đọc những cuốn Kinh, những cuốn sách nói về những lời Phật dậy. Khó có ai tin được là chỉ sáng nay thôi gần 1,2 tấn sách và Kinh Phật, cùng với hơn 4500 đĩa, được dịch và sáng tác của Thượng tọa Thích Nhật Từ, được chuyển bằng máy từ Sài Gòn ra đã phát hết cho mọi người mà vẫn còn thiếu, chúng tôi phải ghi nhận lại địa chỉ của họ và hứa sẽ tìm cách gửi cho họ vào một ngày gần nhất. Trong số các địa chỉ xin được nhận sách có người từ mãi Hưng Yên và Hà Nội, còn những người dân trong huyện Hương Sơn, chúng tôi đành khất họ trong thời gian tới sẽ nhận trực tiếp tại chùa. Khi số lượng kinh và sách phát ra nhiều đến thế, có người băn khoăn không biết họ có đọc không? họ mà không đọc bỏ đi uổng phí. Chúng tôi thì tin là họ sẽ đọc hoặc trong mười người nhận mà có một đến vài người đọc, cũng là tốt lắm rồi, như vậy họ cũng đã có duyên với đạo Phật. Khi một người đã có duyên và hiểu đạo Phật thì sau họ sẽ là hai, ba, bốn, năm người sẽ bén duyên và cứ thế sẽ là cấp số cộng, số nhân trong tương lai gần.
Cũng có lẽ người dân nơi đây lần đầu tiên được nghe, được tụng kinh Phật với các từ thuần Việt. Cũng có lẽ lần đầu tiên người dân nơi đây mới nhìn thấy nhiều quan khách, xe hơi và cả lực lượng an ninh nhiều đến thế. Số lượng người và dòng xe cứ nối tiếp nhau, nhưng lại rất trật tự, không bát nháo, tuyệt nhiên không có một hàng quán nào, kinh doanh, bán bất cứ hàng gì kể cả vàng mã, hương, trái cây hay hoa quả… đúng là rất thanh tịnh và trang nghiêm nơi cửa thiền môn.
Khi hồi trống Bát Nhã vừa dứt, cũng là lúc tất cả quan chức cấp cao cùng với thượng Tọa và các Hòa thượng, Đại đức chính thức làm lễ mở cửa chính điện để tiến vào làm lễ Đức Phật Thích Ca. Sau đó, bảy quan chức cấp cao nhất tiến ra sân làm lễ trồng cây lưu niệm. Bảy cây bồ đề này đều được lấy hạt và chiết cành từ cây Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ. Trong đó có cây được Hòa Thượng Diệu Huyền trụ trì hai ngôi chùa Viêt Nam Phật Quốc Tự từ Ấn Độ gửi tặng đã được Phó chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu và Bộ trưởng Bộ y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân trồng.
Sau lễ trồng cây lưu niệm, Thượng Tọa được mời về khu lăng mộ Hải Thượng Lãn Ông cùng với các quan chức cấp cao của chính phủ, bộ Y tế và các quan chức UBND Tỉnh Hà Hĩnh, UBND huyện Hương Sơn, cùng với đại diện ngành y tế của 64 tỉnh thành làm lễ giỗ Danh y Lương Hữu Trác. Thượng tọa tham dự cắt băng khánh thành quần thể này. Sau đó, nghe bộ Y tế báo cáo thành tích, khen thưởng các cá nhân xuất sắc của ngành y tế, đồng thời ký kết bàn giao khu quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông giữa Bộ trưởng bộ Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho UBND Hà Tĩnh quản lý.
Trở lại chùa Tượng Sơn với 2500 xuất cơm chay trưa đã được phát hết, cũng có lẽ đây là lần đầu tiên dân xóm 1 và xã Sơn Giang được nhận những hộp cơm chay, có người ăn ngay tại chùa, có người thì mang thêm vài hộp về cho gia đình. Ai ăn cơm chùa xong cũng khen “ sao cơm chùa ngon thế”. Quả thật là rất ngon. Ca sĩ Đông Đào từ TP. Hồ Chí Minh bay ra đã cứ khen món rau bông chuối, với canh chua đậu hũ sao ngon thế “nếu không phải lên sân khấu ngay bây giờ em cứ muốn ăn nữa”, còn ca sĩ Randy thì cứ “ngon quá, ngon quá đi”.
Ngon cả vì hai nghĩa, ngon vì những người làm công quả nơi đây đã nấu với tất cả tấm lòng thành, trong một điều kiện cực kỳ gian khổ. Bếp chỉ là một gác mái che tạm, tất cả nấu bằng bếp củi, thời tiết thì giá rét 15-17 độ, họ đã thức trắng đêm để chuẩn bị cho hơn 2500 hộp cơm, đó là chưa kể vài chục mâm cơm cho những người phục vụ. Quả thật khi bưng những chén cơm, những tô canh nóng hổi làm ấm đôi tay đang lạnh cóng, chúng tôi nguyện hồi hướng công đức này cho tất cả những người làm công quả nhọc nhằn này.
Vùng đất Yên hạ, Hương Sơn nghèo khó, nhưng có lẽ càng nghèo khó thì tấm lòng thành của họ thật đáng khâm phục, làm cho chính Thầy và đoàn Phật tử từ Sài Gòn ra đến nghẹn ngào. Họ chân thật, chất phác, nhiệt tình không phải chỉ có trong người lớn mà ngay cả những đứa trẻ, những em học sinh phổ thông trung học. Nước thì lạnh lại mưa nặng hạt thế mà các em vẫn sách từng xô nước rửa sạch bức tượng Di Lặc vừa đặt, cao to hơn các em cả chục lần. Nhìn các em là học sinh trung học, nhưng chỉ nhỏ bé bằng các em 12-13 tuổi ở thành phố, nếu Thầy không nói thì chúng tôi cũng chỉ tưởng các em đang học phổ thông cơ sở mà thôi.
Người dân nơi đây nghèo về của cải vật chất và tiền bạc đã đành, nhưng họ lại rất “đói Phật pháp” vì vậy mà mới có hơn tháng được nghe các bài giảng, được mỗi tối đến nghe tụng kinh mà lòng họ khát khao đến cháy bỏng được nghe những lời kinh Phật đến thế. Có lẽ vì vậy mà họ đã và sẽ dốc hết tất cả sức lực, thời gian, giúp Thầy để ngày tiếp nhận ngôi chùa vừa được phục hưng diễn ra như ước nguyện của họ.
Tới giờ Qui y thì thật là một hình ảnh hiếm có của một tỉnh mà gần như “trắng” Phật giáo trong một thời kỳ rất dài. Khó có ai có thể hình dung được một ngôi chùa không có dân xung quanh, vậy mà không biết là có phép nhiệm mầu nào mà Thầy và một Đệ tử của Thầy mới chỉ có hơn một tháng ra đây để chuẩn bị cho lễ tiếp nhận mà đã có tới hơn 500 giấy Quy y được viết. Giờ Qui y các Phật tử ngồi yên nặng lắng nghe Thầy giảng về năm điều Đức Phật dậy cho người phật tử để áp dụng vào đời sống thực tế hàng ngày. Mê tín và hiểu sai về đạo Phật bấy lâu nay sẽ dần được tháo mở, nỗi khổ, niềm đau sẽ vơi dần, hạnh phúc an lạc sẽ dần đến.
Thật cảm động! trước khi vào thuyết giảng Thầy hỏi “các Phật tử có thấy vui không?” “Vui lắm ạ” có lẽ trong đời họ, bao nhiêu chục năm rồi giờ họ mới thấy tâm bình an đến thế khi trả lời Thầy “vui ạ”. Vậy là từ giờ phút này, giờ phút mà các Phật tử lậy Đức Phật làm Thầy, giờ phút đã đọc 5 lời nguyện trước Đức Phật họ đã chính thức trở thành những người con của Đức Phật. Nhìn những đôi mắt họ ánh lên niềm vui mà mắt chúng tôi thì cứ muốn khóc. Khi ngắm nhìn họ đoàn Phật tử Sài Gòn chúng tôi bảo nhau “Vậy là dân Sài Gòn có quá nhiều Phước báu mà không biết”.
Một buổi Quy y vẫn chưa hết, người ghi danh vẫn tiếp tục, vậy là Thầy lại phải đưa thêm vào lịch trình một buổi Quy y tiếp vào sáng ngày hôm sau 15/1. Điều lạ là có tới 65% là tuổi trẻ từ 5 tuổi trở lên đã được cha mẹ đưa đến chùa để xin Quy y.
“Hãy cho con em đến chùa từ nhỏ, hãy để các em được học 5 điều dạy đạo đức của Đức Phật từ nhỏ đừng để đến lúc có hư hỏng mới chạy đến chùa cầu xin Phật phù hộ cho tai qua, nạn khỏi thì lúc đó có mười Đức Phật cũng chịu thua”. Đó là những lời giảng của Thượng tọa được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các bài giảng của Thầy. Có lẽ thế mà người dân nơi đây, trẻ em trở thành người Phật tử tại gia ngày hôm nay đông đến vậy.
Cũng có lẽ người dân nơi đây tối nay 14/1 năm Quý Tỵ 2013 cũng không thể quên được, chắc chắn họ sẽ kể lại cho con cháu họ, trong đời họ lần đầu tiên mới được trực tiếp nghe, mới được trực tiếp thấy mặt các ca sĩ, danh hài mà họ đã từng yêu thích mến mộ bao lâu nay trên truyền hình. 12 ca sĩ, diễn viên cùng MC từ TP Hồ chí Minh bay ra nơi mà chỉ cách biên giới Việt Lào có khoảng 45 km, trong một thời tiết khắc nghiệt lại vừa tết xong. Họ đã vì Thầy vì người dân huyện biên giới này, vì tấm lòng thành với đạo Phật đã đi làm công quả nơi chùa Tượng Sơn. MC La Thoại Phi và ca sỹ Đông Quân đã phải thốt lên rằng “ôi ! sao người dân nơi đây, nơi hẻo lánh này 22h30 hãy còn ngồi đông nghẹt, thành ra không lỡ kết thúc”.
Khi biết thông tin có ca nhạc vào tối nay, ai trong chúng tôi cũng thầm nghĩ “ai xem mà Thầy mời cơ chứ, không khéo chỉ có mấy chục người xem thì ca sĩ nào còn có hứng mà ca, uổng lắm” nhưng không ai dám nói với Thầy. Thế mà mới 19 giờ hơn, sân chùa rộng là thế mà đã không còn một chỗ ngồi, bao nhiêu ghế thuê mướn về được mang ra hết vẫn không là gì cả, thế là đứng, gần 20h lượng người đổ về mỗi lúc một đông, đèn chạy sáng cả một con đường Hải Thượng (đường ở đây không có đèn chiếu sáng, mặc dù là đường quốc lộ). Không cần người coi giữ xe, không cần bảo vệ, công an, thế mà mọi người vẫn trật tự, xe cũng không mất… Người ở đâu mà đến đông thế nữa? họ phải đi bao nhiêu cây số? làm sao mà họ biết được có ca sĩ về chùa Tượng Sơn mà họ đến xem đông thế?
Đã bao năm rồi? đã bao lâu rồi? người dân nơi đây không ai còn biết nữa, chưa được nghe Phật pháp, chưa được nghe nhạc niệm Phật, chưa được xem và nghe trực tiếp một buổi ca nhạc không ai có thể biết, có khi ngay cả những lăng mộ kia bao đời nay có lẽ đây là lần đầu tiên mới được nghe lời kinh tiếng Pháp và cả tiếng ca thế tục hay đến thế chăng?
Cám ơn Thầy! cám ơn tất cả những người dân huyện Hương Sơn, cám ơn những người đến làm công quả. Cám ơn những Phật tử đã luôn bên Thầy như các anh Khánh Linh các chị Thanh Nhã,Tâm Phượng, Diệu Thiện, Diệu Phương, Thanh Vi… và rất nhiều những người khác nữa mà không thể viết hết, kể hết được đã có những đóng góp, công sức, tiền của góp phần cho ngày khánh thành để lại dấu ấn không thể quên của người dân nơi đây.
Còn Thầy ngày hôm nay mới là ngày chính thức Thầy nhận bàn giao ngôi chùa, công việc còn rất nhiều hạng mục phải làm tiếp mới có thể đáp ứng cho việc tu học. Ước mơ của Thượng tọa sẽ mở một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và một phòng mạch chữa bệnh cho người nghèo quanh vùng này trên mảnh đất chùa Tượng Sơn. Chúng tôi thầm nguyện cầu cho ước nguyện của Thầy thành công.
Có thể ngày hôm nay 14/1 năm Quý Tỵ 2013 ngày khách thành phục hưng lại chùa Tượng Sơn sẽ được ghi vào sử sách, cho nhiều thế hệ mai sau biết đến, nhưng bây giờ, ngay tại đây, ngày hôm nay người dân xóm 1 đã lậy Đức Phật làm Thầy, đã biết được năm điều đạo đức dậy làm người của Đức Phật, đã là con của Đức Phật, đã có Thầy tâm linh của mình để nương tựa.
Người có ý tưởng sáng lập ra ngôi chùa và người trực tiếp xây dựng ngôi chùa và các Tổ sư đã trụ trì ngôi chùa này bao đời trước đây đang phiêu du nơi tiên cảnh nào chắc cũng đang vui cười hoan hỷ nhiều lắm.
Vậy là ước nguyện của tất cả dòng họ Lê Hựu, của Bộ Y tế, của Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, của người dân Hà Tĩnh nơi sản sinh và nuôi dưỡng bao nhiêu những anh tài hào kiệt đã đạt được ước mong.
Những người con Hương Sơn xin nguyện làm theo lời Phật dậy và xin được Nương tựa:
“Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước chí Viên Thành
….
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác từ bì
….
Con xin nương tựa Tăng
Đoàn thể sống anh vui
…."
Chùa Tượng Sơn! một dấu ấn trong chúng tôi với những hình ảnh Thượng Tọa đội chiếc nón lá dầm mình trong mưa rét, những dự định, nhữnh kế hoạch hoẳng pháp, những ước mơ biến nơi đây thành nơi tu học, mở phong mạch, nuôi trẻ mồ côi của Thượng Tọa chắc cũng là những ước vọng xưa của Đại Danh y Lương Hữu Trác. Ông sẽ vui lắm khi đón được một nhà xuất gia có tài, có tâm như thế. Những hình ảnh, những đôi mắt vui sướng khi làm con Phật, những đôi mắt khát khao Phật pháp, những tấm lòng thành hướng về Phật, những ước mơ cháy bỏng nhỏ bé của người dân nơi huyện biên giới nghèo này sẽ theo mãi chúng tôi khi chở về Sài Gòn và để lại một dấu ấn khó quên trong cuộc đời.
Rời Hương Sơn, rời xa Hà Tĩnh nhưng giọng hát ngọt ngào với lời bài ca Hà Tĩnh mình thương cứ văng vẳng bên tai theo chân chúng tôi về tận Sài Gòn.
“ Với Hà Tĩnh mình răng mà thương mà nhớ. Khi tôi ấu thơ gió bụi cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn, Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ, trời chang chang nắng ai quàng áo tơi. Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn, cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn.
Đứt ruột nhớ mong.”
Tạm biệt Chùa Tượng Sơn, tạm biệt Hà Tĩnh, hẹn gặp lại !
Sài Gòn tháng 2 năm Quý tỵ