nguoiphattu.com Sau mấy lần cùng đoàn Phật tử đi làm từ thiện ở Tây Nguyên, thấy bà con dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc chăm lo học hành cho con trẻ, thế là Đại đức Thích Niệm Tấn quyết định chọn buôn Kô Tam, xã Ea Tu (Đăk Lăk) là nơi tu hành.
Tại chùa Pháp Đạt, Đại đức đã mở nhiều khóa học miễn phí cho trẻ em nghèo hiếu học.
Trụ trì chùa Pháp Đạt- Đại đức Thích Niệm Tấn
Ảnh: Hải lộng
Là người đến cửa Phật từ tấm bé, nhưng rất ham học, tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh (hệ chính quy, khoa Ngữ văn), sau khi lựa chọn Kô Tu là nơi dừng chân, trụ trì chùa Pháp Đạt đã bắt tay vào việc xây dựng lớp học cho trẻ em nghèo, mong muốn sau này khi trưởng thành các em sẽ là người có ích cho gia đình, xã hội.
Sau 5 năm thành lập, chùa Pháp Đạt đã mở 5 khóa tin học trình độ A, B. Qua các kỳ thi lấy chứng chỉ Tin học quốc gia, tỷ lệ đỗ của lớp trình độ B đạt 100%, còn ở các lớp trình độ A đạt 90%.
Nhà chùa cũng kèm cặp hàng trăm trẻ em không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giúp các em được học văn hóa, học đạo đức làm người. Từ sự nâng đỡ của nhà chùa, nhiều em đã đỗ vào các trường đại học danh tiếng trong cả nước, lấy sự học làm con đường tiến thân.
Khi được hỏi, tại sao sư thầy lại chọn buôn Ea Tu, mà không chọn nơi khác, Đại đức Thích Niệm Tấn tâm sự: Tôi đến đây xây chùa chỉ vì muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào sự học của các em. Thiếu con chữ, các em không thể tiếp cận kiến thức mới, khó có thể vươn cao, vươn xa trong cuộc sống. Và thực tế, đây là buôn dân tộc thiểu số đầu tiên ở Tây Nguyên có chùa.
"Trong buôn, người dân đa phần theo đạo Thiên chúa và đạo Tin lành, việc thuyết pháp cũng như dạy học có gì trở ngại không, thưa thầy”?
" Ban đầu đông đồng bào dân tộc, các tín đồ tôn giáo khác còn e ngại, vì nghĩ rằng nhà chùa sẽ vận động con em họ theo đạo Phật. Nghĩ như vậy là không đúng, vì mình chỉ muốn mở rộng kiến thức cho tất cả những người nghèo ham học chứ không có nội dung nào vận động các em theo đạo Phật. Hơn nữa, các giáo viên ở đây chủ yếu là thầy giáo ở các trường Cao đẳng và người có chuyên môn tự nguyện cùng với nhà chùa truyền thụ những kiến thức tiên tiến, hiện đại, nhất là kiến thức tin học. "
Thầy nhiệt tâm, trò ham học. Học viên dưới mái chùa này có đủ các tôn giáo khác nhau, người theo đạo Phật, người theo Thiên chúa giáo, Tin lành... nhưng họ đều có điểm chung là nghèo và ham học.
Cứ 19 giờ hàng ngày, khi tiếng kinh kệ vừa dứt thì lớp học từ thiện phía sau chính điện chùa Pháp Đạt lại bắt đầu. Ở đây không chỉ dạy tin học, Đại đức Thích Niệm Tấn còn vận động các giáo viên dạy hè, luyện thi miễn phí cho học sinh các cấp vào đại học hay chuyển cấp, bản thân sư thầy cũng thường xuyên đứng lớp.
Đại đức tâm niệm: Phải giáo dục cho các em xác định được ý chí học tập, mục đích rõ ràng thì việc học hành mới đạt được kết quả cao. Thành công của các em cũng góp phần giúp nhà chùa hoàn thành tâm niệm của nhà Phật là: Cho chúng sinh trí tuệ là công đức vô lượng, mà giáo dục chính là nâng cao hiểu biết trí tuệ, vì vậy sư thầy mới bỏ rất nhiều công sức để thực hiện việc này.
Lớp học tin của chùa
Ảnh: Hải lộng
Hiện nay, nhà chùa mới được xây dựng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ đường, nhưng sư thầy đã dành hầu hết số tiền ủng hộ của các Phật tử, nhà hảo tâm để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập giúp các em nghèo trong xã, để các em cũng như gia đình giảm bớt một phần khó khăn.
Ngay gian nhà tốt nhất của nhà chùa cùng dành để làm lớp học, bản thân sư thầy Thích Niệm Tấn cũng phải ngủ ngoài hiên để dành phòng làm lớp học.
Không những thế, hiện nay chùa còn nhận nuôi 4 đứa trẻ, trong đó 3 trẻ mồ côi. Chùa cũng nhận chăm sóc cư sĩ Hoàng Xuân Luận bị tàn tật do chất độc da cam.
Mong muốn lớn nhất của Đại đức Thích Niệm Tấn là làm sao có thêm điều kiện để trang bị cơ sở vật chất phục vụ sự học cho trẻ em nghèo, để các em có thể biến ước mơ thành hiện thực.