;
Am, cốc, thất: phủ nhận hay chấp nhận?
Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am khác nhau như thế nào ?
Trong một số bài trước đây cùng đề tài am, cốc, thất, chúng ta đã đi đến kết luận là việc hạn chế am, cốc, thất là không khả thi, nếu không muốn nói là một chủ trương trái pháp luật.
Chúng ta điểm lại khía cạnh này một chút, trước khi đi tới một giải pháp đề xuất cho vấn đề phức tạp này. Chúng ta sẽ tránh đi vào những điều khoản luật pháp cụ thể để không tạo cảm giác “kết án” chủ trương xóa am, cốc, thất. Chỉ cần đề cập đến những nguyên tắc chung của luật pháp là vấn đề đã rất rõ ràng, dễ hình dung.
Tăng ni là những công dân, đương nhiên có quyền sở hữu bất động sản (ngay cả đối với một người ngoài xã hội dù mất quyền công dân đi nữa, họ không hề mất quyền sở hữu tài sản).
Người sở hữu bất động sản đương nhiên có quyền đối với bất động sản đó như quyền định đoạt, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng… Như vậy, không thể nào cấm một người sở hữu nhà được cư trú trong căn nhà họ có quyền sở hữu. Một lệnh cấm như vậy tất yếu vi phạm pháp luật một cách nặng nề.
Là người tu hành cư trú bất động sản của mình Tăng ni dĩ nhiên được thờ Phật. Không có và cũng không thể quy định kích thước tượng Phật thờ tại tư gia.
Là một công dân, dĩ nhiên tăng ni có quyền đón tiếp mọi người đến am, cốc, thất. Việc cùng nhau lễ Phật tụng kinh trước bàn thờ Phật, trao đổi ý kiến về Phật học cũng là điều không thể ngăn cấm.
Các điểm nhóm đạo Tin lành hiện nay nếu xin phép, đều được chấp thuận sinh hoạt tôn giáo tại tư gia. Như vậy, về nguyên tắc, việc sinh hoạt tôn giáo tại tư gia không phải là điều ngăn cấm, mà chỉ yêu cầu phải đăng ký để quản lý.
Từ xu hướng đã nói ở trên, chúng ta có thể hình dung ra cách giải quyết vấn đề am, cốc, thất. Nếu giáo hội không công nhận am, cốc, thất, thì trước tiên là không quản lý được (vì có trực thuộc mình đâu mà quản lý). Như thế, am, cốc, thất trở thành những ngôi chùa mi ni ngoài Giáo hội, với số lượng ngày càng tăng dần. Như đã phân tích trong một bài trước, điều này không có lợi cho Giáo hội.
Không thể cưỡng bức gia nhập giáo hội, chỉ có thể vận động, nhưng điều này không phải dễ, vì những chủ sở hữu am, cốc, thất không muốn biến tài sản riêng của mình thành tài sản tôn giáo.
Vậy thì làm sao? Chỉ còn có cách công nhận hoạt động tôn giáo ở tư gia như hình thức điểm nhóm tư gia của đạo Tin Lành.
Một trong những nguyên tắc lớn của quản lý nhà nước là hết sức tránh việc tồn tại bất bất hợp pháp, không thể kiểm soát, quản lý. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận am, cốc, thất đúng như thực tế mà nó vẫn có, đúng như sự thật là tư gia có sinh hoạt tôn giáo với điều kiện là phải đăng ký sinh hoạt, thì đây có thể một giải pháp để Giáo hội quản lý am, cốc, thất.
Tại sao đạo Tin lành có điểm nhóm tư gia, sinh hoạt tôn giáo đông người tại nhà riêng, với điều kiện đăng ký, còn Phật giáo thì không thể?
Nhà nước đã và đang tạo thuận lợi cho những điểm nhóm Tin Lành tư gia đăng ký hoạt động, thì lẽ nào Phật giáo lại đi theo hướng ngược lại, cấm đoán một cách bất khả thi am, cốc, thất, đẩy họ vào hoạt động tôn giáo bên ngoài giáo hội, không thể quản lý kiểm soát gì hết?
Chẳng những cho phép tu sĩ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tư gia, việc đăng ký còn có thể mở rộng đến đối tượng tín đồ, những người tuy không thọ giới xuất gia nhưng xuống tóc, mặc áo vạt mẻ tu hành, và cả những tín đồ trang phục, hình tướng bình thường.
Giải pháp như trên dựa trên tư duy ngày càng cởi mở hơn trong sinh hoạt tôn giáo, miễn là chịu sự quản lý. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó là hướng để quản lý toàn diện sinh hoạt Phật giáo, đối với mọi tu sĩ tín đồ, hơn là tự cô lập chỉ quản lý một bộ phận tăng ni ở chùa, và đẩy một bộ phận còn lại ra khỏi tầm tay của mình.
Đối với tu sĩ và tín đồ Phật giáo chủ nhân am, cốc, thất, đây là thuận lợi để họ tham gia sinh hoạt giáo hội một cách không ngần ngại (am, cốc, thất vẫn là nhà tư của chủ sở hữu tư nhân).
Đối với vấn đề tài sản am, cốc, thất là tài sản tư nhân, nhưng được giáo hội kiểm soát về sinh hoạt tôn giáo, trước năm 1975, ở miền Nam cũng đã có hình thức giáo hội “bảo hộ” cơ sở Phật giáo tư nhân khi có yêu cầu, thì cũng nằm trong xu hướng này. Nếu hình thức quản lý này được chấp nhận đưa vào Hiến chương thì nó sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để mọi người tu Phật có thể thực hiện nguyện vọng tu tập.
Trong bài này chúng ta cũng đi sâu hơn vào một đề xuất căn cơ.
Tu sĩ lập am, cốc, thất là vì muốn có nơi tu hành. Trong khi đó, ở miền Bắc lại có nhiều chùa không sư trụ trì, bỏ không (xem bài về đề tài này của cư sĩ Giới Minh đăng trên trang Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Ban Thông tin Truyền thông). Do đó, một cách thiết thực để giải quyết vấn đề am, cốc, thất là giáo hội nên tăng cường hoạt động bổ nhiệm trụ trì, có thể thông qua thi tuyển, tạo điều kiện cho nhiều người tu hành có được cơ sở tu hành. Đồng thời giáo hội cũng giải quyết được tình trạng chùa không sư.
Giải quyết nghịch lý nhiều chùa không sư, nhưng nhiều sư không chùa phải lập am, cốc, thất chính là khơi thông một bế tắc lớn của Phật giáo Việt Nam hiện nay.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.