;
Vị tu hành này là Thích Minh Thủy, đang trụ trì trên đỉnh Thị Vãi (núi Thị Vãi, xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Trên đỉnh núi, khuất sau những cánh rừng, cây cối um tùm, sau những phiến đá nằm trơ trọi, bào mòn giữa thời gian, từ nhiều năm nay, đôi lần du khách lên núi vái Phật bắt gặp một vị tu hành ngồi khiết đà, nhưng không một ai có thể hiểu tường tận về câu chuyện quá khứ đoạn tuyệt giang hồ của vị tu hành ẩn danh này.
Băng rừng lên cốc tìm gặp vị tu hành ẩn danh
Men theo triền rừng không một bóng người, tôi cố dò dẫm bám theo từng lối mòn, lối cỏ mọc, tay bám vào vách núi đầy rêu phong, đôi chân mỏi nhừ tìm hướng dẫn lên cốc, nơi sư thầy Thích Minh Thủy tu hành.
Đường lên núi Thị Vãi uốn lượn thông đến các dãy núi cao và xa hút tầm mắt. Tôi thở hồng hộc vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng lại gặp cơn mưa rừng bất chợt, những đàn muỗi vằn chích đốt. Để đến được cốc của sư thầy, chúng tôi phải mất gần 5 giờ đồng hồ băng rừng. Và nếu như không đủ can cảm, khó ai có thể khám phá ngọn núi đầy bí ẩn này.
Con đường dẫn lên đỉnh núi chỉ có vài đoạn được lát đá, còn lại phải luồn lách, băng trong rừng, theo lối mòn. |
Dọc đường lên cốc, không gian tịch liêu, âm u đến đáng sợ. Tiếng chim bay sải cánh về chiều, muông thú lạo xạo trong các hốc cây, bụi rậm, tạo cho tôi cảm giác ớn lạnh.
Quanh co gần cả chiều, cuối cùng đến một hẻm núi vắng lạnh, tôi không thể tin và không thể mường tượng nổi, vị tu hành tuổi đã xế chiều đã ở nơi đây được hơn 13 năm, quyết gắn chặt cuộc đời mình với cảnh tịch liêu, tách rời khỏi thế sự trần gian.
Giữa cánh rừng âm u, lớp sương xõa lấp trán, ngay phía trước cốc, nơi sư thầy đang tu hành, sư Thích Minh Thủy hai chân khoanh hình chữ ngũ, lưng thẳng như đặt vào điểm tựa, đôi mắt nhắm dần đi vào thinh không.
Phải mất hơn 5 giờ đồng hồ băng rừng, tôi mới có mặt tại cốc nơi sư thầy đang tu hành khi trời đã đặc quánh màn sương |
Mỏm đá cao nhất của đỉnh Thị Vãi, giữa 4 bề chỉ có mây và gió núi, là sư thầy Minh Thủy chọn làm nơi đặt cốc để tu tập. Sư tự hào ví đây là điểm nối giữa hai múi trời và đất, nơi chưa thoát trần thế nhưng cũng chớm đến cảnh tiên.
Sư Minh Thủy có 3 nơi ngồi thiền. Mỏm đầu tiên nằm hướng Đông Bắc nhỉnh hơn, có thể trông thấy toàn bộ núi non, còn mỏm phía Nam, lớn nhưng thấp hơn bao quát toàn bộ đất Vũng Tàu.
Cốc của sư Thủy đang ngự nằm khuất dưới dãy đá. |
Trên hai chỏm đá cao ngất ấy, tạo hóa vô tình đặt hai hòn thạch khổng lồ, nhìn xa trông như đấng tiên ông đang chuẩn bị cáo trần bay về trời.
Nơi thiền cuối cùng là chiếc hang độc đáo ngay trong nhà. Chỉ vỏn vẹn lọt thân người, nhưng vào trong ngày nóng vẫn mát như được được phả hơi nước, ngày lạnh lại ấm như được trùm chăn, nên được sư ví như “cỗ máy điều hòa” mà tạo hóa ban tặng.
Chỗ sư ngồi thiền, dù trên đá hay trong hang đều nhẵn thín và trơn bóng như mặt gỗ mun. Gan và mu bàn chân nơi tiếp đất chai lên, cứng như miểng đá chăm được mài, sư gọi vui, đó là đế dép (ông không đi dép). Quanh năm chỉ cần một dải áo cà sa màu nghệ, vắt lên thân hình xương xẩu nom khổ hạnh, vậy mà bao giờ tinh thần sư cũng thanh thản, tươi cười như đang hoan hỉ trong thế giới cực lạc.
Sư thầy Thích Minh Thủy ngồi thiền bên vách đá gần cốc |
Người ta bảo, nếu muốn đạt được dung mạo như thế, chỉ có những ai chưa từng vấy bụi trần, thành tâm, đồng thời có công năng tu tập lâu dài mới có được. Thế nhưng, sư Thích Minh Thủy lại như một ngoại lệ. Trước khi trở thành vị chân tu, ông từng là một kẻ giang hồ chọc trời khuấy nước, gây bao tội lỗi.
Vết trượt tội lỗi
Ngồi tĩnh lặng trước cốc, hướng đôi mắt xa xăm chiếu vào màn đêm đặc quánh sương mờ phủ khắp, sư thầy bảo, mỗi lúc tâm hồn còn vướng bận trần gian, thì đây là cách để lòng xóa đi được ưu phiền, gột rửa tâm can nhẹ nhàng hơn.
Hồi tưởng lại cuộc đời mình, sư Thủy nhớ đó đã là quá khứ đáng để quên, vì mỗi khi ai đó hoặc người quen gợi lại, lòng sư cảm thấy đau xót vì một thời lầm lỡ.
Mỗi khi nhớ lại quá khứ của mình, sư thầy day dứt, ân hận vì gây ra quá nhiều tội lỗi |
Sư Thích Minh Thủy có tên khai sinh là Phạm Văn Hưởng, xuất thân trong gia đình truyền thống nho giáo ở Thái Bình, gia đình di cư vào Nam lập nghiệp. Cha là thầy đồ, nhà chỉ 2 chị em, nên tuy không phải thành phần giàu có, nhưng so với các gia đình khác thì nhà Hưởng cũng thuộc dạng có của ăn của để.
Cha là một người luôn tỏ ra rất nghiêm khắc, rất ý thức cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Đặc biệt, Hưởng là con trai độc, nên luôn là niềm kỳ vọng của cả gia đình.
Sinh thời người cha luôn quan niệm, bằng mọi cách phải dạy Hưởng những khuôn phép mẫu mực của đạo nho xưa như: Tam cương (khuôn phép mối quan hệ Vua- tôi, Cha- con, Vợ- chồng), Ngũ thường (5 đức thường có: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín), để làm sao Hưởng trở thành một người hoàn thiện nhất.
Sư thầy Thích Minh Thủy |
Vậy nhưng, ngay từ khi sinh ra, Phạm Văn Hưởng đã là đứa trẻ rất nghịch ngợm nên thay vì chuyên tâm mài dùi kinh sử, thì Minh Thủy chỉ vờ vâng dạ trước mặt cho qua chuyện, sau đó là tìm cách tụ tập đám bạn, thỏa chí ăn chơi.
Chơi nhiều quên học hành, năm lên lớp 10, Hưởng đã biết bỏ nhà đi bụi. Năm 1970, ngày trường tổ chức kỳ thi tú tài I (để lên lớp 12 ngày nay) thì Hưởng bỏ đi. Lời cha dặn trước khi nhắm mắt rằng phải học thành người, Hưởng quên bẵng như gió bay.
Không lâu sau, có lệnh tuyển quân của chính quyền bên kia chiến tuyến, Hưởng nộp đơn tham gia chỉ với ý nghĩ rất thực dụng vào quân đội được dùng súng tự do, được học võ để đánh người, đặc biệt được ăn chơi xả láng.
Nhưng vào hàng ngũ lính không được bao lâu, Hưởng đã nghiện bạch phiến, thứ mà binh lính Mỹ mang sang Việt Nam rất phổ biến lúc bấy giờ.
Sư Minh Thủy nhớ lại: “Sư chính thức nghiện hút từ năm đầu tiên nhập ngũ ở Nha Trang, lúc đó mới 17 tuổi. Cuộc đời sư bắt đầu trượt dài trong bóng đêm tội lỗi từ đó”.
Kỳ tới: Ngày ấy, sư Thủy từng sống trượt dài với những tấn trò đời và lặn ngụp trong ma túy rồi dẫn đến trộm cướp, ngồi tù… nó cứ xô đẩy, tiếp diễn như những hình xăm rồng rắn chằng chịt ngày càng dày thêm trên thân thể.
Giang Uyên
Theo Infonet
ThienChi
Nhất niệm thành Ma - Nhất niệm thành Phật. Giác ngộ
Thích Trả lời 7/22/2012 11:16:10 AM