;
Một Trung tâm Tịnh hóa thuộc tu viện Như Giác (huyện Củ Chi, TP.HCM)
Từ một thực tế…
Bức ảnh Đức Phật Thích Ca bác Cang chỉ cho tôi đã dựng ở hành lang chung cư 126, Q.Gò Vấp đã nhiều ngày. Đó là tấm lịch bloc bìa cứng có kết cấu với nhựa pha kiếng hình Đức Phật Thích Ca mặc cà-sa màu vàng, trong tư thế tĩnh tọa trên tòa sen màu bạc rất đẹp. Vậy là tôi mang tấm lịch cũ ấy về và tôn trí tại phòng làm việc ở tòa soạn cho đến bây giờ.
Đức Phật Thích Ca trên tấm lịch bloc cũ đã được dùng trang trí trong một gia đình, khi dọn nhà đi, bức lịch đã cũ, không còn giá trị sử dụng (xem ngày tháng) nhưng hình ảnh Đức Phật Thích Ca vẫn còn rất đẹp. Có lẽ, chủ nhà không biết phải ứng xử như thế nào, nên đành để như thế.
Không chỉ đối với tranh, tượng, hoặc các ấn phẩm có hình tượng Phật, Bồ-tát, mà còn các loại hình đồ thờ phượng, tượng thần tài, thổ địa, ông táo… khi cũ, rách, hư tổn, nhất là vào mỗi cuối năm âm lịch khi dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới, nhiều người không biết mang về đâu, tự hủy thì “sợ tội”, mà bỏ đi thì không được. Có người lén mang đến bỏ ở các gốc cây của các chùa, đành nhờ quý thầy, quý sư cô lo liệu.
… đến việc thành lập Trung tâm Tịnh hóa
Với quy luật sinh - trụ - dị - diệt, tất cả những gì thuộc vật chất cũng không nằm ngoài chu trình ấy, kể cả tôn tượng Phật, Bồ-tát, kinh sách, đồ thờ phượng… Và như đã nói, chùa trong trường hợp này chính là trung gian tiếp nhận đồ thờ phượng bị hư tổn từ Phật tử, người dân.
Từ ngày 12-12-2012, khi Trung tâm Tịnh hóa đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh được thành lập, nhiều chùa cho biết cảm thấy rất nhẹ nhõm vì sau khi chuyển cho trung tâm sẽ chọn lọc, lau chùi, trung tâm có thể sử dụng lại những tranh tượng, đồ thờ phượng tưởng như bỏ đi. Trường hợp khá đặc biệt, một gia đình theo đạo Thiên Chúa cho biết, gia đình chỉ có một người thờ Phật. Khi người ấy đi nước ngoài, nhà bán cho gia đình theo đạo Tin Lành nên bàn thờ, hình ảnh Đức Phật còn rất trang nghiêm cũng phải dọn dẹp, may mà biết Trung tâm Tịnh hóa để chuyển đến.
Không chỉ các chùa, Phật tử, người dân tại TP.Hồ Chí Minh là khách thường xuyên của trung tâm, một số ngôi chùa, Phật tử ở các tỉnh, thành như Long An, Tiền Giang, An Giang… cũng vận chuyển kho tranh tượng hư tổn ở chùa, nhà mình đến cho trung tâm.
Ngoài việc tiếp nhận, trung tâm còn có nhiệm vụ phân loại và xử lý theo hướng: tẩy tịnh, lưu trữ lại và hiến cúng các chùa ở vùng quê nghèo, hoặc những ai có nhu cầu (đối với tranh, tượng… còn trang nghiêm). Riêng, với những tranh, ấn phẩm văn hóa, tâm linh… không còn sử dụng được sẽ tịnh hóa và mỗi lần tịnh hóa đều thỉnh chư Tăng Ni chú nguyện.
Tâm niệm làm việc công đức
Cô Đức Tâm (pháp danh của cư sĩ Huỳnh Long Ngọc Diệp trước đây, nay xuất gia và đã thọ Sa-di-ni giới), người chủ trương thành lập Trung tâm Tịnh hóa cho biết, tâm nguyện thành lập trung tâm là thành lập một kho lưu trữ, tẩy tịnh để tái sử dụng hay cung thỉnh chư Tăng tiến hành nghi thức tịnh hóa các ấn phẩm Phật giáo cũ nát một cách trang nghiêm. Duyên lành hội đủ, được sự tán thành, động viên, khích lệ tinh thần của chư tôn đức, Trung tâm Tịnh hóa ra đời đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn của nhiều chùa, Phật tử, người dân.
Điều ý nghĩa của trung tâm là ngoài việc tập hợp được tranh, tượng, đồ thờ phượng, những ấn phẩm, văn hóa, tâm linh đã hư tổn, cũ, Trung tâm Tịnh hóa còn có thể giúp giữ gìn môi trường. Thực tế, tranh, tượng, ấn phẩm đã hư tổn này rất khó xử lý. Nhiều tranh, tượng được làm bằng giấy nhựa, các-tông, đá, xi-măng… khó tiêu hủy trong môi trường thiên nhiên. Qua hơn một năm hoạt động, đa số các tranh, tượng bằng các chất liệu khó tiêu hủy này được tái sử dụng. Từ kho của Trung tâm Tịnh hóa, nhiều pho tượng, đồ thờ phượng cũ đã được chọn lọc, tẩy tịnh và ấn tống đến nhiều ngôi chùa vùng sâu, vùng xa, những gia đình Phật tử, những người không đủ điều kiện thỉnh tượng mới.
Hiện nay, Trung tâm Tịnh hóa có 3 điểm tiếp nhận tại TP.Hồ Chí Minh và một kho chứa tại xưởng may Lam Hiền, xã An Phú, huyện Củ Chi. Sau khi tiếp nhận, nhân viên của trung tâm và đạo tràng Đại Bi Lam Hiền (H.Củ Chi) phụ trách phân loại, lau chùi. Đối với những hiện vật đã quá cũ nát thì để riêng, tôn tượng, tranh, ảnh nào còn sử dụng được thì để dành một khu vực riêng để người có nhu cầu thỉnh lại.
Tưởng là công việc tiếp nhận này đơn giản nhưng thực tế lại đôi khi đòi hỏi rất nhiều nhân lực, thời gian cho khâu vận chuyển, đóng gói, bốc xếp… Có những tượng xi-măng cũ cao đến 5-6 mét, sau khi tiếp nhận, trung tâm phải dùng xe tải, xe cẩu di chuyển đến kho tại H.Củ Chi. Công việc này cũng khá vất vả, tốn kém. Được biết, chi phí vận hành trung tâm hiện nay được trích lợi nhuận từ hệ thống nhà hàng chay thuộc hệ thống Việt Chay tại thành phố.
Cô Đức Tâm cho biết thêm, thật sự công việc này đòi hỏi công đức rất lớn, ban đầu các nhân viên cũng thấy nản vì công việc này không đem lại lợi ích gì cho họ. Sau khi được nghe giải thích và hiểu hơn ý nghĩa của công việc công đức này, tất cả các anh em đều vui vẻ.
Dự kiến, tháp Tịnh hóa cao 8 mét sẽ được xây dựng tại xã An Phú, H.Củ Chi để phục vụ cho công việc tịnh hóa các sản phẩm hư hỏng, cũ. Tháp này sẽ được khánh thành vào dịp Lễ Phật đản PL.2558 và tại đây, sẽ cung thỉnh chư Tăng thực hiện nghi thức tịnh hóa lần đầu tiên.
Năm nay, Trung tâm Tịnh hóa cũng sẽ thiết kế một quầy trưng bày tại các điểm tiếp nhận của trung tâm. Tại đây sẽ trưng bày các tranh, tượng, ấn phẩm còn đẹp, sử dụng được để các chùa, Phật tử, mọi người dân có nhu cầu đều có thể thỉnh về miễn phí.
Trung tâm Tịnh hóa đặt trụ sở tại chùa Phổ Quang (64/3 Huỳnh Lan Khanh, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) sẽ tiếp nhận các tranh tượng, ấn phẩm hư nát tại ba địa điểm gồm: Siêu thị Pháp Hoa (chùa Phổ Quang, 64/3 Huỳnh Lan Khanh, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM); Tổ in ấn (380/1 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM) và Trung tâm Phật Ngọc (40 Cù Lao, P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
H.Diệu - Báo Giác Ngộ
Nguyen Van Khanh
Không có thông tin địa chỉ sdt liên hệ ạ AD
Thích 1 Trả lời 7/5/2024 9:53:07 AM