;
Hỏi: Tại sao một người Phật tử lớn tuổi muốn đọc tụng và học thuộc kinh, nhưng học mãi vẫn không thuộc?
Đáp: Đối với những người cao tuổi, thân thể theo định luật vô thường mà suy yếu, mòn mỏi dần dần theo năm tháng để đi đến chỗ tan hoại. Trí não cũng theo đó mà yếu kém dần, cho nên sự ghi nhớ và học thuộc lòng kinh kệ là một điều khó khăn.
Sáu căn dần dần biến đổi, suy yếu và không còn tinh anh như những ngày còn trẻ tuổi. Mắt thì mờ kém, không thể nhìn thấy rõ; tai thì lúc nghe được và lúc thì không; mũi và lưỡi thì không còn nhạy bén trước mùi và vị… Điều đó báo hiệu cho chúng ta một sự thật mà tất cả mọi người đều phải nếm trải qua là đời người nằm gọn trong bốn chữ: Sinh – Già – Bệnh – Chết.
Những người cao tuổi đã trải qua hai đến ba chữ trong cuộc đời con người là Già hoặc là Bệnh rồi, bây giờ nếu muốn học thuộc lòng như những người trẻ tuổi thì e rằng khó làm được. Thậm chí, những người trẻ tuổi nếu suốt ngày chỉ lo làm ăn tính toán, bận rộn công việc thì cũng khó lòng mà học thuộc kinh kệ, huống nữa là người già cả.
Như vậy, việc làm quan trọng đối với người lớn tuổi trong việc học Phật pháp là cần bỏ qua bước học thuộc lòng kinh kệ, mà thay vào đó là nên chuyên tâm nghe pháp và tìm hiểu nghĩa lý để ứng dụng tu hành cho bản thân, bởi vì thời gian không còn nhiều. Thường ngày nên dành thời gian để nhìn lại mái tóc đã bạc trắng và hàm răng đã rơi rụng gần hết của mình để từ đó mà thấu hiểu đạo lý vô thường biến đổi mà đức Phật đã chỉ dạy mà nỗ lực tinh tấn tu hành. Điều này không có xa, chỉ nhìn lại sự biến đổi ở nơi thân thể của mình là liền thấy được Đạo.
Hơn nữa, ở ngay nơi bản thân của mình hiện tại có một sự thật vô cùng quan trọng mà nếu không làm dù chỉ trong phút giây là liền ngã lăn ra chết, mà hầu như không ai quan tâm hoặc nghĩ nhớ đó là vay mượn hơi thở. Đây là việc làm thiết thực của mình, nhưng không bao giờ nhớ, mà chỉ nhớ những việc của người khác hoặc tin tức thời sự khắp thế giới.
Thở là mượn không khí vào và trả không khí ra. Cứ hít vào và trả ra, vay trả đều đặn thì còn sống, nếu ngừng lại là chết ngay tức khắc. Như vậy, khi quán xét hơi thở của mình tức là sự xoay nhìn lại lẽ thật vô thường đang xảy ra ở ngay nơi thân của mình. Bây giờ, nếu khéo biết nhiếp niệm trong danh hiệu Phật với từng hơi thở ra vào: “Hít vào A Di; thở ra Đà Phật” thì mỗi một hơi thở vào và ra có thể giúp làm cho tâm vừa yên định và vừa tỉnh sáng nhìn thấu được lẽ thật.
Lẽ thật gì? Khi thân đau nhức thì biết rõ rằng đức Phật đã nói tấm thân này là tạm bợ giả dối; khi đôi mắt bị mờ thì mình biết rằng con mắt đã bị vô thường, chân tay run rẩy thì thấy được sự thật mỗi ngày càng đi đến chỗ già yếu… Thấy được sự thật mọi thứ đang đưa mình đi đến chỗ hoại diệt và nằm im trong hòm, thì còn có gì đáng để tranh giành và từ đó dễ dàng buông bỏ mọi sự tham muốn, nóng giận, phân biệt hơn thua và sự mê chấp cho cái thân này là mình. Bao nhiêu thứ phiền não của tham, sân, si, buồn vui, thương, ghét… đều tự nhiên rơi rụng theo từng danh hiệu Phật theo hơi thở, mà không cần phải cố gắng thật nhiều.
Như vậy, thì nhìn gương soi ngắm dung nhan của mình cũng có thể tu, lỗ tai nghe không rõ cũng có thể giúp mình thấy được pháp, sự ăn uống hay đi đứng khó khăn cũng có thể đưa mình đến chỗ giác ngộ. Ở đâu cũng thấy Phật pháp, lúc nào cũng nhận ra được sự thật, cho nên dễ dàng được giác ngộ và đó chính là sự học thuộc và thực hành được cốt tủy của sự tu học theo Phật.