;
1, Chỉ tiêu 300.000 người dự Đại lễ Vesak 2014 tại TPHCM
Một bạn đọc, khi phản hồi bài “Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM: Việt Nam Quốc Tự” của tôi, cho rằng tôi có ý định “thuyết phục” lãnh đạo, và khuyên “đừng đưa ra những đề nghị khơi khơi và nhất là quá viễn vông giống như tổ chức Vesak với ba trăm ngàn Phật tử tham dự”.
Vì vậy, tôi thấy cần thiết trở lại vấn đề này, và rộng hơn nữa, đó là vấn đề tiêu chuẩn cho một lễ Phật đản xứng tầm, ngày càng quy mô, đáp ứng nguyện vọng của tăng ni Phật tử.
Mục tiêu trên hết của tôi không phải là “thuyết phục” các nhà lãnh đạo Phật giáo. Mục tiêu của tôi là nói lên nguyện vọng của tăng ni Phật tử, trong đó có tôi. Tôi không được giao nhiệm vụ tham mưu cho nhà lãnh đạo nào cả, nên không đi tìm mục tiêu thuyết phục ai cả.
Thế nhưng, tôi có quyền bày tỏ nguyện vọng của mình, mà tôi nghĩ là chính đáng.
Nguyện vọng tổ chức đại lễ Phật đản trọng thể, quy mô, xứng tầm không phải là nguyện vọng riêng của cá nhân tôi, mà đó là nguyện vọng của tất cả những người con Phật, trừ những trường hợp cá biệt.
Khi trình bày nguyện vọng tổ chức đại lễ Phật đản trọng thể, xứng tầm và luôn ở mức ổn định, thì cần thiết phải lượng hóa, không thể chỉ định tính, nói chung chung. Quy mô là quy mô ra sao, cụ thể cái quy mô đó bằng các con số chi tiết. Xứng tầm là so sánh với những trường hợp nào, hãy chỉ ra, không thể nói chung chung.
Vì vậy, chúng tôi phải định lượng. Mà định lượng ở đây không thể bằng cách nêu con số chủ quan, rồi thuyết phục. Chừng nào con số đưa ra là chủ quan, tự người viết bài nghĩ ra, thì mới là “khơi khơi”. “quá viễn vông”. Nếu làm như vậy thì có muốn thuyết phục, cũng không thuyết phục được ai, vì không có cơ sở thuyết phục.
Tìm một con số định lượng thì phải đi từ căn cứ thức tế. Như vậy, không thuyết phục cũng sẽ thuyết phục.
Cơ sở để có con số 300.000 Phật tử tham dự Đại lễ Vesak 2014 tại TPHCM là căn cứ từ so sánh giữa số lượng Phật tử và chỉ tiêu người tham dự Vesak giữa Phật giáo tỉnh Bình Dương và Phật giáo TPHCM. Căn cứ đó là y vào lời phát biểu của thượng tọa Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, vào các thống kê cụ thể, chi tiết và có tính pháp lý về tín đồ Phật giáo ở mỗi địa phương. Những cứ liệu để đi đến con số chỉ tiêu 300.000 Phật tử tham dự đại lễ Phật đản tại TPHCM là hiển nhiên, giá trị, nêu xuất xứ rõ ràng. Nếu bác bỏ chỉ tiêu như thế, cho là “khơi khơi”, “quá viễn vông” thì phải bác bỏ những căn cứ để đi đến con số cụ thể đó. Tất nhiên, sẽ không làm được điều đó, vì chúng tôi có trích dẫn rất rõ ràng.
Hơn nữa, dù cảm tính, định tính, nói “khơi khơi” là “quá viễn vông” đối với chỉ tiêu 300.000 Phật tử dự đại lễ Vesak 2014 tại TPHCM, cho rằng không thể nào đạt được chỉ tiêu đó, thì chỉ tiêu đó cũng có giá trị. Và dù không có ý “thuyết phục”, thì chỉ tiêu đó cũng có tác dụng thuyết phục cho một ngày đại lễ Vesak quy mô.
Giá trị chúng tôi nói là chỉ tiêu có cơ sở như vậy, dù có thể đạt được hay không vẫn tạo áp lực đối với những vị có trách nhiệm trong việc tổ chức Đại lễ Vesak 2014. Như thế, điều chúng tôi muốn là áp lực từ cơ sở thực tế, định lượng, cụ thể, chi tiết, chứ không phải là sự thuyết phục. Hiểu đó là thuyết phục là không hiểu ý của tôi. Thuyết phục, từ một Phật tử không ai biết, không có chức vụ gì như tôi thì làm gì thuyết phục? Áp lực từ thực tế mới là quan trọng. Mà đó mới chính là điều mà tăng ni Phật tử mong muốn, không phải là ý muốn chủ quan của riêng Phật tử Minh Thạnh. Chính thực tiễn căn cứ tạo thành sức mạnh cho chỉ tiêu được đề ra.
Còn cụ thể hơn nữa, khi sức mạnh của chỉ tiêu đó được tạo nên bằng một sự so sánh cụ thể. So sánh với Đại lễ Vesak sẽ được tổ chức tại tỉnh Bình Dương, một tỉnh lân cận TPHCM, với so sánh số lượng tín đồ Phật giáo cụ thể.
Nếu việc tổ chức Đại lễ Vesak 2014 thua kém tỉnh Bình Dương, thì PG TPHCM còn gì là mặt mũi, sĩ diện? Đây là chỗ mà tăng ni Phật tử trông vào, chứ không phải là ở chỗ đi thuyết phục.
Như vậy, con số 300.000 tín đồ Phật giáo tham dự Đại lễ Vesak 2014 tại TPHCM là một chỉ tiêu mặc nhiên, khách quan, ắt phải, không là “khơi khơi” từ ai hết.
Ba trăm ngàn là biên độ trên, còn biên độ dưới là phải trên chỉ tiêu số lượng tín đồ dự lễ Vesak 2014 tại tỉnh Bình Dương, tức là trên con số tín đồ dự lễ Vesak cực đại tại TPHCM, cụ thể là năm 2008.
Thực tế như trên tạo ra tình huống có lợi cho việc tổ chức lễ Phật đản tại TPHCM, đo là tình huống đối chiếu, so sánh với việc tổ chức lễ Phật đản tại Bình Dương. Đã có tình huống như thế thì việc thuyết phục không còn tác dụng gì. Đối tượng lấy làm cơ sở đối chiếu, so sánh rất cụ thể, rất định lượng, với những biểu hiện chi tiết, mà ngoài thống kê số lượng còn có những biểu hiện trực quan như hình ảnh chụp, video.
2) 2,Tiêu chuẩn tổ chức lễ hội Phật giáo hình thành sau Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang
Mới đây, chúng tôi đã đưa tiêu chuẩn định lượng thứ hai, đó là Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang do hệ phái Khất sĩ tổ chức liên tục 6 ngày tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Quy mô tầm cỡ của lễ hội Phật giáo này đã lên đến mức chưa từng có trong hoạt động tổ chức lễ hội Phật giáo Việt Nam tại một ngôi chùa, tạo nên tiêu chuẩn định lượng mới đối với việc tổ chức lễ hội Phật giáo tại Việt Nam.
Sự hình thành một tiêu chuẩn định lượng mới của lễ hội Phật giáo Việt Nam như thế là hiển nhiên và khách quan, xác lập từ chính những thành quả của đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang và từ nội dung truyền thông về cuộc lễ này.
Quy mô lễ đài Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang vượt trội quy mô lễ đài Đại lễ Phật đản tại TPHCM liên tục những năm gần đây, nhất là lễ đài tại chùa Phổ Quang năm 2013. Được dựng trên cao ở vị trí thoáng, bao quát tầm nhìn ra ngã ba Cát Lái, cửa ngõ quan trọng phía đông của TPHCM, giao lộ có thể nói là lớn nhất TPHCM, lễ đài Tổ sư Minh Đăng Quang là lễ đài lễ hội Phật giáo vĩ đại chưa từng có.
Qua chiêm bái thực tế chúng tôi thấy ngoài quy mô, kích thước chưa từng có trong lịch sử lễ hội Phật giáo Việt Nam, lễ đài Tổ sư Minh Đăng Quang là lễ đài được đầu tư trang trí ở mức chưa từng có trong hoạt động tổ chức lễ hội Phật giáo, có thể coi là lễ đài Phật giáo ngoài trời đẹp nhất, huy hoàng nhất.
Lễ đài Tổ sư Minh Đăng Quang, được thiết lập ngay từ khi khai mạc kỳ lễ 6 ngày, nên cũng là lễ đài Phật giáo ngoài trời có thời gian thiết trí kỷ lục, so với những lễ đài Phật đản tại TPHCM những năm gần đây, chỉ thiết trí trong chỉ một vài ngày trước rằm tháng tư.
Đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang chắc chắn huy động được số lượng tăng ni Phật tử tham dự đến mức kỷ lục trong lịch sử lễ hội Phật giáo Việt Nam. Chỉ riêng đoàn Phật giáo Nam tông, một hệ phái khác đã có 1200 chư tôn đức tăng, tu nữ và Phật tử, trong hình ảnh đa số là tu sĩ. Đây cũng là mức cao nhất mà hoạt động lễ hội Phật giáo đạt đến. Riêng đối với Phật giáo Nam tông, số lượng tu sĩ có thể là cao hơn chính những cuộc lễ Phật giáo Nam Tông tập trung được. Như thế, tổng số lượng tăng ni Phật tử tham dự từ mọi hệ phái đương nhiên lên đến mức kỷ lục.
Đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang là đại lễ có hình thức tổ chức mở rộng phong phú đa dạng ở mức cao nhất trong hoạt động tổ chức lễ hội Phật giáo, như: các hình thức tưởng niệm, hội thảo khoa học, triễn lãm, hoa đăng, văn nghệ, yến tiệc và ẩm thực bình dân…
Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang là đại lễ được tổ chức truyền thông chu đáo nhất, với họp báo trước ngày lễ, họp báo trong thời gian lễ, liên tục quảng bá thông tin trước khi tổ chức lễ, trong khi tổ chức lễ trên báo giấy, trang mạng, truyền hình… Tổ chức truyền thông Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang đã đạt đến mức độ hoàn hảo đỉnh điểm trong hoạt động tổ chức lễ hội Phật giáo Việt Nam. Việc quảng bá Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang còn có một hình thức mới lần đầu tiên xuất hiện trong lễ hội Phật giáo, là băng rôn quảng bá trên xe các đoàn dự lễ được chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất về mặt nội dung và hình thức. Vì vậy, thông tin trực quan Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang đã vượt ra khỏi phạm vi tịnh xá, tự viện, mà còn xuất hiện trên các đường phố, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cổ động thêm nhiều hơn nữa người đến dự lễ.
Thành quả vượt trội tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang như vậy mặc nhiên đã làm định hình những tiêu chuẩn mới, ở mức cao chưa từng có trong hoạt động tổ chức lễ hội Phật giáo trên phạm vi toàn quốc và đặc biệt tại TPHCM. Những tiêu chuẩn định lượng này hoàn toàn có thể chi tiết hóa: diện tích mặt bằng, địa điểm hành lễ, diện tích không gian địa điểm hành lễ, kích thước lễ đài, cự ly tầm nhìn từ lễ đài, số lượt tăng ni Phật tử tham dự, số lượng ảnh triển lãm, chỉ số năng lượng điện phục vụ lễ hội, số lượng bóng đèn trang trí, số lượt xe ra vào bãi giữ, chỉ số thực phẩm phục vụ, kinh phí tổ chức… Tất nhiên, đó sẽ là những con số chưa từng có trong lịch sử tổ chức hoạt động lễ hội Phật giáo tại Việt Nam, đặc biệt tại TPHCM.
Tiêu chuẩn định lượng mới hình thành như thế trong tổ chức lễ hội Phật giáo MẶC NHIÊN TẠO ÁP LỰC KHÁCH QUAN ĐỐI VỚI VIÊC TỔ CHỨC ĐẠI LỄ VESAK 2014 TẠI TPHCM HAI THÁNG SAU ĐÓ. ĐẠI LỄ VESAK TẠI TPHCM ĐƯƠNG NHIÊN KHÔNG THỂ TỔ CHỨC NHỎ HƠN LỄ TƯỞNG NIỆM MỘT VỊ TỔ SƯ VỀ MỌI MẶT.
Phân tích để dẫn vào một tương quan tự nhiên, tất yếu như vậy không phải là việc thuyết phục, càng không “khơi khơi” hay “quá viễn vông”, mà là xuất phát từ thực tiễn đã diễn ra ngay trước mắt.
Áp lực như thế về việc tổ chức Vesak 2014 tại TPHCM sẽ là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho Phật giáo TPHCM. Đó là cơ hội để đưa việc tổ chức Đại lễ Vesak tại TPHCM lên một đỉnh điểm chưa từng có từ trước đến nay, trong tương quan với Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang trước đó hơn 2 tháng. Cơ hội đó là thuận duyên để Phật giáo TPHCM góp phần vào thành công Đại lễ Vesak liên hiệp quốc 2014 mà GHPGVN đăng cai tổ chức.
Những tiêu chuẩn lễ hội Phật giáo hình thành trong Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang tổ chức tại TPHCM mặc nhiên phát sinh yêu cầu đạt đến và xác định những tiêu chuẩn lễ hội Phật đản được tổ chức sau đó chỉ hơn 2 tháng tại TPHCM và có thể ứng dụng cho những năm sau. Không làm được điều này, sẽ không chỉ là vấn đề của một cuộc lễ, mà sẽ là vấn đề lịch sử tổ chức lễ Phật đản trong tương quan những ngày lễ Phật giáo khác tại TPHCM.
Hệ thống và phân tích những tiêu chuẩn mới trong hoạt động tổ chức lễ hội Phật giáo tại TPHCM, chúng tôi vì lợi ích chung của Phật giáo, và ở đây không có lợi ích gì riêng của chúng tôi. Có lẽ ngoại trừ phần mong muốn phước báu có được từ việc tổ chức một Đại lễ Vesak quy mô hơn, tương xứng hơn với ngày lễ được mong mỏi là ngày lễ lớn nhất của Phật giáo Việt Nam, với những tiêu chuẩn định lượng mới, thích hợp với một tương quan mới.
Rất mong được bạn đọc bình luận, góp ý. Những nội dung cần trao đổi riêng xin email về vinasat132@yahoo.com hoặc facebook.com/cusiminhthanh.
Xin chân thành cảm ơn. Chúng tôi mong có những ý kiến gợi ý để tiếp tục loạt bài định lượng tiêu chuẩn mới tổ chức lễ hội Phật giáo cho đến Đại lễ Vesak 2014, nhằm thúc đẩy một đại lễ Phật đản quy mô về đỉnh điểm tổ chức, tạo tiền đề cho một giai đoạn mới trong hoạt động tổ chức Đại lễ Phật đản.
MT