;
Thanh Hải Vô Thượng Sư |
Tuy nói về hướng phát triển tôn giáo mới tại
Việt Nam, nhưng công trình nói trên không đi vào chi tiết. Từ gợi ý từ công
trình nói trên, bài viết này sẽ thử phác thảo một số dự báo về đường đi của tôn
giáo mới ở Việt Nam từ điểm nhìn của Phật giáo.
Trước hết, quá trình hình thành và phát triển
của các tôn giáo mới tại Việt Nam trong thế kỷ XX hiển nhiên là nội dung tham
khảo quan trọng.
Sự bộc phát đến mức có thể lên đến hàng triệu
tín đồ của các tôn giáo mới tại Việt Nam chỉ trong vài chục năm là điều đáng
lưu ý. Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam cũng xây dựng được nhiều cơ sở ở các
tỉnh thành trong chừng ấy thời gian. Điều này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam
là xứ thuộc địa dưới sự cai trị của thực dân Pháp.
Việc phát triển tôn giáo mới ở Việt Nam, so
với thế giới, là lên đến cực đoan, khi có đến 2 tôn giáo mới có quân đội riêng
và mức độ đổ máu gây ra hết sức thảm khốc. Về quy mô, thì đến năm 1974, đầu năm
1975, thì quân đội Hòa Hảo, tuy nói là thuộc quân đội Sài Gòn, nhưng vẫn có căn
cứ riêng, với vũ khí nặng (giang đĩnh, khinh tốc đĩnh), kéo dài cuộc đề kháng
sau 30/4/1975.
Vì vậy, vấn đề tôn giáo mới thực sự là vấn đề
quan trọng. Tôn giáo mới, trong sự phát triển bất thường nhiều biến động của
nó, dễ nảy sinh hoạt động quân sự và khủng bố, mà dạng đơn giản hơn là kích
thích bạo loạn (Đài Truyền hình “Đường Triều Tân Điện thị” của Pháp luân công
phát xuống Trung Quốc là một ví dụ).
Do tổ chức lỏng lẻo, giáo lý cởi mở, dễ lý
giải, mở rộng theo nhiều hướng dễ chấp nhận tín ngưỡng bên ngoài, nên đạo Phật
là mảnh đất thuận tiện để phát sinh tôn giáo mới. Điều này đã thể hiện rõ qua
trường hợp Việt Nam, và cũng là ở Nhật Bản, Đài Loan. Tôn giáo mới phát sinh từ
Phật giáo có nhiều dạng, như có thể chỉ lợi dụng, vay mượn, núp bóng để chiêu
dụ tín đồ, hay kế thừa một phần giáo lý, truyền thống, hay mang xu hướng cách
tân, hiện đại hóa. Nhưng dù bản chất thế nào, mục đích ra sao, điều rõ ràng là
tôn giáo mới phát sinh từ Phật giáo đều ít nhiều gây tổn thương cho Phật giáo,
mà cấp đơn giản nhất là lấy đi một số tín đồ, chuyển cơ sở thờ tự của Phật giáo
thành cơ sở của tôn giáo mới, thậm chí, có thể cải đổi tăng sĩ Phật giáo thành
tu sĩ tôn giáo mới.
Mặc dù có thể phát triển nhanh, lan rộng ở bề
mặt, nhưng tôn giáo mới có thể cắm rễ sâu dày trong xã hội, tạo được nền tảng
vững chắc, không phải “bạo phát, bạo tàn”, “lửa rơm”.
Tôn giáo mới phát sinh từ Phật giáo rất dễ
hoạt động bí mật với vỏ bọc Phật giáo, nếu tình huống đòi hỏi. Bề ngoài thì
trình bày một hình thức Phật giáo, hay tạo cảm giác Phật giáo, nhưng bên trong
thì ngấm ngầm đưa các yếu tố tôn giáo mới vào. Tôi đã chứng kiến điều này tận
mắt trong thân tộc, khi có họ hàng theo tôn giáo mới, là một nhánh “đạo vô vi”,
có giáo chủ là “Cô Năm”. Tôi được cho kẹo bánh để đến hành lễ ở một phòng thờ
nhỏ, cũng có thờ Phật. Nhưng tụng kinh Phật do nhà chùa in thì chỉ là một phần
khóa lễ, còn lại tụng những câu lục bát lạc vận in roneo do Cô Năm soạn, coi Cô
Năm là một hóa thân của Bồ tát Quan Thế Âm, khóa lễ xong thì bái vọng hướng nhà
Cô Năm. Sau 1975, Cô Năm di tản ra nước ngoài nên đạo cũng rã đám. Cô Năm cũng
làm chính trị “sơ cơ” bằng cách đưa ra sấm truyền về thời cuộc.
Có tôn giáo mới hình thành từ mê tín dị đoan,
nhưng có thể không. Có khi mê tín dị đoan hay giáo lý đơn giản lại là một thế
mạnh. Về mặt hình thành cơ sở lý luận, tôn giáo mới tỏ ra rất đa dạng, phức
tạp. Lý Hồng Chí của Pháp Luân Công viết cả tập sách dày, Nhất quán đạo Đài
Loan có cả đài truyền hình suốt ngày thuyết giảng, nhưng cũng có tôn giáo mới,
giáo lý sơ sài, vần vè thất niêm lạc vận như trường hợp kể trên mà vẫn có người
theo. Vì vậy, không thể nghiên cứu “giáo lý” để đánh giá tôn giáo mới.
Hiện nay, ở Việt Nam có 2 dạng tôn giáo mới
chính, là:
- Dạng du nhập từ nước
ngoài
- Dạng nội sinh
Dạng nội sinh lại có các dạng:
- Vay mượn, ngụy trang đạo
Phật
- Cũng thế, với tôn giáo
khác
- Hình thành từ tín ngưỡng dân
gian
- Tự xưng giáo chủ, tự lập đạo,
nhưng vẫn vay mượn nghi thức đã có.
Các tôn giáo mới tại Việt Nam sau 1975 có
chung một vấn đề lớn, đó là quan hệ với chính quyền. Yếu tố này rất quan trọng
trong việc phát triển tôn giáo mới. Chính sách cởi mở về tôn giáo từ sau 1986
không tránh khỏi việc các tôn giáo mới lợi dụng để phát triển.
Từ năm 1954 ở miền Bắc và từ 1975 trên cả
nước, hoạt động hình thành tôn giáo bị cấm. Do vậy, các tôn giáo mới trong thời
gian này hoạt động hoàn toàn bí mật. Có thể như các hội kín hay dưới vỏ bọc các
tôn giáo lớn, nhất là Phật giáo.
Từ thập niên 1990, khi các tôn giáo mới đã có
lịch sử phát triển nhiều chục năm được chính thức công nhận, thì các tôn giáo
mới đang trên đà hình thành hoặc mới du nhập cũng bắt đầu có chuyển biến trong
hình thức hoạt động theo hướng bán công khai hóa. Tìm cách công khai hóa hoạt
động, tiến dần từng bước, tìm khe hở để khai thác, ngụy trang dưới những vỏ bọc
phi tôn giáo hoặc tôn giáo đã được công nhận là những hướng họ theo đuổi. Như
có lúc, đồng loạt nhiều tờ báo ở TPHCM đưa hình Thanh Hải Vô thượng sư lên bìa
4 trong quảng cáo ăn chay. Cơ sở của đạo này thì thể hiện dưới dạng quán ăn
chay (nhưng thường có phòng họp kín).
Có thể dự báo, do lực lượng còn yếu, tín đồ
chưa nhiều, các tôn giáo mới ở Việt Nam, dạng du nhập hoặc nội sinh, đều sẽ có
chung một số xu hướng.:
- Tránh đối đầu với chính quyền,
tìm cách tạo sự thân thiện ngoài mặt với chính quyền (như hoạt động cứu trợ của
đạo Thanh Hải trong những năm trước mà đài truyền hình SMTV miêu tả là được sự
phối hợp của các địa phương).
- Vừa tìm cách công khai hóa có
mức độ (hợp pháp hóa hoàn toàn là điều không thể trong điều kiện hiện nay), vừa
tìm cách hạn chế những bất lợi do việc công khai hóa mang lại, bằng cách tìm
kiếm những hình thức vỏ bọc thích hợp với hoàn cảnh từng lúc.
- Riêng đối với những tôn giáo
mới liên hệ với Phật giáo, thì triệt để khai thác Phật giáo bằng đủ mọi mặt,
theo những cách thức đã từng được sử dụng thành công, đến những cách thức mới,
danh xưng mới (cư sĩ đoàn, ban hộ niệm, đạo hội, đạo tràng…). Cái người ta
tránh là từ “giáo hội”, còn lại thì dùng đủ kiểu. Tạm thời, dạng hoạt động này
chưa có cơ sở riêng công khai, nhưng cũng đủ hình thức trụ sở như điện thờ tư
gia, quán cơm chay có phòng ăn kín. Tuy nhiên, những yếu tố chuẩn bị cho một
tôn giáo mới sẽ được tích cực chuẩn bị: lãnh đạo, bộ máy nhân sự, nghi lễ, giáo
lý, điều lệ… Chỉ chờ cơ hội thì tôn giáo mới sẽ công khai hóa.
- Hiện nay và trong thời gian
trước mắt, các tôn giáo mới đang hình thành này sẽ tiến từng bước trong hoạt
động xây dựng đồng thời với sự thăm dò phản ứng từ chính quyền, xã hội và các
tôn giáo đang hoạt động. Đó có thể là một dạng đồng phục mới tạo sự khác biệt,
một số hình thức nghi lễ mới, tôn xưng một kiểu giáo chủ mới, hay tung ra một
số nội dung giáo lý mới. Họ cũng có thể tìm một dạng giấy phép nào đó, như đạo
sư Duy Tuệ liên kết xin phép xuất bản sách. Họp tín đồ thuyết giảng thì nói là
sinh hoạt giới thiệu sách (mà sách thì có giấy phép). Hay xin phép mở công ty
văn hóa để xây dựng khung nhân sự (công ty cũng có giấy phép kinh doanh). Cậy
nhờ cơ quan nào đó đứng tên chủ quản để lập trung tâm nghiên cứu (như trung tâm
mang danh Unesco Việt Nam của Duy Tuệ). Thế là đã có giáo lý in thành sách, có
đội ngũ nhân sự, có biểu tượng, huy hiệu, có người lãnh đạo tinh thần tác giả
giáo lý là “đạo sư”. Một ngày nào đó, “úm ba la”, thành tôn giáo mới, mà không
ít tín đồ chiêu tập từ những Phật tử không vững vàng.
Dự báo của chúng tôi là những hình thức đối
phó này ngày càng phát triển, ngày càng tinh vi, ngày càng đa dạng, ngày càng
có cơ sở pháp luật vững chắc để tạo vỏ bọc an toàn “Vô thượng sư” Thanh Hải đã
đưa hình lên được bìa báo, “đạo sư” Duy Tuệ đã lên được phát thanh truyền hình
quốc gia, sách công kích Phật giáo của ông ta được xuất bản… Họ đã đạt được một
số kết quả trong xu hướng tìm cách công khai hóa từng phần, tiến đến hợp thức
hóa từng phần, chuẩn bị cho bước hợp thức hóa tôn giáo mới toàn phần, hoàn
chỉnh, với quy mô đã qua thời gian chuẩn bị chu đáo.
chuabuuminh.vn