;
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có tám sức mạnh này. Thế nào là tám?
Này các Tỷ kheo, sức mạnh của con nít là khóc; sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ; sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí; sức mạnh của vua chúa là uy quyền; sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo; sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị nghe nhiều là thẩm sát; sức mạnh của Sa môn, Bà la môn là nhẫn nhục.
Này các Tỷ kheo, đây là tám sức mạnh.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Gia chủ, phần Sức mạnh [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.587)
LỜI BÀN:a
Nói đến sức mạnh chúng ta thường liên tưởng ngay đến những người to khỏe, vai u và thịt bắp. Thực ra thì mỗi người đều có một sức mạnh riêng, một thứ vũ khí riêng để tồn tại. Biết được thế mạnh của mỗi hạng người để xây dựng sống hòa hợp và an vui là đỉnh cao của nghệ thuật sống.
Tiếng khóc là sức mạnh của trẻ con. Tiếng khóc ấy cất lên như làn roi quất vào lòng mẹ, có quyền uy chi phối hành động đương tại của mẹ để hướng về nó. Người mẹ sẽ buông hết công việc thậm chí bất chấp hiểm nguy lao về phía con khi con khóc.
Phái yếu thì vốn dĩ chân yếu tay mềm, dịu dàng duyên dáng nhưng khi họ nổi giận thì chớ xem thường. Như nước trong đại dương, những con sóng lăn tăn vỗ về bờ cát ngoan hiền ấy một khi đã biến thành cuồng nộ thì cuốn phăng và nhận chìm tất cả.
Cố nhiên ăn trộm thì luôn sợ người ta phát giác, phải hành sự thật nhanh, lặng lẽ, gọn gàng rồi chuồn êm. Muốn thao tác được vậy, người ăn trộm phải có những khí cụ đặc biệt như khóa vạn năng, kìm cộng lực… Khi bị phát giác và truy đuổi, họ không ngần ngại sử dụng vũ lực để thoát thân.
Đối với vua quan, sức mạnh đích thực của họ là uy quyền. Trong bối cảnh của một xã hội lạc hậu, thiếu dân chủ thì chân lý luôn nằm trong tay kẻ mạnh. Vua quan có thể dựa vào quyền lực để biến hóa vô cùng nhằm thủ lợi và củng cố thêm sức mạnh quyền uy của họ.
Người thiếu thông minh thì dùng sức mạnh cơ bắp. Áp đảo, lấn lướt đồng loại theo kiểu “lấy thịt đè người”, dùng sức mạnh để ức hiếp kẻ yếu là vũ khí đồng thời là sức mạnh của họ.
Bậc hiền trí thì hiếm khi dụng lực mà chuyên về dụng tâm. Phát huy trí tuệ và từ bi để cảm hóa người ác thức tỉnh, quay về sống đời hiền thiện là sức mạnh của những bậc hiền trí.
Đối với những bậc học rộng, nghe nhiều, hiểu biết sâu sắc về cuộc sống thì sức mạnh của họ là thẩm sát. Chính những người này mới có khả năng thẩm định, xem xét và đánh giá các vấn đề.
Nhẫn nhục là sức mạnh của Sa môn, Bà la môn. Người tu không cần dựa dẫm vào các loại sức mạnh và quyền lực thế gian, bởi họ có sức mạnh riêng. Nhẫn nhục về hình thức có vẻ như chịu đựng, thụ động nhưng thực ra nhẫn được mọi chuyện mới đích thực là đại hùng và đại lực. Vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc đời với tuệ giác vô thường, vô ngã thì mới có thể an trú và bất động.