;
Đức Quyền Pháp chủ cho biết bấy lâu nay trong truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là dịp mà mỗi người con Phật đều làm lễ cầu siêu cho ông bà, cha mẹ hiện tiền nếu đã mất và trong những đời kiếp quá khứ trước để nhắc nhở chúng ta luôn luôn ghi nhớ công ơn của thân bằng, quyến thuộc của mình.
Trong Kinh Báo Phụ Mẫu Ân, khi lạy đống xương khô, đức Phật nói rằng trong đó có những chúng sanh đã từng là cha, là mẹ của Ngài trong những kiếp quá khứ xa xưa. Vì vậy, bà con, thân hữu của chúng ta suốt vô thỉ kiếp luân hồi đã qua là vô cùng to lớn, chúng ta không nên ngơi nghỉ, bỏ dừng việc tu tạo công đức, hồi hướng, cầu siêu cho họ sớm vãng sanh về nơi nhàn cảnh hoặc về cõi Phật an lành.
Còn trong cuộc sống hiện tại, khi có duyên gặp được nhau, cùng nhau tu tập, hành trì Phật pháp thì có nghĩa rằng chúng ta từ lâu đã trở thành bồ đề quyến thuộc của nhau. Do đó, chúng ta phải biết thương yêu, chở che cho nhau; cùng dìu dắt, nâng đỡ, hỗ trợ nhau trên con đường giải thoát khổ đau, giác ngộ thành Phật.
Đức Trưởng lão Hòa thượng còn dạy bảo rằng trên cuộc đời này, có rất nhiều chư vị Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Thánh Hiền Tăng vì chí nguyện độ sinh cứu đời, giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi trần lao, khổ não mà thị hiện lại dưới hình thức Tăng Ni, cư sĩ.
Đơn cử như tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM hiện nay, có hơn 1.200 Tăng, Ni sinh tham gia tu học, được đào tạo trình độ Phật học đến nơi đến chốn, được trau dồi giới - định - tuệ đủ đầy, là hàng thanh tịnh Tăng xứng đáng làm phước điền to lớn để trời người cúng dường.
Do đó, ngày Tăng Ni tự tứ là ngày mà chư thanh tịnh Tăng tề tựu về một trú xứ với nhau, đây là một duyên lành hiếm có để hàng cư sĩ tại gia phát tâm cúng dường sẽ có được phước báu vô lượng, khó mà nghĩ bàn. Chính Bồ Tát Mục Kiền Liên nhờ làm lễ cúng dường đại chúng Tăng Ni trong ngày tự tứ mà hồi hướng công đức giúp cho người mẹ đang bị đọa vào kiếp sống ngạ quỷ khổ đau được tái sanh về cõi trời hưởng phước lạc an vui, hạnh phúc.
Là người Phật tử, chúng ta cần nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy tâm bồ đề, tâm từ bi, tâm hỷ xả rộng lớn, quảng đại. Không những mỗi mùa Vu Lan, mà tất cả các mùa, các ngày trong năm, chúng ta phải luôn luôn tưởng niệm, nhớ ơn và thiết lễ cầu siêu không chỉ cho cha mẹ, quyến thuộc nhiều đời, mà còn cho tất cả chúng sinh đang chịu nhiều khổ đau ở địa ngục và ngạ quỷ.
Dang tay cứu giúp họ chính là cứu giúp mình, bởi mỗi chúng ta trong vòng luân hồi ít nhiều đều đã hoặc sẽ trở thành ông bà, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, họ hàng, bạn bè,... của nhau.
Do đó, người Phật tử thuần thành phải biết mở rộng trái tim mình để bao dung, thương yêu chúng sinh vạn loài, dù còn sống hay đã mất.
Để chúng ta cùng dìu dắt, nâng đỡ nhau vượt qua khổ đau; trở thành quyến thuộc bồ đề; cùng nhau tu học Phật pháp để cuộc đời mỗi người ngày càng tươi sáng, thánh thiện, an lành hơn và càng thăng hoa, hướng thượng hơn trên đạo lộ giải thoát.
Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thuận