;
I. DẪN NHẬP
Sự hiện hữu của con người, của chúng sanh và của người xuất gia tu hành theo Phật giáo, nhất là các bậc Trụ trì, không những đã biểu thị những ý nghĩa cao đẹp và nặng nề, mà còn hàm ngụ một yếu tố tích cực cho mọi công tác xây dựng và phát triển tâm linh, đạo pháp và giải thoát, giác ngộ. Do đó, không những chúng ta an trú trong Chánh pháp, trên đất tâm, trên cơ sở biểu tượng, mà còn thể hiện sự an trú và phát huy mối liên hệ mật thiết hữu cơ trong Chánh pháp, trong chân lý giữa con người với con người, giữa tình đạo pháp với nhau trong một mục đích chung nhất “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Được như vậy, thì trách nhiệm người xuất gia, Trưởng tử Như Lai, Trung Tôn trong đại chúng, phúc điền của chúng sanh mới trọn vẹn, chu toàn và cứu cánh.
II. NỘI DUNG
Trang nghiêm quyến thuộc, tạo mối liên hệ mật thiết, hữu cơ trên 5 lĩnh vực:
A. Tự tính quyến thuộc:
Tự tính quyến thuộc là mối quan hệ bản thể và biểu tượng của Tự tính. Do đó, chúng ta có thể xác định hai phần:
- Bản thể quyến thuộc là mối quan hệ Tự tánh, Chân như, Niết-bàn là cái có sẵn, là mối quan hệ vô cơ. Nói như thế có nghĩa là hễ có chúng sinh là có Phật tánh, Chân như, Niết-bàn trong một hữu tình chúng sinh, không phải do làm mà có, tạo tác mà sinh, hay do ai ban cho. Thế nên, Đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có vô thủy Bồ-đề, vô thủy Niết-bàn, nếu y cứ theo Bồ-đề, Niết-bàn tu tập thì nhất định sẽ chứng được Vô thượng Bồ-đề, Vô thượng Niết-bàn, tức là thành Phật” (Kinh Lăng Nghiêm).
Từ cơ sở đó, chúng ta cần phải tương ưng, tưởng nhớ không quên, sống theo, sống đúng, sống hợp chân lý, để tạo mối quan hệ hữu cơ với chân tâm thanh tịnh, giải thoát sáng suốt của chính mình. Vì vậy, Cổ đức nói:
“Năm phần hương tỏa khắp mười phương,
Kết lại thành mây nguyện cúng dường,
Pháp thân thanh tịnh mười phương Phật,
Mỗi niệm tương ưng lý chơn thường”.
Về biểu tượng Tự tính quyến thuộc, chính là biểu tượng chân lý hiện hữu bên ngoài, như Cổ đức nói:
“Dung nhan Phật đẹp vô cùng,
Hào quang chiếu sáng khắp cùng mười phương.
Từ bi oai đức khôn lường,
Ra đời cứu độ dẫn đường chúng sanh.
Được thấy tướng, lại nghe danh.
Cũng nhờ kiếp trước căn lành trồng sâu.
Thế Tôn đủ phép nhiệm mầu.
Đáng cho muôn loại cúi đầu quy y”.
Từ ý nghĩa này, Ngài Triệu Châu nói với một vị khách: “Phật ở trên chánh điện cứ lên đây lạy Phật đi”. Nhưng vị khách tìm hoài không thấy Phật, chỉ thấy Phật đồng, Phật gỗ v.v… Do đó, Ngài Triệu Châu khai thị: “Phật vàng không độ được lò đun. Phật đất không độ được nước. Phật cây không độ được lửa. Phật thật ở trong đấy”. Nói thế có nghĩa là từ sự tướng chứng lý tánh. Muốn đạt lý phải từ sự tướng. Muốn chứng Phật tánh thì phải cung kính lễ bái Phật bên ngoài, rồi từ từ chứng nhập Phật tánh trong tâm là Tự tánh Phật bảo, là thể tánh sáng suốt của tự tâm.
B. Hành nghiệp quyến thuộc:
Trong mối quan hệ về hành động, chúng ta có thể định hình trên hai lĩnh vực: Tâm linh và quy luật.
Hành động quyến thuộc trên cơ sở tâm linh là gì? Đó là 3 căn lành: Vô tham, vô sân, vô si. Vô tham là Giới đức. Vô sân là Tâm đức. Vô si là Tuệ đức. Do đó, phát huy, tu tập theo ba căn lành thì đoạn trừ được ba độc là tham, sân, si. Ba độc đã đoạn trừ thì thành tựu Vô tham là Giới đức, là Đoạn đức, là Niết-bàn, là Pháp thân thanh tịnh giải thoát. Vô sân là Tâm đức, còn gọi là Định đức, là Trí đức, là Pháp thân thường trụ, Chơn như. Vô si là Tuệ đức, là Bồ-đề, trí tuệ sẵn có của chúng sinh, của chúng ta, nhưng phải qua quá trình tu luyện, có nghĩa là do Giới thành tựu Định, có Định phát sinh Trí tuệ. Thế nên, Cổ đức nói:
“Buộc tâm lấy Giới làm dây,
Lắng tâm làm Định dựng xây đạo tràng.
Rõ tâm đuốc Tuệ soi đàng,
Tâm không, cảnh tịch, Niết-bàn an vui”.
Nói như thế, hành động như vậy là chứng quả Bồ-đề, Niết-bàn, thành Phật. Mỗi bước chân đi là mỗi bước tiến gần đến đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Nên người xưa thường nói:
“Mỗi bước lần sang chốn Niết-bàn,
Lướt dòng sanh tử chớ hề nan,
Chân không dần bước trong ly niệm,
Tịnh độ là đây, chính Niết-bàn”.
Hành động theo quy luật là mối quan hệ hữu cơ của chúng ta. Vì thực hành theo các qui định như: Hiến chương Giáo hội, Nội quy Tăng sự, Quy chế hoạt động của Ban Trị sự, Ban Đại diện, Quy chế sử dụng con dấu các tự, viện… Hành động đúng Chính pháp, các quy định, nhất định không có lỗi lầm, tuân thủ luật pháp. Như thế gian nói: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”.
Được như vậy, chúng ta vừa hành động hữu cơ trong mối quan hệ đạo pháp và thế gian. Đạo đời hai nẻo, nhưng một thể viên dung, như thế là không chướng ngại lẫn nhau, hỗ tương cho nhau, giúp ta hành động, thực hiện quyền làm chủ cơ sở, làm chủ hành động và phương tiện hành động. Nhất định sẽ đạt được kết quả an lạc, giải thoát tại thế gian, giữa cuộc đời nhân sinh thế tục, nhưng vượt lên và phát triển. Như Đức Phật dạy:
“Từ vũng bùn ô uế,
Vất bỏ bên lề đường,
Một đóa sen xuất hiện,
Làm đẹp ý mọi người.
Từ vũng bùn sinh tử,
Phiền não của thế gian,
Xuất hiện một bậc Thánh,
Làm lợi lạc quần sanh” (Kinh Pháp Cú, kệ 60 – 61).
C. Thệ nguyện quyến thuộc:
Người xưa thường nói: “Không có thệ nguyện thì không thành tựu sự nghiệp. Cũng như Thái tử Tất-đạt-đa đã phát nguyện dưới cội cây Tất-bát-la rằng - Ta ngồi dưới cội cây nầy, nếu không tìm ra chân lý, thì dù xương tan thịt nát, nhất định, Ta không rời khỏi chỗ ngồi này”. Kết quả là Ngài đã thành Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Từ cơ sở đó, chúng ta luôn luôn tâm niệm:
“Một lòng kính lạy Phật-đà,
Cho con mãi được ở nhà Như Lai.
Từ bi thương khắp mọi loài,
Hành trang nhẫn nhục ra tay độ đời.
Tâm không, cảnh tịch thảnh thơi,
Niết-bàn an lạc dạo chơi tháng ngày”.
Trên đây là mối quan hệ tự thân, sau đây là mối quan hệ tha nhân:
“Linh Sơn nghĩa cũ tình xưa,
Ta-bà, Tịnh độ say sưa pháp mầu.
Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu,
Xây tình Pháp lữ bắc cầu Tâm giao.
Đời nay đến những đời sau,
Chung lo Phật sự biết bao nhiêu tình.
Quyết lòng độ tận chúng sinh,
Từ bi, Trí tuệ thỏa tình ước mong.
Không rời bản thể Chân không,
Tùy duyên hóa đạo thong dong mọi miền”.
Mặt khác, như Y Sơn Đại sư nói: “Nguyện sinh ra giữa nước (có văn hóa, có Phật pháp), lớn lên gặp được thầy lành, bạn tốt. Chính tín xuất gia, vào đạo đức lúc còn nhỏ bé. Sáu căn nhạy bén, ba nghiệp thuần hậu hiền hòa, không nhiễm trần gian, thường tu trì phạm hạnh. Giữ gìn giới cấm, nghiệp trần không xâm lấn, nghiêm khắc giữ đúng uy oai, không làm tổn hại các loại côn trùng nhỏ bé, không gặp tám nạn, không thiếu bốn duyên, trí Bát-nhã hiện tiền, tâm Bồ-đề bất thối chuyển…”
Nói tóm lại, ăn cơm có canh, tu hành có bạn là điều kiện tất yếu cho sự hình thành, kết quả ý nghĩa tập hợp quyến thuộc trong sự tương quan, tương duyên lẫn nhau. Như Cổ đức nói:
“Non cao nhờ có nhiều cây,
Thành công nhờ sự góp tay nhiều người.
Duyên sinh chân lý muôn đời,
Sáng soi pháp giới, rạng ngời chân như”.
D. Tập hợp quyến thuộc:
Tập hợp quyến thuộc là mối quan hệ chung nhất, tương quan lẫn nhau. Tạo sự tương quan, quan liêu hữu cơ, hay vô cơ đều là quan trọng. Như Đại sư Huệ Tư khi trông thấy Thiên Thai Trí Khải, Ngài nói:
Tôi nhớ ông đã cùng tôi dự hội Linh Sơn rồi mà?
Trí Khải đáp: Chính vì đã từng dự hội Linh Sơn, nên nay con mới đến nương với Đại sư.
Qua đó, chúng ta thấy, mối quan hệ đơn phương, cũng như đa phương, nhiều hay ít, đều có nguyên nhân quyến thuộc nhiều đời, cần duy trì, trân trọng.
Từ những khái niệm trên, tinh thần đoàn kết hòa hợp với nhau trong Chính pháp, trong một tổ chức, một đoàn thể thanh tịnh là điều quý báu. Chúng ta phải phát huy nhân rộng, tạo quyến thuộc với nhau trong đời nầy, đời sau v.v… Do đó, độ chúng xuất gia, hướng dẫn thiện nam, tín nữ quy y Tam bảo, đều là tạo duyên quyến thuộc gần và xa. Gần là Phật tử, đệ tử đời này, xa là Phật tử, đệ tử đời sau, cho đến khi giác ngộ giải thoát thành Phật. Lúc đó, khi một Đức Phật nói pháp, thì tất cả thính chúng quây quần nghe pháp, các Bồ-tát trong mười phương tập hợp lại nghe pháp, ủng hộ đạo tràng, pháp hội v.v… Các Đức Phật trong mười phương cũng xây mặt về nơi Đức Phật nói pháp, phát lời tùy hỷ, tán thán và xác nhận pháp thoại được trình bày. Thế nên, Cổ đức nói: “Một Đức Phật ra đời, thì có 1.000 Đức Phật khác ở mười phương hộ trì …” Cũng như thế gian có câu: “Nhất hô bá ứng, vạn nhân tùy” (Một lời hô hào, có 100 người hưởng ứng và 10.000 người ủng hộ, cảm tình viên với chúng ta).
Hiện nay, chúng ta mở trường, mở lớp giáo lý, đạo tràng tu Bát quan trai, đạo tràng niệm Phật, tu thiền, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt gia đình Phật tử, thanh thiếu nhi Phật tử v.v… đều là tạo nhân duyên quyến thuộc với nhau. Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm quản lý, duy trì, nuôi dưỡng, hướng dẫn học hành, sinh hoạt tổ chức theo tinh thần Phật giáo.
Từ nhận thức trên, chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tương thân, tương ái lẫn nhau. Như Quy Sơn Đại sư nói: “Nguyện trăm kiếp ngàn đời, đều được làm bạn với nhau trong Chính pháp”. Do đó, chúng ta làm Phật sự, cộng tác với nhau, không phải chỉ trong một đời này, mà còn nhiều đời nhiều kiếp khác. Quả thực:
“Dù sinh bất cứ nơi đâu,
Mối tình pháp lữ khắc sâu đời đời”.
E. Bồ-đề quyến thuộc:
a. Quyến thuộc về mặt Trí tuệ, mối quan hệ Trí giác, Phật tánh, Bồ-đề là vấn đề căn bản, vì nếu không có căn bản Trí tuệ và tác dụng Trí tuệ, thì sự giác ngộ giải thoát khó đạt được. Vì như Trừng Quán Đại sư nói:
“Bồ-đề tâm tự thuở nào,
Xưa nay thanh tịnh làu làu gương xưa.
Muốn tu chứng đạo Chân thừa,
Bồ-đề tâm nguyện sớm trưa tu trì”.
Đó chính là tự tính, bản thể quyến thuộc của chúng sinh, của những người xuất gia tu học Phật.
Mặt khác, do có trí tuệ, chúng ta mới hiểu rõ lý nhân quả, tránh điều ác, thực hiện điều lành, giữ tâm ý thanh tịnh, đạt an lạc, an tịnh, giải thoát. Như Thiền sư Trí Bảo nói: “Nếu không có gió trí tuệ quét sạch mây mù. Làm sao thấy được trời thu vô tận”. Vì vậy, quyến thuộc về mặt tự tính trí tuệ rất căn bản và quan trọng, người xuất gia tu học Phật, làm theo hạnh Phật, để thành Phật, nên trí tuệ là sự nghiệp quý báu của chính mình và làm phương tiện độ người, thực hành Phật sự v.v…. Kinh Hoa Nghiêm, có câu: “Quên mất tâm Bồ-đề, tu tập các thiện pháp cũng chỉ là hành động theo việc làm của ma”. Tại sao? Ma là phá hoại, là chướng ngại sự giải thoát, giác ngộ của chúng ta. Do đó, phải y cứ Bồ-đề tâm, phát tâm tu hành, thực hành Phật sự, mới mong thoát ly sanh tử luân hồi, thành Phật.
b. Phương tiện Bồ-đề, là quyến thuộc trí tuệ ở lĩnh vực phương tiện, nhằm đạt được trí tuệ, đạt được tuệ giác. Như kinh điển, băng đĩa, sách luận, tập văn, tạp chí, video, cassette, internet v.v… tất cả đều là phương tiện quyến thuộc, giúp hành giả, giúp những người thực hành Phật sự, giúp cho người khác hiểu rõ chân lý, cùng tu, cùng học, cùng an trú trong Chánh pháp, đạt trí tuệ tuyệt đối. Như Kinh A-hàm viết:“Có một Tỳ-kheo chán nản, không muốn tụng Kinh Pháp Cú. Đức Phật bảo: ‘Kinh Pháp Cú có lỗi gì mà không đọc tụng’, do đó, Thầy Tỳ-kheo bắt đầu đọc tụng, tu tập theo Kinh Pháp Cú, chứng quả A-la-hán”. Nói theo thế gian, ngạn ngữ phương Tây có câu: “Một quyển sách hay là một ông thầy hữu ích”. Vì qua những điều đề cập trong quyển sách là những nguyên lý đạo đức, những lời dạy bổ ích, Thánh thiện, người nghiên cứu thực hành theo sẽ đạt được an lạc, giải thoát, phát sinh trí tuệ vô lậu.
Từ những lý do trên, chúng ta cần tạo điều kiện phát huy phương tiện trí tuệ ở mức độ cao, tuyệt đối là tôn trọng, tôn thờ, cung kính, trang nghiêm Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Vì nếu không có Tam bảo, thì trí tuệ tuyệt đối về mặt bản thể không phát hiện. Đó là Tự tính sáng suốt - Phật bảo. Tự tính thường trú – Pháp bảo, Tự tính thanh tịnh – Tăng bảo. Cổ đức có câu:
“Chân bước nhẹ lên thềm hoa cửa Phật,
Lòng từ bi nô nức bỗng dâng trào,
Nhìn khói hương nghi ngút tợ bàn cao,
Thầm khấn nguyện tiêu tan bao khổ lụy”.
Hay nói các khác:
“Sớm trống, tối chuông cảnh tỉnh người đời trong bể ái.
Lời kinh tiếng kệ giục người thức tỉnh giữa cơn mê”.
III. Tạm kết luận:
Trong tất cả hiện tượng, từ ý nghĩ đến hành động, từ phạm vi vật chất đến tinh thần, từ phạm vi thế gian đến xuất thế gian, từ phạm vi đạo đức xã hội cho đến đạo đức cứu cánh, dù đạo hay đời, tất cả đều có mối tương quan, tương duyên lẫn nhau. Chính yếu tố duyên sanh và quan hệ tất yếu, hữu cơ ấy mà tất cả chúng ta mới hoàn thành Phật sự, hoàn thành sự nghiệp độ sinh, hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh, tốt đời đẹp đạo. Do đó, chúng ta cần nhận thức sâu sắc và thực hiện một cách tích cực và hữu hiệu, nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu cơ, bền vững không những đời này, mà cho đến những đời sau, cho đến khi chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
(Bài giảng trong khóa bồi dưỡng trụ trì tại Trường hạ Tịnh xá Trung Tâm năm 2014.)
Bị chú: “Giảng theo Kinh Hoa Nghiêm Đại Sớ”.