;
Là một người tìm hiểu và thực hành Phật giáo, tiến sỹ tâm lý Jonathan S. Kaplan đã nêu ra một vài ý tưởng liên quan tới việc thực tập sống trong chánh niệm trên đường phố với thiện ý giúp mọi người có thể có thái độ vui vẻ và thanh thản trong lúc có mặt trên đường phố, dù có bị kẹt xe hay không.
1. Hãy buông bỏ mọi cố gắng nhanh chóng đi tới bất cứ một nơi nào. Có hai yếu tố tâm lý rất căng thẳng lập tức xuất hiện khi một người có mặt trên một đoạn đường bị kẹt xe: thứ nhất, tình trạng ta đang lâm vào ở ngoài tầm kiểm soát của ta vì ta không thể làm cho những chiếc xe khác biến mất được; thứ hai, tình trạng này không thể dự đoán được, vì ta không thể biết lúc nào thì sự giao thông lại trôi chảy như bình thường. Thế thì, thay vì ngập chìm trong lo lắng về việc bị trễ hẹn hay lầm bầm nguyền rủa hoiàn cảnh, hãy chấp nhận rằng ta sẽ dành ra một chút thời gian trong xe. Bạn không thể thay đổi tình trạng kẹt xe, nhưng bạn có thể thay đổi được thái độ của mình!
2. Hãy lên kế hoạch sử dụng thời gian đi lại một cách hợp lý. Ta biết rằng thông thường ta sẽ bỏ ra một khoảng thời gian nhất định để đi lại, vậy tại sao ta không sử dụng nó một cách có mục đích? Thay vì để cho mình bị mất tập trung với những điều vô nghĩa, bạn hãy quyết định trước những gì bạn sẽ làm gì trong thời gian đó. Có thể bạn nên tải xuống và nghe một số bài nói chuyện trên các phương tiện truyền thông về việc sống trong chánh niệm hay nghe lại một bài giảng trong giáo trình của mình. Nếu bạn có mặt trên phương tiện giao thông công cộng, bạn có thể chuẩn bị để đọc một tác phẩm văn học hoặc xem một bộ phim trên máy điện thoại di động.
3. Nếu có mặt trên phương tiện giao thông công cộng, hãy quan sát và ghi nhận những cảm giác đang diễn ra trong cơ thể. Chẳng hạn, nếu đang đứng trên xe buýt, bạn có thể nhận thấy các cơ bắp ở chân đang căng cứng như thế nào; bạn hãy tìm cách tạo sự thư giãn để có thể giữ thăng bằng lâu dài. Điều này rất hữu ích vì nó cung cấp cho những suy nghĩ của chúng ta một điểm dừng; thay vì cứ nghiền ngẫm các chủ đề căng thẳng, gây thêm lo lắng khi ta nghĩ ngợi vẩn vơ.
4. Tỉnh táo nhận biết bất cứ điều gì đang xuất hiện trên đường đi của bạn. Nhận biết màu sắc của những chiếc xe ở chung quanh hay những khuôn mặt của mọi người; nhận diện những suy nghĩ và phản ứng cảm xúc của ta khi chúng phát sinh. Bạn có thể trau dồi khả năng này chỉ bằng cách quan sát và chú ý tới những suy nghĩ, cảm xúc, và kinh nghiệm giác quan, mà không để chúng bị nhiễu loạn bởi bất kỳ sự phán xét hay chỉ trích nào. Nhận biết những gì đang diễn ra trong tâm bạn trước tình huống hiện tại; thăm dò cách bạn phản ứng về mặt tình cảm và thể chất khi bạn cứ nghĩ về nó. Bạn có thể sử dụng chiến lược này khi giao thông đang bị đình trệ trong giây lát.
5. Cư xử với những người xung quanh bằng thái độ thân thiện. Đúng vậy, ngay cả khi họ đang cố gắng vượt lên trước xe của bạn. Nếu bạn đang lái xe, bạn có thể nhường cho xe khác vượt lên. Nếu bạn đang ở trên phương tiện giao thông công cộng, bạn có thể nhường chỗ ngồi cho người khác. Điều này cũng hữu ích bởi một vài lý do. Trước tiên, ta không còn cảm thấy chỉ có riêng mình bị ảnh hưởng. Việc kẹt đường tác động đến tất cả mọi người, chứ không chỉ mình bạn. Khi nhìn nhận rằng tất cả mọi người đều đang cùng trải qua một điều gì đó tệ hại, người ta có thể đến gần với nhau hơn để đối phó với tình trạng đó một cách tích cực. Nếu ta nghĩ, “thằng cha đó cản đường mình” ta sẽ cảm thấy giận dữ. Nhưng nếu ta nghĩ, “chuyện này thực sự làm ai cũng mệt mỏi” ta sẽ thông cảm với những người cùng chịu cảnh kẹt xe như mình. Thứ hai, ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi ta có hành vi tử tế, bất kể người khác hành xử thế nào. Nếu thật sự trung thực với chính mình, ta sẽ thấy chẳng hay ho gì khi lúc nào cũng giận dữ hay phiền muộn. Người ta có thể bào chữa cho những phản ứng tiêu cực của họ, nhưng cuối cùng, điều đó chỉ hủy hoại sức khỏe thế chất và tình cảm của chính mình
6. Hãy hít thở trước khi bấm còi! Trong khi lái xe, hầu như người ta thường bấm còi lúc nổi giận chứ không chỉ đơn giản là một thông điệp “Này, cho tôi vượt mặt bạn nhé!” Vậy nên, khi bạn thấy mình chuẩn bị bấm còi để lưu ý một ai đó, hãy dành ra một vài phút để hít thở thật sâu rồi ghi nhận sự căng thẳng và giận dữ mà bạn đang dồn nén trong cơ thể. Về mặt lý trí, bạn biết rằng việc bấm còi sẽ không làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn chút nào; chẳng những thế, thật ra nó còn có thể làm phiền những tài xế khác. Vì vậy, thay vì “xả” cơn giận ra hay “nén” nó lại, bạn hãy quan sát sự thể hiện của nó trong cơ thể mình. Điều này có thể rất khó khăn, nhưng rất bõ công thực tập.
7. Chỉ tập trung vào việc lái xe hoặc đi xe mà thôi. Khi còn là một thiếu niên, có thể người ta lái xe chỉ để lái xe, để cảm thấy sự bùng nổ của tốc độ khi nhấn ga, để dự đoán sự biến động trên làn đường, để ngả xe khi vào các khúc cua v.v. Nhưng nay, hãy cố gắng chú tâm vào việc lái xe. Đôi khi, những điều khiến ta xao lãng trong lúc lái xe lại rất mơ hồ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nói chuyện điện thoại hoặc nhắn tin trong khi lái xe làm tăng nguy cơ tai nạn. Trong lúc lái xe, ta chỉ có thể lắng nghe điều gì đó một cách thụ động, như khi nghe tin qua đài phát thanh hay nghe một bài nói chuyện nào đó chẳng hạn. Ngược lại, những hành động đòi hỏi phản ứng sẽ khiến ta mất sự chú ý cần thiết cho việc lái xe. Nếu ta đang có mặt trên phương tiện giao thông công cộng, việc tập thiền một chút cũng là điều hay.
Tham khảo: Honk if you love mindfulness! Ten tips for mindful commuting by Jonathan S. Kaplan, Ph.D.
Nguồn:phattriencanhan.org