;
1. Bài viết này là những lời chân thành góp ý trong tinh thần xây dựng đối với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
2. Công văn số 467/CV-VNCPHVN, V/v phúc đáp văn bản số 25/CV-CGN của Thượng tọa Thích Nhật Từ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ký ngày 8 tháng 4 năm 2020 có nội dung làm cho tôi bất ngờ, khi trong công văn dùng các từ như “vu khống”, “xuyên tạc”...
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là cơ quan tập họp giới trí thức tinh hoa tu sĩ đặc biệt là những nhà khoa bảng của Phật giáo Việt Nam.
Do đó, theo tôi, khi đề cập đến trường hợp cụ thể mà công văn nêu, thì để chính xác và đầy đủ, chỉ nên dùng cụm từ “không đúng sự thật” là đủ.
Tôi không dám trình lên các quan chức Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, vốn là những nhà tu hành đạo cao đức trọng, yêu cầu về pháp tu “ái ngữ” của nhà Phật, mà chỉ muốn đề cập ở đây yêu cầu phong cách diễn đạt văn minh.
Qua báo chí, chúng ta vẫn biết cách diễn đạt văn minh về vấn đề những tương tự, những cụm từ thường hay dùng là “không đúng với sự thật”, “không phù hợp với sự thật”, “không đúng với thực tế”, “không khách quan”, “không chính xác”...
Qua báo chí, tôi thấy khi phát biểu ở chỗ công khai, như họp báo, trả lời báo chí, chưa nói đến việc thể hiện bằng văn bản, thì các quan chức thế tục các cấp và mọi nơi trên thế giới vẫn dùng tới những cụm từ như thế, thay vì các từ “vu khống”, “bịa đặt” có sắc thái “dữ tợn”, quá khích.
Các quan chức chính quyền không phải là nhà tu hành, không được hấp thụ giáo lý “ái ngữ”, nhưng có lẽ vì họ được đào tạo về việc diễn đạt văn minh, lịch sự cần và đủ cho yêu cầu, phục vụ mục tiêu thể hiện sự trách nhiệm trong diễn đạt ngôn ngữ.
Cho nên nếu nhà tu hành nào đó thường xuyên sử dụng các từ “xuyên tạc”, “vu khống”... thì tôi nghĩ đó là trường hợp cá biệt và dùng trong văn nói đã là quá đáng, không phù hợp với bậc tu hành nhà Phật. Do đó, nó càng không thích hợp với việc thể hiện trên công văn, nhất là những công văn của một cơ quan Phật giáo phục vụ yêu cầu cá nhân, theo yêu cầu cá nhân.
Trường hợp công văn đã dùng cụm từ “không đúng với sự thật”, thì mọi việc đã được làm rõ, thiết tưởng, dùng thêm các từ “xuyên tạc”, “vu khống” là thừa, không cần thiết, không thích hợp với phong cách ngôn ngữ của những nhà khoa bảng tu hành.
Trong điều kiện để có ý kiến đối với bài đăng trên truyền thông Phật giáo, ở những trang web lâu năm, có đông đảo bạn đọc, thì việc có thể gây cách hiểu về một đạo Phật Việt Nam có mâu thuẫn căng thẳng nội bộ, là các định chế Phật giáo đã phải dùng đến những từ ngữ diễn đạt vượt ra giới hạn thông lệ cho việc giao tiếp văn minh, lịch sự, tế nhị.
Các hòa thượng, thượng tọa tu hành lâu năm, là quan chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có một sự gìn giữ đặc biệt khi sử dụng từ ngữ trên văn bản và trong những phát ngôn chính thức so với những tín đồ.
3. Trong một công văn có tính chất xác minh như thế, theo tôi, việc chỉ đề cập chung “bốn nội dung liên hệ” là không chặt chẽ, thiếu sự chi tiết, cụ thể, rõ ràng vốn rất cần thiết khi làm rõ sự việc.
Nếu cho rằng có những nội dung “không đúng với sự thật” thì đó là những nội dung nào, căn cứ vào đâu để kết luận? Đi vào chi tiết và cụ thể khi phân tích, xác minh vấn đề là khả năng đương nhiên của những trí thức khoa bảng. Nó có lợi cho Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, người xin ý kiến và được nhận công văn phúc đáp cũng như đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc.
Cách diễn đạt thiếu chặt chẽ, không đi vào chi tiết thể hiện sự không chuyên nghiệp trong nghiệp vụ hành chính nói chung, đồng thời thể hiện việc còn mập mờ trong việc làm rõ đối với trường hợp cụ thể nói riêng.
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc một văn bản hành chính không chặt chẽ, chưa làm rõ một cách chi tiết, sẽ có thể bị khai thác cho những mục tiêu không chính đáng, và đó là điều dĩ nhiên, nếu văn bản được ban hành để phục vụ yêu cầu của một cá nhân trong bối cảnh đã có sự phức tạp nào đó.
4. Do là công văn của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, một cơ quan tập họp những tu sĩ trí thức khoa bảng Phật giáo, thì việc soạn thảo cần có sự quan tâm hơn đến các yếu tố thể thức, trong mối liên hệ với nội dung.
Công văn của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam có trích yếu “V/v Phúc đáp văn bản số 25/CV-CGN”. Theo sự thể hiện như trên, thì văn bản gởi đến Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là văn bản của chùa Giác Ngộ (viết tắt CV, tạm gọi là công văn), không phải là văn bản của thượng tọa Thích Nhật Từ. Thượng tọa Thích Nhật Từ ký văn bản của chùa Giác Ngộ với chức vụ người đứng đầu là trụ trì. Cho nên, trích yếu công văn nói trên của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam “V/v Phúc đáp văn bản số 25/CV-CGN của Thượng tọa Thích Nhật Từ” là không phù hợp, không chặt chẽ, thay vì “V/v phúc đáp văn bản số 25/CV-CGN của chùa Giác Ngộ”.
5. Tuy thượng tọa Tổng thư ký có thể ký công văn của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thừa lệnh hòa thượng Viện trưởng, tuy nhiên, trong những trường hợp đề cập đến những vấn đề phức tạp, thì Hòa thượng Viện trưởng nên là người trực tiếp ký công văn. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên các văn bản hành chính không cần tuân thủ những quy định của cơ quan có thẩm quyền trong việc soạn thảo văn bản. Tuy nhiên, logich người “TM Hội đồng quản trị” phải là người “KT Viện trưởng”, còn như ông Tổng thư ký chỉ có thể ký thừa lệnh, không thể thay mặt Hội đồng Quản trị. Vừa “TM”, vừa “TL” là mâu thuẫn trong thể hiện.
6. Khi công văn đã ghi trích yếu “về việc Phúc đáp văn bản số 25/CV-CGN” thì mục kính gửi đương nhiên phải thể hiện chức vụ người ký văn bản gửi đến xin ý kiến, là trụ trì chùa Giác Ngộ.
Việc ghi chức vụ của người được “kính gửi” là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là không phù hợp với trích yếu, thành ra đây là công văn “nội bộ” Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, của “Tổng thư ký” gửi “Phó viện trưởng”?
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là nơi tập họp những tu sĩ trí thức tinh hoa của Phật giáo Việt Nam, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên những văn bản của Viện, nhất là những văn bản được đem phổ biến trên truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng. Nó phần nào thể hiện diện mạo, trình độ của quan chức lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như Phật giáo Việt Nam.
Cho nên đề nghị của tôi là Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nên hết sức thận trọng, bảo đảm những tiêu chí cần thiết, sử dụng từ vựng thích hợp với vị trí của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam trong những công văn như vậy.
Trường hợp lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nếu có quan điểm khác với tập quán và thông lệ trong thể hiện văn bản, nếu chủ trương sử dụng những từ có cá tính, áp đảo, góc cạnh, bạo liệt, nếu có quan điểm thể hiện sắc thái riêng trong hoạt động tu hành, nếu có những tính toán hậu ý để khai thác về sau cho những việc nào đó, hay nếu có những quy định về soạn thảo văn bản cá biệt mà tôi không được biết, thì xin bỏ qua những góp ý của tôi.
MT
_______________________________________________________________
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com.
vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.