;
Hà Nội: Ngày thứ ba của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng 2019
Bước sang ngày tu tập thứ tư của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) - số 63 phố Bằng Liệt - phường Hoàng Liệt - quận Hoàng Mai - thành phố Hà Nội, sáng ngày 09 tháng 10 năm 2019, nhằm ngày 11 tháng 09 năm Kỷ Hợi, nhận lời mời của Ban tổ chức, Thượng tọa Thích Tâm Hoan - Ủy viên HĐTS, Chánh văn phòng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN quận Ba Đình đã quang lâm thuyết giảng cho đạo tràng bản tự với chủ đề “Ý nghĩa của việc trì tụng kinh Dược sư".
Mở đầu thời pháp thoại, Thượng tọa đã nói lên những lợi ích khi tụng kinh Dược Sư, và nhấn mạnh “Chúng ta tụng kinh Dược Sư để ôn lại những lời đức Phật đã dạy, đọc ở đây là đọc một cách thành kính để cho lời dạy của đức Phật thấm nhuần vào trong tâm thức của chúng ta và có tác dụng loại bỏ đi những phiền đau “tham sân si mạn nghi tà kiến” và đem lại cho chúng ta một cuộc sống an vui hạnh phúc”
Tiếp theo, Thượng tọa đã nêu lên 5 ý nghĩa trong kinh Dược Sư, thứ nhất là “xuất sinh”, thứ hai là “hiển thị”, thứ ba là “tuyền dũng”, thứ tư là “thằng mặc”, thứ năm là “kết man”. Thượng tọa chia sẻ "Nói đến “xuất sinh”, trong bảy ngày tụng niệm chí thành chí thiết lễ bái, khi tụng mắt ta nhìn vào văn kinh, miệng ta đọc và tâm nương theo văn kinh thì kinh Dược Sư có tác dụng loại bỏ đi những tạp niệm, buồn phiền, đau khổ ở trong tâm chúng ta, đồng thời kinh sẽ đem lại một cuộc sống an lạc giải thoát. Trong kinh Dược Sư và tất cả các kinh điển khác mà Đức Phật đã nói thì khi tụng niệm sẽ sinh ra được pháp lành diệt trừ đi pháp ác, đem lại một cuộc sống an vui, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Nghĩa thứ 2 “hiển thị” đây là Đức Phật đã hiển thị rõ ràng bản tính của tất cả chúng sinh. Hàng ngày ta thường đọc kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã nói Ngài ra đời vì một đại sự nhân duyên, không ngoài mục đích là chỉ cho chúng sinh là ai cũng có tri kiến Phật. “Tri kiến Phật” đây là nói đến Phật tính, là bản tâm thanh tịnh mà ở trong mỗi người ai cũng đều có.
Nhưng chúng ta bị phiền não khổ đau che lấp bản tính đó đi, bây giờ muốn cho bản tính đó hiển lộ thì phải nương vào giáo pháp mà tu tập... Nhờ thụ trì đọc tụng kinh sách và những lời của Đức Phật dạy mà chúng ta loại bỏ được Tham - Sân - Si. Đây là 3 con rắn độc làm chúng ta phải sống trong đau khổ và làm cho chúng ta sinh tử luân hồi...
Ngoài việc giới thiệu cảnh giới Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật còn giới thiệu cho ta biết được Đức Phật Dược Sư ở cảnh giới Đông phương. Nếu khi ta bị bệnh tật ốm đau chi phối vào thân, hay khi tâm bị buồn phiền đau khổ chi phối thì chúng ta phải chí thành chí thiết đọc tụng thụ trì kinh Dược Sư để bệnh tật, phiền não, khổ đau được tiêu trừ. .
Nghĩa thứ ba “tuyền dũng”, “tuyền” ở đây có nghĩa là dòng suối, “dũng” là chảy mạnh. “Tuyền dũng” là nói đến dòng suối chảy mạnh sẽ cuốn trôi đi tất cả những thứ ô uế, rác rưởi và nó làm cho dòng suối lúc nào cũng trong xanh. Vậy người Phật tử chúng ta khi đọc tụng, thụ trì kinh Dược Sư thì kinh sẽ có công năng cuốn trôi đi bệnh tật ở nơi thân và loại bỏ đi khổ não, buồn phiền ở nơi tâm của mỗi người. Muốn nó cuối trôi đi bệnh tật và phiền não thì Phật tử phải tinh tiến đọc tụng thụ trì.
Vậy “tuyền dũng” nói lên sự tinh tiến của người đệ tử Phật trong quá trình tu tập. Chỉ có tinh tiến thụ trì, đọc tụng kinh Dược Sư thì sẽ có công năng quét đi tất cả buồn phiền đau khổ ở nơi tâm và bệnh tật ở nơi thân. Nghĩa thứ tư là “thằng mặc”,“thằng” nghĩa là sợi dây, “mặc” là mực, sợi dây mực được người thợ mộc thường sử dụng khi muốn một cây gỗ cong thành thẳng thì người ta sẽ dùng sợi mực làm nét thẳng rồi họ sẽ cưa những phần cong queo.
Khi chúng ta đọc tụng, thụ trì kinh thì cũng như một dây mực tàu nắn tâm chúng ta trở lại ngay thẳng, vì tâm của chúng sinh trong cuộc sống nhiều lúc cong queo, tức là đôi khi ta sống không chân thật, có khi đối với người thân cũng giả dối với nhau và cái không chân thật đó nó dẫn đến buồn phiền đau khổ, nó làm mất niềm tin ở nhau.
Kinh sách Đức Phật dạy như kinh Dược Sư khi chúng ta thụ trì, đọc tụng với tâm chí thành thì có thể loại bỏ đi những khổ đau và làm cho tâm thanh tịnh trong sáng, vì thế trong cuộc sống ta thấy việc gì có lợi ích cho cộng đồng thì chúng ta cố gắng làm, còn những việc hại đến bản thân và cộng đồng thì nên tránh xa.
Nghĩa thứ năm “kết man”, nghĩa là khi tụng niệm lễ bái nhất là khi đọc tụng, thụ trì kinh Dược Sư thì hãu cố gắng thâu kết được những nghĩa lý ở trong kinh đức Phật đã dạy.
“Kết man” cũng giống cỗ tràng khi để rời rạc ra thì nó không có ý nghĩa gì, nhưng khi chúng ta xâu lại thành cỗ tràng 108 hạt thì lúc niệm Phật, mỗi một câu niệm chúng ta lần một hạt có chỗ để y cứ, làm cho tâm dễ định hơn. Nhưng có nhiều người không hiểu, lần để tính số lượng, còn tâm có định hay không thì cũng không để ý đến.Nếu tụng thật nhanh để cho xong mà không chú tâm được thì phiền não khổ đau không thể hết được, cho nên khi nghịch cảnh đến thì chúng ta vẫn phải hứng chịu".
Qua đó, Thượng tọa khuyến tấn hàng Phật tử tụng kinh Dược Sư và thâu tóm được lời Phật dạy sẽ là tư lương để làm cho cuộc sống được an vui, đồng thời cũng phát nguyện khi đọc tụng thụ trì kinh này thì sau khi xả báo thân được sinh về cõi tây phương cực lạc.
Cuối cùng, Thượng tọa mong rằng các Phật tử hãy tinh tiến tu học, “thụ trì đọc tụng kinh Dược Sư không những chúng ta chuyển được nghiệp của mình, mà chúng ta còn đem công đức hồi hướng để chuyển được nghiệp cho người thân. Nếu chúng ta thực hiện làm được như vậy thì bản thân chúng ta được an vui và gia đình thân quyến sẽ được hạnh phúc”.
Sau một giờ đồng hồ, buổi chia sẻ pháp thoại của Thượng tọa Thích Tâm Hoan đã kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn thể đạo tràng có mặt tại chùa Bằng hôm nay.