;
Đền Võ Miếu, ban đầu chỉ là ngôi nhà gỗ lợp tranh, đến năm 1898 mới được xây dựng lợp ngói, nhưng hơn 20 năm sau bị hư hỏng nặng. Đến năm 1922 (Khải định năm thứ 7) Võ Miếu được sửa chữa lại bổ sung và mở rộng như ngày nay. Nguyên xưa Võ Miếu chỉ thờ có Quan Thánh trong đó có thờ tượng Quan Thánh lớn đặt ở giữa, hai bên là tượng Châu Bình và Châu Xương.
Võ Miếu xây dựng quy mô lớn trên diện tích dài 70m, rộng 44m, cấu trúc theo kiểu chữ “Môn”, với cổng Tam quan, hai toà nhà hạ và thượng điện, quay hướng Nam. Các bộ phận nội ngoại thất liên hoàn chặt chẽ, đăng đối và hài hoà.
Mặt tiền ngôi Đền Võ Miếu
So với nhiều di tích trên địa bàn Hà Tĩnh, cổng tam quan Võ Miếu có quy mô và kiến trúc đẹp với chất liệu gạch đá vôi vữa, người thợ ở đây đã biết vận dụng không gian ba chiều vừa tách bạch vừa liên hoàn và trang nghiêm. Hai bên cổng có hai cột nanh to lớn trên đỉnh có đắp hai con nghê đang chầu. Cổng có 3 cửa ra vào phía trên được trang trí mặt hổ phù, chim phượng cuốn thư phía dưới có đề 3 chữ “Quan Thánh Từ”
Nhà hạ điện dài 10, 6 m và rộng 8, 7 m với 3 gian xây tường bao quanh. Cửa chính hình vòm cung trên có 3 chữ Hán “ Trạc Quyết Linh”. Hai cửa hai bên có cấu trúc giống nhau trên có hai chữ Hán “Trung Can” và “ Nghĩa Khí”, nối tiếp giáp cổng giữa và 2 cửa hai bên trong đó đặt 2 pho tượng mà dân gian quen gọi là ông Thiện và ông Ác (khuyến thiện, trừ ác).
Xung quanh có treo nhiều hoành phi gỗ sơn son thiếp vàng khắc chữ Hán như: “Tích Chi Quang”, “ Trung hữu thần võ” “Thiên thu chính khí” ... hai bên trụ tường bao phía sau có treo đôi câu đối bằng chữ Hán làm năm 1935:
Nhà thượng điện là một ngôi nhà chồng diêm 8 mái, gian giữa có một hương án sơn son trang trí đẹptrên đó bài trí các đồ thờ, tiếp đến là bệ long ngai đặt 4 pho tượng bằng gỗ sơn son đó là tượng Quan Công (chính giữa) xung quanh là tượng Châu Bình, Châu Xương và Trần Hưng Đạo .
Mặt tiền ngôi Đền Võ Miếu thập niên 90
Vào những thập niên 60 - 80, đền Võ Miếu là nơi sinh hoạt của hàng trăm Phật tử, nơi đây đã giúp cho nhiều Phật tử đương thời tu học nên sự nghiệp, cũng là nơi nuôi dưỡng ươm mầm hạt giống cho sự phát triển đông đảo người dân Hà Tĩnh đến với Phật giáo, mang lại niềm vui trong đời sống tâm linh cho người dân, là nơi trợ duyên, và manh nha cho sự ra đời Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh hôm nay.
Trong hạ điện của Đền đang lưu giữ và thiết trí rất nhiều tượng Phật, Chuông, Mõ và một số vật dụng pháp khí của của chùa Phật Học để lại.
Tuy nhiên hiện nay một số người đi lại, lễ bái lâu năm tại đây tự xưng là thầy, hành lễ viết sớ thu tiền tuỳ tiện, tranh dành giờ giấc làm lễ, mua động vật giết mổ ăn ngay tại Đền trông thật phản cảm và gây bức xúc trong dư luận, những thành phần này đang hủy hoại và trục lợi tư túi, đánh mất nét văn hoá tâm linh và cội nguồn từ bi trên mảnh đất thiêng liêng này.
Trong thời gian này đền Võ Miếu đang được trùng tu lớn, ngoài kiến trúc độc đáo trang nghiêm hoành tráng, với đầy đủ các tiện nghi và công trình phục vụ đón khách thập phương thăm viếng lễ bái, rất mong các cấp có thẩm quyền tại Hà Tĩnh quan tâm chỉnh đốn có quy định rõ ràng thiết lập lại và xoá bỏ những gì đang gây phản cảm bát nháo, không phù hợp với văn hoá tâm linh đang xảy ra tại ngôi Đền này.
Đó là mong muốn của đông đảo người dân cũng để xứng đáng là di tích văn hoá giàu ý nghĩa giáo dục, là địa chỉ văn hoá tâm linh của lành mạnh trên quê hương Hà Tĩnh.
Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp.