;
Trong tinh thần ấy, sáng ngày 05/9/2018 (26/7/ Mậu Tuất), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS- Trưởng ban Hoằng pháp TƯ – Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, ngôi Đường chủ hạ trường đã quang lâm pháp tòa Hạ trường Phật giáo Hà Tĩnh - Trung tâm Văn hóa Phật giáo, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), ban thời pháp thoại cho các hành giả an cư và đại chúng Phật tử.
Đại diện Chư tôn đức hành giả an cư dâng lời tác bạch cầu pháp.
Trước lúc pháp thoại, với sự hiện diện đầy đủ của Tăng ni, và một số Phật tử gắn bó từ những ngày đầu xây dựng lại Phật giáo nơi đây, Hòa thượng Trưởng ban đã ôn lại những thời khắc dấu ấn quan trọng từ sau Phật đản 1998 khi Thầy về với vùng đất Hà Tĩnh.
Theo đó, năm nay là năm thứ 9 Phật giáo Hà Tĩnh tổ chức an cư, sau một thời gian khá dài vắng bóng Tăng già. Những năm trước đây được tổ chức tại chùa Cảm Sơn, chùa Thanh Lương (Nghi Xuân) năm nay là Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh, đặc biệt, năm nay (2018) Phật giáo tỉnh nhà đã có thêm Trường hạ Cảm Sơn (TPHT) cho Chư ni, mặc dù chưa đủ 03 nhiệm kỳ, Phật giáo Hà Tĩnh có 75 vị Tăng ni, hơn 100 ngôi chùa khá khang trang chính thức được phép sinh hoạt, một Trung tâm Văn hóa có tầm vóc quy mô, thiện tín Phật tử quy hướng ngày càng đông, bên cạnh đó nhiều Phật sự trọng đại được tổ chức nhằm xiển dương giáo lý Phật đà làm cho nhân dân Phật tử được lợi lạc hoan hỷ.
Nhưng quan trọng hơn hết là tinh thần đoàn kết lục hòa luôn được đề cao trong nếp sống sinh hoạt của đại chúng từ bài học thân giáo của vị đứng đầu Ban trị sự Phật giáo tỉnh.
Tại thời pháp thoại với chủ đề“Mục đích an cư” dành cho Tăng ni và Phật tử. Hòa thượng trưởng ban nhấn mạnh và phân tích sâu về ý nghĩa của ba tháng An cư kiết hạ: “An cư kiết hạ là thời gian cho Tăng ni dồn hết tâm lực cho việc tu học, thúc liễm thân tâm trau dồi Giới Định Tuệ, “nạp thêm năng lượng” để bù đắp lại tháng ngày vân du hóa độ vào đời hành đạo, đem đời vào đạo đem đạo vào đời…cũng như chiếc điện thoại sử dụng lâu cần nạp thêm điện vậy…” .
Hòa thượng ví dụ câu chuyện tại sao Đức Phật dạy tôn giả Mục Kiền Liên cầu thỉnh Chư tăng và cúng dường thức ăn đến chư Tăng trong ngày tự tứ và hồi hướng phước báu đến mẹ là bà Thanh-đề để giúp bà thoát khỏi khổ cảnh của kiếp ngạ quỷ? Đức Phật vẫn có thể dùng thần thông giúp Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ, nhưng Ngài trao quyền cho Chư tăng, đề cao tinh thần lục hòa, vận dụng năng lượng tu tập trong ba tháng an cư kiết hạ, Chư tăng tăng trưởng công đức đạo lực để tế bạt được khổ đau…”
Cũng trong câu chuyện lễ Vu lan, Hòa thượng cho rằng, ngày nay sử dụng câu “Nam mô duyên khởi đại hiếu Mục Kiền Liên…” là chưa hẳn đúng, bởi sau 7 năm hành đạo Đức Thế Tôn lên cung trời Đạo Lợi an cư thuyết pháp để độ thân mẫu, hay về lại hoàng cung hóa độ cha là vua Tịnh Phạn Ngài là biểu tượng cao đẹp đầu tiên cho tinh thần hiếu hạnh.
Hòa thượng giảng giải và chia sẻ, đối với người xuất gia khi thọ giới cụ túc có một tên gọi nhưng nhiều cách phát âm (Tỳ kheo, Tỳ khưu, Tỳ khiêu) Tỳ kheo cũng có 3 nghĩa: khất sĩ, phá ác, bố ma, là kẻ xin ăn, trên xin giáo pháp của Phật để tu thân, dưới dùng thức ăn của đàn việt để nuôi thân. Và tài sản của Tỳ kheo chỉ có 3 y một bát, nhà Phật có câu: Nhất bát thiên gia phạn, Cô thân vạn lý du…là bát cơm thì của ngàn nhà, cơm của nhà này, của nhà kia đặt vào trong bát của vị du tăng khất sĩ. Có thể đi rất xa, thảnh thơi đi du hóa cả vạn dặm.
Thầy cũng đã phân tích về nghi thức khi thọ ba y một bát của vị Tỳ kheo nhằm đề cao tinh thần cao quý và hình ảnh người khất sĩ. Tấm y được giáo pháp của Phật ba đời truyền trao khi đứng vào hàng trưởng tử của Đức Như Lai, đánh dấu sự trưởng thành đầy đủ giới đức trang nghiêm xứng đáng vào hàng ngũ tăng đoàn. Y Bát được tổ sư truyền thừa cho 27 đời đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma và sang Trung Hoa sáu đời đến lục Tổ Huệ Năng.
Vì vậy, người xuất gia không có y bát như chim mất cánh như cây lìa cành vì y bát như đôi cánh cho hành giả hướng đến một phương trời cao rộng, vượt thoát ấm ma, làm bậc xuất trần thượng sĩ, làm lợi lạc quần sanh, tạo Niết bàn tịnh lạc ngay cõi trần gian này.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và pháp thoại đề tài "Mục đích an cư".
An cư kiết hạ ngoài việc chuyên tâm tu tập cho bản thân cũng là dịp cho Chư Tăng, Chư ni có cơ hội giao lưu gặp gỡ cùng nhau học hành trao đổi phương pháp tu tập, phương pháp hoằng pháp lợi sinh, đồng thời là cơ hội tạo phước báo nhân thiên qua việc hộ trì chúng Tăng và thỉnh cầu giáo pháp của hàng phật tử tại gia trong suốt mùa An cư. “Bình thường cũng chừng đó tịnh tài tịnh vật chúng ta đến chùa cúng dường một Chư tăng hay một Chư ni nhưng khi về trường hạ nơi tập trung đông đủ các vị ấy cũng chừng đó tịnh tài tịnh vật chúng ta được cúng dường hàng chục, hàng trăm vị Tăng, Ni như vậy sự cúng dường thật có ý nghĩa. Quý Tăng ni là pháp thí, Phật tử đàn việt là tài thí, pháp thí không chỉ là lên pháp tòa mà có thể là biết ăn chay, biết niệm Phật, biết giữ giới biết hành động cử chỉ chánh niệm mỗi ngày, mỗi nơi đã là thân giáo, là pháp thí... Tài thí là Phật tử tại gia, Pháp thí là Phật tử xuất gia, hai chúng hỗ trợ nhau trên phương diện tu tập”– Hòa thượng giảng sư nhấn mạnh.
Dịp này, Hòa thượng đã phân tích về pháp lục hòa trong mùa an cư, như: Lợi hòa đồng quân – chia sẻ ngọt bùi; Thân hòa đồng trụ - ăn ở cùng nhau; Khẩu hoà vô tránh – sống với nhau không cãi nhau; Ý hoà đồng duyệt - tâm ý luôn hoan hỷ vui vẻ với nhau; Giới hoà đồng tu - cùng nhau sống tại hạ trường, tôn trọng nhau; Kiến hoà đồng giải - chia sẻ hiểu biết cho nhau, góp ý xây dựng về quan điểm…
Bài pháp thoại của Hòa thượng cũng đã làm rõ, đi sâu về ý nghĩa tam vô lậu học - Giới, Định, Tuệ, “Giới như ngọn đèn, có khả năng tiêu trừ đêm dài tăm tối Giới chính là nền tảng cho người xuất gia, là yếu tố quan trọng để sanh định và phát tuệ nhưng Giới yếu, Giới buông lung, không giữ thì đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn..,” ? Những ví dụ thực tiễn về Định trong cuộc sống hằng ngày cũng được Hòa thượng chứng minh thông qua những dẫn chứng cụ thể giúp người nghe nắm bắt và thấu triệt pháp tu học quan trọng này.
Pháp thoại của Hòa thượng tiếp tục đi sâu phân tích giảng giải và đưa ra những ví dụ thực tiễn về ý nghĩa công đức, đạo lực của Chư tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, đồng thời trích dẫn những lời Phật dạy thông qua các kinh sách về lợi ích, ý nghĩa trong pháp cúng dường đối với người tại gia trong khóa hạ an cư.
Chư ni Phật giáo Hà Tĩnh an cư tại Trường hạ chùa Cảm Sơn.
Cuối cùng, Hòa thượng khẳng định, an cư kiết hạ là kết túc, “liên kết chân, buộc chân”, lại với nhau để tu tập, để bảo hộ thân tâm, tích lũy công đức, nỗ lực tu hành để tăng trưởng đức hạnh, tăng trưởng trí tuệ. Đức hạnh, trí tuệ tăng trưởng thì tăng trưởng giới thân huệ mạng.
Thời Pháp thoại khép lại, đại chúng với niềm an lạc, hoan hỷ trong chánh niệm người nghe cảm nhận mỗi lời Pháp như có thể đem lại hạnh phúc, làm tư lương trên bước đường tu nhân học Phật.
Chiều cùng ngày, nhận lời thỉnh mời của đạo tràng Phật tử, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã về thăm chùa Vĩnh Phúc, thôn Tân Tiến, xã Thạch Hương, Thạch Hà (Hà Tĩnh). Vĩnh Phúc là ngôi cổ tự được xây dựng năm 654 khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, trên khuôn viên hơn 7.000 m2.
63 năm (1955) trôi qua từ ngày Hòa thượng Thích Tinh Cần viên tịch, tiếp nối duyên lành,
ngôi cổ tự Vĩnh Phúc lại được đón một vị cao Tăng đứng đầu Phật giáo tỉnh về thăm.
Trong chùa có hai câu đối:
Vĩnh cửu thiên trung khai tuệ nhật,
Phúc duyên sơn thượng ấm từ vân.
(Vĩnh viễn giữa trời vừng tuệ đó, Phúc duyên trên núi đám mây từ.)
Dữ thiên địa trường tồn, Dương, Mặc, Lão, Trang hà tại
Cắng cổ kim phụng sư, Lương, Đường, Tần, Hán dĩ lai.
(Cùng trời đất lâu dài, Dương, Mặc, Lão, Trang đâu nữa?
Suốt xưa nay thờ phụng, Lương, Đường, Tần, Hán đến giờ.)
Trước đây, chùa có đầy đủ các công trình như nhà Tăng, chùa Thượng, chùa Hạ, tượng hộ pháp, cổng tam quan, do thời gian, chiến tranh và nhiều lý do khách quan chùa bị hư hỏng mất đi nhiều hạng mục, xuống cấp nghiêm trọng và không còn nguyên vẹn đầy đủ của một ngôi cổ tự linh thiêng.
Tại đây, Hòa thượng đã dâng hương lễ Phật, lễ Tổ và cầu nguyện cho đạo tràng, bổn tự ngày càng khang trang lớn mạnh, đồng thời có lời động viên khuyến tấn Phật tử tinh tấn tu tập vun bồi công đức để có an lạc hạnh phúc trong cuộc sống.
Được biết, sáng nay, 27.7.Mậu Tuất (6/9/2018), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tiếp tục có thời pháp thoại giáo giới cho Chư Đại đức Tăng ni hành giả an cư tại hai Trường hạ Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh về Tỳ ni tạng (giới luật) trong đó chú trọng pháp an cư - tự tứ.