;
Chùa Thanh Lương thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài những bối cảnh đó, sau những năm tháng thăng trầm theo lịch sử của dân tộc trải qua hàng ngàn năm, với sự tàn phá của chiến tranh sự bào mòn của thiên nhiên, kể từ khi vị Hoàng tử thứ 8 của đức vua Lý Thái Tổ là Lý Nhật Quang dựng lập, khi vào trấn giữ Hoan Châu ( là vùng đất Nghệ An -Hà Tĩnh ngày nay)
Với vị trí đắc địa bên cạnh dòng Sông Lam lịch sử, gần trục đường Quốc lộ thuận lợi về giao thông, nằm phía bắc của tỉnh Hà Tĩnh thuộc quần thể khu di tích văn hóa Nguyễn Du, trải qua nhiều lần trùng tu sữa chữa, hội đủ duyên lành ngày 17/3/2012 nhằm ngày 25/2 Nhâm Thìn đại đức trụ trì Thích Quảng Nguyên đã tổ chức lễ động thổ xây dựng trùng tu ngôi Thanh Lương cổ tự này.
Buổi lễ được cung đón HT Thích Bảo Nghiêm phó Chủ tịch HĐTSGHPGVN, Trưởng ban Hoằng Pháp, Trưởng BTSPG Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội - Đại đức Thích Chiếu Tuệ, Phó thư ký kiêm Trưởng ban Hoằng pháp THPG Hà Nội - Đại đức Thích Viên Như phó BTS – Đại đức Thích Hạnh Nhẫn trưởng ban Hoằng Pháp tỉnh Hà Tĩnh, và các chư Tăng trụ trì các tự viện hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đại diện chính quyền các cấp có ông Trịnh Xuân Diệu, trưởng ban tôn giáo dân tộc Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh bí thư huyện ủy Nghi Xuân, ông Nguyễn Hiền Lương chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, và các ban nghành chính quyền địa phương với gần 800 Phật tử, người dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh cùng tham dự.
Lời diễn văn khai mạc Đại đức Thích Quảng Nguyên đã cảm niệm và tán thán sự tín tâm của các Phật tử, đại chúng thập phương đã ủng hộ tịnh tài, và sự giúp đỡ của GHPGVN, sự tận tình của các cấp chính quyền địa phương sở tại để trùng tu ngôi Tam Bảo ngày được khang trang, làm nơi tu học, phục vụ đời sống văn hóa tâm linh cho mọi người.
Lời phát biểu của đại diện các cấp chính quyền cũng bày tỏ tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngôi chùa Thanh Lương sớm hoàn thành như tâm nguyện của đại đức trụ trì và đông đảo bà con Phật tử.
Đạo từ Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm sách tấn hàng Phật tử chia sẻ với mọi người về lịch sử, đạo tình của Phật giáo và dân tộc.
Đạo pháp và dân tộc luôn hòa quyện với nhau ngay từ buổi đầu sơ khai, Phật giáo đã tạo nên những liên hệ mật thiết trên con đường đi tới của dân tộc, trải qua hàng ngàn năm truyền bá, phát triển Phật giáo đã tạo được những gắn bó tốt đẹp với dân tộc thể hiện qua các mặt như phong tục tập quán, tính dân tộc thương yêu đùm bọc, văn hóa của Việt Nam mang âm hưởng từ bi bác ái của giáo lý nhà Phật góp thêm sức mạnh xã hội, trong âm hưởng đó ngôi chùa đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là nơi kết nối Phật pháp với người dân là nơi tín ngưỡng tâm linh, hướng thiện của bao thế hệ tiền bối, nơi thờ vị cha lành của nhân loại, là nơi phụng sự ghi ân của những bậc tiền bối các bậc tổ sư..
"Cây đa bến nước sân đình, mái chùa che chở tâm linh muôn đời..."
Vấn đề xây dựng tất cả các hạng mục của Thanh Lương tự cần mang phong cách kiến trúc, vẻ đẹp thuần túy của một ngôi chùa Việt có sự chấp thuận của các cơ quan hữu trách, tránh lai căng lắp ghép sẽ không tạo những ngôi chùa mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Vị sư là người mượn cảnh để tu thân, chùa không phải là của vị sư chùa là của nhân dân thập phương, xây chùa không phải là nơi để mọi đến vái lạy cầu xin, mà là nơi quy ngưỡng hướng thiện, làm lành tránh dữ, là nơi tu học hướng mỗi người đến cuộc sống an lạc và hạnh phúc, Hòa thượng nhấn mạnh.
Sự đóng góp của các Phật tử, người dân dù ít dù nhiều, điều quan trọng nhất là chữ Tâm của mỗi người, hãy hộ trì Tam Bảo cho đúng nghĩa, mọi phước báu đều được hưởng như nhau, Hòa thượng cũng mong muốn tình cảm giữa lãnh đạo chính quyền và nhà chùa ngày càng được phát huy tốt đẹp hơn nữa.
Phần động thổ được tiến hành và chư Tăng đã cầu nguyện chư Phật chư Bồ Tát gia hộ vạn sự cát tường hanh thông, khởi đầu cho cho ngôi cổ tự Thanh Lương được thập toàn viên mãn.