;
Ngôi chùa Yên Lạc vừa được khôi phục
Tham dự chứng minh buổi lễ, Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Đại đức Thích Tâm Phương, UVTT, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Đại đức Thích Thiện Nhơn, Trưởng BTS GHPGVN huyện Thạch Hà; Đại đức Thích Chúc Giác, Phó BTS huyện Thạch Hà, trụ trì chùa Phúc Linh; Đại đức Thích Tâm Nguyện, trụ trì chùa Giai Lam – Tịnh Pháp; Đại đức Thích Chúc Huy, chùa Hương Tích.
Tôn tượng Bổn Sư Thạch Ca Mâu Ni tại chính điện.
Về phía chính quyền dự buổi lễ có, ông Trần Nam Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà; ông Nguyễn Lương Lĩnh, Phó chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà; ông Ngô Văn Tân - Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà; Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngọc, ông Võ Tá Duy , Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc, đại diện các phòng ban, hơn 200 Phật tử nhân dân cùng tham dự.
Làng Mỹ Châu xưa thuộc Tổng Đông, Phủ Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tục gọi là chùa Mỹ Châu, còn gọi là chùa Yên Lạc, trước cổng có ba chữ hán Yên Lạc Tự.
Chùa và cổng chùa Mỹ Châu quay về hướng Nam. Cổng chùa đứng sát mép con đường lớn, cổng chùa được gọi là ngõ lâu, được làm hai tầng bằng gỗ, mỗi tầng là một phòng vuông 3m, tường xây bằng gạch thủ công nhỏ, trên lợp ngói vảy âm dương.
Chùa làm bằng gỗ tốt, theo kiểu trùng thiềm điệp ốc (mái chồng nhà nối) còn gọi là trùng lương trùng thiềm là một kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Bốn cột của gian giữa cao 2.8m, xà dài 2.5m, hai gian ở hai bên mỗi gian xà dài 2m, xung quanh tường gỗ, cửa bằng gỗ, chùa không cao to nhưng đẹp, duyên dáng.
Đại đức Thích Tâm Phương chủ trì lễ sái tịnh, an vị tôn tượng.
Đại diện chính quyền tham dự lễ an vị tôn tượng Phật.
Khuôn viên hình chữ nhật của chùa được bao quanh bằng tường thấp 70cm xây bằng đá tự nhiên và vôi.
Xung quanh chùa cây cối xanh tốt. Đặc biệt phía sau chùa (nơi đài tượng niệm liệt sĩ hiện nay), cây cối rậm rạp có nhiều cây cổ thụ như ở trong rừng.
Trong khuôn viên chùa có trồng các bụi hoa Tứ Kinh, cây Tứ Kinh thuộc loại thân gỗ, hoa đẹp, sống khỏe, kể cả khi không có điều kiện chăm sóc.
Trong chùa có tượng Phật sơn son thiếp vàng, có chuông đồng cao 45cm, đường kính 28cm, quai đúc hình con rồng có 4 nốt tròn xung quanh, theo lời kể lại chuông lấy từ xã Đức Lâm về (Đức Lâm là tên cũ của xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà) hiện nay, nơi có nghề đúc đồng truyền thống). Chuông treo dưới mái hiên phía tây chùa.
Chùa ở gần dân, có một vị sư nữ. Theo lời người xưa kể lại, bà sư trước ở chùa Đức Lâm,…sau thời gian tu hành, khi chết tự thu thần hỏa táng tại núi Truông Rọ. Nơi hỏa táng (tự thiêu) ở lưng đồi, sau này có cây Giới mọc, dân làng thường gọi "cây Giới bà sư", và tồn tại bởi lời đồn linh thiêng, đến năm 90 của thế kỷ 20 ai đó đã chặt mất cây Giới…
Ông Trần Nam Hồng - Phó bí thư TT Tỉnh ủy dâng hương và chúc mừng bổn tự.
Theo dòng lịch sử, chùa Yên Lạc, thôn Mỹ Châu đã tồn tại trong một thời gian dài, mãi đến những đầu thập niên 80 do quan điểm sai lầm lúc bấy giờ chùa bị phá dỡ, quả chuông bị đem vào trường để đánh, tượng bị vứt xuống ao hồ, hay chặt làm củi, nền san phẳng làm hội trường hợp tác xã…,thời gian gần đây (thập niên 90) liên tiếp những câu chuyện không hay đến với người dân, những chướng nạn, những cái chết oan ức, bệnh tật làm nhiều người dân hoang mang, chính quyền lo lắng những nghi hoặc và suy diễn, đồn đoán đưa ra làm mọi người bất an, và nhiều ý kiến cho rằng mọi thứ bất an do đập chùa phá tượng tại vùng đất linh thiêng này.
Trước sự lo lắng đó, một số lãnh đạo xã đã tìm đến người mua ngôi nhà gỗ chùa này nhưng chỉ còn sót lại 3 cánh cửa. Di vật hiện nay còn lại là một cái khánh do người dân ở cạnh chùa cất giữ.
Thời gian trôi qua trong sự mong chờ, ước nguyện cho ngôi chùa được khôi phục lại của nhiều Phật tử tâm huyết, của bà con nhân dân cũng như lãnh đạo địa phương tâm huyết với quê hương, với văn hóa truyền thống, và với những kỷ niệm xưa bên ngôi chùa làng thân thương mòn mỏi hơn 20 năm nay...
Ngôi chùa nhỏ trong tinh thần hoằng pháp, hộ trì Tam bảo của những Phật tử tại gia.
Với tinh thần hộ pháp, tri ân tiền nhân khai sáng già lam Yên Lạc, nhóm Phật tử thiện nguyện với sự trợ giúp của chính quyền địa phương và sư cô Thiền Luận, đứng ra làm một số thủ tục cần thiết xây dựng lại ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con Phật tử, hướng đến thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh cho nhân dân, là nơi tu học cho thanh thiếu niên các lứa tuổi bằng việc tổ chức các lớp giáo lý về đạo Phật, hướng dẫn đạo đức cộng đồng hướng thiện, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần.
Trước lúc buổi lễ diễn ra, Phật tử Ban Hộ tự chùa Yên Lạc hướng về chùa Bằng (Hà Nội) bái vọng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp đến, Đại đức Thích Thiện Nhơn phát biểu khai mạc nói về ý nghĩa, công đức xây dựng ngôi chùa, đồng thời chúc mừng Phật tử, nhân dân dân xã Thạch Ngọc có nơi tu học, sinh hoạt văn hóa tâm linh.
Toàn cảnh buổi lễ.
Tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã có lời chúc mừng bà con Phật tử nhân dân xã nhà và gửi lời cám ơn đến nhóm Phật tử thiện nguyện cũng như sự trợ duyên của sư cô Thiền Luận.
Ông cho rằng, ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự tâm linh mà còn là nơi giáo dục hướng thiện, giúp mọi người sống tốt với gia đình và xã hội, vì vậy việc khôi phục lại chùa Yên Lạc là đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhân dân.
Ông Lê Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã phát biểu chúc mừng.
Với sự cố gắng của nhóm Phật tử thiện nguyện, chùa Yên Lạc được khởi công ngày 16.9.Mậu Tuất (24/10/2018) hiện nay chùa đã khôi phục cơ bản phần chánh điện và an vị tôn tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni cao 2,1m, các hoạt động sắp tới đã được bố trí sắp xếp linh hoạt để ngôi chùa luôn được ấm cúng, trang nghiêm, Ban hộ tự tiếp tục hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đại đức Thích Tâm Phương, UVTT BTS Phật giáo tỉnh, có đạo đạo từ tán dương nhóm Phật tử thiện nguyện và hoan hỷ trước sự nhiệt tình trợ duyên của lãnh đạo chính quyền địa phương xã nhà. Thầy cho rằng, trùng tu phát triển những ngôi chùa chính là việc làm phù hợp với kinh điển giáo lý của nhà Phật, phù hợp với tinh thần phát triển của Phật giáo tỉnh – nhằm đáp ứng nhu cầu tu học tâm linh của đồng bào Phật tử địa phương, việc làm hết sức ý nghĩa.
Thầy nhắc lại những khó khăn vất vả (năm 1997 - 2005) của Đại đức Thích Bảo Nghiêm (nay là Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm) cũng như Chư tôn đức BTS Phật giáo tỉnh thời kỳ đó khi dấn thân khôi phục chùa cảnh, thành lập Ban Đại diện để làm tiền đề cho sự phát triển hôm nay. Thầy nhấn mạnh, việc một tu sĩ làm hồ sơ khôi phục, xây dựng một ngồi chùa đã khó khăn vất vả huống hồ những Phật tử tại gia còn nặng nợ thế gian.
Cuối buổi lễ, đại diện nhóm Phật tử thiện nguyện dâng lời tác bạch tri ân lên Chư tôn đức Tăng Ni cũng như cảm ơn thiện tín và Phật tử xa gần nhiệt tâm đóng góp trùng tu; sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền…để hoàn thành tâm nguyện phục dựng ngôi chùa và lễ an vị tôn tượng Phật.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Ảnh kỷ niệm lễ động thổ.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=9xCxZ6Zvq2c|500|500}