;
Hòa thượng Đường chủ cùng chư hành giả niêm hương đảnh lễ Tam bảo tại đại hùng bảo điện.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS – Trưởng ban Hoằng pháp TƯ- Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Chư tôn đức Tăng, Ni hành giả an cư các chùa, tự viện huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hơn 800 Phật tử thiện tín tham dự lễ và thính pháp.
Hòa thượng Đường chủ cùng chư hành giả niêm hương cẩn bạch lịch đại Chư tổ tại thiền đường.
Tại thiền đường Trung tâm Văn hóa Phật giáo, Hòa thượng Đường chủ niêm hương cẩn bạch lịch đại chư vị Tổ sư; cùng Chư tôn đức hành giả vân tập về đại hùng bảo điện đảnh lễ Tam bảo cử hành các nghi thức tâm linh truyền thống.
Mùa an cư kiết hạ Phật lịch 2566, toàn tỉnh có 90 vị hành giả an cư trong 03 trường hạ, hạ trường thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh 12 vị hành giả Tăng; hạ trường Trung tâm Văn hóa Phật giáo 59 hành giả Tăng và hạ trường chùa Cảm Sơn 19 hành giả Ni.
Khóa hạ an cư năm nay của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh được sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Quyền Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN; Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN và Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – ngôi đường chủ. Cung an chức sự hạ trường Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh, Chánh duy-na, Đại đức Thích Hạnh Nhẫn; Phó Duy-na, Đại đức Thích Chánh Thành; Đại đức Thích Thiện Nhơn.
Về thời khóa tu học, tụng kinh, niệm Phật, thiền hành, quá đường, học Tiểu trường và bộ luận "Truy môn cảnh huấn" được lấy làm chủ đạo trong các thời khóa cũng như Tam tạng Thánh giáo. Bên cạnh đó ban chức sự hạ trường thỉnh Chư tôn đức giáo thọ sư Tăng và Ni, đến giảng chia sẻ trải nghiệm tu tập, truyền trao kiến thức Phật pháp đến hành giả.
Tại buổi lễ, đại diện Ban duy-na các trường hạ bái vọng về tam vị Hòa thượng chứng minh, cung đối Hòa thượng Đường chủ tác bạch thỉnh pháp. Hòa thượng hoan hỷ hứa khả tuyên thuyết thời pháp đầu tiên cho khóa an cư năm nay.
Mở đầu pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ cảm nhận cá nhân cũng như niềm hoan hỷ khi được tự do, gặp gỡ nhau trong niềm an lạc của hàng triệu triệu người sau những ngày tháng khó khăn bức bách, gò bó với nỗi niềm âu lo do đại dịch covid-19 gây ra, lúc đó mong muốn những phút giây bình thường tưởng như là rất bình thường ấy nhưng thật là không hề dễ. Mọi Phật sự từ Phật đản, vu lan, cầu an..đều bị hoãn.
“Từ tháng 3 năm nay mọi hoạt động bắt đầu trở lại chúng ta có cơ hội bày tỏ lòng tôn kính tri ân đấng từ phụ trong Đại lễ vesak PL. 2566 vào ngày mồng 6 tháng tư (âm lịch) vừa qua. Đặc biệt là hôm nay, thời tiết cũng chiều lòng người, Tăng ni, Phật tử chúng ta được gặp nhau trong an lạc để khai pháp 3 trường hạ của Phật giáo Hà Tĩnh.
Phép an cư bắt đầu từ Đức Phật chế ra ngay trong năm mà Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cứ như vậy trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết pháp lúc đó Ngài tròn 35 tuổi cho tận ngày nhập Niết bàn 80 tuổi cả 45 năm trụ thế thuyết pháp cũng chừng ấy thời gian Đức Phật tác pháp an cư cùng Chư tăng.
An cư là yên ổn ở một chỗ, yên ổn cả thân và tâm. Luật tạng có dạy “hình tâm nhiếp tĩnh yếu kỳ tại trụ” nghĩa là thân tâm phải ở yên một chỗ.
Ngày nay cuộc sống hiện đại có một cái nạn là điện thoại, ngồi một chỗ nhưng tâm không tĩnh do chắm chú vào điện thoại. Phật dạy trong mùa an cư cả Thân và Tâm đều an một chỗ. Đạo Phật chú trọng cái tâm, tâm an trú, tâm chính niệm, tâm tỉnh giác, tâm tịch tĩnh…đó mới là an cư. Còn để tâm phan duyên trần cảnh, tâm tha hóa thì không phải an cư” – Hòa thượng nhấn mạnh.
Nói về khơi nguồn pháp an cư, Hòa thượng chia sẻ: “Đức Phật dạy trong các giới luật có dạy thêm, Xuân an cư và Đông an cư; Hạ an cư có hai kỳ là Tiền an cư và Hậu an cư, an cư mùa Hạ là phù hợp vì mùa Hạ thời tiết khắc nghiệt, côn trùng sinh sôi nảy nở. Ba tháng an cư để trau dồi giơi đức trau dồi tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ.
Trong kinh tạng Nykaya ghi lại, trong suốt 45 năm trụ thế thuyết pháp, Đức Phật an cư nay chỗ này mai chỗ khác, nơi Ngài an cư lâu nhất là tinh xá Kỳ Hoàn, thành Vương Xá, với 10 năm. An cư trong 3 tháng nên còn gọi là 9 tuần cấm túc.
An cư phải đủ chúng số từ 4 vị trở lên, nếu 3 vị độc cư ở với nhau nơi biên địa hẻo lánh thì gọi là đối thú an cư, còn nếu một vị ở chùa - ví dụ như năm ngoái người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, địa phương cách ly với địa phương thì gọi là tâm niệm an cư..”
Hòa thượng đã phân tích giảng giải về ý nghĩa lợi ích sau ba tháng an cư của các hành giả Tăng ni:
“Sau ba tháng an cư tinh chuyên tu tập đến ngày mãn hạ ngày tự tứ của Chư tăng, kiểm điểm lại sau ba tháng, sáu hòa cùng ở với nhau. Thân, khẩu, ý cùng ở với nhau, bốn là thấy điều hay học hỏi, điều xấu bảo ban nhau, năm là giữ gìn giới luật, sáu là lợi hòa cùng nhau được cúng dường như thế nào chia đều cho nhau. Nên ba tháng an cư Chư hành giả vinh dự đón nhận một tuổi, gọi là hạ lạp, tuổi hạ càng cao đó là người anh tuổi hạ ít là em..”
Hòa thượng giảng sư đã ví dụ về câu chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ trong kinh Vu Lan, Đức Phật đã dạy ngài Mục Liên cầu Tăng trong ngày mãn hạ tự tứ, để cho thấy công đức Chư Tăng sau mùa an cư thật cao dày như vậy.
Kết luận về pháp an cư, Hòa thượng nhấn mạnh rằng: “Trong hơn 25 thế kỷ trôi qua, Chư tăng trên toàn cầu đều chú trọng hạ an cư. Phật giáo VN trong giai đoạn chiến tranh Chư tôn đức các bậc tiền bối vẫn duy trì vân tập về các trú xứ để kiết hạ an cư hằng năm đầy đủ. Nói vậy để thấy rằng chúng ta cách Phật hơn 2566 năm với 45 năm thuyết pháp của Ngài, tức 45 năm mùa an cư, pháp an cư được ra đời kế tiếp hành trì thật là cao cả".
Được biết, Hà Tĩnh có giai đoạn dài vắng bóng Tăng ni, trở thành vùng đất trắng về Phật giáo. Cuối thập niên 90 trở lại, cụ thể, năm 1997, nhân duyên hội đủ Chư tổ linh thiêng đã “đưa lối chỉ đường” để Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm lúc bấy giờ dừng chân nơi đây gánh vác trọng trách, sứ mệnh cao cả phục dựng lại ngôi nhà Phật giáo trên mảnh đất này.
Sau 17 năm chính thức thành lập, với 03 nhiệm kỳ đại hội và gần 13 năm an cư, từ 05 vị Tăng an cư đến nay đã 90 vị Tăng ni an cư trong 3 trường hạ, hội đủ tứ chúng đồng tu trên vùng đất khắc nghiệt này.
Hòa thượng cho biết, nơi đây, mảnh đất trụ xứ trường hạ (Trung tâm VHPG - PV) này cách nay hơn 10 năm là vùng sinh lầy hoang vắng, dân cư thưa thớt và hôm nay đã có đầy đủ phương tiện phục vụ cho các hoạt động tu học, sinh hoạt văn hóa mang lại lợi ích công đồng Phật giáo và nhân sinh.
Trong phần hai của bài pháp, Hòa thượng đã nói về bổn phận của người xuất gia, được trích nguyên bài văn của pháp sư Từ Ân dạy người xuất gia:
“Bỏ nhà xuất gia để làm gì. Cúi đầu đảnh lễ đấng không vương, mong ra khỏi nhà phiền não, nhờ ba sư bảy chứng quyết định hóa độ, lúc ban đầu cạo tóc nhuộm áo, phát lời thề rộng lớn độ sinh, dứt tham, sân, trừ tật xấu trong mười hai thời luôn luôn cẩn thận giữ gìn ba nghiệp nên mài chân tánh như hư không”.
Theo ý nghĩa đó, "người xuất gia là xuất tam giới gia, trước lúc xuất tam gới gia là xuất phiền não gia, xuất thế tục gia..." tiếp đó, ngoài 3 ý nghĩa xuất gia để Phật tử đại chúng tham khảo, Hòa thượng đã đi sâu phân tích từng câu chữ trong bài của pháp sư Từ Ân giúp đại chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa rộng lớn, cao đẹp với tinh thần xuất trần thượng sĩ của người xuất gia.
Trong bài pháp, Hòa thượng nhắc nhở sách tấn các hành giả luôn thân cận các bậc thiện tri thức, nương vào thầy, các bậc trưởng thượng, bậc thầy giới đức trang nghiêm, những người siêng năng tu tập. Nhờ vào ba pháp Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ mà được sự học.
Nói về tinh thần tri ân và giữ gìn giới hạnh trang nghiêm. Hòa thượng nhắc lại chuyện Đại hội Phật giáo thành phố HCM vừa qua, về việc Đức quyền Pháp chủ ân cần dạy Tăng chúng, Ngài giao lại quyền cho thế hệ trẻ sau 25 năm tiếp nối các bậc tiền nhân khai sáng cho các bậc hậu thế để phát triển cả hình thức lẫn nội dung cho Phật giáo thành phố-địa phương có hơn 12 ngàn Tăng ni. Ngài luôn nhắc nhở Tăng ni luôn giữ gìn giới đức, giới hạnh trang nghiêm.
Pháp thoại của Hòa thượng tiếp tục với những nội dung an cư, tu học và nhiều đề mục có ý nghĩa giáo dục quan trọng dành cho tứ chúng đệ tử Phật, với mục đích giúp đại chúng có thêm tư lương trong ba tháng an cư cũng như trên con đường tu thân học Phật.
Sau gần hai giờ đồng hồ tuyên thuyết bài pháp đầu tiên cho khóa hạ an cư PL 2566, Hòa thượng Đường chủ đã hoan hỷ dành tâm huyết chia sẻ những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ chính bản thân mình, vì vậy, những chia sẻ của Hòa thượng là những bài học cực kỳ quý giá cho việc tu tập của các hành giả và đại chúng.
Một số hình ảnh ghi nhận tại lễ khai pháp và thính pháp PL 2566.