;
Quang lâm chứng minh tham dự có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Chư tôn đức Tăng, Ni hành giả đang an cư tại trường hạ Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh, trường hạTrúc Lâm Hồng Lĩnh và trường hạ chùa Cảm Sơn.
Về phía chính quyền có: Ông Bùi Văn Tuấn, Phó trưởng ban Tôn giáo; Bà Bùi Thị Loan – Trưởng phòng Phật giáo, Ban tôn giáo tỉnh; Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó ban Tôn giáo Dân tộc MTTQ tỉnh; đại diện Đảng ủy, UBND, UBMT TQ xã Hổ Độ và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương; hơn 800 Phật tử thiện nam tín nữ về tham dự buổi lễ.
Trước lúc cử hành nghi thức lễ Vu lan báo hiếu, Chư tôn đức Tăng ni Phật tử trang nghiêm thành kính cung đối trước Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Người đã dành tâm huyết, dấn thân gầy dựng lại Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh, để dâng lời tác bạch khánh tuế, nhân dịp Thầy vừa tự tứ kết thúc mùa an cư 2019, tại Tổ đình Bồ Đề (Hà Nội) và được thêm một tuổi hạ.
Chư tôn đức Tăng ni Phật giáo Hà Tĩnh khánh tuế Hòa thượng ân sư Phật giáo Hà Tĩnh.
Mở đầu buổi lễ là tiết mục dâng hoa của các thanh thiếu niên Phật tử chùa Phúc Linh và các tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nhân mùa vu lan báo hiếu do các văn nghệ sỹ đến từ thành phố Vinh.
Trong không khí đậm tình nghĩa mẹ ơn cha, tưởng nhớ về công ơn hai đấng sanh thành toàn thể đại chúng lắng lòng nghe lời cảm niệm của Phật tử Thu Hương, trong không gian thiêng liêng của buổi lễ, những người con cùng suy tưởng về cha, về mẹ, với những hối hận những lỗi lầm mình trót gây ra, làm cho cha mẹ phải buồn lòng, hay những giọt nước mắt ngậm ngùi của những người con không còn được sống trong tình yêu thương của hai đấng sinh thành.
Tại đây, những bông hoa hồng vàng đươc các bạn trẻ cài lên áo quý thầy bày tỏ lòng kính quý đối với những người thoát tục, bông hồng đỏ cho ai còn mẹ cha, hồng trắng cho những ai cha mẹ đã quá vãng với lòng mong muốn mọi người luôn nhớ tới công ơn cha mẹ, công ơn những người đã từng gặp trong đời, và hãy sống biết tri ân làm nhiều việc thiện lành hơn nữa.
Cũng tại đây, lần đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh, và lần đầu lễ vu lan tại Hà Tĩnh cử hành nghi thức dâng trà, một nghi thức mang tính chất nhân văn trong đời sống văn hóa truyền thống dân tộc được áp dụng trong lễ Vu lan Báo hiếu.
Trước tiên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cung kính quỳ trước bàn Phật dâng chén trà cúng Phật, cúng Tổ nhằm tỏ lòng tri ân với Tam Bảo và Tổ tiên trong nhiều đời nhiều kiếp. Tiếp đó, đại diện Chư tôn đức Tăng là hàng đệ tử cung kính dâng chén trà đối trước HT Thích Bảo Nghiêm, vị Thầy của mình bày tỏ tinh thần tri ân được gửi gắm qua chén trà thơm thảo thể hiện qua nghi thức này và nghi thức cứ tiếp nối thế hệ sau tiếp tục dâng trà cho những vị Thầy của mình.
Cũng tại buổi lễ, trước sự chứng minh của Chư tôn đức và sự chứng kiến của đại chúng, đại diện hàng con cháu của các các bậc phụ huynh, các ông bà lớn tuổi cũng bày tỏ tinh thần tri ân cung kính thông qua nghi thức dâng chén trà hiếu hạnh, hiếu nghĩa.Trong nghi thức này, lần đầu tiên quý phụ huynh được chính những hàng con, hàng cháu của mình dâng chén trà trong niềm xúc động, hạnh phúc.
Trong một năm đất nước chúng ta có rất nhiều ngày lễ. Nếu như phương Tây có “Father’s Day”, Mother’s Day” thì ở đất nước chúng ta có ngày lễ Vu lan báo hiếu, ngày lễ này ngày đang được xem như là một ngày truyền lễ quan trọng của dân tộc. Lễ hội Vu lan vừa thiêng liêng, vừa mang nét đặc thù hiếu ân, nghĩa đạo, mà ai ai cũng cưu mang, thừa hưởng, và mong đón nhận.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm có đạo từ nói về giá trị của tinh thần tri ân báo ân và ý nghĩa lễ vu lan báo hiếu trong đời sống hằng ngày cũng như trong truyền thống Phật giáo.
Hòa thượng chia sẻ: “Trong tinh thần vu lan hiếu hạnh dù là ai, là các bậc Hòa thượng, các bậc tôn đức tăng ni, các bậc khách quý cũng như Phật tử nhân dân các tầng lớp, ai ai cũng mang trong mình dòng máu huyết thống, do cha mẹ sinh ta, nuôi dạy ta vì vậy chúng ta phải biết báo đền ơn sâu đó, nghi lễ hôm nay không phân biệt người xuất gia hay tại gia, không phân biệt tầng lớp xã hội, tuổi tác bởi ai ai cũng có cha mẹ và lớn lên trưởng thành cũng nhờ công ơn cha mẹ.Thể hiện tinh thần hiếu đạo là khơi dậy tính nhân văn, tình hiếu đạo của người con đất Việt, của người Phật tử…”
Hòa thượng đã dẫn chứng tấm lòng hiếu hạnh của Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni:
“Nhớ khi xưa, Đức Bản Sư Thích Ca trong nhiều kiếp quá khứ xa xưa Ngài là người con có hiếu, nhờ nhân lành đó cùng các hạnh tu tập rồi ứng thân làm thái tử Tất Đạt Đa ngài vẫn thể hiện tinh thần hiếu hạnh với vua cha Tịnh Phạn, hoàng hậu Ma Da và di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề. Trong 45 năm thuyết pháp Đức Phật luôn đề cao tinh thần hiếu hạnh Tam tạng Thánh điển lưu truyền cho đến ngày hôm nay.”
Hòa thượng nhấn mạnh: “Đức Phật từng dạy rằng, nếu có ai đó không biết, chưa biết, chưa được gặp Phật nhưng có lòng hiếu kính, phụng dưỡng vâng lời cha mẹ thì người đó coi như như đã dược biết đã được gặp Phật, tâm hiếu đó được truyền vào Việt nam và vì vậy các bậc tiền nhân có câu nói “hiếu hạnh vi tiên” và cho rằng trong trăm điều phúc không phúc gì lớn bằng người con có hiếu. Ngược lại những người bất hiếu là những người mắc tội lỗi lớn trong thế gian, tinh thần hiếu đạo của Phật giáo và tinh hiếu đạo của dân tộc gặp nhau tại một điểm mà lễ Vu lan – Rằm tháng bảy, là đỉnh cao của sự hòa hợp giữa Phật giáo và dân tộc là một.
Những ngày qua, các chùa chiền Tăng ni, Phật tử đều hướng về hai đấng sinh thành, bên cạnh đó còn làm điều thiện hồi hướng cho cha mẹ cũng thể hiện tinh thần tri ân bằng các công tác từ thiện, thương người nghèo, giúp kẻ khó.
Hòa thượng chia sẻ "Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử lớn của Đức Phật, được Đức Phật công nhận biệt tài là thần thông đệ nhất. Sau này chư Tổ đã ghi lại điển tích của tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ bị đọa địa ngục trong bộ Mục Liên Sám Pháp.”
Hòa thượng cũng nhắc lại lời dạy trong kinh Thiện Sinh, Đức Phật dạy Con cái với cha mẹ 5 điều thì Đức Phật cũng dạy, Cha mẹ với con cái cũng 5 điều. Con cái chăm sóc hiếu kính với Cha mẹ thì Cha mẹ cũng phải hết lòng săn sóc nuôi dạy bảo ban con cái.
Đạo từ của Hòa thượng nhắc lại câu chuyện của Ngài Tôn giả Mục Kiền Liên thỉnh cầu Chư tăng trong ngày tự tứ để chú nguyện cứu mẹ là bà Thanh Đề, để thấy rằng công đức của Chư tăng rất lớn, vì thế mà hằng ngày Tăng ni Phật tử thường tụng bài Sám Pháp Mục Liên.
Kết thúc buổi lễ, Chư tôn đức niêm hương lễ Phật và cùng đại chúng tụng bài sám Vu Lan, cầu nguyện cho thất tổ cửu huyền được siêu thăng, cha mẹ hiện tiền được tăng long phúc thọ.
Được biết, đây là lần thứ nhất, Ban trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu tại Trung tâm Văn hóa Phật tỉnh, và theo Hòa thượng Trưởng ban, từ nay trở đi, sau ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, ấn định ngày thứ Bảy tiếp nối của ngày Rằm đó, làm ngày hội vu lan của BTS Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh.
Buổi lễ lần đầu này, với quy mô số lượng người tham dự khá đông đảo, trang nghiêm, mang ý nghĩa và tinh thần giáo dục hiếu đạo với chủ trương mong muốn xã hội hóa cũng như phổ cập nhân gian những buổi lễ như thế này để cho tất cả mọi người hiểu về tinh thần quan trọng của ngày lễ Vu lan Báo hiếu.
Cuối buổi lễ là chương trình cúng dường trai tăng của Đạo tràng Pháp Hoa, Hà Nội.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ.