;
Thượng tọa cùng đoàn đã đến thăm trường đại học Dongguk tại thủ đô Seoul. Đại học Dongguk (동국대학교, Đông Quốc Đại Học giáo) là trường đại học tư của Hàn Quốc. Trường có các cơ sở tại Seoul, tại Gyeongju, Bắc Gyeongsang và ở Los Angeles, Mĩ. Ngoài ra, trường còn có hai bệnh viện Tây y và bốn bệnh viện Đông y.
Đại học Dongguk nằm ở Jung-gu, Seoul, ngay phía bắc chân núi Namsan. Trường bắt đầu với tên gọi Trường Myeongjin (명진학교). Trường bị chính quyền đô hộ Nhật Bản buộc đóng cửa từ năm 1922 đến 1928, sau phong trào vận động ngày 1 tháng 3, và một lần nữa vào năm 1944, do những sự kiện náo loạn khoảng cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là một trong những cơ sở đào tạo tại Hàn Quốc được nhận tư cách đại học, theo đúng nghĩa phương Tây, vào năm 1953.
Được thành lập năm 1906 bởi khuynh hướng thống nhất giáo hội Phật giáo toàn thế giới của Tông phái Tào Khê tại Triều Tiên, Dongguk là một trong số ít các trường đại học Phật giáo có liên hệ mật thiết trên thế giới. Tuy nhiên, trường luôn mở rộng cửa với các sinh viên và giảng viên của tất cả các tín ngưỡng và mọi giáo lý. Chính các sinh viên và giảng viên từ khắp nơi trên thế giới đã làm tăng thêm hiệu quả giảng dạy cho một trong bốn cơ sở của trường, bằng việc đem đến nhưng kinh nghiệm thực tế và văn hóa trong sứ mệnh giáo dục chung. Những sinh viên chưa tốt nghiệp hay đã ra trường đều được tiếp xúc với các lý thuyết mới nhất và thực hành trực quan ở các phân khoa khác nhau.
Dongguk luôn nằm trong các trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc. Tuy nhiên, một trong những yếu tố rất quan trọng của bất kì đại học nào là sự phát triển của chính bản thân mỗi cá nhân. Đại học Dongguk đem đến một nền giáo dục đẳng cấp quốc tế liên kết văn hóa Đông Tây trên nhiều phương diện.
Vào buổi tối, Thượng tọa đã có buổi chia sẻ Phật pháp tại Nonsan, miền Trung Hàn Quốc. Đây là vùng nông thôn, vì vậy quý thiện nam tín nữ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với Phật pháp. Cũng vì lẽ đó, Thượng tọa đã chia sẻ những điểm căn bản nhất trong Phật pháp thông qua ba vấn đề, đó là: Được làm thân người là khó, được làm người mà đầy đủ lục căn là khó, được làm người đầy đủ lục căn mà biết, hiểu và thực hành Phật pháp lại càng khó hơn.
Quả thật, thân người khó được, khó hơn cả việc con rùa mù sống trong đại dương, trăm năm mới trồi đầu lên một lần mà lọt đúng vào bộng cây đang lênh đênh trên biển. Sở dĩ khó như vậy bởi vì nhân duyên để được sinh làm người là sống đạo đức, thiện lành trong khi tập khí của chúng sinh thì đa phần là xấu ác. Số lượng loài người so với các loài chúng sinh khác trong lục đạo rất khiêm tốn, nên được làm người là khó.
Như thế, làm người đã là một phước duyên lớn. Đức Phật dạy, sinh ra làm người là khó, làm người được đầy đủ lục căn càng khó, người được đầy đủ trong cuộc sống, ăn no, mặc ấm lại càng khó hơn. Nhận thức được điều này, chúng ta dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải trân trọng thân người khi chúng ta có được. Chính điều này là cơ hội để chúng ta tu tập Phật pháp. Có được làm người việc tu học Phật pháp mới được thành tựu. Qua những điều này, Thượng tọa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học và thực hành lời Phật dạy. Dù là những điều đơn giản nhất chúng ta đã có được song để có được hạnh phúc thực sự theo đúng tinh thần Phật dạy lại là một điều không phải dễ dàng, đòi hỏi mỗi hành giả phải có sự kiên trì và nhẫn nại trong từng hoàn cảnh mà ứng dụng lời Phật dạy.
Cuối buổi chia sẻ Thượng tọa đã gửi tặng quý thiện nam tín nữ về nghe pháp phần quà pháp bảo, bao gồm: sách Tu Nhà, Ở Đời Vui Đạo, Tặng Phẩm Xuân Mậu Tuất.