;
Góp ý về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản cho TƯ GHPGVN
Tâm và Tầm: Tiêu chuẩn người lãnh đạo Giáo hội
Tổ Lê Khánh Hòa với công cuộc chấn hưng Phật giáo
Nếu những ai yêu thích thể loại nghệ thuật dân tộc hát bội thì hẳn biết có bốn thể loại được chia ra theo các cụm chủ đề; đó là Tuồng đồ, Tuồng pho, Tuồng truyện và Tuồng hài dân gian. Ngoài Tuồng hài dân gian còn lại ba thể lọai trên ai cũng đều biết tích truyện lẫn kết cuộc vở diễn, thậm chí biết luôn từng tính cách nhân vật khi họ vừa xuất hiện bên phải cánh gà sân khấu qua gương mặt hóa trang và bộ y phục đang mặc trên người. Ấy vậy mà vẫn làm say đắm biết bao nhiêu khán giả nhiều thế hệ qua chưa hề biết nhàm chán.
Bộ môn nghệ thuật hát bội là viên ngọc quý của dân tộc bởi nó đã đi trước mọi thời đại do tính chất đặc thù mà phương Tây gọi là "Sân Khấu Ước Lệ", một sân khấu chọn cái tiêu biểu để nói cái bao quát, vượt ra xa mấy chục mét vuông của sàn diễn.
Xin có được vài dòng tự hào về vốn cổ dân tộc như thế để chúng ta dễ dàng đi vào một "vở diễn" hiện nay đang xảy ra cho Phật giáo Bà Rịa - Vũng Tàu mà tất cà ai ai cũng đều biết nguyên do và diễn biến tiếp theo sau đó.
Vì vậy người viết dùng từ "Chuyện hậu trường" âu cũng nằm trong ý nghĩa muốn nói đó. Đó là một chuyện không vui chút nào, thậm chí còn gây ra thêm bao chán ngán, thất vọng cho những ai có chút quan tâm đến sự sinh tồn, đến dòng chảy mạng mạch Phật Pháp tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Là một người phương xa, không phải cư dân hay Phật tử của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng qua theo dõi tình hình hoạt động thời gian qua của Phật giáo nơi này, đứng mủi chịu sào là Ban Trị sự PG tỉnh do Hòa thượng Thích Quảng Hiển đứng đầu, đã và đang đương đầu với nhiều chướng duyên tưởng chừng không thể khác hơn là chấp nhận sự thao túng để biến thể các mặt hoạt động Phật sự của tỉnh nhà. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy sự cương quyết và khả năng vượt qua chướng ngại của Phật giáo nơi này quyết liệt và dõng mãnh biết chừng nào.
Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ VI vừa rồi với một Ban Trị sự, các nhân sự được sự tín nhiệm và đồng thuận cao là một tín hiệu đáng phấn khởi, đáng chúc mừng để tân Ban Trị sự bước vào giai đoạn mới và tiếp tục hoàn thiện bộ máy điều hành Phật sự ngày thêm trong sạch. Thế mà, từ Văn Phòng 2 của GHPGVN lại tung ra Công văn số 286/CV/HĐTS ngày 25/05/2017 do Hòa thượng Thích Thiện Pháp ký, đưa ra 3 phần quan điểm của mình để buộc BTS BR-VT thực hiện 5 điểm đòi hỏi cấp bách khi dư âm thành công đại hội vẫn còn hiện hữu, thậm chí công văn ký vào đúng cái ngày mà tân BTS PG BR-VT thân hành đi ra mắt và tặng quà các cơ quan ban nghành của chính quyền tỉnh!
Sự xuất hiện của Công văn 286/CV/HĐTS của Văn phòng 2 lúc này lại khiến chúng ta nhớ lại nhân vật Khương Linh Tá, người bạn thân chí cốt của Đổng Kim Lân trong vở hát bội "San Hậu" - một vở nằm trong hệ thống Tuồng Đồ" hoàn toàn không dựa vào tích truyện Trung Quốc mặc dù có những danh xưng giả định như "nhà Tề", "nhà Tạ"..., do chính cụ Đào Tấn (1845 - 1907) chỉnh biên, đã trách nhầm người bạn họ Đổng khi vẫn đến giao du với bọn phản tặc Tạ Thiên Lăng rằng "Nhơn Phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ/ Túc bất tiễn phi nghĩa chi địa", kỳ thật Đổng Kim Lân vốn bình tĩnh và trí mưu sâu, vẫn một lòng trung quân ái quốc, để khi hiểu ra Khương Linh Tá càng thêm yêu kính bạn mình và khi bị chém đầu trên đường phò ấu chúa đến San Hậu thành, họ Khương tự biến thành ánh đuốc soi đường cho Đổng Kim Lân đến bến bờ bình an, khôi phục nghiệp Tề sau đó không lâu.
Nếu như Công văn 286 của Văn phòng 2 ấy là một Đổng Kim Lân biết dùng trí mưu đúng lúc, kiên trì chịu tiếng với đàn em Khương Linh Tá và miệt mài thể hiện khí phách người anh trước việc lớn mới được Khương Linh Tá tự hào và không tiếc sinh mạng để bào vệ cho đến cùng trên con đường đi vì sự nghiệp chung như vậy. Bằng ngược lại, thiếu suy nghĩ, hành động nhỏ nhoi thì có đáng mặt đàn anh để cho đứa em noi theo. Hơn nữa ở tư thế lãnh đạo, việc hướng dẫn và cố gắng làm chổ dựa cho lớp dưới càng phải được củng cố, từ đó mới tạo được niềm tin vững bền để cùng hành động vì lý tưởng chung, phụng sự đạo pháp thiết tha.
Nếu được như thế thì từ đây ý nghĩa tích cực của công văn sẽ được tôn vinh triệt để. Đơn giản chỉ là hai khái niệm: Giết chết hay Xây dựng. Nhìn từ hai khái niệm này chúng ta sẽ dễ dàng đoán biết được kết cục vở diễn ở đời thượng như thế nào.
Rõ ràng với hiện cảnh của một Ban Trị sự như ở Bà Rịa -Vũng Tàu như vậy hơn bao giờ hết rất cần sự góp ý xây dựng và tiếp sức đúng lúc. Sai trái, nếu có của một vài cá nhân vẫn chỉ là hạt bụi nằm dạt ra hai bên vệ đường. Nhất là sau một kỳ đại hội thành công và trong sạch hóa, trẻ hóa hàng ngũ tốt đẹp như vậy như vậy. Cũng đáng để nhân được sự đồng thuận và sẻ chia từ mọi phía, nhất là từ phía lãnh đạo giáo hội cấp trên.
Bài này không bàn sâu vào nội dung công văn 286 của Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, và cũng không phân tích bài tham luận của đại đức Thích Thiện Thuận như thế nào. Nếu có chăng chỉ là thắc mắc sau năm ngày thành công của đại hội cái công văn ấy mới ra đời với những lý do và thúc ép BTSPG Bà Rịa-Vũng Tàu phải tuân thủ, đã khiến không ít người đọc tự vò đầu bứt tóc hỏi mình đang lẩm cẩm hay cái công văn ấy lẩm cẩm? Mặt khác, cũng chính qua công văn ấy lại khiến người ta tìm đọc nhiều hơn bài tham luận của thầy Thích Thiện Thuận, điều mà có lẽ công văn 286 không hề muốn có !
Thú thật, người viết chưa bao giờ biết và gặp đại đức Thích Thiện Thuận ngoài một lần nghe băng giảng "Bóng Mây" của thầy trước kia, cho đến tận hôm nay chưa hề một lần nghe thầy giảng thêm một lần nào nữa dù ngồi trước máy tính hàng ngày. Tôi không có nhiều ấn tượng về thầy, đơn giản chỉ vì, không thích ! Thế nhưng, qua đại hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần VI này nhận thấy thầy luôn xốc vác và túc trực bên Hỏa thượng Trưởng ban trong mọi tính huống, sự việc đã thay đổi nhận xét và quan điểm của tôi về thầy.
Trong tiểu thuyết Phật giáo "Thoát Vòng Tục Lụy" của HT Tinh Vân, đoan Ngọc Lâm Quốc Sư răn dạy Quan Tuần Phủ Hồ Bắc Tiểu Mã- một người đệ tử của Khổng học Nho Gia rằng : "Nhớ ngày đầu tiên gặp ngươi với đầy vẻ tự hào về đức Không Tử mà lại quên ở Khổng Tử có 3 điểu khó học để đến nổi thầy Tăng Tử phải thầm khen. Đó là (1) Thấy người ta làm một điều phải mà mình phải bỏ đi trăm điều trái của họ, đó là mình dễ hòa nhập. Thứ 2,Thấy người ta có điều gì phải thì mình vui vẻ xem như là của mình, đó là mình không ganh tỵ. Thứ ba, Thấy điều gì phải thì nhất thiết làm theo , đó là mính chịu khó thực hành" .
Nếu ý nghĩa Công văn 286 có tầm nhìn rộng như thế thì có lẽ sự việc sẽ được đơn giản hóa rất nhiều, không tự mình trói buộc thêm nhiều cọng dậy phiền phức không đáng có. Trong đoạn kết của vở hát bội "San Hậu" Bà Tam Cung Nguyệt Hạo (đã xuất gia từ trước vì khuyên 5 anh em nhà họ Tạ của bà không thành) đã cho Tạ Thiên Lăng và Tạ Lôi Nhược (lúc này chỉ còn hai) thấy cái quả báo nhãn tiền ngay trước Phật đài Tây Sơn Tự nơi bà tu hành. Điều lạ ở đây là theo thói thường thì quân thần loạn ắt bị tắc trị trước rồi mới nói chuyện ơn nghĩa sau, chính lòng Từ Bi rộng lớn và đức độ tu tập của bà Tam Cung Nguyệt Hạo đã hoán chuyển được tình hình, cứu được hai đứa em dòng họ Tạ của mình cơ hội sống sót làm lại cuộc đời. Bà quý xuống xin ấu chúa (lúc này đã 6 tuổi). Ngay tức khắc Hoàng tử nói ngay rằng "Thưa Á mẫu, Chi hai mạng chẳng dung/ Ước còn năm cũng thứ" . Một kẻ nắm mạng sống người khác trong tay mà còn phải chịu thua lòng Từ Bi và đức độ của nhà Phật như thế mới đáng học hỏi ngàn năm.
Gia đình tôi ngày trước có hai ông bác và một người chú xuất gia tu học nghiêm chỉnh và đều có chân trong Hội Đồng Lưỡng Viện. Có một lần tôi quỳ bên các vị nói "sao con thấy con dấu của Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo nó đơn giản vậy mà làm như nó có lực làm con khiếp sợ?" Tôi đều được nghe trả lời như vầy "Không phải do con dấu, tất cả là do công năng tu tập đàng hoàng của chính các vị dang tay đóng con dấu đó khiến con nhìn thấy nó có lực đấy thôi chớ không phải do tài cán, chức vụ gì đâu. Những thứ giả huyễn đó kẻ tầm thường cũng làm được mà". Phải hàng mấy chục năm trời tôi mới hiểu hết câu trả lời ấy.
Như vậy, với người viết, vở diễn của cả hai nơi đều đã có kết cục và cũng đã hạ màn từ lâu lắm rồi. Nguyện chư Long Thần Hộ Pháp từ thùy gia hộ bình an và hanh thông cho tân Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=FYWNCcJPWsU|500|500}
ĐẠT THÀNH
Hoan nghênh bài viết của Dương Kinh Thành.Qủa thật người lãnh đạo Phật giáo nên lấy đạo đức để xử lý công việc.Đừng bao giờ đem chức vụ,quyền uy để hù dọa cấp dưới.Mong rằng các vị lãnh đạo hãy nhìn lại mình,đừng đem khuôn dấu(biểu tượng thiêng liêng của một tổ chức)sử dụng bừa bãi.Lời thật khó nghe,xin quí vị thông cảm cho cho Phật tử chúng con...A DI ĐÀ PHẬT!
Nguyễn Văn Bảo Tân
A Di đà Phật ! Cảm kích bài viết của tác giả Dương Kinh Thành lắm ! nhưng không biết những vị trực tiếp ký văn bản và cả ban Thư ký tham mưu (đầy âm mưu, hay độc mưu ) biên soạn hiểu biết không nữa ! một văn bản đúng là không có Tâm và không có Tầm của người lãnh đạo cao cấp ! hay nói rỏ ràng hơn là của một vị xuất gia tu sĩ Phật giáo ! thật đáng hổ thẹn quá đi thôi ! đọc văn bản để thấy: -không dân chủ, không trí tuệ, không từ bi, không đức hạnh - (nói theo thế gian:là chụp mũ, dốt nát, xin lỗi phải đau lòng nói thật như vậy !) Việc Cần làm ngay bây giờ: - Thâu hồi cái văn bản kém trí tuệ đó ngay đi - Nhiệm kỳ tới kiên quyết mời Ngài HT ký văn bản đó về hưu đi cho chúng sanh nhờ ! và kiên quyết mời ban thư ký tham mưu của văn phòng (TT nào trùm khuynh loát VP 2 ai cũng biết đừng để nêu mặt nêu tên khó coi lắm ) nên mời về lại quê mà tu hành đàng hoàng lại đi. Có như vậy PGVN mới trong sạch vững mạnh, đám sâu mọt không làm hại PG Trung ngôn nghịch nhĩ ! xin bái lạy các Ngài tam bái
Thích 3 Trả lời 6/6/2017 1:33:37 PM