;
Nhân duyên với ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm
Vị Hòa thượng quan tâm đến giáo dục trẻ đường phố
Thực trạng tồn tại trong đời sống tu học của Tăng Ni trẻ hiện nay
Nhân duyên xuất gia
Tôi chưa từng nghĩ về nhân duyên xuất gia của mình nhưng có lẽ cũng có nhiều nhân duyên.
Lúc mẹ thọ thai tôi 2 tháng thì cha mất. Sinh tôi được một tháng, bà xin vào chùa nương náu. Hòa thượng trụ trì che một cái chòi lá cho hai mẹ con ở một vài năm. Sau này, trong tập thơ của mình tôi có viết về mẹ tôi ngày ấy: “Sinh con một tháng rời nhà thương. Mẹ nguyện quy y dưới Phật đường. Công quả cho tiêu tan nghiệp chướng. Linh Phong cổ tự má hồng nương”.
Trong thức còn nhớ, khi tôi bắt đầu đi lững chững, có những buổi sáng bà lên lạy Phật, Hòa thượng lấy bông huệ nhúng vào ly nước giũ giũ lên đầu bà. Đó là ấn tượng còn lưu giữ trong đầu tôi đến bây giờ.
Vài năm sau, bà đưa tôi về nhà ngoại để đi học. Vì mẹ tôi quanh năm buôn tảo bán tần nên vào những ngày rằm và 30 hàng tháng, ngoại thường dẫn tôi lên chùa sám hối.
Năm học lớp nhì tại trường tiểu học Trung An, tôi gặp một vị thầy rất đặc biệt và tôi nghĩ mình có duyên với thầy. Mùa hè năm đó, thầy chọn mấy học trò giỏi trong lớp để dẫn đi chùa, trong đó có tôi. Tôi nhớ hôm ấy chúng tôi được ăn bữa cơm chay rất ngon.
Vào những ngày học ở trường, nếu khoảng bốn rưỡi tan học thì khoảng bốn giờ thầy bảo học trò xếp hết tập lại rồi lấy cuốn “Khuyên tu khuyến thiện” ra đọc cho học trò nghe; rồi khuyến khích học trò ăn chay. Vậy nên trong lớp có nhiều đứa ăn chay theo, trong đó cũng có tôi.
Năm 9 tuổi, đang đi học tôi lại có ý muốn đi tu nhưng thấy ý mẹ không vui nên lại thôi.
Năm 13 tuổi, mẹ mất, tôi về ở ngoại và lại có ý định đi tu lần nữa. Lần này ngoại đồng ý. Tôi gặp sư cả Từ Huệ xin xuất gia tại Tịnh xá Mỹ Đức – Mỹ Tho bây giờ. Tôi ở đó 3 năm (1962 – 1965). Đến tháng 11/1965 về Tịnh xá Trung Tâm thọ pháp với Hòa thượng Giác Nhiên đến bây giờ.
Nên bây giờ nói đến cái duyên đi tu, tôi nghĩ rằng đó là do mến đạo một cách tự nhiên từ cái duyên ở chùa lúc nhỏ, được bà ngoại dẫn đi chùa sám hối, được thầy đọc cho nghe “Khuyên tu khuyến thiện” nhiều nên cũng thấm đôi chút. Rồi có lẽ, trong đó cũng có cái duyên nữa là do mồ côi cha mẹ nên khiến tâm mình nghĩ đến đạo nhiều hơn. Lúc mẹ mất, cậu tôi bảo phải đến đòi cha dượng chia tài sản để tôi ăn học tiếp. Nhưng lúc ấy, tâm tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng cha dượng tuy không sinh ra tôi nhưng mẹ tôi và ông ấy đã là vợ chồng thì tài sản làm ra là của hai người ấy. Còn tôi từ nhỏ đến lớn chỉ biết ăn, chơi và đi học mà giờ lại đòi chia tài sản thì đó là chuyện không nên. Vả lại, tôi cũng không thích như vậy. Nếu cha dượng mất thì mẹ tôi được hưởng, còn mẹ mất thì hiển nhiên là cha dượng được hưởng. Còn phần tôi cứ thế đi tu cho nhẹ.
Nghịch duyên trên đường tu
Dường như trên đường tu của mình, tôi không thấy có nghịch duyên. Tôi đi tu từ thời chiến tranh, đến khi hòa bình, cha dượng lẫn dì út đều muốn gọi tôi về cho ít đất đai để làm ăn sinh sống. Vì nghe đâu lúc đó có tin đồn là nhà nước không cho người trẻ tu. Nhưng bản thân tôi lại nghĩ chiến tranh cũng tu, mà hòa bình tôi cũng tu chứ không có ý niệm về quê. Tôi rất có niềm tin đối với Tam Bảo nên dù gian khổ và khó cách mấy tôi cũng vẫn chọn con đường tu. Quan điểm của tôi, tu là phải lo giữ thân, miệng, ý sau khi học kinh kệ kỹ càng, còn cuộc đời lúc dễ lúc khó tùy theo nhân duyên của mỗi thời đại, không nên xem đó là trở duyên.
Về sau này, càng đi giảng hạ, càng nghiên cứu kinh điển nhiều, tôi lại càng thấy tâm đắc với những lời Phật dạy. Đã là con người thì phải có tình cảm nhưng tôi tự dạy mình không được giận, ghét hoặc có tâm phân biệt người này hợp, người kia không hợp,... Tâm tính ấy phải bỏ để cái thương – ghét đó không chi phối được mình. Trong kinh Phật dạy, mình phải thương chúng sinh như cha mẹ thương con, miễn sao tình cảm đó không ích kỷ thì không khổ. Bởi ngài dạy, thương mà không khổ. Điều thứ hai, Phật dạy trong giới Phật tử hãy coi người nam như cha ta và người nữ như mẹ ta. Cho nên, nhìn ai mình cũng hãy xem như quyến thuộc nhiều đời của mình. Nếu gặp cha mẹ hiền thì mình cũng mừng, còn nếu rủi gặp cha mẹ dữ thì ráng nhẫn nại, chứ cái tâm buồn giận là điều không hay cho người tu.
Mấy chục năm trôi qua, có nhiều điều người ta nghĩ đó là nghịch duyên nhưng riêng tôi lại không thấy có gì nghịch. Hoăc là họ hiểu đạo, hoặc là họ chưa hiểu đạo, mà đức Phật thì bình đẳng với tất cả chúng sinh. Nếu người ta chưa hiểu đạo thì từ từ mình làm cho người ta hiểu. Còn con đường của mình thì mình phải tự gìn giữ cho đến khi thành tựu.
Đối với một số huynh đệ nếu gặp chuyện này, chuyện kia thấy có vẻ như chướng ngại thì đó là do nghiệp của từng người. Người xuất gia chúng ta nếu không mạnh đạo lực thì e không xóa nổi cái tâm buồn, giận, thương ghét ấy. Đối với bản thân tôi, sau khi trải qua nhiều việc không suôn sẻ, tôi càng quyết liệt xóa tâm giận, ghét, buồn bực trong lòng. Kể cả trong chùa có người thương mình nhiều hay không thương, mình cũng không có quyền giận ghét. Bởi duyên nghiệp của mình với chúng sinh có thương, có ghét. Người thương mình thì mọi chuyện có vẻ nhẹ nhàng. Nhưng rủi người ta ghét mình thì cũng do “nợ nần” từ kiếp trước nên bây giờ thấy mình là họ không ưa. Nếu chuyện ấy có xảy đến thì có lẽ mình nên vui vẻ trả chứ nếu cũng ghét lại người ta thì xem như lại vay thêm nợ mới. Cho nên, người học Phật phải hiểu như vậy mới đúng, mới cặn kẽ.
Bản thân tôi thấy có kết quả rõ ràng, càng có tuổi tôi càng thấy nhẹ lòng. Trong cuộc đời tôi không buồn phiền ai hết, còn cái duyên nghiệp của mình từ kiếp trước thì phải chấp nhận. Chẳng hạn trong cuộc sống mình thấy ghét người này hay thương người kia ấy là do oan trái cũ. Trong đời mình, tôi suy quán được hai việc để tôi xả được oan trái đó. Hồi nhỏ tôi mê chơi đá gà, đá dế... Giờ mới thấy thương, vì sức của mấy con vật chỉ có bấy nhiêu mà hễ mỗi lần nó thua là mình lại tìm mọi cách để nó đá tiếp, còn mình thì chụm đầu vào xem và vui thích vì điều đó. Rồi lúc nhỏ vì thương mẹ đi làm mệt, tôi cũng tập làm bếp và cắt cổ gà. Vậy nên, dù con gà ấy có tái sinh lại làm con gì đi chăng nữa thì thấy mình nó cũng không ưa. Thành ra, khi biết tu rồi thì mình chỉ lo giải quyết vấn đề nội tâm, còn nhân quả là cái mình phải gánh chịu. Tôi nhớ lúc nhỏ mình chơi nhiều trò ác lắm nhưng không nhận thức được điều đó, sau này đi giảng kinh rồi mình mới biết đó là ác. Còn bây giờ khi đã biết rõ nhân quả và biết tu tập rồi tôi mới thấy cái hay, cái diệu của đạo.
Theo tôi, đối với người biết tu thì dù là chiến tranh hay kinh tế xã hội khó khăn cũng không có gì là trở ngại. Từ thời đức Phật cho đến thời đại chúng ta cũng vậy. Tu là tự tu dưỡng thân, khẩu, ý còn cuộc đời tốt xấu là chuyện muôn đời. Nếu mình lấy cái trở ngại đó để vui buồn theo nó là mình tự ngăn cái tâm tu của mình. Người xuất gia phải gắng học kinh, luật, luận để khai thông nhận thức trong tâm tính rồi tự hóa giải những nghịch duyên trong cuộc sống. Đó là những điều tôi suy nghiệm được trong suốt mấy chục năm tu đạo.
Tăng ni trẻ Việt Nam
Theo tôi, tăng ni sinh trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi hơn trong việc tu học. Cho nên, tâm lý phải lo điều này điều kia như trong thời chiến tranh hay thời bao cấp không còn nữa, chỉ chuyên tâm vào việc tu học thôi. Chính trong cái thuận đó, huynh đệ nào có quyết tâm thì coi như đây là điều kiện tốt nhất để tu tập. Bằng không, lại là trở duyên để một số huynh đệ sinh tâm ỷ lại vào sự đầy đủ ấy. Đó là thực tế. Còn ngày xưa đức Phật chúng ta lại buông hết tất cả khi đang ở tột đỉnh của mọi sự ham muốn trên thế gian. Đó là giải thoát.
Vừa rồi, khi tham dự hội thảo do Ban tôn giáo tổ chức ở Hà Nội, tôi nhận thấy những vị ở Viện nghiên cứu họ có cái nhìn trực diện vào hàng ngũ tăng ni chúng ta. Họ cho rằng, bây giờ chính phủ và tín đồ bổn đạo ưu đãi mình quá nên một số huynh đệ đôi khi cũng hơi đi chệch hướng. Ví dụ như mình đi xe đời mới, ăn mặc hơi bóng láng quá – đôi khi người đời nhìn vào họ lại thấy hơi nghịch nghịch so với tinh thần của đạo Phật. Và một số người cũng đang lo trong cái thịnh này có những dấu hiệu đưa đến sự sa sút.
Vậy nên, ngày nay được đầy đủ thiện duyên làm người, được giác ngộ Phật pháp và thấy được con đường gian nan của đức Phật, của các vị tổ sư, các huynh đệ cũng cố gắng trang bị cho đời sống tu học của mình được đầy đủ trí, đức và tuệ. Được như vậy có lẽ Phật pháp sẽ được quần chúng mến mộ hơn và ngày càng phát triển rộng rãi hơn. Còn nếu được nhiều thuận duyên rồi lại quên đi việc trau dồi phẩm hạnh của một tu sĩ, thì điều này sẽ khiến những tín đồ thuần thành phát khởi lo âu và xa dần chư tăng.
Công tác hoằng pháp đối với giới trí thức