;
Chân dung Cố Hoà thượng Thích Nhật Lệ
Tôi cất tiếng khóc chào đời tại làng Trà Trì, xã Hải Xuân, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Trước gần nửa thế kỷ ngày tôi sinh ra thì Hòa thượng Thích Nhật Lệ đã hiện hữu tại ngôi làng này rồi. Về họ hàng thế quyến, Hòa thượng là bà con bên ngoại của tôi. Về tình cảm xứ sở, tôi và Hòa thượng là đồng hương. Còn vì sao tôi tôn xưng Hòa thượng là “Ân sư” thì hồi ức như sau.
Tôi mồ côi cha rất sớm, mẹ của tôi tần tảo nuôi bảy đứa con. Các anh chị của tôi mỗi người ra đi mỗi ngả tìm kế sinh nhai. Là đứa con út nên tôi ở với mẹ suốt quãng đời thơ ấu. Tôi còn nhớ lúc lên khoảng 7-8 tuổi, lâu lâu nghe mẹ nói với bà con trong xóm câu nói quen thuộc “Thầy Thành Quang về”. Lúc ấy tôi nghe để mà nghe chứ chẳng có suy nghĩ gì, chỉ biết theo mẹ qua nhà thăm Thầy ở xóm bên (nhà Hòa thượng ở xóm Miệu, nhà tôi ở xóm “Côi” (trên - BTV)).
Lúc tôi lên 10 tuổi, vào một ngày gần mùa hạ, Hòa thượng về quê hương đến nhà thăm mẹ tôi. Tôi ngồi ở bậc cửa cứ đưa mắt chăm chăm nhìn Hòa thượng (lúc ấy Hòa thượng còn rất trẻ), thấy vị thầy tu sao đẹp và uy nghiêm quá. Không biết Hòa thượng nói gì với mẹ tôi mà sáng hôm sau mẹ dắt tôi đến nhà Hòa thượng. Lúc đến tôi đã thấy nhiều bà mẹ dẫn theo một đám con nít cỡ tuổi tôi ngồi sắp một hàng dài, tôi cũng được sắp xếp chỗ ngồi. Hòa thượng nhìn chúng tôi rất lâu, bỗng Hòa thượng chỉ vào tôi rồi nói: Tôi chọn thằng bé này!
Về nhà mẹ mới cho tôi biết là “Thầy Thành Quang chọn con đi theo thầy vô chùa tu, con có ưng không?”. Tôi mừng quá đáp gọn lỏn, “ưng”! Một tuần sau tôi đi theo thầy. Lúc bấy giờ thấy thầy đẹp quá, oai quá thì “ưng” chứ chẳng biết gì về “ý thức cuộc đời đau khổ, vô thường, vô ngã, sinh lão bệnh tử” gì gì cả! Tuổi thơ mà, ham vui thì đi, thấy đẹp thì thích thế thôi. Và tôi đi tu như vậy, vào năm 1959.
Hòa thượng đem tôi vào Huế ở tại chùa Linh Quang ba tháng vì lúc này cũng đến mùa an cư nên Hòa thượng nhập hạ tại đây. Phải nói một điều rằng lúc này tôi quá nhớ nhà, nhớ mẹ muốn về. Hình như Hòa thượng cảm thấy điều đó nên khuyên nhủ rất nhiều, nhờ vậy dần dần tôi cũng nguôi ngoai. Khoảng tuần sau, tôi được cạo đầu để chỏm và hòa nhập với các chú điệu khác, không còn khóc lóc thê thảm nữa.
Ở đây chừng được gần ba tháng thì một hôm tôi thấy rất nhiều người mặc đồ lính đeo súng ống, mặt mày dữ tợn vào chùa lùng sục. Tôi chẳng hiểu mô tê gì. Sáng mai thức dậy chẳng thấy Hòa thượng đâu cả. Bẵng đi một thời gian không thấy Hòa thượng trở lại Huế. Và tôi được Ôn Linh Quang (Hòa thượng Mật Nguyện) nhận làm đệ tử từ đó, quy y đặt cho tôi pháp danh Nguyên Minh... Có lần Ôn Linh Quang kêu tôi lên dặn dò “Từ nay có ai hỏi, con đừng nói tên thầy Thành Quang mà chỉ biết thầy Nhật Lệ mà thôi. Tôi vâng dạ không một thắc mắc gì, nói đúng hơn, biết gì đâu mà thắc mắc.
Thời gian cứ thế trôi đi tôi lớn dần lên theo năm tháng, được bổn sư cho đi học Trường Bồ Đề, học nội điển tại chùa, chấp tác, tụng kinh v..v... trong khuôn khổ nghiêm mật của chốn thiền môn cố đô. Rồi tôi được thọ giới. Bổn sư đặt thêm cho một pháp tự là Tánh Thuần.
Hòa thượng Thích Nhật Lệ (thứ hai từ phải sang) cùng với Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thích Trung Hậu...
Pháp nạn 1963 xảy ra... Cuối năm ấy chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ (điều này ai cũng đã biết). Lúc này tôi mới thấy Hòa thượng Nhật Lệ trở về Huế.
Nhớ lại cái đêm kinh hoàng tại chùa Linh Quang bốn năm về trước, cái đêm mà lính tráng vào chùa lùng sục, bây giờ tôi mới hiểu qua lời kể của Ôn Linh Quang là trước đây khi Hòa thượng Nhật Lệ còn trẻ ở Quảng Trị, Hòa thượng có tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp trong đoàn văn công Bình-Trị-Thiên.
Cuộc kháng chiến thành công nhưng đất nước lại bị chia đôi, ở miền Bắc là chính quyền cách mạng của cụ Hồ, ở miền Nam ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh. Chủ trương của chế độ ông Diệm là tìm và tiêu diệt những thành phần kháng chiến cũ để củng cố chế độ mới.
Đặc biệt là tại miền Trung có ông Ngô Đình Cẩn (em ruột ông Diệm) được mệnh danh “chúa tể miền Trung” ra sức đàn áp bắt cho bằng được những thành phần tham gia Việt Minh trước đó. Hòa thượng Thích Thành Quang (Ôn Nhật Lệ) cũng trong thành phần bị truy lùng gắt gao. Do đó tương kế tựu kế các Ôn ở Huế đêm hôm ấy đã bí mật đưa Hòa thượng Nhật Lệ qua trốn tại chùa Hải Đức rồi ngày sau cải trang mua vé tàu vào Nam.
Khi vào Nam, Thầy được Ôn Già Lam (Hòa thượng Trí Thủ) che chở một thời gian rồi bố trí Hòa thượng Nhật Lệ làm trú trì chùa Hải Quang - một ngôi chùa của người miền Trung sinh cơ lập nghiệp tại miền Nam xây dựng để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng nên cũng được gọi Hội Trung Việt Ái Hữu.
Có lẽ vì thế mà Hòa thượng Nhật Lệ luôn nhắc đến, xem Ôn Già Lam và Ôn Linh Quang là hai vị “Đại Ân sư”. Lúc này tôi mới hiểu pháp hiệu “Nhật Lệ” phát sinh từ sự kiện nêu trên. Tôi cũng có cảm tưởng phải chăng hai chữ “Nhật Lệ” để Hòa thượng muốn gợi nhớ lại dòng sông Nhật Lệ ở Quảng Bình - nơi mà một thời gian Hòa thượng tham gia cách mạng để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc?
Kể từ năm 1964 trở về sau, năm nào Ôn Nhật Lệ cũng luôn về thăm quê, lúc về đều ghé chùa Linh Quang vài ngày trước khi ra Quảng Trị. Khi Ôn về Quảng Trị đều ở lại tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang và chùa Linh Quang ở làng Trung Kiên - nơi thuở sơ cơ học đạo của Ôn - đảnh lễ Thầy tổ rồi sau đó mới về làng Trà Trì thăm thân phụ thân mẫu và bà con quyến thuộc.
Có nhiều năm Ôn xin Ôn Linh Quang cho tôi đi theo về thăm quê. Tôi thấy Ôn rất mẫu mực trong vấn đề hiếu đạo đối với thầy tổ, cha mẹ và bà con quyến thuộc, làng xóm quê hương. Ôn nặng lòng với xứ sở nên khi quê hương có việc gì đột xuất Ôn đều có mặt dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy. Ôn thường nói với tôi, rằng: “Trước khi mình là người xuất gia thì mình là con dân xứ sở, trước khi mình là Thích tử thì mình là con cháu dòng họ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Làm người dù đứng ở cương vị nào cũng phải có cội có nguồn mới không hổ thẹn với nhân cách làm người”.
Hòa thượng Thích Nhật Lệ, ngài có biệt tài về thơ văn, hò vè, đặc biệt là giọng tụng kinh trên cả tuyệt vời, hùng hồn mà sâu lắng, sang sảng mà vẫn da diết âm điệu thiền vị đầy chất thi ca, làm cho ai nghe cũng đều thổn thức ở trái tim mình. Cung cách ứng xử của Hòa thượng trên dưới, trước sau đều thủy chung, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn. Có lẽ do vậy mà cuộc đời của Hòa thượng thu hút rất nhiều đệ tử xuất gia lẫn tại gia tìm về quy hướng, làm cho chùa Hải Quang vang bóng một thời...
Riêng tôi vào hai năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, tôi nhớ có một lần Hòa thượng về thăm quê ghé Linh Quang. Không biết giữa Hòa thượng Bổn sư tôi và Hòa thượng nói với nhau điều gì mà khi xuống phòng tôi ở, Ôn biểu tôi lấy tờ giấy, bút lông và nghiên mực, rồi tự tay Ôn chấp bút viết lên tờ giấy bốn “câu kệ” bằng chữ Nho, và nói: “Thầy ban tặng cho con câu kệ này, hãy tinh tấn đi trọn con đường cao đẹp của Chánh pháp”.
Mùa thu năm 1972, Hòa thượng Bổn sư tôi viên tịch! Từ đó tôi vẫn ở chùa Linh Quang và vẫn đều đặn mỗi năm đón Ôn Nhật Lệ về thăm quê, Ôn vẫn một lòng thủy chung dù Bổn sư tôi không còn nữa.
... Thế rồi năm 1975 chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất. Trong giai đoạn lịch sử sang trang mới, ít nhiều lòng người không tránh khỏi dao động, tôi hoàn tục trở về làng Trà Trì. Sống một thời gian ngắn ở quê rồi tôi làm cuộc phiêu lưu vào Sài Gòn. Tôi lên chùa Hải Quang tìm Ôn mong cứu độ. Thấy tôi, Hòa thượng vui thì ít mà buồn thì nhiều vì tôi mang màu áo khác. Tuy vậy Hòa thượng vẫn cưu mang một thời gian, sau đó nói anh Hải (anh của Thượng tọa Đạt Đức) tìm việc làm cho tôi để kiếm cơm qua ngày.
Rồi tôi bị khúc ngặt của đời mình mà lâm vào vòng lao lý... Khi trở về lại được Hòa thượng cưu mang lần nữa. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người; xuất gia hay tại gia đều được Hòa thượng đối xử đầy lòng vị tha như thế! Trong thời gian này tôi thường lên chùa thăm Hòa thượng, cảnh chùa đìu hiu vắng vẻ, chỉ có một thầy một trò (là thầy Đạt Đức - đệ tử xuất gia duy nhất còn lại của Hòa thượng) sớm hôm quạnh quẽ!
Cuộc sống cứ thế xoay vòng, cho đến một ngày khi Hòa thượng tuổi 60 - cái tuổi mà nhân gian gọi là “đáo tuế”. Thầy Đạt Đức mời huynh đệ còn tu hay hoàn tục lên chùa họp, thầy nói rõ ý định là muốn tổ chức một buổi lễ khánh tuế chúc mừng Hòa thượng tròn 60 và dặn anh em giữ bí mật tuyệt đối đừng để Hòa thượng biết, vì lộ ra chắc chắn Hòa thượng không cho phép.
Ngày ấy huynh đệ tập trung đông đủ lúc 5 giờ chiều, lặng lẽ sắp xếp bàn ghế, chưng hoa bày quà... Đến 6 giờ, Hòa thượng đi đâu đó về, thầy Đạt Đức xuống thỉnh Hòa thượng lên giảng đường. Tôi thấy nét mặt Hòa thượng rất ngạc nhiên, hình như Hòa thượng lo lắng không biết việc gì sẽ xảy ra mà nghiêm trọng quá. Cho đến khi thầy Đạt Đức trình bạch lý do thì nét mặt Hòa thượng mới chuyển từ ngạc nhiên qua xúc động. Rồi quý thầy xuất gia mỗi người mỗi lời chúc chân tình. Đến phiên huynh đệ tại gia thì anh Giải Thiện đọc bài thơ thật cảm động. Tôi nhớ như in tám câu mà tôi thấy hay nhất trong thời cuộc lúc bấy giờ:
Bước đến chùa xưa viếng thăm thầy
Người còn cảnh cũ vẫn còn đây
Sao lòng cảm thấy bâng khuâng quá
Như ngẩn như ngơ giữa chốn này
Làm sao chống chỏi với phong ba
Thầy dạy: “Nam-mô niệm Di Đà”
Từ bi nhưng phải từ bi thép
Vượt ngàn gian khổ vượt phong ba…
Đến phiên tôi, lòng bồi hồi khi nghĩ về quá khứ Hòa thượng đem tôi vào chùa rồi nghĩ đến cuộc sống hiện tại. Tôi ngâm bài thơ của tôi trong nước mắt:
Con nhớ một buổi sáng
Mùa hè sen nở
Trên đường làng nhỏ hẹp
Bóng thầy rộng bao la
Theo sau thầy một đứa bé không cha
Lần đầu tiên rời xa tổ ấm
Chùa Linh Quang gần hai mươi năm
Con miệt mài kinh sử
Ước mong thiện nghiệp viên thành!
Bốn câu kệ thầy ban cho còn đó
“Tánh Thể Nhất Lý Đồng
Thuần Chơn Pháp Giới Không
Nhược Năng Minh Diệu Đạo
Hoằng Hóa tự Viên Dung”
Nào ngờ bão tố bùng lên
Đất trời nghiêng ngửa!
Lòng người dao động
Đẩy thân con trở lại kiếp luân hồi
Cùng chúng sanh chơi vơi trong tăm tối
Nhận lấy khổ đau giữa biển nghiệp ba đào..!
Nhìn lại thầy còn đó
Cô độc mà uy nghi trong ánh đạo
Không phô trương vẫn rực rỡ tướng quang minh
Dẫu cuộc sống có thế thái nhân tình
Vẫn thủy chung trước sau như một
Mừng thầy tuổi thọ sáu mươi
Vẫn lung linh với nụ cười như xưa
Mọi ngày hai buổi sớm trưa
Mãi còn hạnh nguyện Đại thừa không phai!
Buổi lễ diễn ra ấm cúng đạo tình thầy trò, huynh đệ. Khi Hòa thượng ban đạo từ, tôi thấy giọng nói đượm nỗi buồn. Có lẽ Hòa thượng buồn cho chúng tôi đã không đi trọn con đường hướng thượng.
Thế rồi một năm sau Hòa thượng lâm trọng bệnh. Nghĩ mình không qua khỏi lẽ vô thường, Hòa thượng viết hai câu đối: “Liễu cổ kim như thị/ Minh sinh diệt giai không” và dặn thầy Đạt Đức rằng: “Nếu Thầy có viên tịch con hãy đưa nhục thân Thầy về Quảng Trị và khắc hai câu này trước bảo tháp của Thầy!”.
Không lâu sau đó, Hòa thượng về Huế dưỡng bệnh một thời gian tại chùa Linh Quang... Rồi an nhiên thị tịch vào một buổi sáng mây giăng sầu ảm đạm của ngày đầu thu xứ Huế. Kim quan Hòa thượng được đưa về nhập tháp dưới hai hàng dương nơi tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang - chiếc nôi của Phật giáo Quảng Trị!
Từ đó thời gian vẫn lặng lẽ trôi, ung dung thong thả xuôi dòng đến vô tận, nhưng kiếp người hữu hạn cho nên thấy nhanh quá. Mới ngày nào mà đã hơn ba mươi năm Hòa thượng vắng bóng. Bao nhiêu thăng trầm thế cuộc, mấy độ bể dâu thế thái nhân tình, chùa Hải Quang với sự điều hành của Thượng tọa Thích Đạt Đức đã phục hồi lại thời vang bóng và có phần phát triển theo nhịp đập của thời đại. Cũng như Thầy của mình, Thượng tọa Đạt Đức cũng nặng tình với môn nhân đệ tử và nặng lòng với quê hương cội nguồn.
Tôi suy nghĩ có lẽ tôn vinh công hạnh của cố Hòa thượng thì chắc có nhiều chư Tăng và Phật tử đã viết. Riêng tôi chỉ có những kỷ niệm nhỏ nhoi ấy như một nén hương lòng dâng lên bậc Ân sư.
Kính lạy giác linh Ân sư!
Từ buổi con còn là đứa bé ngây thơ đến hôm nay tuổi đời đã bước qua ngưỡng cửa 70, con vẫn không lý giải được năm xưa khi Thầy chỉ vào con truyền “tâm ấn”, lúc ấy Thầy thấy mặt con sáng sủa dễ thương hay u mê nghịch ngợm nên Thầy muốn hóa độ!? Nhưng dù gì thì con cũng tạm thành người. Vẫn một lòng ngưỡng mộ Đức Phật, tôn xưng Chánh pháp và kính trọng chư Tăng. Vẫn một niềm tin tuyệt đối là cuộc đời vô thường, vật đổi sao dời, nay còn mai mất, nhưng thế gian luôn “Thường trụ ngôi Tam bảo”.
Từ sâu thẳm đời sống tâm linh con vẫn thấy:
Dép cỏ lối về còn hiển hiện
Hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương!
Kỷ niệm ngày húy nhật Ân sư lần thứ 34
Tánh Thuần/Báo Giác Ngộ