;
BBC đưa tin: Ni cô 'thay nâu sồng mặc quân phục'
Theo BBC tiếng Việt, sở dĩ có sự kiện trên là do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh đề xuất, chỉ đạo nhà chùa tổ chức tối ngày 09/8/2013 tại chùa Pháp Hải - điểm an cư kiết hạ của ni giới huyện này.
Khi BBC phỏng vấn về vấn đề nữ tu mặc đồ diễn vai nữ bộ đội với tay súng và nón tai bèo, ni trưởng Thích nữ Huệ Ngọc, trụ trì chùa Pháp Hải cho biết "sự việc diễn ra theo ý chính quyền và quý ni hoàn toàn vô tư, chẳng biết gì hết!"
Bà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh nghĩ gì khi kêu gọi nhà chùa tổ chức như thế? Muốn lập công với Đảng và Nhà nước khi gợi ý cho nhà chùa tổ chức sự kiện chính trị này phải "có tính sáng tạo" bằng cách "đời hóa" các ni cô trẻ, biến các ni cô thành bộ đội? Các tôn giáo đều làm như vậy hay chỉ có chùa ở Bình Chánh?
Thượng tọa Thích Huệ Minh, Phó Ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Chánh phát biểu khen "mô hình này thật hay, mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy, cần phải mở rộng và phổ biến cho các cơ sở tự viện trong mùa an cư kiết hạ những năm sau" (!?). Muốn lấy điểm với các cán bộ hội phụ nữ?
Vấn đề đã xẩy ra, trong và ngoài nước đều biết và đều chặc lưỡi lắc đầu.
Trước đây, trên các trang mạng loan tin các sư Trung quốc ôm súng tập bắn, tay trong tay dắt gái đi bách phố, sắp hàng mua hotdog, đánh bài trên xe lửa với gái...
Bây giờ đến Việt Nam, thử hỏi những ai khách quan nhận xét thế nào, nhất là thời điểm nhạy cảm hiện nay trước tình hình chính trị, kinh tế của đất nước và liên tục tai tiếng đối với Phật giáo Việt Nam?
Trí tuệ của một Thích tử phải hơn đầu óc quỷ mỵ của thế gian, sao vô tình và ngây thơ đến độ luôn để họ lợi dụng muốn nhuốm đen hình ảnh cao đẹp của Phật giáo mà bảo là không biết?
Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu là việc và nhiệm vụ của họ, nhà chùa có quyền từ chối những việc làm nằm ngoài tinh thần tu sĩ và giáo lý nhà Phật. Đây là thời bình chứ không phải thời chiến cần làm như thế để khích lệ tòng quân.
Một phó Ban trị sự Phật giáo huyện mà còn khen là "mô hình thật hay, cần nhân rộng". Hóa ra ông Thượng tọa này coi trọng những trò lừa mị thế gian hơn là mùa an cư Phật chế.
Thiết nghĩ Thượng tọa Huệ Minh nên "chuyển đổi nghề nghiệp" để phù hợp với ý tưởng và khả năng của một cán bộ nhà nước hơn là của cán bộ Phật giáo càng sớm càng tốt.
Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM nghĩ gì về sự tai tiếng không đáng có nầy? Trang mạng của Giáo hội Trung ương lại chuyển tải những hình ảnh "phản cảm" này nhằm thông tin cho đại chúng để làm gì? Muốn định hướng thông tin "trong lề" cho các website Phật giáo khác hay muốn làm nhục Phật giáo?
Yêu cầu các hội phụ nữ ý thức rõ trách vụ được giao, cần nên tránh tai tiếng khi nhiệt tình cho nhiệm vụ mà thiếu ý thức chính trị sẽ có tác dụng ngược như vụ việc vừa xảy ra. Đề xuất tổ chức một sự kiện để kết thúc mùa an cư của tăng ni vốn đã không có ý nghĩa gì trong Phật giáo mà còn nói là "vô cùng hoan hỷ" thì quả là "hết thuốc chữa".
Chả lẽ cả một hệ thống Phật giáo Việt Nam đều không thấy tác hại như thế sao? Lập lờ đánh lận con đen diễn ra trên thương trường, trên chính trường, giờ lại còn len sâu vào đạo đức tôn giáo.
Đây là một thành công vượt bực đáng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh.
Thật ngao ngán thế đạo tình đời!!!
Minh Mẫn (23/8/2913)
* Tâm tư của một phật tử gửi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh
Có lẽ duy nhất trong toàn quốc Hội LHPN huyện Bình Chánh,TP Hồ Chí Minh triển khai việc biểu diễn văn nghệ cho các nữ tu kiểu này.
Sao không để các sư cô mặc trang phục nữ tu, hát các bài đạo ca như Mẹ hiền Quan âm, Mục Kiền Liên, Phật Giáo Việt Nam, trầm hương đốt hay Bông hồng cài áo ( Nhất Hạnh - Phạm Thế Mỹ) lòng mẹ (Y Vân) Mẹ yêu con ( Nguyễn văn Tý), Tình cha (nếu kết hợp với chương trình cảu địa phương)... mà phải gợi ý cái kiểu để cho sư cô mặc trang phục trong chiến tranh, xa lạ với đạo pháp, biểu diễn ngay trong chùa?
Điều này nói lên sự nhận thức của Hội LHPN huyện Bình Chánh, đành rồi nhưng quyết đoán của Sư trụ trì ở đâu?
Đọc bài viết và hình ảnh tôi - một phật tử - cũng thấy buồn.
Là phật tử, mỗi lần làm chương trình ca nhạc ở chùa, chúng tôi đều mặc áo lam, áo nâu... không có những nội dung như trên.
Mong rằng giới truyền thông thôi đừng phân tích, nhận định việc này, kẻo lại thành 1 dư luận, phản kháng, bất bình hay tập trung “ném đá” vào nhà chùa thì phiền lắm thay.
Hội LHPN huyện Bình Chánh rút kinh nghiệm 10, sư trụ trì cũng phải rút kinh nghiệm 1. Tham gia cùng xã hội việc từ thiện hay thi cắm hoa, nấu ăn món chay (do Hội LHPN tổ chức), tôi đã có dịp tỉ thí cùng các sư cô.
Nhưng việc để cho quý sư cô lên sân khấu, mặc trang phục đời, biễu diễn hát hò những ca khúc nhạc đỏ trong chiến tranh, có kèm vũ khí…có lẽ lần đầu tiên trong tòan quốc.
Giáo Hội không tán thành và ngay cả Hội LHPN Việt Nam cũng không tán thành chủ trương này của Hội LH Phụ Nữ huyện Bình Chánh.
Phật tử Nguyên Đàm (Nha Trang - Khánh Hòa)