nguoiphattu.com Ngày 08 tháng 12 năm 2012, nhằm ngày 25 tháng 10 năm Nhâm Thìn, hàng đệ tử xuất gia và tại gia đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm xuất gia tại chùa Bằng - phường Hoàng Liệt - quận Hoàng Mai - Hà Nội.
Với tinh thần thể hiện lòng tri ân với người thầy, chư tôn đức đệ tử xuất gia và đại diện đạo tràng Pháp hoa đã cùng về chùa Bằng đỉnh lễ, khánh chúc Hòa thượng.
Tối cùng ngày, Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử chùa Bằng đã tổ chức đêm văn nghệ với chủ đề "Đời Thầy rực ánh từ quang" - như một lời tri ân sâu sắc dành cho Người thầy khả kính.
Buổi lễ đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội; cùng sự tham dự khánh chúc của Đại đức Thích Tâm Thuần – Phó Ban hoằng Pháp Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội, trụ trì Thiền viện Sùng Phúc; cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa lân cận và hơn năm trăm các bạn sinh viên các Câu lạc bộ Thanh Thiếu niên Phật tử trên địa bàn thủ đô Hà Nội như CLB Quán Sứ, Sùng Phúc, Đình Quán, Lý Quốc Sư, Chùa Bằng, v.v.
Sau lời khánh chúc và dâng hoa quà chúc mừng của đại diện hàng đệ tử xuất gia và tại gia, Hòa thượng đã sách tấn thính chúng, nhắc lại ý nghĩa xuất gia để tìm lại những giá trị chân thật. Đồng thời nêu rõ con đường xuất gia bằng cách vượt ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não, và ra khỏi nhà tam giới. Hòa thượng nhắc lại hình ảnh Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni xuất gia tìm đường học đạo giữa đêm khuya tĩnh mịch, như bài kinh chiều vô ngôn thức tỉnh kiếp người đang chìm trong giấc mộng. “Một vương tử mà ngai vàng đã dọn sẵn, vó ngựa chinh phục đã sẵn sàng yên cương. Rồi một đêm, khi cả cung đình đang ngủ say trong giấc ngủ êm đềm của quyền uy, danh vọng, giàu sang; vương tử gọi quân hầu thắng cho Ngài con tuấn mã trường chinh. Nhưng vó ngựa trường chinh của Ngài không tung hoành chiến trận. Thanh gươm chinh phục của Ngài không đánh gục những chiến sĩ yếu hèn. Gót chân vương giả từ đó lang thang khắp chốn sơn cùng thuỷ tận; cô đơn bên bờ suối, dưới gốc cây. Ngài đi tìm gì? Ta hãy nghe Ngài nói: ‘Rồi thì, này các Tỳ kheo, một thời gian sau, trong tuổi thanh xuân, khi tóc còn đen mượt, với sức sống cường tráng; mặc dù cha mẹ không đồng ý với gương mặt đầm đìa nước mắt, Ta đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca – sa, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình. Trong khi ta đi như vậy, làm người đi tìm cái gì đó chí thiện, tìm con đường hướng thượng, tìm dấu vết của sự tịch mịch tối thượng...” (Tuệ Sỹ)
Từ đó, Đức Thế tôn xuất hiện giữa cuộc đời, mở ra cho chúng ta nguồn sống bất tử. Giáo lý của Ngài dành trọn vẹn cho con người, hướng cho con người vượt thoát nghiệp quả nhân duyên. Với những khổ đau và hạnh phúc bàng bạc, đan xen giữa cuộc đời, Ngài hướng dẫn con người hướng về con đường giải thoát, chuyển hóa khổ đau. Cho nên, hàng đệ tử tiếp bước chân Ngài, kế thừa sự nghiệp của Ngài, thì phải phát tâm xuất-gia, như Kinh Phước điền dạy, “thứ nhất, vì cảm mến đạo-pháp; thứ hai, hủy bỏ hình đẹp vì để xứng pháp y; thức ba, cắt bỏ ân ái, vì không còn thân thuộc; thứ bốn, khinh thường tánh mạng, vì tôn sùng chánh-pháp; và thứ năm, chí cầu đại-thừa, vì cứu độ tất cả”. Do đó, người xuất gia khi cất bước là phải hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo một giá trị hư dối của thế gian.
“Con nay phát tâm, không phải mong cầu cho mình những phước báu cõi trời, cõi người; không phải chỉ mong cầu cho mình những quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến những quả vị của hàng Bồ Tát quyền thừa; mà con phát tâm Bồ đề, là chỉ y cứ vào Tối Thượng thừa mà thôi. Nguyện cùng tất cả chúng sanh trong vũ trụ, đều cùng chứng đạt quả vị Bồ Đề.”(Hồng danh Bảo sám)
Chính từ ý nghĩa xuất gia cao quý ấy mà Hòa thượng thượng Bảo hạ Nghiêm, cách đây 40 năm đã từ giã mái ấm gia đình xuất gia đầu Phật. Để rồi, hôm nay nhìn lại quãng đường ấy, biết bao nỗi niềm riêng - chung. Và cũng từ lời dạy của Đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, trong Kinh Di Giáo: "Này các thầy Tỳ kheo, hãy vì lòng từ bi rộng lớn, đi gieo rắc hạnh phúc cho đời. Ðừng đi trùng nhau trên cùng một ngả đường. Các con hãy truyền đạo mầu nhiệm cho đời hiểu thế nào là cuộc sống cao cả, trong sạch, hoàn toàn và gương mẫu" mà Hòa thượng đã phát nguyện dấn thân tiếp nối sự nghiệp truyền bá chính pháp, dựng lại những gì đã đổ vỡ, khai mở những gì đã che khuất và bật đèn soi đường chỉ lối, mang ánh đạo vàng gieo rắc khắp chốn, từ những chốn đô thị phù hoa cho đến những thôn làng hẻo lánh, từ Hà Nội ngàn năm văn hiến đến Hà Tĩnh, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Giang, Yên Bái, Móng Cái, Quảng Ninh.v.v..
Trải bao thời gian, bước chân Hoằng pháp lợi sinh, báo Phật ân đức của Hòa thượng như là sứ mệnh cao cả của bao thế hệ Tăng – Ni. Cho nên lễ kỷ niệm 40 năm Hòa thượng xuất gia và hoằng đạo, để nhắc lại nhiệm vụ và sứ mệnh thiêng liêng cao cả ấy khiến hàng đệ tử cố gắng và nỗ lực trên con đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, mãi xứng đáng là người con Phật, là người học trò của Hòa thượng, kế thừa sự nghiệp Hoằng pháp lợi sinh.
Cuối chương trình, với tấm lòng thành kính, các bạn thuộc các Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử đã dâng lên lời ca tiếng hát để khánh chúc Hòa thượng Pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu để còn có dịp kỷ niệm 70, 80 năm như một bài pháp vô ngôn mà đi thẳng vào lòng người.