;
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ chai sẻ kinh nghiệm hoằng pháp.
Sáng ngày 24 tháng 03 năm 2022, tức ngày 22 tháng 02 năm Nhâm Dần, nhận lời thỉnh mời của Ban chủ nhiệm Lớp cao cấp Giảng sư khóa II khu vực phía Bắc, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội đã quang lâm về giảng đường chùa Vạn Phúc (Thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để gặp mặt và có lời huấn thị cho chư Tôn đức Tăng Ni sinh lớp cao cấp Giảng sư khóa II nhân ngày gặp mặt đầu tiên của khóa học.
Tại đây, Hòa thượng đã sách tấn chư vị Tăng Ni về ý nghĩa của việc đào tạo Tăng tài cũng như tầm quan trọng của một vị Giảng sư. Bởi lẽ, từ ngày thành lập GHPGVN, Ban giáo dục Tăng Ni TƯ đã được thành lập cùng với các Ban viện khác. Trong đó, việc đào tạo Tăng tài là nhiệm vụ quan trọng nhất và được đặt lên hàng đầu.
Ban hoằng pháp TƯ từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, nay là Quyền Pháp Chủ GHPGVN đã mở ra các khóa đào tạo Giảng sư trong khu vực miền Nam vô cùng thành công, hội tụ Tăng Ni 3 miền theo học.
Lớp học của chư Tôn đức Tăng Ni sinh lớp cao cấp Giảng sư khóa II
Tới Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, với vai trò là Trưởng Ban hoằng pháp TƯ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nghĩ tới nhu cầu và tính cấp thiết cần có thêm nhiều vị giảng sư hướng dẫn các Đạo tràng tu tập ở các tỉnh thành phía Bắc, nên đã xin phép Giáo hội và các ban ngành chức năng tổ chức khóa Đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc khóa I thành công viên mãn, mở đầu cho các khóa đào tạo tiếp theo, đáp ứng sự ham học hỏi và cầu tiến của chư vị Tăng Ni phía Bắc.
Với kinh nghiệm hoằng pháp của bản thân, Hòa thượng Trưởng Ban hoằng pháp TƯ đã chia sẻ với chư vị Tăng Ni sinh lớp cao cấp Giảng sư khóa II về đức tính cần thiết phải có của mỗi vị Giảng sư ngành Hoằng pháp, đó là Tâm và Trí.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông dạy rằng "thuyết pháp là mãn bồ đề nguyện của chư Phật". Người xuất gia chính là sứ giả của Như Lai, vì vậy việc quan trọng nhất đầu tiên chính là truyền trì chính pháp của Như Lai để mạng mạch Phật pháp được lâu dài.
Mỗi người tu sĩ cần có tâm an trú dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Khi đã phát nguyện theo học, cần giữ Bồ đề tâm kiên cố - trí tu học vững bền, vượt qua tất cả mọi chướng duyên để hoàn thành tốt việc học.
Ngoài ra, người Giảng sư cũng cần có Trí, bởi chỉ có Trí tuệ mới làm nên sự nghiệp. Kinh nghiệm trong chính cuộc đời mình, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ "Ngày xưa khó khăn, chúng tôi không có điều kiện như quý vị bây giờ. Vì vậy, tôi mong các vị đừng bỏ qua giai đoạn tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, minh mẫn và sáng suốt.
Ngày nay công nghệ ngày càng phát triển, có thể tra được nhiều kiến thức từ mạng, báo đài, sách vở, kinh điển .v.v... Thậm chí, những bài học có thể ghi âm để về nhà nghe lại. Vì vậy có thể khiến mọi người học bài nhanh, dễ dàng và nhớ lâu hơn. Chỉ cần quý vị có ý chí quyết tâm kết hợp với trí tuệ của tuổi trẻ, chịu khó trau dồi tri thức thì quý vị sẽ thành công".
Ngoài hai đức tính chính là Tâm và Trí, mỗi người cần phải giữ Đức của người tu sĩ, đó chính là sự thật thà, khiêm cung và thành kính tu tập.
Hòa thượng cũng chia sẻ rằng từ khóa này, sẽ đi vào thực tế ứng dụng trong việc hoằng pháp, hành đạo và tu tập nhiều hơn; sẽ có sự cải cách giáo dục đào tạo tốt hơn, thiết thực hơn theo lời Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng chỉ dạy "Lớp đào tạo Giảng sư không nên đặt nặng vấn đề giảng dạy giáo lý quá nhiều, bởi những điều đó người ta đã được học ở các trường đào tạo. Ở đây các Thầy cần chú ý đào tạo kĩ năng để họ ra làm một vị Giảng sư".
Ban hoằng pháp TƯ cũng sẽ tạo điều kiện để mỗi vị Tăng Ni sinh sau khi hoàn thành khóa đào tạo sẽ đều trở thành những vị Giảng sư, hướng dẫn Phật tử đạo tràng các nơi tu học theo đúng chính pháp.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng "Mỗi vị giảng sư cần biết nhìn nhận mọi vấn đề dưới góc nhìn của giáo lý Phật đà, để nhân dân thấy được sự an ủi và tìm về nương tựa cửa Phật. Mong các vị hãy cố gắng học hỏi thật tốt, để Phật pháp được trường tồn, giáo pháp của Như Lai mãi mãi được hoằng truyền trên thế gian".