;
Sống bản năng rất nguy hiểm
- Hiện nay giới trẻ rất quan tâm đến việc tu học ở chùa, Hòa thượng có ý kiến gì về điều này?
Các hoạt động Phật sự luôn gắn liền với đời sống của người dân. Chính vì thế, đã có rất nhiều khóa tu mùa hè cho trẻ em, hỗ trợ học sinh nghèo…
Mọi người con Phật nên mở rộng tinh thần vì cộng đồng, đây là điều rất tốt trong an sinh xã hội. Cần tổ chức nhiều các trại hè, học hè, học đạo đức sống cho giới trẻ.
Việc tu tập ở trong chùa sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn về tinh thần từ bi, hỷ xả, những điều đúng lẽ phải và quan trọng nhất là chữ Hiếu đối với các bậc cha mẹ, thầy cô và sư trưởng.
- Cuộc sống luôn bị chi phối bởi ngoại cảnh vì thế có nhiều người trẻ sống bản năng, theo hòa thượng nên làm gì để khắc phục?
Sống bản năng là do xã hội chưa phát triển, một xã hội phát triển thì trí tuệ con người cũng cao và cái bản năng đó được hạn chế lại, nếp sống bản năng rất nguy hiểm.
Cho nên đối với người tu nên hạn chế bản năng của mình, để không đòi hỏi những ham muốn xấu và đạt kết quả cao trong tu tập. Xã hội nếu nhiều người sống theo đạo đức thì sẽ tốt hơn xã hội có nhiều người sống theo bản năng.
“Ta nên tìm cái tốt của người để thấy chứ không nên lấy cái xấu của người để nhìn”.
Cúng tiền cũng có mặt đúng, mặt sai
- Thưa thầy, tu của Phật giáo là để chuyển nghiệp, vậy làm thế nào mới đúng?
Nghiệp có nghiệp xấu và nghiệp tốt. Chúng ta tu là chuyển dần cái xấu thành cái tốt. Mọi người cần đề cao ý thức cá nhân phục vụ cộng đồng xã hội làm chính, chuyển đổi tinh thần cá nhân thành nội dung tập thể.
Và quan trọng nhất là hãy sửa đổi mình trước, mình vì mọi người thì tất cả công việc tốt đẹp, xã hội hạnh phúc. Đó là cảnh giới Niết Bàn, cõi Cực Lạc mà đức Phật đã dạy.
Những người luôn đề cao mình và xem thường người khác là sai. Đức Phật đã dạy không được khen mình chê người, ta nên tìm cái tốt của người để thấy chứ không nên lấy cái xấu của người để nhìn. Đấy là chuyển nghiệp.
- Có người nghĩ cúng tiền cho chùa là như gửi ngân hàng cho đời sau thưa Hòa thượng?
Về vấn đề cúng dường, theo giáo lý đạo Phật có mặt đúng, mặt sai.
Đức Phật dạy người Phật tử nên cúng dường hỗ trợ chư Tăng tu tập sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên việc cúng dường, cúng pháp cũng phải làm cho đúng mới có phước sau này.
Có thể xem đây là ngân hàng của Phật. Tuy nhiên đức Phật dạy, người cúng dường cũng là đang đem tiền đi đầu tư. Nếu anh cúng cho một vị chứng quả, người này chịu khó tu tập thì người cúng thành công, có phước lớn, còn ngược lại thì coi như đầu tư bị mất trắng.
Các hoạt động Phật sự, xã hội luôn được Hòa thượng quan tâm
(ảnh chụp Hòa thượng đi kiểm tra công tác chuẩn bị ở Đại giới đàn Hành Trụ)
Thứ nhất là tu tại gia...
- Thưa Hòa thượng, có một số người chỉ hơi vướng mắc trong cuộc sống đã muốn đi tu bỏ hết tất cả gia đình, công việc, như vậy có nên?
Chúng ta nên biết rằng vào chùa là để được đào tạo thành người cứu đời chứ không phải ăn bám hay tránh đời. Tuy nhiên vào chùa tu cũng nên tùy thuộc vào khả
năng của mỗi người, đừng nên bỏ cái lợi lớn đi tìm cái lợi nhỏ để rồi mất tất cả.
Hòa thượng Thích Trí Quảng đón nhận huân chương Độc lập hạng I.
Tôi có người bạn là dược sĩ có một cửa hàng thuốc tây lớn. Khi đến với Phật pháp, ông phát tâm xuất gia (đi tu), vợ của ông cũng vào chùa làm công quả rồi mấy đứa con cũng bỏ học vào chùa.
Đi tu một thời gian, ông hỏi tôi như vậy có đem lại điều gì tốt không. Tôi cho rằng như vậy là không có lợi. Vì việc ông đi tu làm gia đình ly tán, ông có khả năng làm về ngành thuốc nhưng vô chùa ông chỉ tụng kinh chẳng làm được gì hết. Nếu như vợ chồng ông ở ngoài đời làm việc lo cho mấy đứa con ăn học thành tài thì tốt hơn.
Tôi thường khuyên các đệ tử và Phật tử nên tu theo hạnh Bồ tát đạo (tu tại gia) hơn là làm sa môn (người tu). Đối với người xuất gia có rất nhiều hạn chế, rất khó làm nhiều việc hơn người ngoài đời.
- Thầy có tâm tư tình cảm gì khi vừa được nhận Huân chương Độc lập hạng I?
Việc đón nhận Huân chương Độc lập hàng I vừa rồi là thành quả đạt được không phải do cá nhân có được, mà trong đó có sự âm thầm giúp đỡ đằng sau của quý Tăng, Ni, Phật tử.
Đây là phần thưởng danh dự không chỉ riêng ai mà của tất cả những người con Phật trong quá trình hoằng pháp lợi sanh. Chính vì thế tôi chỉ mong sống hết mình vì mọi người đúng với tinh thần Phật pháp. Tuy tu đạo nhưng không xa rời cuộc sống đời thường.
- Xin cảm ơn Hòa thượng!
Theo Hoài Lương - An Phong (KH&ĐS)