;
Vai trò tầm quan trọng của xe hoa, thuyền hoa Phật đản
Bạn đọc có gửi đến tôi đường link vào xem bài viết “Sẽ tổ chức Tuần Văn hóa Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự” trên trang web Giác Ngộ và nêu câu hỏi “Như vậy thì được chưa hả chú?”.
Tôi xin trả lời như sau: Việc phê phán tư duy “hẻm cụt đường cùn” trong việc tổ chức lễ Phật đản tại TPHCM kèm với đề nghị đưa lễ Phật đản ra tổ chức ở mặt tiền, đại lộ đã được tôi nêu ra liên tục từ nhiều năm qua. Nhưng mãi đến gần đây Giáo hội Phật giáo TPHCM mới tiếp thu, đưa lễ Phật đản khỏi chùa Phổ Quang.
Như thế là quá chậm! Và việc đưa lễ Phật đản về tổ chức ở trung tâm thành phố như thế cũng không phải là do sự sáng suốt, do nỗ lực chủ quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà là do hoàn cảnh khách quan đưa đẩy, dun rủi. Một kiểu tư duy tùy duyên, thụ động, phụ thuộc hoàn cảnh như thế thì sao đặt vấn đề có được không ở đây?
Nếu được, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã tiếp thu đề xuất tổ chức Đại lễ Phật đản ở mặt tiền trung tâm của tôi, mà từ bỏ tư duy đường cùn ngõ cụt à. Thế là các vị lãnh đạo Phật giáo TPHCM cuối cùng rồi cũng nhận ra sau bao nhiêu năm tổ chức lễ Phật đản ở chỗ đường cùn, hẻm cụt, rồi cuối cùng cũng phải điều chỉnh quan điểm, dời về nơi mặt tiền đại lộ? Thế sao không tiếp thu ý kiến của tôi sớm hơn, thế có đỡ cho lễ Phật đản tại TPHCM không?
Cho dù là nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tiếp thu ý kiến tổ chức Đại lễ Phật đản ở khu trung tâm, mặt tiền, đại lộ, tôi vẫn cho là KHÔNG ĐƯỢC, vì quá muộn, quá chậm! Đến bây giờ mới thấy giá trị của khu trung tâm, đại lộ, mặt tiền là quá ấu trĩ, quá mức không khôn ngoan, quá đỗi muộn màng, chậm trễ…
Ngoài việc thay đổi quan điểm, chấp nhận quan điểm lễ Phật đản phải được tổ chức ở nơi trung tâm, mặt tiền, đại lộ, mà thay đổi địa điểm, còn lại những hình thức tổ chức lễ Phật đản cũng như trước, không có gì đổi mới, phát triển, nên hỏi “được chưa” quá lạc lỏng. Thì có gì hơn để gọi là được? Văn nghệ Phật giáo, dù có ca sĩ ngôi sao, thì trông cũng không khỏi giới hạn văn nghệ nghiệp dư, vì Phật giáo có bao giờ mạnh về văn nghệ? Năm trước tổ chức văn nghệ ở Việt Nam Quốc Tự chỉ vài ngàn người xem, năm nay chắc cũng mức văn nghệ như vậy, thì có gì được hay không được?
Còn triển lãm ảnh thực ra bày chục tấm ảnh, là cấp độ tối thiểu của một “tuần lễ văn hóa”. “Tuần lễ Văn hóa” nghe tên rất kêu, nhưng chỉ có văn nghệ bày vài chục bức ảnh, thì quả thật là tên gọi quá kêu nhưng nội dung không có. Những hoạt động này không hơn những hoạt động của một trường học phổ thông, số lượt tham dự vài ngàn. Tuần lễ Phật giáo như thế thì quá nhỏ nhoi so với vị trí của Phật giáo. Nó phản ánh thế suy thoái của Phật giáo, khi Tuần lễ Văn hóa gom lại chỉ có triển lãm ảnh và văn nghệ?
Còn thuyết pháp là điều bình thường thông lệ, sao được kể là hoạt động ngày lễ? Nếu thuyết pháp là hoạt động ngày lễ, thì hoạt động cúng bái của Phật giáo TPHCM đã trở thành hoạt động chủ đạo, là dấu hiệu suy thoái của Phật giáo.
Cách đây mấy mươi năm, đọc báo Giác Ngộ, thấy số lượng người tham dự cũng chỉ 5000. Số người dự lễ Phật đản có tăng lên đến 20 ngàn, năm tổ chức ở sân vận động Quân khu 7, bây giờ rớt lại mức 5000! Như vậy là được hay không được? Phật giáo TPHCM có bao giờ mơ đến lễ hội Phật đản thường kỳ có vài chục ngàn người tham dự, một con số lẻ của tín đồ Cao Đài về dự lễ ở Tòa thánh Tây Ninh hay tín đồ Thiên Chúa giáo ở La Vang? Chắc cũng có mơ, nhưng bây giờ bỏ rồi, con số 5000 người dự lễ bây giờ là con số người dự lễ ở mức một giáo họ, dưới cấp giáo xứ của Đạo Thiên Chúa. Phật giáo TPHCM tập trung tín đồ dự Đại lễ Phật đản được như thế (chú ý chữ “đại”), là được hay không được? Đại lễ mà sao có 5.000 người, nghe kỳ quá!?.
Còn chuyện “xe hoa”, các vị lãnh đạo Phật giáo TPHCM không chấp nhận kiến nghị dùng cụm từ xe rước Phật, đưa từ Phật và yếu tố rước tôn kính vào, mà cứ khăng khăng “xe hoa”, như trong các bài hát đám cưới, là được hay không được? Sao lại cố không dùng cụm từ rước Phật cho trang nghiêm, hay do kiến nghị đó không đáng xem xét. Các tôn giáo khác không bao giờ để từ ngữ nghi lễ tôn giáo trùng với những yếu tố không được tôn trọng ngoài đời, chỉ có Phật giáo TPHCM là kiên quyết như vậy. “Xe hoa” cho có màu mè chăng?
TPHCM là nơi đầu tiên phục hồi xe rước Phật. Xe rước Phật nay đã có mặt ở khắp cả nước.
Cả đạo Thiên chúa cũng được phép làm xe mừng Noel như xe rước Phật dịp mừng Phật đản (giáo phận Xuân Lộc). Thế mà nay Phật giáo TPHCM đưa vấn đề có được phép hay không? Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM không được phép tổ chức xe rước Phật (trong khi trên các tỉnh thành trên cả nước được phép, giáo Phận Xuân Lộc cũng được phép tổ chức tương tự cho tôn giáo họ) thì nên coi lại sự tin cậy của chính quyền TPHCM đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM. Nếu chính quyền không tin cậy nhân sự lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM hiện nay, thì các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM hiện tại nên từ chức đi.
Xe rước Phật là hoạt động trên đường phố nơi công cộng, cần được chính quyền cho phép. Mà nếu chính quyền không cho phép như đã từng, thì đương nhiên do các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM không được sự tin cậy của chính quyền trong việc tổ chức thành công tốt đẹp. Không được tổ chức xe hoa có nghĩa là từ chính Phật giáo, khả năng chỉ đạo, tổ chức, quản lý có vấn đề. Đó là biểu hiện tất nhiên của sự suy thoái. Vì vậy, nêu câu hỏi “được chưa” ở đây chính là đã nêu vấn đề ra vậy.
Chính quyền đã từng tín nhiệm Phật giáo TPHCM liên tục cho phép Phật giáo TPHCM tổ chức xe rước Phật trong nhiều năm liền. Nay trong hoàn cảnh đường sá thông thoáng, không còn lô cốt hay sửa cầu, mà Phật giáo TPHCM không được phép tổ chức ra rước Phật, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM nên tìm câu hỏi cho vấn đề trong chính nội bộ, tìm cách tự xử lý, để có một tập thể nhân sự mới được sự tin cậy của nhà nước. Rõ ràng việc cho phép tổ chức rước Phật trên đường phố TPHCM là phép thử sự tin cậy của chính quyền đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo địa phương đương nhiệm.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.