nguoiphattu.com Sáng ngày 21 tháng 07 năm 2017, nhằm ngày 28 tháng 06 năm Đinh Dậu, tại Quảng trường Giải Phóng – thị xã Quảng Trị - tỉnh Quảng Trị, GHPGVN đã phối hợp cùng với Hội chiến sĩ Thành cổ năm 1972 và BTS GHPGVN Tỉnh Quảng Trị trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ với sự tham dự của hơn hàng vạn Phật tử trên khắp cả nước.
Quang lâm chứng minh và tham dự đại lễ có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ Tịch HĐTS GHPGVN; Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Hải - Thành Viên HĐCM GHPGVN, Chứng Minh BTS GPPGVN tỉnh Quảng Trị; nhị vị Hòa Thượng Phó Chủ Tịch Thường Trực HĐTS GHPGVN: Hòa Thượng Thích Thiện Pháp, Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu; Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ Tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN cùng chư tôn đức Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN: Hòa Thượng Thích Thanh Nhã, Hòa Thượng Thích Thiện Đức, Hòa thượng Thích Hải Ấn; Hòa Thượng Thích Tánh Nhiếp - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Quảng Bình; Hòa Thượng Thích Hải Tạng - Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Trị cùng toàn thể các quý chư tôn Đức Tăng Ni trong BTS các tỉnh thành trên cả nước….
Về phía đại biểu khách mời tham dự có: Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phúc Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Giáo sư, Viện sỹ Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Về phía tỉnh Quảng Trị có Ông Nguyễn Đức Dũng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ông Mai Thức - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ông Phan Văn Phụng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ông Lê Xuân Tánh - Chủ tịch Hội chiến sĩ Thành Cổ năm 1972 cùng với hơn 10000 các hội cựu chiến binh và nhân dân đồng bào Phật tử trên cả nước.
Sau phút chào quốc kỳ và chào đạo kỳ, Ông Lê Xuân Tánh - Chủ tịch Hội chiến sĩ Thành cổ năm 1972 đã thay mặt Ban Tổ Chức lên phát biểu khai mạc đại lễ. Trong niềm xúc động, bùi ngùi, ông đã nhắc lại quá khứ hào hùng nhưng cũng chứa đầy bi thương của các binh đoàn tại khu vực Thành cổ Quảng Trị nói riêng và trên cả nước nói chung. Đặc biệt là chiến dịch 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, đã có không biết bao nhiêu những người lính đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây và không thể quay về đoàn tụ được với gia đình. Ông cho biết, cách đây 45 năm, hơn 10.000 đồng bào, chiến sĩ cả nước đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng cho Thành cổ Quảng Trị, cũng là bảo vệ non sông gấm vóc, buộc kẻ thù phải ngồi lại đàm phán Hiệp định Paris 1972.
Thành cổ Quảng Trị từ đó trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lớp lớp cháu con noi theo tấm gương tiền nhân giữ gìn, phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.
Sau lời phát biểu của ông Lê Xuân Tánh, Đoàn Phật tử Tịnh Độ Đạo Tràng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước đã tiến hành nghi thức cung thỉnh vong linh Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và anh linh các anh hùng liệt sĩ từ Thành cổ Quảng Trị về đại lễ. Nghĩ đến sự hi sinh, công lao to lớn mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cũng như các anh hùng liệt sĩ mà nhiều người không cầm được nước mắt khi thực hiện nghi thức cung thỉnh.
Tiếp theo là nghi thức dâng hương và tưởng niệm của chư tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN, các quý vị đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể, các đoàn Cựu Chiến Binh và đồng bào Phật tử.
Nhân dịp này, Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ Tịch HĐTS GHPGVN đã thay mặt cho Ban thường trực HĐTS GHPGVN ban lời đạo từ tới toàn thể đại chúng.
Hòa thượng chia sẻ “Chúng ta đang đứng đây, mảnh đất của hơn 40 năm về trước là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 để bảo vệ Thành Cổ và Thị xã Quảng Trị. Sự kiện lịch sử đó đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Paris tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để làm nên trang lịch sử ấy, hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Các anh hy sinh nhưng hình hài các anh không còn nguyên vẹn nữa, máu và xương thịt của các anh đã hòa vào lòng đất cho non sông đất nước có ngày độc lập, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Với những giá trị lịch sử đã được đúc kết bằng sự hy sinh to lớn của hàng ngàn chiến sỹ, cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị được Bộ Văn hoá xếp hạng là di tích Quốc gia. Đến đầu năm 1994 được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng. Hôm nay chúng ta đến với Thành Cổ Quảng Trị, không những đến với một di tích lịch sử mà chúng ta còn đến với một nghĩa trang, một nghĩa trang không có nấm mồ. Khác với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác thì liệt sỹ nào có mộ liệt sỹ đó, cho dù biết tên hay chưa biết tên. Nhưng khi đến với Thành Cổ Quảng Trị các anh chỉ có một ngôi mộ tập thể chung, một nấm mồ chung mà thôi. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể đó. Trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ đã lùi xa, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều, các nhân chứng sống dần một ít đi, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành một công viên văn hóa tưởng niệm; là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân dân Quảng Trị anh hùng; nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau”.
Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh “Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam mãi mãi nhớ ơn những anh linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo tỉnh Quảng Trị trong hơn 35 năm thành lập, đã không ngừng phát triển trang nghiêm và vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc góp phần dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh theo hướng phát triển hiện đại. Đồng thời qua Đại lễ tưởng niệm kỳ siêu này, cũng là thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến Tăng Ni, Phật tử, các cơ sở tự viện trong toàn quốc lời nhắn nhủ mọi người hãy cùng với cộng đồng xã hội, chung tay xây dựng đất nước, xã hội ngày một văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình, bằng những hành động, việc làm cụ thể, đầy ắp nghĩa tình trong tinh thần tri ân báo ân của Đạo Phật, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Để thể hiện lòng tri ân và báo ân của người con Phật, nhân mùa Vu lan – Báo hiếu Phật lịch 2561 và nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị, Ban Liên lạc Thành Cổ Quảng Trị và các đơn vị tài trợ tổ chức Đại lễ Kỳ siêu, tưởng niệm anh linh anh hùng Liệt sĩ, những người có công với Tổ quốc và đồng bào tử nạn tại Cổ Thành Quảng Trị một cách trang nghiêm và trọng thể, trong ý nghĩa: “Người đang sống nhớ thương người đã khuất, Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời”.
Cuối cùng, Hòa thượng nhắc nhở đại chúng để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, chúng ta không bao giờ được quên sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú của tổ quốc đã ngã xuống tại Cổ Thành Quảng Trị và khắp mọi miền đất nước để xây dựng, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Vì thế, dù sống ở nơi đâu, làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng không thể nào quên được những năm tháng hào hùng của thời chiến tranh vệ quốc vĩ đại, thể hiện khí phách hào hùng của một dân tộc với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Từ đó, biết bao người con ưu tú trên khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc của Tổ quốc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cờ tổ quốc tô thắm máu đào liệt sĩ, Đài độc lập xây dựng bằng xương trắng anh hùng”.
Nhân dịp này, đại diện tăng ni và Phật tử và Hội chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 các địa phương cũng đã tặng nhà Ấm tình đồng đội, sổ tiết kiệm cho các hội viên Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 gặp khó khăn và hỗ trợ kinh phí để Ban Tổ chức thực hiện chương trình Lễ hôi Linh thiêng Thành Cổ.
Kết thúc chương trình, ông Lê Xuân Tánh đã thay mặt cho toàn thể Hội Cựu Chiến Binh trong Hội chiến sĩ Thành cổ năm 1972 phát biểu cảm tạ đến chư tôn đức HĐTS GHPGVN cùng các vị đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể, nhân dân đồng bào Phật tử đã trấn tích quang lâm để Đại lễ tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ lần này được thành tựu viên mãn.
Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong không khí thấm tình đạo vị.
Buổi chiều cùng ngày, dù Phật sự đa đoan nhưng Thượng Tọa Thích Đức Thiện – Tổng Thư Ký HĐTS GHPGVN, Giáo Thọ Sư của Tịnh Độ Đạo Tràng đã quang lâm Đại lễ và có những lời khai thị cho toàn thể đại chúng.
Thượng Tọa đã ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc trong những năm tháng chiến tranh vô cùng khốc liệt, để từ đó nhắc nhở cho toàn thể hội chúng lúc nào cũng phải ghi nhớ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” vô cùng quý báu của dân tộc ta. Nhắc nhở tới hàng hậu học phải đời đời ghi nhớ công ơn to lớn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, các vị tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Thượng Tọa Thích Đức Thiện cũng đã nhắc lại cho toàn thể hội chúng về tứ trọng ân và công đức của việc nương tựa vào Tam Bảo đối với mỗi người Phật tử. Tứ trọng ân này mỗi người Phật tử phải thấm nhuần và phải thực hành hàng ngày. Với ngôi Tam Bảo, "Phật soi đường cho chúng ta đến với con đường giải thoát giác ngộ, những lời dạy của Phật chính là kim chỉ nam để chúng ta đi trong cuộc đời đầy tăm tối, để chúng ta có con đường ánh sáng đến với sự giải thoát; Tăng là các vị Thầy luôn ân cần mong muốn cho chúng ta được đến gần với Phật với Pháp. Cho nên mỗi người Phật tử đều phải nương tựa vào ngôi Tam Bảo, nếu nương tựa vào đầy đủ ba ngôi đó thì mới trở thành Tam Bảo. Vì Tam Bảo là Phật Bảo - Pháp Bảo và Tăng Bảo. Nếu chúng ta nghĩ rằng an trí tượng Phật rồi hàng ngày tụng kinh mà không có sự hướng dẫn chỉ bảo của quý Thầy thì khi đó cũng chưa đầy đủ một ngôi Tam Bảo".
Qua đây Thượng Tọa cũng tán thán công đức của các quý liên hữu Phật tử Tịnh Độ Đạo Tràng trong việc tổ chức các Đại Pháp Hội tưởng niệm, cầu siêu cho các vong linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong các cuộc chiến tranh. Thượng Tọa cũng đặt hi vọng vào Tịnh Độ Đạo Tràng, mong rằng Tịnh Độ Đạo Tràng ngày càng phát triển, các liên hữu Phật tử ngày càng tinh tấn tu tập, hoằng dương Phật pháp để Đạo Phật tại Việt Nam ngày càng phát triển.