;
Trong những năm gần đây, một loạt các nước châu Á và Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong quá trình hiện đại hóa Phật giáo, mang lại sức sống mới cho Phật giáo, vừa để Phật giáo giúp ích hơn cho xã hội tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề nâng cao vai trò của Phật giáo trong phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó, đặc biệt là Phật giáo ở Việt Nam, đặt trong bối cảnh và mối tương quan với các nước châu Á, là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Qua hội thảo, các đại biểu có dịp trao đổi những vấn đề lý luận chung về vai trò phật giáo và kinh nghiệm của cá nước trong sử dụng vai trò của Phật giáo nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Lịch sử Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng của lịch sử Việt Nam. Những chất liệu văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo nên bản sắc, căn cốt của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, việc chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa kinh tế, văn hóa là yêu cầu có tính quy luật đối với mỗi quốc gia dân tộc. Qua đó Phật giáo Việt Nam có kinh nghiệm tự đổi mới, góp phần cùng đất nước Việt Nam đổi mới trên con đường hội nhập quốc tế, cùng phát triển.
Hội thảo do Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp tổ chức trong 2 ngày tại Quảng Ninh./.
Nhân Trí/VOV online