;
HỎI:
Mô Phật.
Con kính bạch thầy ạ!
Con còn đang là sinh viên đại học, chưa quy y Tam Bảo. Trong nhà con chỉ có một mình má con (năm nay đã ngoài năm mươi) là đã quy y, thường xuyên đi chùa và tham gia các hoạt động của chùa. Trong những bữa cơm hay các dịp gia đình đông đủ, má con thường tỏ vẻ rất tự hào về Đạo Phật, về ngôi chùa nơi bà sinh hoạt và đặc biệt bà ca tụng hết lời vị thầy bổn sư bà đã quy y.
Thấy tuổi già về hưu mà má con tìm được nơi an vui hoan hỷ như vậy cả gia đình con rất mừng, anh chị em chúng con còn có ý định thời gian nữa xin phép má cho được cùng quy y làm Phật tử.
Đùng một cái, một hôm má từ chùa về mặt buồn thiu không nói năng gì, đi thẳng vào phòng nằm rầu rĩ bỏ cả cơm nước. Chúng con phải tìm cách nhẹ nhàng khéo léo gạn hỏi mãi má mới nói giọng như nghẹn ngào: thầy đổ nghiệp rồi!. Chỉ bấy nhiêu thôi, rồi bà không nói thêm gì nữa, nhưng con biết là vị thầy bổn sư của má đã phạm một điều hệ trọng gì đó để đến nỗi má phải thất vọng ê chề như thế.
Sau đó chúng con tìm hiểu số các vị Phật tử cùng tu với má mới biết là ông thầy của các vị đó có phạm một số điều giới gì đó của người xuất gia khiến cho các Phật tử mới lâm vào cảnh “thần tượng sụp đổ” dở khóc dở cười như thế.
Kính bạch thầy.
Đứng trước sự việc này, sự hoang mang khiến tâm phát nguyện quy y của con cũng không còn nữa. Má con thì không còn đi chùa và cũng chẳng vui tươi như trước, mặt mày lúc nào cũng ủ dột và thường tránh mặt mọi người trong nhà.
Xin thầy cho chúng con một lời khuyên, chúng con phải làm gì, phải hành xử như thế nào cho phải phép trong chuyện này ạ! Trước giờ con rất sùng tín Đạo Phật và Qúy Thầy, nay thì lòng tin đã giảm rõ rệt thay vào đó là sự hoang mang ngờ vực.
Con kính tri ân thầy, và xin thầy hỷ xả nếu con có nói gì chưa phải.
(Một tín nữ ở phường 12, Q. Gò Vấp, Tp HCM)
ĐÁP:
Phật tử thân mến.
Trước hết cho phép thầy gọi con bằng danh xưng là Phật tử, vì qua câu hỏi thầy biết con đã rất tin kính Tam Bảo. Đây quả là nhân duyên tốt lành mà không phải bất cứ ai trong cõi đời này cũng có được.
Mẫu thân con như con đã miêu tả là một Phật tử thuần thành đã lớn tuổi, có quá trình gắn bó phụng sự quý thầy và hộ trì Tam Bảo, đó là phước duyên của bà và của gia đình mình, con nên tự hào về điều đó.
Trường hợp của mẹ con cũng không phải ít xảy ra đối với những Phật tử có tín tâm với Chư Tăng, dường như rất phổ biến là đằng khác. Theo logic thông thường của thế gian, người ta vẫn truyền tụng câu: càng hy vọng lớn thì thất vọng càng nhiều_ có thể tinh thần câu nói đó rất trùng hợp trong tình huống này vậy.
Sự thất vọng và khủng hoảng tâm lý của mẹ con bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất là tôn sùng và đề cao thái quá một nhân vật nào đó đến nỗi thần tượng hóa nhân vật ấy. Nên nhớ điều gì thái quá thường được gọi là cực đoan, mà đã cực đoan thì không còn tỉnh táo sáng suốt, đến nỗi gán ghép cho nhân vật đó những đức tính khả năng mà thực sự họ không hề có hoặc chưa đạt tới, ví dụ trong tâm mình cứ nghĩ họ thanh tịnh siêu quần như Phật như Thánh.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, đến khi thực tế phơi bày ra những mặt hạn chế của họ khiến mình bị bất ngờ, thậm chí khi họ mắc những sai lầm có vẻ hơi trầm trọng thì mình càng bị sốc vì “thần tượng sụp đổ”.
Đối trước tình huống này, không ít Phật Tử phản ứng một cách tiêu cực là quay lưng với chùa (nơi vị ấy trú xứ), thậm chí xa rời Tam Bảo, bỏ ngang việc tu học mình đã bao lâu dày công nổ lực, cá biệt có vị niềm tin không vững quay lại phỉ báng Phật Pháp và bỏ theo tôn giáo khác.
Thứ hai, Chưa xác định một cách chánh kiến về mục đích tu học và đâu là cái tổng thể nên nương theo và đâu là nhân duyên nhất thời mang tính tương tác cục bộ, thêm nữa là do các Phật tử chưa tự đào luyện cho chính mình sự bản lĩnh thích nghi bất cứ hoàn cảnh bất lợi nào trên đường tu tập nên gặp chuyện ngoài dự tưởng thì khủng hoảng, suy sụp, dẫn đến những hình thức đối phó thiếu đứng đắn.
Vậy nên thầy có lời khuyên chung cho các Phật tử như sau:
● Để tránh những việc không hay về sau, trước khi đến và thỉnh cầu một vị Tăng (Ni) là thầy Bổn sư cầu Pháp tu học lâu dài( xin quy y), các tín chủ nên có quá trình tiếp cận tham học, là giai đoạn sơ ngộ, dần dần nếu thấy với vị thầy này, việc tu học mình có tiến bộ, tâm thức mình ngày càng an lạc, hoan hỷ, thì đây là bậc tôn túc hữu duyên với bản thân mình, lúc đó nên thỉnh cầu phát nguyện được quy y là đệ tử( bởi vì Phật Pháp là nhân duyên, không quy định rạch ròi như một số tôn giáo khác: tín đồ khu vực nào phải sinh hoạt khu vực đó). Các Phật tử không nên vì hình thức bề ngoài, hay thoạt diện kiến vị nào thấy trang tướng dung nghi dễ coi liền tức khắc xin quy y để gắn bó thầy trò, đó là những lối hành xử hời hợt, cảm tính, bột phát… rất dễ tạo ra sự giao động tâm lý về sau.
● Vì sao có tâm lý “thần tượng sụp đổ”? Xin trả lời một cách nôm na là : vì có xây nên mới có đổ! Nếu không xây thì chẳng có gì là đổ và không đổ! Thế nào gọi là xây, nghĩa là ngày mỗi ngày, Phật tử cứ vun quén tạo dựng ảo tưởng thầy mình là nhất không thầy nào bằng, thầy mình tu hành giới đức thanh tịnh, thầy mình giỏi dang, thầy mình toàn bích, không chút tỳ vết lỗi lầm,… quả là một bức tượng hoàn hảo! Nhưng mình quên rằng, thầy mình cũng là con người, là người xuất gia đang tu học Phật, thầy mình chưa là Phật làm sao toàn bích đây? Vậy nên lời khuyên là hãy đừng xây nên một thần tượng nào cả, hãy tinh cần tu và học là điều thiết thực nhất.
● Tại sao phải buồn rầu khi một ai đó phạm sai lầm, mình vẫn còn một Đức Phật, Bậc Giác Ngộ tối thượng, là thầy của trời và người( Thiên nhơn chi Đạo Sư) đang được cả nhân loại ngưỡng mộ đó cơ mà! Sao không lấy Ngài làm thần tượng noi gương mà tu tập lại thần tượng một vị nào đó, rồi thấy họ là tất cả?
Thêm nữa, cả nền giáo lý nhiệm mầu Đức Phật để lại còn đây, Phật tử nên theo đó hành trì tu tập, nên nhớ: “ Y Pháp bất y nhơn”. Với người tu học Phật chân chính thì lúc nào cũng lấy Gíao Pháp làm thầy như lời Đức Phật đã dạy, các thầy chỉ là người trợ duyên dẫn đường.
● Sai lầm của một vị thầy nào đó là chuyện cá nhân, một hiện tượng cá biệt, nó không phản ánh toàn bộ Phật Giáo, nếu đánh đồng rồi quy kết là Phật Giáo không tốt rồi quay sang chê bai Đạo Phật, bỏ theo tôn giáo khác là cách hành xử thiếu trí tuệ, rồi sẽ mất cơ hội tu tập (tự mình thiệt mình).
● Cũng có thể đó là biệt nghiệp rơi rớt của riêng thầy ấy, xử lý theo Luật theo Pháp là việc của cộng đồng Tăng đoàn, nằm ngoài trách nhiệm của cư sĩ Phật tử, nên các Đạo hữu chỉ nên chú tâm tu học đừng quá bận tâm.Vả lại nhân quả ai gây ra người ấy gánh chịu, không phải Phật tử chịu thay, nên hiểu rõ điều này.
Theo thầy, mẹ con cứ nên đi chùa tu học tụng kinh bình thường, vẫn cung kính thầy mình như chưa từng xảy ra việc gì. Một Phật tử khôn khéo là biết học tập những gì nên học tập, không làm theo những điều chưa tốt chưa hay. Cứ theo Phật theo Pháp hành trì, vững chải mà tiến lên.
Riêng phần của con, thầy khuyên con không việc gì phải thối thất tín tâm với Tam Bảo, việc mẹ con bị chao đảo tâm lý cũng là chuyện bình thường, nếu tín tâm Phật Pháp đủ mạnh, thầy tin tưởng bà sẽ vượt qua nhanh thôi và sẽ tinh tấn tu học như xưa. Con đừng lấy chuyện riêng của một vị thầy nào đó mà ảnh hưởng sự quy hướng về Phật Pháp của mình( bởi chuyện chẳng đáng chút nào cả_chẳng khác nào tự mình thiệt mình, uổng lắm!).
Thầy cầu nguyện Chư Phật gia hộ mẹ của con sớm nhận rõ đường lành, bản thân con sẽ sớm là Phật tử ngày ngày tinh tấn tu tập theo lời Phật dạy.
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Ghi chú của ban biên tập: Thầy Thiên Hạnh hiện là giảng viên lớp đào tạo giảng sư (cao trung cấp giảng sư) tại TP. HCM)
Nguồn: http://thuvienhoasen.org/a23769/khi-than-tuong-sup-do