;
Phật Thích Ca khi tại thế, Ngài vì muốn hóa độ chúng sanh nên đã nhiều lần thị hiện
phải trả nghiệp: đau lưng; nhức đầu; đá trên vực cao rơi xuống làm rách bàn chân; mũi giáo đâm xuyên bàn chân; 3 tháng ăn lúa ngựa; bị vu oan gian ríu với thiếu nữ Bà la môn rồi giết chết; bị vu oan làm thiếu nữ Bà la môn có bầu...Điều này khiến nhiều chúng đệ tử hoài nghi: một bậc chánh đẳng giác, tại sao vẫ phải bị nghiệp lực chi phối? Đây là điều hết sức vi tế, nếu không chân chánh tu chúng ta khó nhận biết được.
Phật - một bậc chánh đẳng chánh giác luôn có 3 thân:
- Pháp thân: thường trụ, bất biến.
- Ứng hóa thân: vì đại hạnh, đại nguyện lực độ sanh, thị hiện các quốc độ có chúng sanh khổ nạn để cứu độ.
- Báo thân: tích tụ, vun bồi công đức hạnh từ vô lượng A tăng kỳ kiếp.
Như vậy, việc Phật Thích Ca phải gánh chịu những khổ nạn khi thị hiện ta bà (ứng hóa thân) không phải vì nghiệp báo còn dư xót, trái lại Phật muốn hàng Tứ chúng nhận ra rằng: Chúng sanh là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, nghiệp khiến chúng sanh trở nên hạ liệt hay cao sang. (Kinh Tiểu nghiệp phân biệt - Trung bộ)
Tại sao "chúng sanh là thừa tự của nghiệp"?
Điều này hãy nhìn nhận ngay biểu pháp trả nghiệp của Phật khi Ngài tại thế chúng ta sẽ thấy: nghiệp gây tạo của chúng sanh từ vô lượng kiếp cho tới nay là không thể nghĩ bàn. Hễ có nhân ắt có quả. Quả muốn chín, ắt phải chờ nhân duyên. Khi nhân - duyên thành tựu, tức hội đủ, ắt quả lập tức chín = tức thành tựu quả = chúng sanh sẽ phải trả nghiệp.
Tại sao Phật gọi "nghiệp là quyến thuộc"?
Tùy theo nghiệp lành, nghiệp dữ của chúng sanh đã gây tạo cho nhau từ vô lượng kiếp tới nay mà có sự cộng nghiệp, trở thành ông, bà, cha, mẹ, con cháu, anh chị em, họ mạc, hàng xóm, phố phường, quận huyện, thị xã, thành phố, quốc gia... trong đó là những chúng sanh có cộng nghiệp lành, dữ mà phần lớn là nghiệp dữ, tức bất thiện nghiệp đoàn tụ, chung sống với nhau. Vì vậy Kinh Nhân Quả Phật dạy:
Muốn biết nhân đời trước,
Xem quả báo đời nay,
Muốn rõ quả đời sau,
Phải xét nhân hiện tại.
Nhìn những thảm nạn xảy ra trên khắp các tỉnh thành những ngày qua, chúng ta phải nhận rõ: nghiệp - quả của chúng sanh đã thành tựu và đến hồi phải trả quả. Khổ nạn ập đến với bất cứ chúng sanh nào đều rất đau thương, tang tóc. Đối diện những thảm cảnh tang tóc đó hễ là người, cho dù chai sạn, tâm đều nhói đau, thương cảm.
Phật Thích Ca thị hiện đản sanh cõi ta bà cũng là, làm một chúng sanh, nhưng nhờ vun bồi công đức hạnh, điển hình là Lục độ ba la mật nên ngài có một báo thân vô cùng thù thắng: 32 vẻ đẹp và 80 tướng tốt. Mặc dù vậy nhưng Ngài vẫn làm biểu pháp phải trả quả. Điều này nhắc nhở chúng ta điều gì? Nghiệp báo gây tạo, không thể trốn tránh.
Một biểu pháp khi đức Thế Tôn bị ngọn giáo trồi lên từ đất, trước nơi Ngài đang đăng tòa thuyết pháp, Ngài Mục Kiền thấy vậy bèn bạch Phật, muốn nhổ ngọn giáo đó đi, Phật đáp sức ông không đủ để làm điều đó. Kế đó Phật dụng thần thông, bay lên các cõi trời, bay tới đâu ngọn giáo đều đuổi theo tới đó, kế đó Phật bèn trở về ngồi lại chỗ cũ, ngọn giáo cũng đuổi theo rồi đâm vào bàn chân của Phật.
Biểu pháp này nói lên điều gì? Tại sao Phật nói Ngài Mục Kiền Liên không đủ sức để rút ngọn giáo, mặc dù
Ngài đã là bậc A La Hán? Vì đó là nghiệp lực tích tụ từ vô lượng kiếp; biểu pháp Phật bay đến đâu, ngọn giáo đuổi theo tới đó ngụ ý Phật dạy rằng:
Dù trải qua vô lượng ức kiếp, nghiệp gây tạo vẫn còn nguyên, khi nhân duyên hội đủ, nghiệp báo nhất định phải trả.
Nhận rõ nhân - quả mới có thể hoan hỉ trả quả, tức trả nghiệp và thay nhân, đổi quả để chuyển hóa nghiệp.
Đó là con đường duy nhất để chúng sanh thay đổi nghiệp nhân và không phải trả quả thảm khốc trong tương lai.
Nguyện cầu thập phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên long, Bát bộ hộ pháp thùy từ cứu độ.
Nguyện cho người dân ba miền Bắc - Trung - Nam đều biết hồi đầu, đoạn ác, tu thiện, trai giới thanh tịnh để tự cứu chính mình.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Cư sĩ Thiện Nhân