;
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển
Cái tên Nguyễn Phương Hằng đang nổi lên thành một hiện tượng trên mạng xã hội với những màn livestream, phát trực tuyến lập kỷ lục tới cả triệu người xem cùng lúc trên nhiều nền tảng với những màn đấu tố, vạch trần thói hư tật xấu của một số nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu. Bà Phương Hằng được một bộ phận khán giả tôn vinh như đại diện của công lý, người hùng chống tiêu cực trên mặt trận văn hóa giải trí.
Vậy nhưng sự thật có hoàn toàn đúng như vậy? Việc lợi dụng phát trực tuyến trên mạng xã hội công khai đả kích, xúc phạm, thách thức một số cá nhân khác có phải là hành động hợp pháp? Cần chế tài ra sao trước tình trạng dùng mạng xã hội phát tán các nội dung lệch chuẩn gây mất trật tự xã hội?
Để có thêm góc nhìn về câu chuyện đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM.
PV: Thưa ông, sau buổi phát trực tuyến vào tối 25/5 vừa qua tạo nên “cú nổ” truyền thông lập kỷ lục 1,3 triệu người xem cùng lúc trên các nền tảng mạng xã hội khi tố dàn sao showbiz Việt, bà Nguyễn Phương Hằng đã cam kết với Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM là sẽ không livestream để xúc phạm người khác nữa.
Thực tế, ngày 29/5, buổi livestream được hẹn trước của bà Hằng đã bị hủy, nhưng sau đó bà này liên tiếp xuất hiện trên mạng xã hội để "bóc phốt" nghệ sĩ một cách bóng gió, nhẹ nhàng hơn. Mới nhất, tối 10/6, bà Hằng đã tổ chức buổi livestream với chủ đề “Đại hội vạch mặt” kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, chính thức đánh dấu phần tiếp theo của màn khẩu chiến giữa bà chủ của Công ty cổ phần Đại Nam với một bộ phận nghệ sĩ. Anh có bất ngờ trước sự trở lại của bà Nguyễn Phương Hằng hay không?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Tôi hơi bất ngờ trước sự quay trở lại của bà Nguyễn Phương Hằng trong việc khẩu chiến, chủ yếu là từ phía bà Hằng, đối với các nghệ sĩ.
Tôi nghĩ rằng, câu chuyện như vậy đã làm bận lòng rất nhiều người trong nhiều tháng qua, đã đến lúc nên dừng lại. Ít nhất về mặt hành xử, nếu thêm nữa thành quá lố.
Tôi nghĩ là bà ấy đã dừng lại và cũng từng nghe bà Hằng nói cuộc chiến đến đây là chấm dứt. Nên, khi bà Hằng quay trở lại với màn khẩu chiến này, thú thực tôi hơi bất ngờ.
PV: Đã từng hứa là sẽ không livestream xúc phạm người khác thế nhưng bà Hằng vẫn trở lại vào đêm 10/6 và có phần mạnh mẽ hơn với những ngôn từ kiểu như “con quỷ đội lột người”, “con rắn độc”, “sát thủ không hề tầm thường”…, phải chăng bà Phương Hằng đã “tiền hậu bất nhất”, thiếu tôn trọng cơ quan chức năng?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Ở đây không chỉ là thiếu tôn trọng cơ quan chức năng mà tôi còn thấy bà Hằng thiếu tôn trọng dư luận xã hội trong chuyện này.
Thứ nhất, khi bà Hằng hứa với Sở Thông tin-Truyền thông TPHCM, sau đó lại chuyển địa điểm livestream về Bình Dương, tức là nơi mà việc quản lý Nhà nước về thông tin-truyền thông thuộc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Bình Dương. Như vậy có thể thấy bà ấy muốn lách qua lời hứa của chính mình.
Thứ hai, những ngôn từ bà Hằng sử dụng như đã nói ở trên, dù có căn cứ tới đâu nếu những đối tượng bị bà này phê phán là sai thì đối tượng đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ bà Hằng không thể nhân danh cái gì để mà lên án, ví von người này, người kia với những ngôn từ mang tính miệt thị, nhục mạ như vậy.
Bà Nguyễn Phương Hằng.
PV: Có thể nói, lý do chủ quan khiến bà Phương Hằng livestream trở lại đó là để "đáp lại" sự kỳ vọng của nhiều fan hâm mộ đang rất thần tượng. Vậy nhưng “nhân danh” cuộc chiến thanh lọc showbiz Việt và lợi dụng phát trực tuyến trên mạng xã hội để công khai đả kích, xúc phạm hay là thách thức những cá nhân khác, trong nhiều trường hợp còn chưa đủ bằng chứng rõ ràng, theo ông, có phải là hành động hợp pháp hay không?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Ở đây có 2 đối tượng bị bà Hằng xâm hại. Thứ nhất là những nhân vật được trực tiếp nêu tên kèm theo sự miệt thị. Thứ hai là những cơ quan, tổ chức nếu có, mà những người này tham gia làm việc hoặc là thành viên.
Bà Hằng vẫn nói rằng bà có chứng cứ, nhưng ở đây, khái niệm chứng cứ bà Hằng hiểu có vẻ ngây thơ hay cố tình ngây thơ quá. Chứng cứ phải là sự thật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu thập theo trình tự luật định. Ở đây, những điều mà bà Hằng coi là chứng cứ, thực ra có những thứ là sự suy diễn cá nhân của bà này, khi chưa có bằng chứng rõ ràng, không có chứng cứ pháp lý, có thể bị coi là vu khống. Người có hành vi vu khống sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định.
Giả sử những đối tượng bị bà Hằng vu khống không tố cáo và khởi kiện thì cơ quan chức năng, cụ thể là công an và sở Thông tin-Truyền thông 2 địa phương là TP.HCM và Bình Dương vẫn có thể đề nghị xử lý hình sự bà Hằng theo Điều 331 BLHS về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức”.
Trong suốt một chuỗi livestream như vậy, có những lúc bà Hằng không kiểm soát được ngôn từ, với sự cao hứng được đẩy lên từ công chúng mạng xã hội, bà Hằng rất có thể đã hoặc sẽ phạm những sai lầm như miệt thị người khác mà không có căn cứ vững chắc.
PV: Có ý kiến nhận xét, nhiều báo điện tử đã bám vào hiện tượng Nguyễn Phương Hằng, vô tình tôn vinh những hành vi không hợp pháp. Xin hỏi quan điểm của ông?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Cá nhân tôi cũng coi việc bà Phương Hằng livestream với lượng công chúng “khủng” như vậy, ở góc độ của người nghiên cứu về truyền thông, tôi cho đây là hiện tượng đáng nghiên cứu khi một nhân vật tay ngang thu hút được một lượng công chúng lớn. Nó cũng có một số chỉ dấu cho chúng ta thấy một sự dịch chuyển công chúng hoặc dịch chuyển phương thức tiếp cận công chúng của giới truyền thông.
Tuy nhiên, một số báo điện tử coi đây là đề tài và bám theo nó, đẩy lên, khiến cho bà Hằng bị nhầm lẫn, dẫn tới những lần livestream của bà này liên tục tăng cấp, với số người được nhắc tên nhiều hơn, kết tội mạnh mẽ hơn, và có vẻ như bà này đã trượt xa với ranh giới giữa việc thuật lại một sự thật với việc xúc phạm ai đó.
PV: Vậy theo ông, công chúng và cơ quan chức năng nên có thái độ và ứng xử thế nào trước sự việc đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận này?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Tôi nghĩ mọi việc đã bắt đầu từ việc Sở Thông tin – Truyền thông Bình Dương cấp giấy phép họp báo cho bà Phương Hằng với sự xuất hiện của 100 Youtuber và 100 nhà báo. Khi đó bà ấy cảm thấy bà có quyền đưa những câu chuyện ấy ra công chúng và tự nghĩ rằng mình là một người của công chúng, có quyền hành xử như vậy.
Trong khi, lẽ ra nếu bà livestream trong lần họp báo đầu tiên, tố cáo Võ Hoàng Yên, lẽ ra phải hướng dẫn bà ấy là nội dung tố cáo phải làm đơn và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải đưa ra công luận những nội dung chưa được kết luận. Tôi rất khó hiểu với giấy phép họp báo mà Sở Thông tin-Truyền thông Bình Dương đã cấp lần đầu cho bà Hằng.
Thứ hai, việc quản lý về truyền thông cũng phải thay đổi khi với những nền tảng mạng xã hội có nguồn gốc từ nước ngoài, người ta không cần phải xin phép ai cả, vẫn có thể truyền tải tin tức và tương tác trực tiếp với một lượng công chúng rất lớn như vậy, phải có cách nào đó để kiểm soát, quản lý việc đưa thông tin đến công chúng để không xâm hại các lợi ích của cá nhân, tổ chức hoặc xã hội.
Thứ ba, tôi nghĩ, các cơ quan chức năng của Bình Dương và TP.HCM cần theo dõi và nghe lại những buổi livestream này, nếu có dấu hiệu xâm phạm lợi ích cá nhân, tổ chức hoặc xã hội mà được luật hành chính hay luật hình sự tuyên bố bảo vệ thì phải xử lý chứ không thể để bà Hằng tiếp tục cho mình quyền được xúc phạm bất kỳ ai trên mạng xã hội.
PV: Về lâu dài, chúng ta cần chế tài ra sao trước tình trạng dùng mạng xã hội Facebook, Youtube tuyên truyền, phát tán các nội dung lệch chuẩn, gây mất trật tự xã hội?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Ở đây có các chủ thể khác nhau nên cần có các phản ứng khác nhau. Thứ nhất, cá nhân hoặc tổ chức nào cảm thấy mình bị xâm hại thì phải tố cáo hoặc khởi kiện tại tòa án, khi bạn không dùng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình thì bạn đã tự để cho người xâm hại bạn mặc nhiên tung hoành.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước phải thấy rằng những hành vi vượt ra ranh giới đã xâm hại, đã rơi vào những quy phạm bị cấm thì phải xử lý.
Thứ ba, về mặt lập pháp, việc quản lý thông tin truyền thông hiện nay không còn như thời cũ khi người ta đã có thể tiếp cận công chúng rộng rãi, tức thì, khó kiểm soát thì pháp luật cũng phải đi theo để điều chỉnh cho phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Hải Quân/VOV1