;
Nếu đem ra so sánh, câu chuyện ấy cũng dài như bất kỳ sử thi nào trên lãnh thổ hình chữ S này. Thậm chí, nó còn được ghi chép một cách cặn kẽ trong gia phả của dòng họ Cao, được lưu truyền cho đến ngày nay. Đặc biệt, trong gia phả ấy có đóng ấn dấu sắc phong của vua chúa thời xưa. Điều này như một minh chứng về giá trị của nó. Đó cũng là điều khiến tôi tìm lại tích xưa.
Quả trứng nở ra con rắn…
Theo "Truyện cổ Mường Voong" của nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, do hai tác giả Cao Sơn Hải - Cao Chí Sơn sưu tầm và biên soạn, có chép lại tích xưa như sau:
"Xưa ở làng Chiềng Mường Voong có một người tên là Cao Thuật. Ban ngày ông thường đi làm công việc đồng áng, nương rẫy. Đêm đến ông lại đi kéo vó ở các khe suối xung quanh vùng. Một hôm trời tối đen như mực, ông đưa vó xuống kéo cá ở một vũng nước sâu. Đêm đã khuya mà chưa được một con cá nào. Ông định ra về thì vớt được một quả trứng to bằng trứng vịt. Ông liền vứt quả trứng xuống rồi đi chỗ khác. Lần thứ hai kéo vó lên quả trứng nằm gọn trong vó, ông lại bỏ đi. Đến lần thứ ba kéo vó lên lại được quả trứng, ông không đành bỏ nữa liền cho vào giỏ mang về. Từ đó trở đi các mẻ vó kéo lên đều được cá. Ông trở về nhà đặt quả trứng vào cho gà ấp. Bỗng một hôm ông nghe gà cục tác, nhìn vào ổ gà thì thấy một con rắn nhỏ nhưng có mào khác lạ. Ông nuôi con rắn và bắt tôm cá về cho nó ăn. Lớn lên nó cuốn trên cán cuốc, trên cái bắp cày, ông vác nó ra đồng đi kiếm ăn. Không lâu sau, nó không còn cuốn vào cái cán cuốc nữa, mà ông Thuật đi trước, nó trườn theo sau.
...
Một hôm ông đưa nó ra ngoài ruộng đi xén bờ. Đang lúc bất ngờ ông dùng xẻng đâm ngay vào đầu nó, không ngờ trượt làm đứt đuôi. Ngay sau khi bị đứt đuôi con rắn đã quay lại định cắn ông, ông vội nói:
Bố mỗi năm một già, mắt kém nên nhầm đấy thôi, cho bố xin lỗi. "Cái đuôi của nó được chôn cất cẩn thận (cách đây không lâu, ở làng Chiềng người ta còn nói rằng, cái gò đất ở ruộng là phần mộ chôn đuôi con rắn). Từ đó người ta gọi rắn là "ông Cụt"".
Một hôm ông Thuật nói với nó: Giờ con đã lớn, ở đây suối khe không lớn, bố đưa con ra sông Mã để con chọn nơi đậu lại.
Con rắn gật đầu. Thế là hôm sau ông Thuật đi trước, nó trườn theo sau. Đến khu vực Gầm trên sông Mã thả nó xuống, ông đợi trên bờ. Nó lặn xuống đáy vực. Khi lên trông thấy ông Thuật nó lắc đầu, ý là dưới đó đã có chủ, không ở được. Con rắn lại theo ông về nhà. Hôm khác, ông lại đưa nó ra vực Mổ trên sông Mã, nó lại trườn xuống vực. Khi lên bờ, cũng như lần trước nó lại lắc đầu. Ông đưa nó về nhà. Có người mách rằng, thử đưa nó ra vực Cả xem sao. Ông lại đưa con rắn đi. Đến nơi con rắn lại trườn xuống vực. Ông thấy nước tung tóe lên, nổi bọt đục ngầu. Đến lúc nó ngoi đầu lên nhìn thấy ông, nó liền gật đầu. Thế là ông chào từ biệt rắn ra về.
Mấy ngày sau ở làng Chiềng tự nhiên tối sầm, giữa làng đùn lên hai vó nước. Nước chảy ngày càng mạnh, cá tôm tuôn theo dòng nước. Người ta phải dỡ bảy ngôi nhà sàn lớn để ngăn bớt nước. Hai vó nước này đủ cho cả làng dùng quanh năm, lại còn đủ nước tưới cho cánh đồng, không bao giờ cạn. Mùa đông nước bốc hơi ấm, mùa hè mát rượi. Cạnh giếng người ta làm đền thờ con rắn".
Ông Cao Viết Hội, trưởng họ, người đang cất giữ gia phả, có ghi lại tích xưa cho rằng, câu chuyện ghi trong "Truyện cổ Mường Voong" còn thiếu. Thậm chí nhiều đoạn sơ sài. Ví như, nói đến đoạn rắn đem nước về làng. Trong gia phả, có ghi bằng văn tự tiếng Hán, và được dịch ra bằng lối truyện thơ như sau: Do hạn hán kéo dài, bà con làng Chiềng không có nước mà sinh hoạt. Biết chuyện, vì tưởng nhớ đến tình xưa ông Thuật đã nuôi mình, rắn đào một con đường hầm thông từ sông Ngang (sông Bưởi) để dẫn nước về làng. Lần đầu tiên rắn đào một đường hầm dẫn nước, lúc ngóc đầu lên thì lại là làng Ăn. Lần thứ hai rắn ngóc đầu lên lại là làng Chang. Lần thứ ba là khu vực vùng Biêu, ngoài cánh đồng của làng Đầm. Cả ba nơi ấy ngày nay có những cái hố, được người dân dựng bia đá lên trông giống như giếng. Mọi người cho rằng, đấy là dấu vết con rắn đào nhầm chỗ để lại.
Ông kể tiếp, sau ba lần bị nhầm, rắn liền trèo lên núi Ái Nàng, để ngắm về làng ướm chừng. Thế là lần này rắn đào chính xác, nên mới có hai cái giếng như ngày nay.
Sau khi ông Thuật chết, người ta bỗng thấy trời tối lại. Mây kéo đến. Mưa giông ầm ầm. Cá từ miệng giếng cứ nhảy lên tanh tách, bà con tha hồ mà bắt. Hôm đó người ta thấy rắn nằm trên kèo nhà, nước mắt chảy ròng ròng, đựng đầy hai xô. Bà con cho rằng rắn về thăm bố (ông Thuật). Sau khi rắn bỏ đi, thì bầu trời bỗng sáng trở lại.
Có lý giải được sự thần bí ?
Toàn bộ câu chuyện giếng thần trong gia phả vẫn được ông Cao Viết Hội cất giữ lại như một minh chứng rằng, dù thật hay không thì nó đã có từ thời xa xưa. Điều đặc biệt, trong gia phả có đóng con dấu sắc phong của các đời vua: Duy Tân, Khải Định.
Đó là một tấm gia phả màu vàng. Trên gia phả có đóng dấu đỏ và các con chữ màu đen, bằng văn tự tiếng Hán. Sau khi dịch ra, đem so sánh với các câu chuyện mà bà con truyền miệng thì hoàn toàn trùng hợp. Tất cả các di tích ngày nay còn lại gần như có sự xâu chuỗi trong truyện một cách chặt chẽ.
Không thể lý giải được những câu chuyện huyền bí ấy là có thật hay không. Lời giải đó chỉ có thể là các nhà địa chất, nhà khoa học. Khi quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy đôi giếng này không có đặc điểm gì khác so với tất cả các giếng khác. Chỉ có điều là độ sâu của nó chỉ khoảng 2,5m nhưng hút không bao giờ cạn. Trong khi, hàng trăm cái giếng xung quanh có độ sâu cả 10m thế mà hàng năm vẫn cạn sạch nước. Để lý giải, chắc rằng đôi giếng này nằm vào đúng mạch nước ngầm nào đó trong cấu tạo địa chất tự nhiên.
Cứ đặt giả thiết là thế. Vậy thì sao hàng năm cứ vào 25 tháng giêng, từ đáy giếng lại lộn lên bùn cát, làm cho nước đục ngầu. Vậy chẳng là có hiện tượng trùng lặp đến liên tục vậy sao? Phải chăng, không thể giải thích được hiện tượng lạ đó mà hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn năm trước bà con nơi đây đã nghĩ ra một câu chuyện thay cho lời giải. Tất cả những nghi vấn đó, cần có một lời giải thích thỏa đáng. Vậy ai là người giải thích?
Bảo Lâm - Xuân Hoàng ( PL&XH)