;
Ảnh hưởng của nền văn hóa phương đông cũng như nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, báo hiếu ông bà tổ tiên, tưởng niệm kính lễ với cội nguồn là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người con cháu sau một năm vất vả mưu sinh, để bày tỏ hướng lòng về những thành quả và công trạng của các bậc tiền bối đã dày công vun đắp xây dựng, được xã hội đương thời công nhận và tôn vinh, âu cũng là bài học để các thế hệ hậu sinh con cháu noi theo, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, đời sống tinh thần sung túc và giáo dục con người sống có cộng đồng trách nhiệm đóng góp thêm lợi ích cho toàn xã hội.
Lễ rước sắc của dòng họ Lê văn năm 2011
Ấp Cồn - xã Đại Tiết (nay thuộc khu vực P. Thạch Linh – P.Trần phú – một phần của P. Nguyễn Du - tỉnh Hà Tĩnh) ngày xưa vốn vùng đất trù phú mênh mông, diện tích ruộng lúa lúc bấy giờ có hơn 80% là do ông Lê Văn Triện (Bá Hộ) của họ Lê Văn cai quản thuộc phủ Thạch Hà (Huyện Thạch Hà ngày nay) tỉnh Hà Tĩnh.
Tại đây có ngôi đền và nhà thờ của dòng họ Lê Văn thờ bà tổ cô linh thiêng cứu nước giúp dân cả vùng Đại Tiết ngày ấy ai ai cũng biết, và họ đều nương nhờ sự giúp đỡ cứu thế khi ốm đau bệnh tật, bảo hộ cho mùa màng được bội thu mưa thuận gió hòa... mang nặng âm hưởng niềm tin từ ngôi Đền linh thiêng này.
Theo những dòng chữ còn ghi lại trên hai đạo sắc hiện nay, được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Kim Đỉnh dịch ra. Vào năm 1917 Khải Định năm thứ II tháng 3 ngày 18 bà tổ cô của dòng họ Lê Văn được nhà vua phong hai đạo sắc:
Lời của vua Khải Định ghi lại trên những đạo Sắc : Hộ nước giúp dân đã từng linh ứng, nay ta vâng nối mệnh sáng nghĩ đến công lao của Thần nên phong làm:
“Vân Đình Thánh Mẫu Trinh Uyển Lê Quý Nương Linh Ứng Chi Thần”
Đạo sắc thứ hai: Gia tặng (tặng thêm):
“Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Tôn Thần”
Chuẩn cho thờ phụng để Thần giúp đỡ bảo hộ nhân dân của ta….
Ghi nhận những công đức lớn lao của vị Thánh mẫu linh thiêng. Gần một thập niên trở lại đây con cháu họ Lê cứ vào chiều ngày mùng 7 tháng giêng hằng năm đều tập hợp tại nhà thủ sắc để cung rước hai đạo sắc đó về Đền để làm lễ yết trước lúc diễn ra tế lễ một ngày .
Đạo sắc 1
Đạo sắc 2
khám sắc
Theo phổ ký của dòng họ có từ thời Tự Đức do ông Lê Văn Nhượng Tri huyện - Huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh ghi lại họ Lê Văn có nguồn gốc từ tỉnh Thanh Hóa vị tiên tổ đã lưu lạc vào vùng đất này cách nay gần 200 năm với bao thăng trầm, dòng họ Lê vẫn tồn tại và được phát huy mạnh mẽ, đơn cử là một trong những dòng họ có nguồn quỹ Hội khuyến học lớn, có con cháu đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu, rất nhiều tiến sĩ, thủ khoa là họ Lê văn .Và dòng họ cũng đã được các cấp chính quyền sở tại tuyên dương, khen thưởng.
Lễ rước sắc năm nay được tiến hành vào lúc 15h00 ngày mùng 7/1/Nhâm Thìn với sự góp mặt hơn 100 nam nữ thanh niên con cháu nội ngoại tề tựu.
Lễ tế tiên tổ và Thánh mẫu được cử hành trang nghiêm vào lúc 9h sáng ngày 8/1/Nhâm Thìn sau hơn một giờ đồng hồ theo nghi thức cổ truyền hàng năm.
Lần này có một điều đặc biệt phần tế lễ Thánh mẫu vừa hoàn tất. Hiện tượng lạ xảy ra, một người con gái trong dòng họ đột nhiên nằm ngay ra chính điện mọi người đang lo lắng chưa hiểu chuyện gì? thì cô này ngồi dậy ngay ngắn trước bàn thờ, gần 15 phút trôi qua trong sự hồi hộp của hàng trăm con cháu.
Cuối cùng thì vị này bắt đầu khai khẩu và nói chuyện, người này xưng danh là tổ cô (tức Thánh mẫu theo sắc phong) và cô ta bắt đầu từ những lời giáo huấn về cuộc sống.
Yêu cầu con cháu đoàn kết yêu thương, tôn kính cha mẹ, sống vị tha, trách nhiệm chia sẽ... và mỗi người trong cuộc sống cần lấy chữ TÂM làm đầu, luôn thành kính hướng về tiên tổ cội nguồn, chỉnh sửa củng cố lại một số thiếu sót trong nghi lễ, mã mồ..vv có lẻ điều này quá bất ngờ với hàng trăm con cháu đang tham dự buổi lễ.
Khi chứng kiến những lời nói, hành động, hiện tượng trên chúng tôi cũng cảm thấy hơi bất ngờ dù cũng đã nhiều lần nhìn thấy chuyện vong linh nhập vào người bình thường. Nhưng việc một vị Thần tổ là Thánh mẫu trong dòng họ về giáo hóa con cháu thì một việc hơi lạ lùng, dù thực hư thế nào thì cũng cần có thời gian để kiểm chứng, nhưng điều vui nhất có lẻ là đã làm thức tỉnh những người con, người cháu như ông già bà lảo, thúc hàng, nam thanh nữ tú trong nội tộc thì thầm hối lỗi....và họ đang suy nghĩ về cách nghĩ cách làm cùng nhiều điều còn thiếu sót, sai phạm trong cuộc sống hằng ngày.
Tiến sắc lên chánh điện
Chuẩn bị lễ tế
Theo như lời kể của ông Lê Văn Ph. thì đây là lần thứ hai dòng họ Lê Văn có người âm về dạy bảo, lần trước vào trung tuần tháng 11/2011 một sự kiện hy hữu trên cũng đã xảy ra với gia đình ông Tộc trưởng Lê Văn T. do còn thiếu sót trong việc giáo dục con cái, và thiếu trách nhiệm của mình trước dòng họ Đồng tử là người ở xa không hề quen biết nhưng tự tìm đến nhà, và người này tự xưng là một bà tổ cô hàng dưới của vị Thánh mẫu này, hôm nay vị tộc trưởng này phải sửa sai và xin lỗi cả dòng họ.
Đời sống tâm linh thật huyền bí, linh thiêng nhưng luôn đi liền với cuộc sống đời thường của con người, những hành động, lời nói tưởng như vô thưởng vô phạt không ai nghe, không ai biết thế nhưng đến lúc những hiện tượng này xảy ra thì mọi người mới vỡ lẽ.
Hiện nay được biết đại diện dòng họ đang làm hồ sơ thủ tục gửi các cấp chính quyền để công nhận là di tích Văn hóa cho ngôi đền này.
Ngôi đền họ Lê Văn
Đây là một việc làm cần thiết và ý nghĩa, đối với dòng họ cũng như người dân quanh vùng, thêm một địa chỉ văn hóa cũng có nghĩa là thêm vào đời sống tinh thần nhân văn của mọi người được phát huy tích cực, đẩy lùi các tệ nạn.
Việc giáo dục các thế hệ con cháu trong dòng họ, và người dân nơi đây cũng như khách tín ngưỡng thập phương không chỉ qua sự việc trên mà còn nhiều phương pháp thực tiễn khác.
Tuy nhiên học tập phát huy những việc làm hành động tích cực, duy trì phát triển nét văn hóa tâm linh, noi gương các bậc tiền bối áp dụng trong cuộc sống hàng ngày cũng là gián tiếp giáo dục cho cả một thế hệ mai sau, khi hàng ngày hàng giờ trong xã hội chúng ta cứ xảy ra những tin chém, giết, cướp, chửi cha mắng mẹ…và còn nhiều sự việc trái với luân thường đạo lý, vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến nhân cách, làm đạo đức xã hội ngày càng băng hoại và xuống cấp.
Cầu chúc cho dòng họ Lê Văn luôn thịnh vượng, an vui phát huy được những giá trị tinh thần tốt đẹp của cha ông, cầu chúc cho ngôi đền linh thiêng này luôn hộ trì cho con cháu dòng tộc cho mọi người cho những ai biết quan tâm và trân trọng những việc tâm linh trong đời sống hiện đại.
Trần Đức Thiện