;
Câu chuyện có thật này xảy ra đối với cụ bà Trần Thị Sương, ấp Trường Lưu, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành (Tây Ninh) cách đây 40 năm. Thỉnh thoảng vẫn có một số nhà khoa học đến tìm hiểu câu chuyện “kỳ lạ" này nhưng vẫn chưa ai lý giải về căn nguyên của sự việc này.
Nếu như chuyện cụ bà Nguyễn Thị Dí "sống dậy khi pháp y đang... khám nghiệm tử thi" hay chuyện lạ về “Người đàn ông chết đi sống lại, phán chính xác ngày chết sau đó” là sự việc kỳ lạ về những trường hợp chết đi sống lại đầy kỳ bí, thì câu chuyện của cụ Sương còn khiến nhiều người ngạc nhiên gấp bội phần.
Cụ Sương, năm nay 90 tuổi nhưng vẫn nhớ như in "chuyện lạ" xảy ra với mình cách cách đây 40 năm.
Cụ Sương kể, hôm đó, khi đi làm đồng về, thấy người hơi mệt, cụ lên phòng riêng nằm nghỉ. Đến khoảng 7h tối, cụ thấy trong người rất khó chịu. Cụ cố gắng gọi người nhà, nhưng không ai nghe thấy.
“Lúc đó, tôi cảm tưởng máu trong người đặc lại, tim đập loạn nhịp, hơi thở nặng nhọc, lưỡi cứng lại không thể cử động. Tôi còn ngửi thấy mùi hôi thối khó chịu mà cả đời chưa bao giờ trải qua cảm giác đó”, cụ Sương kể.
Cụ Trần Thị Sương kể lại toàn bộ sự việc rất chi tiết |
Đến giờ cơm, con cụ vào gọi thì thấy cụ nằm bất động, toàn thân lạnh toát, mềm oặt. Tưởng cụ bị cảm lạnh, các con tiến hành xông rượu nhưng xông mãi, thân cụ vẫn cứng đờ. Lúc này, mọi người trong nhà đều cho rằng cụ Sương đã chết. Các con cụ gào khóc, căn nhà tràn ngập không khí tang tóc. 11 tiếng sau đó, gia đình, người dân tụ tập, làm lễ nhập quan cho cụ.
Thế nhưng, rạng sáng hôm sau, khi mọi người chuẩn bị đưa cụ vào quan tài, người nhà bỗng thấy mắt cụ he hé mở, tiếng thở nhẹ nhàng được phát ra... Cụ Sương ngồi bật dậy, mặt đầm đìa mồ hôi, ngơ ngác nhìn con cháu. Thấy dân làng hoảng sợ, định bỏ chạy, cụ giơ tay trấn an: “Tao có chết đâu mà tụi bay bỏ chạy” rồi điềm tĩnh bước ra khỏi quan tài, cười xuề xòa trước sự ngạc nhiên đến lạnh người của con cháu, dân làng.
Theo lời cụ Sương thì những giây phút sống lại đã thay đổi hoàn toàn tâm tính của mình |
Chuyện cụ Sương "hồi sinh" li kỳ khiến những người có mặt, cũng như người dân làng Trương Hòa không thể tin vào mắt mình. Bởi từ thuở cha sinh mẹ đẻ, người ta chưa từng chứng kiến người "chết đi sống lại".
“Con cái và người thân rất hạnh phúc khi thấy cụ Sương từ cõi chết trở về. Lúc đầu ai cũng hoài nghi, mãi đến sau này mới dám tin”.
Mọi ngạc nhiên vẫn chưa dừng lại ở đây, bởi sau khi sống lại, tâm tính của cụ Sương thay đổi hoàn toàn. Không ai còn nhận ra người đàn bà bần nông thuở nào lại có nhiều biểu hiện, sở thích khác lạ. Bản thân cụ cũng thừa nhận "mình không còn là mình nữa".
Cụ bảo, điều lạ nhất là căn bệnh viêm xoang phế quản đeo đẳng mình mấy chục năm qua bỗng nhiên biến mất, trí nhớ tốt hơn hẳn. Vì thế có những sự kiện xảy ra dù rất lâu, cụ đều kể vanh vách, không thiếu bất cứ chi tiết nào. Thêm một điều nữa, ngày trước cụ viết chữ xấu không đọc nổi, nhưng sau lần "chết hụt" đó, nét chữ viết cụ rất đẹp.
Sau này, cụ tham gia nhiều hơn các hoạt động từ thiện |
Và sau đó, việc làm của cụ còn “lạ” hơn gấp trăm phần. Đời sống cá nhân của cụ trước và sau khi chết đi sống lại có thể nói là hai trạng thái trái ngược nhau. Nếp sống thường nhật của cụ được thay đổi hoàn toàn.
Theo lời cụ, mình được "tái sinh" là nhờ gặp một vị Chơn Linh dặn dò: "Vận mệnh của bà chưa thể đoạn tuyệt được với cõi trần gian. Cần phải trở về để làm nhiều việc nghĩa hiệp, giúp người". Thực hư những lời dặn dò này có hay không chỉ mình cụ Sương biết. Nhưng thực tế từ lúc sống lại, tâm tính của cụ thay đổi nhiều hơn. Trước đây, công việc chính của cụ là bám ruộng, chồng mất nên một mình cặm cụi kiếm sống nuôi con. Sau lần "tỉnh giấc", những việc nhà, cụ không còn mấy quan tâm, kể cả đồng ruộng cụ cũng phó mặc cho con cháu.
Những thay đổi sau lần "chết đi sống lại" của cụ Sương tạo ra nhiều sự tò mò, hiếu kỳ. Một số đoàn khoa học của nước ngoài từng đến tìm hiểu nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng |
"Cụ ấy không còn là chính mình nữa. Dân làng, con cháu lúc đầu thấy làm lạ lắm. Cụ cởi mở, hay trò chuyện. Thậm chí, cứ gặp kẻ xấu nào, cụ đều mượn lời hay ý đẹp khuyên răn, hướng thiện cho họ"- một người hàng xóm cho biết.
Hằng ngày, cụ đem gần hết thì giờ riêng tư lo các hoạt động từ thiện. Dân làng chỉ thấy cụ suốt ngày tìm đến những mảnh đời bất hạnh, những trường hợp có hoàn cảnh éo le giúp đỡ. Thậm chí cụ còn vận động nhiều người cùng tham gia vào công việc thiện nguyện của mình.
Giờ, tuổi đã ngoài 90, nhưng cụ vẫn giữ nguyên ý niệm mình phải đảm nhận trọng trách cõi âm tào giao phó. Với suy nghĩ đó, có bao nhiêu tiền con cháu cho, cụ đều dành dụm, gom lại rồi tiếp tục tìm đến các mảnh đời bất hạnh. Tính ra đến nay, hơn 1000 gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã được cụ giúp đỡ, vượt qua khó khăn mặc dù cuộc sống của cụ hiện tại rất nghèo khó.
“Nếu không có số mệnh thì tôi đã thành người thiên cổ, cỏ phủ rêu xanh rồi. Giờ mình sống được thì phải hoàn thành được việc thiện”, cụ Sương nói.
Cụ bảo, ước nguyện lớn nhất lúc này là...được chết |
Nhiều người khi đọc cuốn hồi ký kể về giây phút thoát chết do chính cụ viết có cảm giác "bán tín bán nghi" vì những câu chuyện bà kể lại đậm chất tâm linh, huyễn hoặc, có phần mê tín.
"Nếu là người bình thường ai cũng cho rằng mình tự bịa chuyện, thêu dệt lên các chi tiết li kỳ, khơi dậy tính tò mò cho người khác, nhưng chỉ có bản thân mới hiểu rõ được hết nguồn cơn", cụ Sương chia sẻ.
Về cái chết, các chuyên
gia y học cho rằng, có hai hình thái cơ bản, gồm chết lâm sàng và
chết thực sự. Chết lâm sàng xảy ra khi bệnh nhân coi như đã lìa đời
với nhịp tim không đếm được, không có hiện tượng hô hấp, có nghĩa là
bệnh nhân không còn thở nữa. Nhưng hoạt động của não bộ vẫn còn,
tương đồng với việc điện não đồ vẫn còn ghi nhận những sóng đặc trưng
cho sự sống của con người.
Chết lâm sàng là tim ngừng đập, phổi ngừng thở, huyết áp không đo được nhưng não vẫn còn hoạt động. Rồi sau từ 5 đến 8 phút, nếu não bộ vẫn không được cung cấp ôxy, thì não chết. Lúc đó, mới gọi là... chết thật! Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp được ghi nhận là chết lâm sàng nhưng thật ra, tim vẫn còn đập - mà đập với tần suất cực thấp - có khi chỉ 7 hoặc 10 nhịp/phút thay vì 60 hoặc 80 nhịp/phút, và phổi vẫn còn chức năng hô hấp - dĩ nhiên là cũng với tần suất cực thấp. Chính vì thế, ở những miền quê, hoặc những nơi thiếu thốn thiết bị y tế, thân nhân người quá cố, hàng xóm láng giềng không thể biết được rằng người đó vẫn còn sống, mà họ chỉ cảm nhận qua các biểu hiện bên ngoài như cơ thể lạnh, sờ không thấy tim đập, đặt tờ giấy bản lên mặt không thấy phập phồng, rồi đi đến kết luận rằng... đã chết! Chả thế mà đã xảy ra một số trường hợp lúc bốc mả, người bốc phát hiện có các vết cào cấu bên trong quan tài, hoặc bộ xương nằm ở các tư thế rất lạ, chứng tỏ không ít tử thi sau khi chôn xuống đất, đã sống lại. Vì thế, có thể khẳng định tất cả những trường hợp "chết đi sống lại" đều là chết lâm sàng, còn những trường hợp chết thực thể là cái chết đã được xác định rõ ràng bằng điện tim, điện não và các dấu hiệu sinh học khác. Một số nước còn có quy định sau khi người quá cố qua đời được 6 tiếng, phải tiến hành làm lại các xét nghiệm để đề phòng trường hợp bị... chôn oan! (Nguồn: CAND) |
Theo Giang Uyên - Infone