;
Tháng 10 năm 2000, “ngọc nữ” một thời của điện ảnh Đài Loan và sau đó là điện ảnh Hồng Kông - Lâm Thanh Hà đã quy y với Hòa thượng Thánh Nghiêm, vị cao tăng Đài Loan, người sáng lập nên Pháp Cổ Sơn danh tiếng. Vào ngày Hòa thượng Thánh Nghiêm viên tịch, Lâm Thanh Hà đã gửi đăng một bài viết tưởng niệm Ngài trên báo Lianhe (Liên hợp) của Đài Loan, nội dung bài viết như sau:
Khoảng 8 năm trước, tôi nhận thấy mình là người quá tính toán, luôn cho rằng mọi người theo lẽ đương nhiên phải đối tốt với mình, vì thế chẳng những thường làm mình không được vui, mà còn gây ảnh hưởng đến tâm trạng của người khác. Cho nên, tôi quyết định đi tu. Tôi muốn có một trái tim bao dung và cũng muốn mình trở thành người độ lượng hơn. Thế là, tôi trở về Đài Loan đi tìm minh sư. Rất may mắn, nhờ nhân duyên dẫn dắt, tôi được gặp sư phụ Thánh Nghiêm.
Trong 1 tiếng đồng hồ nói chuyện với sư phụ, tôi chỉ hỏi một câu duy nhất, đó là: “Thiền là gì?”, bởi vì tôi luôn cho rằng thiền là môn học rất cao thâm. Sư phụ nói chỉ cần ngồi thiền 3 ngày là sẽ biết tất cả. Trong khi tôi đang nghĩ ngợi, sư phụ nói liên tiếp như vậy 3 lần, tôi bèn quyết định ngồi thiền 3 ngày.
Đông Phương Bất Bại một trong những vai diễnấn tượng nhất của Lâm Thanh Hà
Việc đầu khi lên Pháp Cổ Sơn là phải giao nộp điện thoại di động, trước khi điện thoại bị thu, tôi vội gọi cho con gái mình, nói tôi sẽ cắt liên lạc trong 3 ngày. Trong 3 ngày này tôi cùng tu học với 99 người khác. Không được trang điểm, không được đọc sách, không được xem tivi, phải ngủ chung giường. Tối 10 giờ đi ngủ, sáng 5 giờ thức dậy. Trước bữa cơm tối hôm đó, mỗi người được nhận một con số, dựa theo số của mình mà ngồi, nằm theo đúng vị trí. Tạm thời chúng tôi không gọi nhau bằng tên riêng, điều này là để giúp chúng tôi buông bỏ bản ngã của mình. Chúng tôi còn phải vào lạy Phật trong đại điện, quỳ xuống để đầu chạm đất rồi đứng lên, vừa lạy trong lòng tôi vừa nghĩ lần này tôi mắc lừa rồi, vì cha mẹ tôi là tín đồ Thiên Chúa, từ trước đến giờ tôi chưa từng lạy như thế bao giờ. Sau tôi mới biết hóa ra tác dụng của việc này cũng là để tiêu trừ bản ngã.
Khi ăn cơm, sư phụ nhẹ nhàng từng lời nhắc nhở chúng tôi, khuyên chúng tôi ăn phải chú tâm, không nghĩ lung tung, ngon không vui mừng, dở không chán ghét. Phải cảm ơn rất nhiều người đã nếm trải bao gian khổ để những thức ăn này đến được miệng chúng tôi. Ăn xong dùng một chén nước sạch tráng qua chén đĩa, đổ lại vào chén, rồi uống hết.
Sau bữa cơm, khi rời chỗ ngồi, hai bàn tay chồng lên nhau, để ở trước ngực, từ từ đứng lên, theo thứ tự đi ra khỏi trai đường, hai tay cung kính như đang bê một tôn tượng Bồ-tát, trong lòng không được nghĩ ngợi điều gì, cũng không được tự mình nói chuyện với mình.
Buổi sáng ngày thứ nhất, sau bữa điểm tâm, chúng tôi ngồi nghe sư phụ khai thị, sư phụ dạy chúng tôi cách ngồi thiền và bái sám. Trong một ngày có rất nhiều lần khai thị và ngồi thiền, lần nào sư phụ cũng chỉ dạy một cách ân cần và kiên nhẫn.
Có 12 chữ đã giúp tôi vượt qua tất cả những nỗi khổ đau tưởng chừng không thể chịu đựng nổi mà tôi đã gặp phải trong cuộc đời mình. Thế gian vô thường, những việc không như ý chiếm đến 8, 9 phần, tôi hay đem 12 chữ này tặng cho bạn bè, họ cũng nhờ chúng mà vượt qua được khổ đau nên trong lòng rất cảm kích tôi. 12 chữ này là: đối diện nó, tiếp nhận nó, xử lý nó và buông bỏ nó. Khi bạn gặp bất kỳ việc gì, bạn không nên chạy trốn, cách tốt nhất chính là đối diện nó, sau đó bạn phải tiếp nhận sự thực đã rồi, xử lý nó một cách ổn thỏa, sau khi xử lý xong, không được để nó chiếm cứ nội tâm của bạn mà phải buông bỏ nó.
Tâm nguyện của sư phụ là nâng cao phẩm chất con người, xây dựng Tịnh Độ nhân gian. Sư phụ dạy tứ chúng đồng tu rằng:
Tin Phật, học Pháp, kính Tăng
Ba ngọn đèn sáng vạn đời
Nâng cao phẩm chất con người
Xây dựng tịnh độ nhân gian
Trước phải nhớ ơn đền ơn
Lợi người chính là lợi mình
Tận tâm tận lực là nhất
Không tranh nhiều ít với người
Từ bi không có kẻ thù
Trí tuệ không sinh phiền não
Người bận nhiều thời gian nhất
Người làm sức khỏe tốt nhất
Nếu muốn rộng trồng ruộng phước
Đừng sợ chịu oan chịu cực
Người biết bố thí có phước
Người biết hành thiện an vui
Thời thời tâm đầy pháp hỷ
Niệm niệm là niềm vui thiền
Nơi nơi Quán Âm Bồ-tát.
Tiếng tiếng A Di Đà Phật.
Lâm Thanh Hà quy y Tam Bảo với pháp danh là Thường Hằng
Ngày thứ hai chúng tôi học kinh hành. Có đi chậm, đi nhanh và đi tự nhiên. Khi đi chậm, hai tay nắm hờ, bước chân dài khoảng nửa bàn chân, phải đi thật chậm, thật vững. Khi đi nhanh, hai tay buông thõng, khoảng cách đi lớn hơn một chút, nhưng phải bước thật nhanh. Khi đi tự nhiên thì toàn thân thả lỏng. Thấy có vẻ đơn giản, nhưng khi thực hành thì không hề dễ dàng. Sau khi kinh hành về, tôi cảm thấy vô cùng khoan khoái, dễ chịu.
Ngày thứ ba, chúng tôi tu cảm ơn và sám hối. Trong lúc bái sám, chúng tôi phải sám hối tất cả những việc cần sám hối và cảm ơn tất cả những người cần cảm ơn trong đời này. Rất nhiều bạn đồng tu đã khóc nghẹn trong lúc bái sám.
Ba ngày tu trôi qua nhanh chóng. Những gì học được trong ba ngày này tôi dùng một đời cũng không hết. Tôi cảm ơn cha mẹ, chồng con, bạn bè, thậm chí toàn bộ thế giới này. Đối với những việc cần sám hối, tôi đều nghĩ cách để bù đắp lỗi lầm. Tôi giảm bớt tính ngã mạn, ít tính toán hơn và nhìn lại mình nhiều hơn. Tôi cũng bắt đầu tìm được niềm vui trong cuộc sống. Tôi thấy những gì mình học được trong 3 ngày này còn nhiều hơn những gì đã học trong 3 năm, thậm chí là 10 năm. Điều tuyệt vời nhất là tôi đã tìm lại được sự yên bình ở nơi sâu thẳm tận cùng trong tâm hồn mình.
Theo Lianhe
Người dịch: Tịnh Nguyên