;
Namo Sakya Muni Buddha
Trì tụng Đại tạng kinh bằng tiếng Pali (Tipitaka) quốc tế tại Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ
Ngày 02 tháng 12 năm 2011, chương trình tụng kinh Tipitaka quốc tế do Tăng già nước Lào và Bangladesh đồng tổ chức, dưới sự bảo trợ của tổ chức Ánh sáng Phật pháp quốc tế đã khai mạc vào lúc 13h30 tại cội Bồ đề thiêng liêng – Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.
Chương trình trì tụng kinh Tipitaka bắt đầu từ ngày 03 đến ngày 12 tháng 12; mỗi ngày tụng kinh 4 thời sáng chiều, mỗi thời kéo dài 2 tiếng đồng hồ, buổi tối có thời giảng pháp cũng diễn ra dưới cội Bồ đề.
Chương trình trì tụng kinh Tipitaka quốc tế năm nay là lần thứ 7, gồm có các quốc gia tham dự như sau: Lào, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Nepal, India, Sri Lanka, Bangladesh, Việt Nam và các nước khác, với hơn 1200 Tăng, Ni và hơn 2000 Phật tử tham dự.
Được biết, cứ mỗi hai năm, các nước luân phiên đăng cai tổ chức. Từ năm 2006 do Hội Maha Bodhi, Ấn Độ tổ chức lần đầu tiên; sau đó là Thái Lan; Lào và Bangladesh; và dự kiến năm 2012 và 2013 Miến Điện đăng cai.
Đoàn Việt Nam hơn 50 người bao gồm Tăng, Ni đang du học tại Ấn Độ và Phật tử từ các nơi trên thế giới.
Chư Tăng tiến vào Bồ Đề Đạo Tràng
Đoàn Việt Nam
T.T. Thích Tuệ Uy và Chư Tăng Ấn Độ dưới cây Bồ Đề mùa hè 1996 (15 năm về trước)
Nơi đức Phật thành đạo : Ngày ấy và bây giờ
Là người Phật tử ai cũng từng đọc qua sử sách ghi chép về nơi đức Phật thành đạo, đó là một vùng đất, có cây Bồ đề, gần dòng sông Ni Liên Thiền...
Ở đó, một vị ẩn sĩ đã phát nguyện thành Phật trong bốn mươi chín ngày. Đến ngày cuối cùng, khi sao Mai ló dạng, vị ẩn sĩ đó đã chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ai cũng biết điều đó. Lịch sử đức Phật Thích Ca mà chúng ta đọc đã ghi lại điều đó. Trong bài viết này, tôi muốn nói đến những gì các bạn chưa biết hoặc ít biết đến nơi đức Phật thành đạo: chuyện ngày xưa và chuyện ngày nay.
Chuyện ngày xưa :
Đã lâu lắm rồi cách đây khoảng 2300 năm, tức sau khi đức Phật nhập Niết bàn, có ông vua tên là Asoka, một vị anh hùng của lịch sử Ấn Độ thời xưa cũng như thời nay. Ông mạnh mẽ và có tài cỡ như Tần Thủy Hoàng của đất nước Trung Hoa. Lúc bấy giờ, đất nước Ấn Độ cũng chia năm xẻ bảy, mỗi nơi là một quốc độ riêng, có vua riêng, quan riêng không thống nhất được. Thế là ông phát động cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, và ông đã thành công. Vì có công thống nhất đất nước cho nên ông trở nên ngạo mạn, xem mình không có đối thủ trong thiên hạ. Chỉ cách thời đức Phật có vài trăm năm nên ông biết rõ về con người nổi tiếng ấy thời trước mình.
Một hôm, nhân lúc đi khắp thiên hạ để xem nước mình rộng cỡ nào, ông đến ngay đúng nơi đức Phật thành đạo. Lúc ấy, cây Bồ đề nơi đức Phật thành đạo vẫn còn tươi tốt, ông liền sanh tâm ghen tị với bậc xuất trần thượng sĩ.
Phải nói rõ ràng rằng, không phải tự nhiên mà ông tình cờ đến nơi này, Sử sách có ghi lại nói rằng, hoàng hậu vợ của ông đã ngày đêm khuyên ông để trở về với đức tính từ bi của đức Phật; nên tới lễ bái cây Bồ đề để có thể hóa giải tội lỗi chất chồng mà ông đã xua quân chém giết trên chiến trường. Trong hậu cung, hằng ngày rỉ vào tai ông những lời khen ngợi người đàn ông khác khiến con người bất bại của ông nổi máu anh hùng. Vì thế ông đã đến đây.
Vì ghen tị với sự nổi tiếng của đức Phật, ông đâm ra ghét bỏ cây Bồ đề, một biểu tượng của đức Phật khi Ngài nhập vào Vô dư Niết Bàn. Đó là kiểu ‘giận cá chém thớt’ của tâm lý con người. Thế là ông ra lệnh cho binh lính của mình chặt bỏ cây Bồ đề gai mắt kia. Ông nói, nếu quả thật ông Gotama là người vĩ đại, là bậc kính ngưỡng của chư thiên và loài người thì hãy hiện điều gì đó để ông tin. Sau khi cho chặt cây xong, ông sai binh lính đốt ra tro cây Bồ đề đó mới thôi. Khi đốt thì một vầng hào quang rực sáng phát ra từ các nhánh cây Bồ đề.
Tuy nhiên, vì lòng sân hận và si mê che lấp, ông chưa thỏa mãn và còn nói rằng, quả thật nếu ông Gotama đúng như lời đồn đại thì hãy cho ông thấy thứ gì đó khác lạ để ông tin.
Tối hôm đó, khi ngủ ông nằm mộng thấy chư Thiên xuống mách rằng: ngày hôm sau, nhà vua nên cho người lấy sữa bò tưới nơi gốc cây bị chặt sẽ xuất hiện điềm lành. Sáng ra, nhà vua sai lính làm y như thế. Và điều kỳ diệu xảy đến, cây Bồ đề con đâm trồi mọc lên trước sự ngỡ ngàng của nhà vua và quan lại. Từ đó, ông đã tin những lời người ta đồn về đức Phật, và ông bắt đầu tin theo những gì Phật dạy.
Câu chuyện không dừng lại đó một cách đơn giản như vậy. Người ta nói : sông sâu dễ dò, lòng người khó đoán. Quả thật là như vậy. Sau khi vua Asoka bắt đầu quy ngưỡng đức Phật để chuộc lại lỗi lầm, ông đã bỏ cả chính sự, quên luôn hậu cung chỉ để được gần gũi và chăm sóc cây Bồ đề con mới mọc. Việc quên cả hậu cung đã xuất hiện tình tiết bất ngờ.
Vị hoàng hậu tin Phật trước kia, người ngày đêm rỉ rả bên tai vua về đức tính từ bi của đức Phật, ngày đêm khuyên vua nên trở về làm đệ tử đức Phật giờ quay ngoắt 180 độ, lại trở nên ghen tị với đức Phật. Bà cho rằng, chính đức Phật đã cướp tinh thần người yêu của mình, vì thấy chồng mình bỏ bê hậu cung, ưa thích gần cây Bồ đề hơn gần mình. Thế là bà nổi ghen đùng đùng, quyết bắt vua trở lại. Bà mật sai lính của mình ra sức chặt phá cây Bồ đề lần nữa. Thật là nghiệp oan khiên. Cây Bồ đề chỉ mới lên chừng vài mét cao, mà lại lần nữa bị si mê của con người sát hại.
Trong sử sách có ghi lại, cây Bồ đề tại nơi đức Phật thành đạo đã bị tàn phá ít nhất bảy lần. Đó là những lần bị sát hại nặng nề. Chắc hẳn vẫn còn có những lần chặt cành làm củi, cưa lấy gỗ v.v.. của dân làng ở gần đó. Điều này có thể xảy ra vì nhiều trong số các đại tháp mà vua Asoka sau khi quy y với Phật đã xây dựng, bị người dân xung quanh đào lấy gạch để xây nhà của mình; hay một số trụ đá ghi lại những nơi đức Phật hành đạo cũng bị đập phá để làm cột nhà. Cho nên điều tương tự chắc hẳn xảy ra với cây Bồ đề thiêng liêng này.
Những lần cây Bồ đề bị chặt phá tiếp theo sẽ được kể trong loạt bài kế tiếp, giờ nói sang chuyện ngày nay.
Chuyện ngày nay :
Ngày nay, Bồ đề tọa nơi đức Phật thành đạo đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, được tổ chức UNESCO công nhận; và là một trong bốn Tứ Động Tâm hay bốn Thánh tích quan trọng nhất của người Phật tử khắp năm châu. Trong tiếng Anh, người ta chỉ dùng chữ Holy Places (tức Thánh địa) để chỉ cho nơi này chứ không có từ tương xứng như từ Tứ Động Tâm. Tứ Động Tâm có nghĩa là những nơi khiến cho người nào một khi tới đó tâm người đó xúc động, tâm trí xao động, hướng thiện nhiều hơn là nghĩ tới việc ác.
Đó là điều có thật. Đa số người con Phật khi đến bốn Thánh Tích đó (Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sinh; Bồ đề đạo tràng, nơi Phật thành đạo ; Vườn Nai, nơi Phật thuyết pháp đầu tiên; và Câu Thi Na, nơi đức Phật Niết bàn) đều rơi lệ, tâm hồn thổn thức, Bồ đề tâm càng tăng trưởng.
Bồ đề Đạo tràng ngày nay có một đại Bảo tháp, được xây dựng khá lâu, bảo tháp đó đánh dấu nơi đức Phật tọa thiền thành đạo. Trong đại Bảo tháp có tượng đức Phật dung mạo tuyệt đẹp đang ngồi tọa thiền. Các phái đoàn các nơi thường cúng dường y nên tượng đức Phật trong đại Bảo tháp này luôn được thay y liên tục.
Cây Bồ đề bây giờ to lớn, tỏa bóng mát trên một chu vi khá rộng, cành lá vươn xa cả chục mét. Để bảo vệ, người ta phải dựng các cột sắt chống đỡ các cành vươn ra xa này. Tất nhiên, để bảo vệ và điều hành đại Bảo Tháp và cây Bồ đề này là có cả một ban bệ quản trị. Hằng năm, cứ bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, là mùa hành hương của Phật tử khắp bốn phương đã đem lại sự sầm uất cho khu vực quanh Di sản văn hóa thế giới này.
Xung quanh khu vực Bồ đề Đạo tràng là hằng trăm ngôi chùa của các nước có văn hóa Phật giáo như Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Bangladesh, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Sri Lanka…cho nên được coi là nơi tập trung nhiều ngôi chùa quốc tế nhất thế giới. Nhưng không vì chuyện thu hút được nhiều khách quốc tế đến như thế mà nhưng~ ngôi làng xung quanh Bồ đề đạo Tràng giàu khá lên.
Nói cho gần thôi, 20 năm trước cảnh vật và cuộc sống thế nào thì 20 năm sau y như thế ấy. Người nghèo vẫn đầy ra, sự ô nhiễm ngày càng trầm trọng, ít được cải thiện, và có lẽ người nghèo tập trung tới nơi này mỗi lúc một đông hơn. Đơn cử, trước chùa Viên Giác cách đây 6 năm không có nhà cửa, giờ người nghèo tới lập trại, lấy bao ni lông quay lại thành nhà chỉ để xin tiền những ai từ chùa đi ra. Từ việc không biết câu Nam mô A Di Đà Phật bằng tiếng Việt, sau vài năm giờ họ đã biết câu niệm danh hiệu đó chỉ để xin tiền. Và trong kinh đức Phật có dạy rằng, hễ ai dù chỉ xưng câu Nam mô Phật thì chắc chắn có ngày họ cũng sẽ thành Phật. Vậy mình cũng nên mừng cho họ vậy.
Thời đức Phật còn tại thế, cảnh vật nơi đây chắc đẹp hơn giờ nhiều, lúc ấy có lẽ thanh bình và nhiều cây cối, khí hậu ôn hòa, trong lành. Trong kinh sách có ghi lại dòng sông Ni Liên nơi đức Phật xuống tắm, và quăng bình bát phát nguyện, nước sông tràn đầy và không ô nhiễm. Qua hơn hai thiên niên kỷ, dòng sông lịch sử ấy vẫn còn nhưng nước thì đã cạn trơ đáy. Không biết vào mùa mưa có được cải thiện hơn không chứ thời gian từ tháng 9 trở đi, nhiều năm tới chỗ này vẫn thấy chỉ có ít nước còn sót lại ở giữa dòng, còn lại là cát.
Người ta nói, những nơi nào đức Phật đi tới thì nơi ấy toàn là nơi nghèo khổ. Có đi thi. thực thì mới thấy đức Phật quả giàu lòng từ bi, ngài không chọn cho mình nơi sung túc để dưỡng thân, Ngài đi tới nơi nào người ta cần phương pháp cứu khổ để giúp họ thoát khỏi căn nhà ta bà lửa cháy này. Xung quanh khu vực Bồ đề Đạo tràng, nhà cửa bây giờ san sát, môi trường vệ sinh ô nhiễm, có lẽ chính quyền địa phương đã không tích cực cải thiện để mang lại một địa chỉ sạch và hấp dẫn cho du khách bốn phương. Và hầu hết các nơi có Thánh tích đều như thế. Thế nhưng, những điều đó không cản được bước chân của người con Phật khắp nơi vân tập để lễ lạy cúng dường.
Trong những tháng mùa đông này, hình ảnh từng đoàn người con Phật tập trung lễ lạy, dâng hoa, ngồi thiền, tụng kinh, kinh hành rất sống động và thánh thiện, khiến ai đó, dù không muốn tu, ít tin vào Phật pháp bất giác cũng chấp tay niệm một câu Nam mô Phật, Nam mô Pháp và Nam mô Tăng. Nếu ai đó muốn tìm hiểu về văn hóa Phật giáo các nước có lẽ đây là nơi thích hợp nhất.
-Y màu đỏ, lạy Phật nằm dài xuống đất, tiếng tụng kinh ồ ồ là văn hóa Phật giáo Tây Tạng.
-Áo màu nâu hay lam, y màu vàng, lạy Phật kiểu mộp người xuống là Việt Nam.
-Phật tử bận áo toàn màu trắng, đội đồ cúng dường trên đầu, có người dùng cây dù để che đồ cúng dường, đi chân đất từ xa vô chùa, đó là Phật tử Sri Lanka.
-Y màu xám hay màu nâu, chỉ bận áo kiểu tàu khi ra đường thì đó là chư tăng Hàn Quốc hay Nhật Bản v.v... Nhiều màu nhiều sắc như thế chúng ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác trừ nơi này.
Chúng tôi xin kể lược chuyện xưa và chuyện nay những điều biết qua sách vở và những điều mắt thấy tai nghe để hầu chuyện cùng bạn đoc. Mong rằng, những ai đã đi tới Thánh địa này Bồ đề tâm bất thối, ngày càng tăng trưởng ; những ai chưa đi, phát nguyện đời này hoặc đời sau, một lần trong đời đến để lễ lạy cúng dường cây Bồ đề hầu mang lại phước báo nhân thiên, và mai hậu sẽ thành Chánh giác.
Về vui dưới bóng ngọt ngào
nghìn năm, còn đó lẽ nào ta quên.
Chắp tay hoa, chánh niệm bền
Người xưa hạnh ngộ bên thềm vô sinh.
Bodhgaya monk