;
Để trả lời câu hỏi này không phải Phật tử nào cũng làm được bởi trong các kinh văn không hề ghi rõ ngày tháng sinh của Đức Phật Thích Ca mà chỉ chép lại Đức Phật đản sinh trong một ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ.
Nhưng về phương diện phổ quát, Phật giáo thế giới đều thống nhất Đức Phật Thích Ca đản sinh năm 624 (trước Công nguyên) và nhập Niết-bàn năm 544 (trước Công nguyên), trụ thế 80 năm.
Về Phật lịch, Phật giáo thế giới lấy mốc năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn để tính năm đầu Phật lịch (544 trước Công nguyên). Khởi nguyên từ Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức lần thứ I tại Sri Lanka (Tích Lan) vào năm 1950, toàn thể đại biểu Phật giáo đại diện 26 quốc gia thống nhất lấy năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn làm mốc để tính năm đầu Phật lịch (cờ Phật giáo thế giới cũng được quyết nghị công bố và áp dụng tại Đại hội lịch sử này). Đến Đại hội Phật giáo thế giới lần thứ VI, tổ chức tại Campuchia (Cam-bốt) vào năm 1961, thống nhất ngày kỷ niệm Phật đản sinh trên toàn thế giới là ngày rằm tháng Tư âm lịch (ngày trăng tròn tháng Vesak của Ấn Độ).
Cách tính Phật lịch là lấy năm Đức Phật nhập Niết-bàn cộng với năm hiện tại. Ví dụ, năm 2023 thì Phật lịch được tính: 544 + 2023 = 2567. Tuy nhiên, nói năm 2023 ứng với Phật lịch 2567 là nói chung, chính xác phải tính được ngày để sang năm mới Phật lịch.
Nhưng cũng có những kinh sách Phật giáo ghi Đức Phật sinh ngày 8/4, vậy tại sao ngày Phật đản lại là rằm tháng tư? Đó là thắc mắc của không ít người.
Thông thường thì mỗi năm các Phật tử đều hân hoan đón mừng lễ Phật đản – kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Ngày được chọn là Phật đản có thực sự là ngày mà Đức Phật Thích ca ra đời hay không?
Các kinh sách Phật giáo không ghi rõ ngày sinh của Đức Phật Thích ca mà chỉ chép lại rằng ngài hiển thế trong một ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ. Chiếu theo lịch mặt trăng thì đó là tháng tư âm lịch, và theo lịch Ấn cổ, ngày trăng tròn chính là ngày mùng 8. Như vậy, ngày 8/4 theo lịch Ấn Độ cổ cũng chính là ngày rằm tháng tư theo lịch mặt trăng, hay âm lịch như chúng ta vẫn gọi.
Kinh điển Nam tông chép rằng, sắp đến ngày vượt cạn, hoàng hậu Mahamaya trở về vương quốc cha mẹ đẻ để sinh con theo đúng phong tục, đến vườn Lâm Tỳ Ni nơi có nhiều cây vô ưu thì dừng chân nghỉ.
Cơn đau chuyển dạ xuất hiện, các tỳ nữ quây một bức màn cho hoàng hậu, còn bà thì bám lấy một gốc cây sala và hạ sinh hoàng tử. Trên trời xuất hiện 4 vị đại phạm thiên cầm chiếc lưới bằng vàng quấn quanh đứa bé, cùng lúc hai trận mưa dội xuống gội mát cho hai mẹ con.
Sau khi rời khỏi tay các vị đại phạm thiên, Đức Phật được Tứ đại thiên vương đỡ lấy và bọc trong một miếng vải làm bằng da linh dương đen.
Còn kinh điển Bắc tông chép, Hoàng hậu Mahamaya nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà biến thành đạo hào quang soi vào bụng mình, sau đó bà có thai. Đến ngày sinh, bà đến vườn Lâm Tỳ Ni và sinh ra một bé trai ở phía sườn phải. Khi đứa bé ra đời, một bông sen nảy lên đỡ lấy, rồi 9 con rồng từ trên trời xuống phun hai dòng nước lạnh và nóng để tắm cho ngài, sau đó các thần đều xuống săn sóc.
Đức Phật vừa sinh ra đã bước 7 bước, mỗi bước đều có một bông sen đỡ dưới bàn chân. Ngài một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới đất, ta là bậc tôn quý hơn cả).
Thực ra, các học giả cho rằng, việc coi ngày rằm tháng tư là ngày Phật đản sinh là tuân theo truyền thống, chứ không phải chứng minh được Đức Phật được sinh ra chính xác vào ngày đó. Ngày trăng tròn của tháng Vesaka cũng là ngày chuyển giao của trời đất, mùa mưa bắt đầu, cỏ cây hồi sinh, các loài động vật cũng sinh sôi nảy nở. Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc các nhà sư tụ lại một nơi để tu học, tránh đi lại để không giẫm đạp lên các loài côn trùng, giun dế, tổn thương đến sinh mạng chúng.
Có rất nhiều giả thiết về năm mà ngài hiển thế được ghi trong các tư liệu, mà sự chênh lệch lên tới 4 thế kỷ. Các năm 1028, 1027, 685, 624, 566, 561, 558, 557, 520, 487, 466… trước đều từng được cho là năm sinh của ngài. Tuy nhiên, thuyết ghi Đức Phật sinh năm 624 trước Công nguyên là phổ biến nhất, hiện được cả Phật giáo Nam tông và Bắc tông chính thức thừa nhận.
Việc tính Phật lịch cũng liên quan đến năm sinh của đức Phật. Vào năm 1952, tại Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức ở Nhật Bản, các đại biểu đã thống nhất lấy năm Phật nhập Niết Bàn làm năm thứ nhất của Phật lịch. Đức Thích Ca thọ 80 tuổi, vì vậy Phật lịch bắt đầu từ năm 544 trước Công nguyên. Như vậy, năm 2014 sẽ là năm 2558 Phật lịch, và kỷ niệm 2638 năm ngày Đức Phật ra đời.
Theo Phật giáo Nam tông, các sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Thích Ca Mâu Ni đều diễn ra vào đêm trăng tròn tháng tư, đó là ngày ngài đản sinh, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn, bởi vì đó là ý muốn của ngài. Các Phật tử dù là xuất gia hay tại gia đều thường làm lễ cúng dường Đức Phật vào ngày màu nhiệm này.
Trước thực tế đó, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc trong phiên họp thứ 54 vào năm 1999 đã ra quyết nghị công nhận ngày Tam hợp Đức Phật (đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn) vào Rằm tháng tư lịch mặt trăng (tháng Vèsaka theo lịch Ấn) là ngày tổ chức lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, tên đầy đủ là Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc.
Minh Tuệ sưu tầm