;
Pháp môn niệm Phật ước lược có hai: phổ niệm và chuyên niệm.
Kinh Quán Phật Tướng Hải và kinh Phật Bất Tư Nghì Cảnh Giới dạy phổ niệm. Kinh A Sơ Bệ và kinh A Di Đà đặc biệt dạy chuyên niệm. Nay Kinh Hoa Nghiêm, một và nhiều tương nhập, chủ và bạn giao dung, tự và tha tương tức, cũng chuyên cũng phổ, lược nêu năm nghĩa :
I - Niệm Pháp-thân Phật, trực chỉ tự tánh chúng sanh.
Chân tâm chúng ta rộng lớn chu biến không nơi nào không có. Phẩm Như Lai Xuất Hiện nói: "Mười phương pháp giới niệm niệm vẫn có chư Phật thành chánh giác. Vì tâm Phật, tâm chúng sanh đồng thể không rời nhau nên việc này các Bồ-tát đều rõ biết". Lại nói: "Không một chúng sanh nào không đủ trí tuệ Như Lai, chỉ vì vọng tưởng điên đảo chấp trước mà không chứng được. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí ắt được hiện tiền". Làm thế nào lìa vọng tưởng? Nên biết những điên đảo chấp trước của chúng sanh bản thể vốn là Pháp-thân tịch diệt thanh tịnh.
Chỗ chứng của chư Phật không chi khác là chứng được chân tánh của chúng sanh. Nếu tin được như thế thì trở về, niệm niệm không mê, không chấp ngã sở. Cứ con đường ấy khởi hành. Nơi thân không chấp ngã, chỗ tu không vướng mắc, với pháp chẳng cố trụ. Trải qua các ngôi vị Trụ, Hành, Hồi Hướng, Thập Địa, luyện đức từ bi thì đâu rời đương niệm mà nhân quả viên thành. Cho nên nói vừa phát tâm Bồ-đề liền thành Chánh Giác.
Các phẩm Hiền Thủ, Sơ Phát Tâm Công Đức rộng nói việc này. Như vậy niệm Phật sẽ thấy thân Phật ở khắp mọi nơi. Phẩm Quang Minh Giác, đức Thế Tôn phóng trăm ức quang minh, từ ba ngàn đại thiên thế giới khắp chiếu 10 phương. Văn Thù kệ rằng: "Cứ lìa các kiến chấp, quán Như Lai, thế là nhập chánh tín". Phẩm Xuất Hiện cũng nói: "Bồ-tát không nên nơi một pháp, một sự, một thân, một quốc độ, một chúng sanh mà thấy Như Lai.
Phải thấy Như Lai như hư không, vào khắp sắc tượng, chẳng đến chẳng không đến. Vì hư không không thân.Thân Như Lai cũng thế, ở khắp nơi nơi tại khắp chúng sanh, ở hết thảy pháp, hết thảy quốc độ. Không đến chẳng phải không đến. Như Lai không thân cố định, chỉ vì chúng sanh mà hiện thân". Lại nói: "Bồ-tát trí tuệ biết chẳng những Chân Như Thật Tế là cảnh giới Như Lai mà tất cả cảnh giới chúng sanh đều là cảnh giới Như Lai". Đây là niệm tự tánh Phật cũng gọi tự tánh niệm Phật. Tự tánh niệm Phật là không có tâm năng niệm ngoài Phật. Niệm tự tánh Phật là không có Phật sở niệm ngoài tâm. Vào được môn này, công đức một niệm như hư không, không có hạn lượng.
Kinh Hoa Nghiêm nổi tiếng có nhẽ vì câu: "Lạ lắm thay ! Hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí tuệ đức tướng Như Lai". Câu nói: "Tất cả chúng sanh đều thành Phật" thật là thâm diệu, thật là quan trọng. Chúng sanh luân chuyển trong 6 đạo, không luận đến mức độ nào, đều có Phật tánh. Phật tánh không bao giờ hư hoại, đồng thể, bình đẳng với 10 phương chư Phật. Niệm Pháp-thân Phật là niệm thể tánh bình đẳng ấy. Như Lai Tạng và Pháp-thân bản chất giống nhau.
Chỉ khác biệt là còn phiền não trói buộc gọi là Như Lai Tạng. Lìa phiền não gọi là Như Lai Pháp-thân. Ở phàm phu gọi là Như Lai Tạng. Ở Phật gọi là Như Lai Pháp-thân. Cũng như mặt trời bị mây mù và mặt trời đã ra khỏi mây mù. Như Lai Tạng là nhân. Pháp-thân là quả. Nhân quả không 2 không khác, đều là tự tánh thanh tịnh tạng.
II - Niệm Báo Thân và hóa thân Phật.
Vô tận trang nghiêm, vô biên Phật sự lấy Phổ Quang Minh Trí làm thể. Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm nói:
"Trí nhập tam thế, tất đều bình đẳng.
Thân sung mãn tất cả thế gian.
Âm thanh phổ thuận 10 phương quốc độ.
Như hư không hàm vạn tượng không phân biệt".
Báo thân Phật quả là công đức rốt ráo viên mãn, chứng được Vô Dư Niết bàn, đoạn hết ngũ trụ phiền não, vĩnh viễn xa lìa cả 2 sanh tử phận đoạn và biến dịch. Cảnh là thật tướng các pháp. Trí là Ðệ Nhất Nghĩa Bồ-đề.
Như Lai Tạng như châu báu bị rớt vào hầm phân. Thể tánh tuy vẫn là châu báu nhưng hiện tại đang bị bao quanh toàn nhơ uế. Phàm phu Nhị Thừa còn ở trong vòng nhị kiến (thấy 2: thấy tương đối) dẫn sanh các thứ tà kiến mê si. Đức Phật đã diệt sạch phiền não tạng nên Báo Thân đồng Pháp-thân đủ 4 đức thường, lạc, ngã, tịnh.
Kỳ thật, cứu cánh Chân Như vẫn thường hằng bất biến. Trí tuệ và công đức vô biên vẫn không lìa chân thật tức là Phật tánh (Như Lai Tạng). Đây là nơi nương tựa để có thể thành Phật. Từ cảnh trí cứu cánh của Như Lai, truy cầu căn nguyên thấy là Như Lai Tạng chúng ta vốn có. Chỉ cần xứng tánh, phát triển trí năng thì chúng ta sẽ đạt công đức Như Lai. Như Lai là mục đích cứu cánh chúng ta tiến tới. Tư tưởng chân thường diệu hữu bất không này được thể hiện và phát huy đến cực điểm trong kinh Hoa Nghiêm.
Phàm phu nghe pháp, nhập lý, được Căn Bản Trí. Nếu không y trí này khởi hạnh đại bi, viên tu viên chứng, sẽ đọa cảnh giới Nhị Thừa, chẳng được đại dụng của chư Phật. Cho nên 6 phẩm sơ hội toàn hiển Như Lai quả đức. Hội 2 đến hội 8, 32 phẩm chỉ rõ thứ lớp, thềm thang tiến bước, thẳng tới Bồ-đề. Khiến cho hành giả thiệu long trí cảnh, rốt ráo các hạnh môn, không thủ thiên không mà trang nghiêm Phật độ.
Một phẩm Phổ Hiền Tam Muội ở sơ hội chính hiển toàn thể Phật Hoa Nghiêm. Phổ Hiền Bồ-tát nhập Nhất Thiết Chư Phật Tỳ Lô Giá Na Tạng Thân Tam Muội. Tam muội này y pháp giới, xứng tánh biến chu tất cả các cõi nước nhiều như vi trần. Phẩm Thế Giới Thành Tựu và phẩm Hoa Tạng Thế Giới chỉ bày các quốc độ tịnh uế duy tâm. Với người vào sâu biển nguyện Phổ Hiền, ở ngay trần lao phồn hưng đại dụng, thì tất cả xứ chẳng đâu không phải đất Phật. Hết thảy thời, chẳng lúc nào không làm việc Phật.
Các tri thức của Thiện Tài đồng tử cầu học: Đức Vân tỳ-kheo, Giải Thoát trưởng giả, Tỳ Sắt Chi La cư sĩ đều lấy một môn niệm Phật làm phương tiện giải thoát.
Đức Vân nói: "Ta được tự tại quyết định giải lực, mắt tin thanh tịnh, trí quang chiếu diệu, khắp quán cảnh giới lìa hết thảy chướng". Thiện xảo quan sát, phổ nhãn minh triệt là niệm Pháp Thân Phật. "Đi khắp 10 phương hết thảy quốc độ, cung kính cúng dường tất cả chư Phật, vâng giữ hết thảy Chánh Pháp, thường thấy tất cả chư Phật" là niệm Báo Thân Phật. Từ Pháp Thân khởi Hóa Thân. Pháp Thân đã vô lượng thì Hóa Thân cũng vô cùng. Văn dưới nói: "Thấy phương Đông vi trần số Phật. Tây, Nam, Bắc cũng thế. Đây là Ức niệm nhất thiết chư Phật cảnh giới trí tuệ quang minh phổ kiến pháp môn".
Chư Phật riêng không cảnh giới. Chỉ dùng trí tuệ quang minh tùy thuận chúng sanh làm Phật sự. Người niệm Phật vì đầy đủ tin hiểu nên vào được trí tuệ Phật. Vì vậy đủ quán hạnh nên thấy quang minh Phật. Trí tuệ quang minh như thế nương duyên nhân mà hiển phát. Văn dưới Đức Vân nói luôn một lúc 21 môn niệm Phật của các Ðại Bồ tát. Tận 10 phương 3 đời nơi mỗi đầu lông, từng niệm từng niệm đều có Phật xuất thế, Phật nói pháp, Phật diệt độ. Đều lấy tự tâm vô biên trí hạnh làm thể. Niệm Phật Tam muội khắp nhiếp tất cả tam muội.
Giải Thoát trưởng giả nói: “Ta vào Như Lai Vô Ngại Trang Nghiêm Giải Thoát Môn, thấy 10 phương, mỗi phương 10 Phật sát vi trần số Như Lai. Chư Phật không đến đây, ta cũng không đến quý Ngài. Ta muốn thấy Phật A Di Đà ở An Lạc, Tỳ Lô Giá Na Như Lai ở thế giới Bảo Sư Tử Trang Nghiêm... Như vậy tất cả đều thấy ngay. Biết tâm năng kiến, Phật sở kiến, như mộng, như huyễn, như ảnh, như vang. Thấy biết nhớ nghĩ đều do tự tâm".
Vô ngại trang nghiêm giải thoát là lìa tất cả tướng mà thành tất cả tướng. Vì coi như mộng, như huyễn mà không hoại cảnh mộng huyễn (như đức quán Thế Âm, khi tu thì nhập tánh nghe, buông âm thanh. Nhưng đến ngày chứng quả lại tầm thanh cứu khổ). Nếu không vào pháp môn này sẽ như các ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên... ở trong rừng Kỳ Đà mà không thấy cảnh giới thần lực của Như Lai vì thiện căn không đồng.
Tỳ Sắt Chi La nói: "Mở cửa tháp chiên đàn tòa của Như Lai, ta được tam muội tên là Phật Chủng Vô Tận, theo thứ lớp ta thấy tất cả chư Phật của thế giới này, đức Ca Diếp, đức Câu Na Hàm Mâu Ni cho đến bất khả thuyết vi trần số Phật". Phật chủng vô tận như thế đều do Phổ Hiền hạnh nguyện sanh ra. Phổ Hiền hạnh nguyện là: “Hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, nguyện tôi mới cùng.
Vì 4 thứ này vô tận, Phật chủng cũng vô tận”. Nên nói: "Ta biết 10 phương tất cả Như Lai rốt ráo không nhập Niết bàn". Nên biết Hóa Thân Phật cai hết thảy con số như phẩm A Tăng Kỳ đã nói, suốt thời gian như phẩm Như Lai Thọ Lượng đã nói, khắp các nơi như phẩm Bồ Tát Trụ Xứ đã nói.
Niệm Pháp Thân Phật để biết gốc nguồn là nơi nương tựa. Niệm Báo Thân Phật để biết công đức bao la chư Phật đã viên mãn. Hóa Thân Phật là nghĩa nhiếp thọ. Đức Phật hiện thân như chúng sanh để thâu nhiếp họ và truyền trao giáo pháp. Phật Pháp thấm nhuần vào thân tâm, hình dung lên lời nói và nếp sống. Nếu không thì Pháp Thân bình đẳng, Báo Thân cứu cánh của Phật đối với chúng ta ích gì? Dù nguồn gốc là Phật tánh mà thật tế vẫn cứ y nhiên phàm phu, ái dục vẫn vương, 3 độc chẳng dứt, thật là đáng thương.
Thiên bách ức hóa thân Thích Ca xuất thế để làm điển hình hùng lực phát triển nguồn gốc công đức trí tuệ. Đánh thức chúng ta, khuyên noi gương dũng mãnh xé màn vô minh. Chúng ta học và hiểu, Phật Pháp từ thâm tâm thể hiện. Chúng ta sẽ quyết chí, nhân Như Lai Tạng bình đẳng vốn sẵn đầy đủ của tất cả chúng sanh, hoàn thành cứu cánh Như Lai công đức. Như thế gọi là Hoa Nghiêm. Sự nghiệp Hoa Nghiêm chính chúng ta phải thực hiện, chớ không phải ai khác.
III- Niệm Phật danh hiệu thành tựu tối thắng phương tiện.
Pháp Thân không nêu biểu, nương danh hiệu mà hiện. Báo Thân, Hóa Thân đều nhờ danh hiệu mà được chỉ bày. Phẩm Tu Di Kệ Tán: "Thà chịu khổ địa ngục được nghe danh hiệu Phật, không muốn hưởng vô lượng vui mà chẳng được nghe danh hiệu Phật". Nghe danh hiệu Phật là đã được kết duyên thù thắng huống chi luôn luôn thường niệm.
Kinh Văn Thù Bát Nhã nói: "Muốn vào Nhất Hạnh tam muội nên ở chỗ vắng vẻ, điều hòa tâm ý, buông xả cảnh trần, chuyên xưng danh hiệu một vị Phật. Đoan thân chính hướng về phương sở của Ngài. Tương tục tưởng nhớ một vị Phật tức là niệm quá khứ vị lai hiện tại 10 phương chư Phật. Công đức niệm một vị Phật với công đức niệm vô lượng Phật không khác”.
Kinh A Di Đà lấy chấp trì danh hiệu làm chánh nhân vãng sanh. Cho nên biết công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Phẩm Đâu Suất Kệ Tán: "Người nào lấy Phật làm cảnh giới, chuyên niệm không thôi sẽ thấy vô số Phật". Phẩm Hiền Thủ nói: "Nếu thường niệm Phật, tâm không động loạn, ắt thường thấy vô lượng Phật. Nếu thường thấy vô lượng Phật ắt biết Như Lai thường trụ". Kệ trên luận về trì danh nên dùng chữ "số".
Kệ sau từ Hóa Thân, Báo Thân mà tới Pháp Thân cho nên dùng 2 chữ "vô lượng". Người ta biết con số có lượng mà không biết con số lìa lượng. Biết đếm số của danh mà không biết lìa số của danh. Biết lìa số của danh thì trọn ngày niệm mà ly niệm. Vì lìa lượng của số nên một Phật là tất cả Phật. Phẩm Tùy Hảo Quang Minh nói: "Ta nói ngã mà không chấp ngã, ngã sở. Tất cả chư Phật cũng vậy, tự nói là Phật mà không chấp ngã, ngã sở".
Song người mới tu phải dùng con số để hàng ngày khắc định thời khóa công phu. Từ một đến vạn, từ vạn đến ức, tâm không lìa Phật, Phật không rời tâm. Như mặt trăng đáy nước, trăng đâu có ở trong nước. Như xuân tại cành hoa, xuân cũng chẳng ở ngoài cành hoa. Như thế niệm Phật, danh hiệu tức Pháp Thân vì tánh của danh hiệu bất khả đắc. Pháp Thân tức danh hiệu vì Pháp Thân ở khắp tất cả. Cho đến Báo Thân, Hóa Thân cũng chẳng khác danh hiệu.
Phẩm Như Lai Danh Hiệu nói: "Một danh hiệu Như Lai ngang với pháp giới hư không giới. Tùy chúng sanh tâm mỗi mỗi thấy sai biệt". Phẩm Tỳ Lô Giá Na xưng dẫn các cổ Phật, lấy một Tỳ Lô đại diện vì tất cả chư Phật đều có Tỳ Lô tạng thân, cổ kim chẳng khác. Như thế trì một Phật danh toàn thâu pháp giới. Chẳng quá khứ, hiện tại, vị lai; cũng chẳng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mười phương ba đời ở ngay đương niệm. Chứng được chỗ này, không trải sát na, thành Phật đã xong.
IV- Niệm Tỳ Lô Giá Na Phật đốn nhập Hoa Nghiêm pháp giới.
Như phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm, 10 phương đại Bồ tát cùng Thiên long quỷ thần nói về pháp môn tự chứng, lấy Như Lai quả địa phát khởi lòng tin hiểu cho người, đưa người vào Niệm Phật tam muội. Từ phẩm Như Lai Hiện Tướng cho đến Tín, Trụ, Hành, Hồi Hướng, mỗi phẩm đều có 10 phương các đại Bồ tát và các thế chủ nói kệ tán Phật. Riêng phẩm Thập Địa, mỗi Địa đều nói: "Không lìa niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng" thế thì biết các ngôi vị cao thấp khác nhau, không ngôi nào chẳng lấy Niệm Phật làm bản hạnh. Phật Phật đạo đồng.
Cử một đức Tỳ Lư là nhiếp không cùng tận. Mười hạnh nguyện Phổ Hiền, môn Thường Theo Phật Học: "Như ở cõi Ta Bà, đức Tỳ Lô Giá Na từ sơ phát tâm tinh tấn bố thí bất khả thuyết bất khả thuyết thân mệnh cho đến khi thành Bồ Ðề. Như thế tôi thường theo học". Bổn Sư ta, nhân địa tu hành quảng đại vô biên không thể nghĩ bàn, cảm quả báo cũng quảng đại vô biên không thể nghĩ bàn. Bậc tu hành chân thành tin hiểu ta có Phật tánh, liền khởi tâm dũng mãnh, tâm quyết định, tâm gánh vác. Như thế cùng với đức Bổn Sư lúc sơ phát tâm không khác.
Tịch Tịnh Âm Hải Dạ thần nói: "Ta được Niệm Niệm Xuất Sanh Quảng Ðại Bồ Tát Trang Nghiêm Giải Thoát. Đã vào 10 bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số biển pháp giới an lập, thấy ở nơi mỗi biển, trong mỗi hạt bụi đều có bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần cõi Phật. Mỗi cõi đều có Tỳ Lô Giá Na ngồi đạo tràng thành Chánh Giác, hiện các thần biến, mỗi mỗi khắp tất cả biển pháp giới".
Khai Phu Thọ Hoa Dạ thần vào Xuất Sanh Quảng Ðại Quang Minh Giải Thoát môn, hễ nhớ nghĩ tới biển công hạnh của đức Tỳ Lư Giá Na, liền được thấy rõ ràng.
Diệu Đức Viên Mãn thần được Tự Tại Thọ Sanh Giải Thoát môn, vào biển Tỳ Lô Giá Na vô lượng thọ sanh, cũng thấy Như Lai thị hiện thọ sanh không gián đoạn, trong vô lượng cõi. Như thế tận 10 phương giới không nơi nào bằng một đầu kim chẳng phải là pháp giới Tỳ Lư. Thế gọi là niệm Phật pháp giới cũng gọi là niệm khắp tất cả Phật.
Thiện Tài đồng tử đầu tiên tham học Đức Vân được dạy pháp môn Niệm Phật. Đến cuối cùng lại được Phổ Hiền Bồ tát vì nói kệ xưng tán Như Lai công đức, như thế nghĩa là vẫn y như cũ, không lìa pháp môn Niệm Phật. Kệ rằng : "Hoặc thấy thế giới đẹp khôn sánh, đã được Phật nghiêm tịnh từ vô lượng kiếp. Đức Tỳ Lô Giá Na tối thắng tôn nơi đây giác ngộ thành Bồ Ðề. Hoặc thấy Phật Vô Lượng Thọ.
Các Bồ tát như Quán Tự Tại vây quanh, đều đã trụ ngôi Quán Ðỉnh, tràn đầy 10 phương các thế giới". Lại nói : "Hoặc thấy Thích Ca thành Phật đạo đã trải bất tư nghì kiếp. Hoặc thấy nay mới là Bồ Tát đang làm lợi ích chúng sanh. Hoặc thấy Như Lai Vô Lượng Thọ trao ký cho các Bồ tát thành vô thượng đại đạo sư, sẽ bổ xứ về cõi An Lạc". Cho nên biết pháp giới chư Phật biến nhiếp biến dung. Di Đà là toàn thể Giá Na. Cực Lạc chẳng lìa Hoa Tạng. Tùy tâm chúng sanh thấy, mỗi mỗi không đồng. Phật bản lai thường bất động.
V- Niệm Cực Lạc thế giới Phật A Di Đà, viên mãn Phổ Hiền hạnh nguyện.
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện: “Muốn thành Như Lai công đức phải tu 10 hạnh nguyện quảng đại. Thọ trì đọc tụng 10 nguyện vương này, mệnh chung liền được vãng sanh Cực Lạc thế giới”. Kinh Hoa Nghiêm chuyên hiển cảnh giới Tỳ Lư, làm sao cuối cùng quy về Cực Lạc? Bởi vì A Di Đà là Vô Lượng Quang. Tỳ Lô Giá Na là Quang Minh Biến Chiếu.
Vì đồng một thể nên chẳng đến đi. Vì trong một thể cũng chẳng ngại có đi có đến. Đại Thừa Khởi Tín Luận: "Chúng sanh mới học đạo, mong cầu chánh tín, sợ rằng ở cõi Ta Bà chẳng thường gặp Phật thân thừa cúng dường, tâm dễ thoái lui. Như Lai có thắng phương tiện nhiếp hộ tín tâm, dạy chuyên niệm Tây phương An Lạc thế giới A Di Đà Phật. Bao nhiêu thiện căn tu được, hồi hướng nguyện cầu sanh thế giới kia, liền được vãng sanh. Vì thường thấy Phật nên không thoái lui".
Tỳ Lư báo độ thì Nhị Thừa và phàm phu không phần. Còn bên Cực Lạc lại phân trương 9 phẩm đón rước cả vạn loài. Một phen vãng sanh cắt ngang sanh tử. Các kinh so sánh 2 cõi hơn kém đã nhiều. Đây không cần nhắc lại. Có kinh dạy 10 niệm. Có kinh dạy từ 1 đến 7 ngày. Có kinh dạy quán thân trượng sáu. Có kinh dạy quán thân 60 vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần. Chung quy chẳng ra ngoài số lượng.
Đâu bằng Hoa Nghiêm một niệm phổ quán, dọc suốt ba đời ngang bằng thập hư. Sơ phát tâm liền siêu số lượng. Bao nhiêu tịnh nhân đều tối thù thắng. 48 nguyện Phật A Di Đà khắp nhiếp chúng sanh. Phổ Hiền hạnh vương thể hàm hư không, tơ hào không có phân cách. Vì vậy thời gian không dời đổi, không gian chẳng xê dịch, nhậm vận vãng sanh, hoàn đồng bản giác.
Văn dưới nói: "Tới rồi liền thấy Phật A Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc..." Văn Thù, Phổ Hiền không lìa cõi này mà vẫn ở phương kia. Tùy tâm chúng sanh niệm niệm xuất hiện. Nên biết Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc thường chuyển kinh Hoa Nghiêm không gián đoạn.
Nếu không có diệu trí quan sát, không sao tỏ được tâm ta vốn đủ tịnh nhân. Cho nên đầu tiên thiện tri thức số một là Văn Thù. Lại nếu không đại nguyện trang nghiêm cũng chẳng thể viên mãn tịnh quả mà tâm ta vốn đủ. Cho nên cuối cùng Phổ Hiền chung kết.
Quán Âm, Di Lặc, một bổ xứ Di Đà, một bổ xứ Thích Ca, hai Thánh đồng hội để chứng Lạc Bang, Hoa Tạng không một chẳng hai. Di Lặc quan sát 10 phương duy thức. Thức tâm viên minh vào Viên Thành Thật. Đây là chính nhân Tịnh Ðộ. Quán Âm do như huyễn văn huân vô tác diệu lực, vào các quốc độ thành tựu Bồ Ðề. Đây là cực quả của Tịnh Ðộ.
Văn dưới nói: “Người ấy tự thấy sanh trong hoa sen, mong Phật thọ ký. Được thọ ký rồi, suốt đời vị lai dùng trí tuệ lực lợi ích chúng sanh. Chẳng bao lâu sẽ ngồi tòa Bồ Ðề, nơi đạo tràng hàng phục ma quân, thành Ðẳng Chánh Giác, chuyển diệu pháp luân, khiến cho vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ Ðề, đồng chứng đạo quả”.
Toàn bộ Hoa Nghiêm ở nơi kết quả này. Ai người trí tuệ hãy quyết tin vào. Một niệm rụt rè, luân hồi vô tận! Ô hô! Khổ thay!
Nhiếp thọ chánh pháp cần 3 yếu tố: Tín, Nguyện, Hạnh. Chí chuyên cần dựa lòng hâm mộ. Hâm mộ y chỉ Tín và là động lực của tâm nguyện cầu, khiến phát khởi ý chí tinh tấn thực hành. Về nghĩa chân thường diệu hữu trong Ðại Thừa Phật Pháp thì Tín đặc biệt trọng yếu. Lòng tin không chân thành tha thiết thì dù thông hiểu giáo lý mà vẫn chẳng thật hành. Cần phải tin chắc nhân sanh đang bị trăm khổ bức bách.
Tin Phật Pháp có khả năng cứu độ chúng sanh. Tin công đức Phật vô biên, trí tuệ Phật vĩ đại, giáo pháp của Phật chân chánh. Tin quyết chắc đạo Phật đã đề xướng lên nghĩa cứu cánh của Nhất Thừa thật không hư vọng. Có tin mới chịu phát nguyện, rồi từ nguyện khởi hạnh. Tín tâm là bước đầu của sự nghiệp học đạo, thọ Tam Quy, vào chánh giáo. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tin là mẹ các công đức lành”. Trí Độ Luận nói: “Có Tin như có tay, vào núi báu Phật Pháp không luống uổng”.
Phật Pháp là kết tinh của vô biên trí tuệ, là nguồn gốc của tất cả công đức quý báu. Có Tín Nguyện Hạnh mới vào được cửa Phật thừa. Y đức lập danh thì HOA chỉ cho các thứ công đức. Thánh Hiền tự trang nghiêm bằng công đức. Kinh Hoa Nghiêm lấy đại hạnh của Bồ tát làm HOA để trang nghiêm Phật quả. Pháp Thân tức Như Lai Tạng, chúng sanh nào cũng vốn sẵn nhưng không hiển bày vì không có công đức trang nghiêm. Nhân thiên công đức, Nhị Thừa công đức đều trang nghiêm nhưng đại hạnh Bồ Tát đặc biệt thơm tươi rực rỡ nên ví như HOA.
Hỏi: 5 môn kể trên cần vào 1 môn hay phải học cả 5?
Đáp: Thượng căn lợi trí rõ được tự tánh Di Đà, minh bạch duy tâm Tịnh Ðộ. Nêu Pháp Thân là nhiếp không cùng tận. Lý thì đốn ngộ, sự phải tập dần. Giáo chỉ Hoa Nghiêm, Sơ Trụ tức đồng chư Phật. Xong vẫn Tín, Trụ, Hành, Hồi Hướng tiến tu. Chẳng ai không đi đường ấy mà tới Diệu Giác. Thứ lớp rõ ràng. Thủy chung cho đến 10 Địa. Do đại nguyện lực, khoảnh khắc một niệm thấy na do tha Phật.
Còn trên quả địa cầu này, tùy chỗ đã thấy Phật mà có các thứ sai khác. Cõi này người tu dù đã phục hoặc phát ngộ nhưng chưa chứng vô sanh, sao thoát thân sau? Không nương Phật lực, công hạnh khó viên. Cần hướng về Lạc bang, thân thừa thọ ký, tịnh các tập khí mới mãn nguyện vương. Đây là một cửa mở nẻo siêu vượt diệu trang nghiêm.
Ai còn thô hoặc, chưa hết nghi tình thì càng phải chuyên trì một danh hiệu Phật. Kiền cần phát nguyện như con thơ nhớ mẹ, lấy chết làm hẹn kỳ lại thêm giáo quán huân tu, trợ phát thắng trí, cảm ứng đạo giao, công không luống uổng. Như đây toàn bằng một niệm mà nhiếp đủ các môn. Một nguồn lợi lớn quý báu, nhất định phải hồi đầu chuyển não.
Hỏi: Anh thích pháp môn Niệm Phật, sao không dùng các kinh về Tịnh Ðộ mà lại đem tâm chú trọng vào Hoa Nghiêm? Căn cứ nơi quả để tìm hiểu nhân, 2 đường lối khó hợp.
Đáp: Kinh Vô Lượng Thọ phần Tựa khuyến tiến người tu, 3 ngôi vãng sanh đều dạy phải phát tâm Bồ Ðề. Song nếu không rõ Phật trí, bất tư nghì trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí, tuy có niệm Phật mà lòng chưa quyết tin thì dù tu công đức vẫn đọa biên địa. Ai thành tâm muốn ngồi tòa sen báu, đăng ngôi bất thoái, phải y Văn Thù trí, vững nguyện Phổ Hiền, hồi hướng vãng sanh. Nay kinh Hoa Nghiêm chính hợp lời dạy. Thượng phẩm thượng sanh trong Quán Kinh cũng đòi điều kiện là phải tụng đọc Ðại Thừa Phương Ðẳng kinh điển. Kinh Hoa Nghiêm là đệ nhất tối tôn. Nhân quả không sai, đâu có lạc nẻo.
Hỏi: Hoa Nghiêm pháp giới trùng trùng mật nghĩa, dùng vô lượng Tu-đa-la làm quyến thuộc, làm sao một môn Niệm Phật mà phổ nhiếp được?
Đáp: Thành thật mà nói, giáo chỉ rộng sâu, tự có phương tiện cho sơ tâm vào đạo. Vào một môn này bèn khắp suốt vô biên pháp giới. Thiện Tài đồng tử nơi một chân lông của Phổ Hiền, qua bất khả thuyết bất khả thuyết vi trần số thế giới, tận kiếp vị lai, niệm niệm chu biến vô biên sát hải. Người niệm Phật cũng thế vì một niệm vốn vô lượng.
Pháp giới quán rất nhiều nhưng đặc biệt thiết thật có 3:
1. Chân không môn, lọc vọng tình để hiển lý tức là niệm Pháp Thân Phật.
2. Lý sự vô ngại môn, dung hòa lý sự để hiển dụng tức là niệm Phật công đức.
3. Chu biến hàm dung môn, nhiếp sự sự để hiển nguồn gốc tức là niệm danh hiệu Phật.
Thanh Lương Sớ Sao chia làm 4 pháp giới:
1. Nhất tâm niệm Phật không tạp nghiệp khác tức nhập sự pháp giới.
2. Tâm và Phật đều vong, nhất chân độc thoát tức vào lý pháp giới.
3. Tức tâm tức Phật, đại dụng tề trương tức nhập lý sự vô ngại pháp giới.
4. Phi tâm phi Phật thần diệu khó lường tức nhập sự sự vô ngại pháp giới.
Phải biết một môn Niệm Phật chẳng pháp nào không nhiếp. Cho nên kinh Hoa Nghiêm tôn trọng đức Tỳ Lư, lấy Cực Lạc làm chỗ quay về. Đã gần Di Đà không lìa Hoa Tạng, châu báu của nhà vốn đủ tha hồ thọ dụng. Không vào môn này trọn không cứu cánh.
Hỏi: Phương Sơn Luận cho rằng Tịnh Ðộ ở phương khác là quyền chẳng phải thật. Lời bàn này làm sao cho thông?
Đáp: Giáo chia 4 cõi.
1. Thường Tịch Quang độ là cõi của Phật.
2. Thật Báo độ là chỗ của Pháp Thân Bồ tát.
3. Hữu Dư độ là chỗ của Nhị Thừa.
4. Đồng Cư độ là nơi phàm Thánh chung ở, gồm cả uế tịnh.
Người tu ở Ta Bà do lực chuyên niệm, tập các công đức, hồi hướng Tây phương. Hoặc nghiệp chưa đoạn, sanh về Đồng Cư. Hân tịnh chán uế nếu tha thiết, thô lậu tiêu dần, nghe pháp tăng tiến, sanh về Hữu Dư. Nếu tu nhân Viên giáo, thâm đạt thật tướng, dùng Phổ Hiền hạnh nguyện hồi hướng vãng sanh, cảm cõi Thật Báo.
Thân thừa thọ ký, phần chứng Tịch Quang. Cho nên người tại quyền thừa, tất cả đều quyền như hóa thành trong kinh Pháp Hoa vì chẳng ngoài tự tâm. Người rõ Thật Tướng, tất cả đều thật như Cực Lạc ở kinh này. Vì toàn đủ Hoa Tạng. Khi Phương Sơn làm luận, phẩm Hạnh Nguyện chưa tới Trung Hoa. Cho nên ở một môn Tịnh Ðộ tẽ sinh phân biệt, trở lại thấy kinh văn trái nghịch. Nên biết từ chân khởi huyễn tức huyễn toàn chân, sanh diệt đều lìa, tự tha không hai, một niệm viên dung phổ chu pháp giới mới là Trung Ðạo liễu nghĩa Nhất Thừa.
Đề xướng khẩn thiết của Phương Sơn chỉ ở chỗ Thập Trụ sơ tâm tức thành Chánh Giác. Song y giáo pháp thì chính cùng với Ðại Thừa không khác. Ở ngôi Viên Tín, hết kiến tư hoặc lại đoạn trần sa tiến vào Viên Trụ, dung phá vô minh, chứng Vô Sanh Nhẫn, vị ngang Sơ Địa Biệt giáo. Nếu y tự lực như bọn mê muội chợt mong ngôi báu, cho bản lai là Phật, không lạc giai cấp. Phải nương thiện xảo phương tiện mới có thể khắc chứng.
Đâu bằng hạnh nguyện ở quyển chót: Đem tâm tin sâu, trì tụng 10 đại nguyện vương. Trong một sát na, vãng sanh Cực Lạc, trụ ngôi Bất Thoái. Phàm phu mới phát tín tâm đã ngang nhiên vào thẳng. Thật là chí viên chí đốn không thể so sánh. Hạnh ngộ diệu kinh, nhân duyên chẳng nhỏ. Hạt châu vẫn trong chéo áo, khách tự nhọc nhằn. Dám khuyên các bậc cao lưu đồng tâm tín thọ.
Hỏi: Đời Tùy, Tăng Linh Cán tu Hoa Nghiêm quán, lâm chung thấy nước chan hòa, ngồi trên hoa sen lớn. Đã thẳng về Liên Tạng, đâu cần gặp Di Đà?
Đáp: Hoa Tạng thế giới có 10 bất khả thuyết Phật sát vi trần số Hương Thủy Hải. Có 10 bất khả thuyết thế giới chủng an trụ. Mỗi thế giới chủng lại có bất khả thuyết thế giới. Tây phương An Lạc cũng ở trong đó. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: "Trong tâm bay lên, kiêm phước kiêm tuệ lại có tịnh nguyện thì tự nhiên tâm khai, thấy 10 phương Tịnh Ðộ của chư Phật, tùy nguyện vãng sanh". Chỉ gần Di Đà tức tới Hoa Tạng. Trước có Thiện Tài sau có Long Thọ. Đường lối này ngàn thánh cùng đi. Không tuân lời Phật dạy, tự khốn khổ trong các đường rẽ, đúng là đáng thương.
Nay lấy việc gần để nêu tỏ. Đời Tống, đất Minh Châu, đạo nhân ở am tranh tu viên đốn giáo quán. Năm Càn Long thứ 3, tháng 4 ngày 17, lão chủ nhân đặt tiệc ăn mừng, từ biệt đồ chúng rằng: "Hoa Nghiêm thế giới đổng triệt trạm minh. Rất hợp bản hoài. Nay ta đi đây". Bèn khiến đọc bài tán Di Đà:
"Vô biên sát hải, hải hàm không.
Hải không toàn chỉ liên hoa cung
Liên cung chu biến biến không hải
Không hải độc linh Di Đà dung.
A Di Đà Phật chẳng sanh diệt
Khó tìm khó nắm trăng đáy nước
Tuyệt phi lìa cú thân như thế
Như vậy cảm thông, như vậy nói.
Ta với Di Đà vốn không hai
Vọng giác thầm sanh hốt thành khác
Nếu mà quét sạch không còn bụi
Cha con đương nhẽ lại gặp nhau.
Thề tu ba phước, chăm sáu niệm
Thân miệng ý không một vết nhơ
Ta nay như thế niệm Di Đà
Chẳng thấy Di Đà vẫn không chán”.
Tán rồi theo chúng xướng danh hiệu Phật vài trăm câu. Phúng tụng Quán Kinh, đến chỗ thượng phẩm thượng sanh, bèn thâu niệm, ngồi mà thoát. Đại thần họ Uông bình rằng: “Đây là chính nhân Tịnh Ðộ Đây là chính tín Hoa Nghiêm”.
Bồ Tát giới đệ tử Bành Tế Thanh luận
Việt dịch: Sư Bà Hải Triều Âm