;
Lời giới thiệu của ngưòi dịch
Tập san Phật giáo Regard Bouddhique (Hướng nhìn Phật giáo) của Pháp, số tháng ba và tư, 2015, với chuyên đề "Phật giáo và việc chữa trị bệnh tật" có một bài của nữ ký giả Carole Rap, phỏng vấn thiền sư Roland Yuno Rech về phép tọa thiền (zazen) và việc chữa trị bệnh tật.
Roland Yuno Rech sinh năm 1944, được nhà sư Niva Rempo Zeji vị lãnh đạo cao cấp nhất của thiền phái Tào Động (Soto) ở Nhật phong chức "Thầy" năm 1984 nhằm chứng nhận ông là một thiền sư uyên bác của học phái này. Roland Yuno Rech là đệ tử của vị Thiền sư nổi tiếng Taisen Deshimaru (1914-1982), người đã đưa thiền phái Tào Động vào Âu Châu. Roland Yuno Rech hiện trụ trì một thiền viện do chính ông thành lập ở Nice, một thành phố đẹp và sang trọng bên bờ Địa Trung Hải, miền nam nước Pháp. Ngoài ra ông cũng thường xuyên chủ trì các khóa tu thiền tổ chức tại Pháp cũng như tại các nước khác ở Âu Châu
Bài phỏng vấn dưới đây nêu lên nhiều nhận xét thật sắc bén và sâu sắc về sự vận hành sâu kín của tâm thức. Thật vậy các khía cạnh thật phức tạp đó của tâm thức chỉ có thể quán thấy được bởi một vị đại thiền sư mà thôi
***
Roland Yuno Rech
Tập san Hướng nhìn Phật giáo (HnPG) : Người ta thường so sánh Đức Phật với một vi Đại Lương Y là tại sao vậy?
Roland Rech : Đức Phật đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng mối quan tâm lớn nhất của Ngài là: khổ đau, nguyên nhân mang lại khổ đau và phương thuốc chữa trị các thứ khổ đau ấy. Thật hết sức rõ ràng những gì trên đây là một phép chữa trị bệnh tật. Đức Phật không quan tâm đến các vấn đề triết học siêu hình, Ngài bảo rằng các thứ ấy không giúp ích được gì trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm đối đầu với các thứ khổ đau trong tâm thức và mang lại các phương tiện làm cho những thứ khổ đau ấy phải chấm dứt. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải trở lại với Bốn Sự Thật Cao Quý, là căn bản của toàn bộ Phật giáo: tức là phải tìm hiểu những nguyên nhân nào đã mang lại khổ đau. Sự tìm hiểu đó không phải chỉ trên phương diện trí thức mà phải căn cứ vào các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình mang lại từ việc hành thiền. Dầu sao thì ít nhất cũng phải chấp nhận khổ đau là những gì rất thật.
Nhiều người cho rằng Đức Phật quá yếm thế, vì người ta [đôi khi] cũng có thể cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống. [Thế nhưng phải hiểu rằng] khổ đau không nhất thiết chỉ là những sự đau đớn mãnh liệt, mà còn là những sự bất toại nguyện (là những gì xảy ra không đúng với sự mong muốn của mình, tức là những thứ khổ đau gây ra bởi hiện tượng vô thường) thật sâu kín phát sinh từ sự thiếu giác ngộ về hiện thực sâu xa trong sự hiện hữu của chính minh.
Các thứ khổ đau đó thường bị che lấp bởi các sự thành công, hoặc những khi mình chiếm hữu được một vật gì đó mang lại sự thích thú cho mình. Khổ đau sẽ hiện ra trở lại, chẳng qua là vì những gì [tạm thời] bù đắp cho những sự bất toại nguyện đó đều là mang tính cách vô thường.
Một khi chúng ta chưa sẵn sàng chấp nhận sự hiện hữu của sự khổ đau mang tính cách thật căn bản [trong cuộc sống], và chưa đạt được một sự giác ngộ thật sâu xa [về bản chất trói buộc, vô thường và khổ đau của mình], thì khi đó chúng ta vẫn chưa ý thức được là mình cần phải chữa trị tâm linh (tu tập).
HnPG: Vậy việc chữa trị ấy có nghĩa là gì ?
Roland Rech: Có hai phép chữa trị: một thuộc lãnh vực tâm lý, và một thuộc lãnh vực tâm linh. Phép chữa trị thứ nhất liên quan đến "Đạo Pháp trong thế giới luân hồi" (Samsara Dharma), tức là giáo huấn giúp mang lại cho chúng ta một thứ hạnh phúc nào đó trong cuộc sống.
Với phép chữa trị này thì ngoài việc ý thức về nghiệp (karma), tức là hậu quả mang lại từ những hành động sai lầm của mình, và cũng là nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình, chúng ta còn phải nắm vững được các phương thức giúp mình loại bỏ các thứ khổ đau ấy. Thế nhưng căn nguyên [sâu xa] của khổ đau vẫn chưa được loại bỏ hết. Người ta chỉ tạm chữa lành một phần nào trên phương diện tâm lý, học được phương cách giúp mang lại cho mình một vài sự thỏa mãn chính đáng và loại bỏ được các triệu chứng rối loạn thần kinh, thế nhưng vẫn còn phải tiếp tục gánh chịu những biến cố có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào trong cuộc sống, làm mất đi những sự bù đắp [tạm thời] đã khiến mình tưởng như tìm thấy được đầy đủ hạnh phúc. [Thế nhưng] bất thần có một thứ gì đó thoát ra khỏi sự chủ động của mình, và tất cả đều sụp đổ (nghiệp quá khứ - căn nguyên sâu kín và lâu đời - bất thần hiện ra trở lại khi gặp được cơ duyên phù hợp với nó trong hiện tại).
"Đạo Pháp của Niết-bàn" (Nirvana Dharma) (phép chữa trị thứ hai) mới thật sự giúp chúng ta chữa lành được cội rễ của khổ đau, đó là ảo giác (phát sinh từ những sự u mê/vô minh trong tâm thức), sự bám víu vào cái ngã và sự thiếu giác ngộ (không nhìn thấy được bản chất của chính mình và hiện thực là gì), nói chung là tình trạng không tạo ra được một phong thái sống hòa hợp với hiện thực sâu kín của sự hiện hữu của chính mình,và đó cũng là bản thể đích thật của chư Phật (Phật Tính/Chân Như).
HnPG: Phải làm thế nào để chăm sóc cho mình trong cuộc sống thường nhật?
Roland Rech: Phong thái của người hành thiền chỉ có thể phát sinh từ một sự luyện tập đều đặn mỗi ngày. Thiền định không phải là một thứ gì đó mà người ta chỉ cần thỉnh thoảng luyện tập một vài giờ (chỉ cần 15 phút mỗi ngày, dần dần sẽ thành thói quen và có thể ngồi lâu hơn và nhiều lần trong ngày, sau một thời gian nào đó thì không bắt buộc phải đều đặn nữa mà lúc nào mình cũng ở trong trang thái thiền định, dù phải làm những công việc thường nhật).
Việc luyện tập phải thật đều đặn. Một trong các nguyên tắc căn bản nhất của thiền (zen) là không được tạo ra tính cách nhị nguyên (duality/sự đối nghịch) giữa việc tu tập và sự thực hiện(đây là một ý niệm hay quan điểm đặc thù của thiền Zen: "luyện tập" và "giác ngộ" chỉ là một. Việc tọa thiền không nhắm vào bất cứ một một mục đích nào, cũng không chờ đợi một kết quả nào cả, tọa thiền tự nó là sự giác ngộ). Sự Giác Ngộ không phải là một sự kiện chỉ xảy ra trong một vài khoảnh khắc (để tạo ra tính cách nhị nguyên giữa việc luyện tập và kết quả do nó mang lại, sự giác ngộ mang tính cách thường xuyên tàng ẩn bên trong phép tọa thiền/zazen).
Tuy nhiên sự kiện ấy cũng có thể xảy ra, đó là những gì giúp làm tan biến những sự ngờ vực căn bản và biến cải tình trạng tri thức của mình (sự "giác ngộ" ấy cũng chỉ là một sự hé thấy nào đó - chưa phải là sự giác ngộ - thế nhưng cũng có thể giúp mình vững tin hơn và mang lại cho mình một sự hiểu biết sâu sắc hơn về hiện thực hầu giúp mình tiếp tục biến cải tâm thức mình). Theo quan điểm thiền học thì việc chăm sóc cho mình trong cuộc sống thường nhật cũng đơn giản chỉ là cách biết sống thật tỉnh thức với những gì thật bình dị trong từng ngày.
Đối với việc luyện tập thiền định, và nếu có thể thì ngay từ sáng sớm cho đến chiều tối, lúc nào cũng phải cảm nhận được sự hiện diện của mình (tức là cảm nhận được sự hiện hữu của mình tương quan và liên đới với tất cả những gì đang xảy ra chung quanh mình, tóm tắt là tạo ra một sự chú tâm trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, giúp mình tránh mọi hình thức xao lãng tâm thần) với những gì mình đang làm: có nghĩa là trở thành một với từng sự vật, từng hành động một, không phân biệt là việc dọn dẹp trong nhà, đang ngồi thiền hay trong những lúc sinh hoạt nghệ thuật (viết thư pháp, cắm hoa, làm vườn...).
Trong các thiền viện Zen, người đầu bếp - gọi là tenzo - được xem là vị thầy giỏi nhất (người đầu bếp trong chùa lo toan các việc linh tinh và bình dị nhất: rửa rau, nhóm bếp, nấu cơm, quét rác…, dù bận rộn nhưng người đầu bếp lúc nào cũng giữ được sự chú tâm vào từng động tác và theo dõi từng tư duy của mình).
Thiền phái Tào Động đặc biệt quan tâm đến các phép luyện tập thiền định này và với những gì thật bình dị trong cuộc sống thường nhật (thật vậy có những người nội trợ vừa quyét nhà vừa miên man nghĩ đến đủ mọi chuyện, xúc cảm đủ loại theo đó dấy lên trong tâm trí mình khiến mình cũng không hay biết là mình đang cầm chổi quét nhà), chẳng những đối với các công việc của mình mà kể cả các sự giao tiếp trong cuộc sống tập thể (gia đình và xã hội).
Quan tâm đến kẻ khác, giúp đỡ họ, không gây ra phiền toái cho họ (phiền toái/harm, hurt, tiếng Pa-li và tiếng Phạn là himsa, là một thuật ngữ rất quan trọng trong giáo lý Phật giáo, có nghĩa là gây ra thiệt hại/thiệt thòi cho kẻ khác, nghĩa rộng là gây ra sự "bất toại nguyện" cho họ. Chữ ahimsa, có nghĩa là phi-bạo-lực/not-hurling, non-violence), giữ sự hào hiệp, không làm bất cứ điều gì dưới chi phối của cái ngã bé tí của mình: cách giữ gìn đó cũng tương đương với phép tọa thiền (zazen), tức là tập trung vào tư thế ngồi yên và quan sát tâm thức mình (như đã được ghi chú trên đây: người tu tập lúc nào cũng phải giữ được thể dạng thiền định trong tâm thức mình, không phải chỉ trong những lúc tréo chân và ngồi yên trên tọa cụ).
Đồng thời phải buông bỏ tất cả mọi hình thức tham lam (thèm muốn, bám víu), mong được chiếm hữu bất cứ một thứ gì. Tọa thiền là một phép thiền định bất vụ lợi (không nhắm vào một chủ đích nào cả)và chỉ nhắc nhở mình là phải biết sống hòa mình với các sinh hoạt thường nhật. Khi nào việc luyện tập đã trở thành thói quen, thì phong thái đó cũng sẽ trở thành bản chất thứ hai [của chính mình]. Ngoài ra phong thái đó còn nói lên các giá trị [đích thật] của chính mình, do đó sẽ không còn phải là một bổn phận [mà mình phải thực thi và giữ gìn] nữa, mà mình chỉ cảm thấy tự nhiên là như thế.
HnPG: Phải chăng đấy cũng là một sự nghịch lý khi cho rằng việc tọa thiền (zazen) sẽ mang lại sự thoải mái, trong khi đó thì lại xem phép tọa thiền không mang một chủ đích nào?
Roland Rech: Không nên quá khắt khe trong việc tìm kiếm một sự thoải mái cho mình. Tôi nghĩ rằng việc tìm kiếm sự thoải mái ấy cho mình thật chính đáng. Thật hết sức đơn giản vì đấy là điểm xuất phát. Chính sự mong cầu được an vui hơn sẽ làm phát sinh ra bồ-đề tâm (bodhicitta), tức là tinh thần giác ngộ phản ảnh lòng ước mong được bước vào con đường tu tập tâm linh.
Vì thế phép luyện tập trên đây cần phải được hướng dẫn bởi một vị thầy lão luyện nhằm giúp người tu tập không dừng lại với chủ đích mong cầu sự thoải mái, mà trái lại phải khích lệ họ nên vượt xa hơn nữa hầu tạo ra cho mình một bầu không gian hàm chứa những sự toại nguyện to lớn hơn, đó là sự buông xả (không còn bám víu vào gì nữa). Sự thoải mái (an bình, an vui) đích thật chính là thể dạng loại bỏ được mọi sự thèm khát (mong muốn, bám víu) kể cả sự mong muốn tìm được được sự thoải mái. Nếu tôi luyện tập hầu giúp tôi quán thấy hiện thức "cũng chỉ là như thế", và giúp tôi không quá bám víu vào việc thực hiện các sự mong muốn của tôi, thì tôi sẽ đạt được một sự sung sướng thật tròn đầy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Một ngày mưa hay nắng đều là một ngày đáng quý (trong các nước ôn đới một ngày nắng ấm thường hiếm hơn những ngày ảm đạm, một người bình dị cảm thấy vui thích khi thức dậy với một ngày chan hòa ánh nắng, và buồn rầu khi thấy tiết trời ảm đạm. Đối với một người tu thiền thì một ngày cũng chỉ là một ngày, và nếu đã là một ngày thì nó cũng chỉ là như thế, lòng mình lúc nào cũng thanh thản và an vui, không hy vọng một ngày nắng ấm cũng chẳng chán ghét một ngày ảm đạm).
HnPG: Làm thế nào để giúp mình đương đầu với bệnh tật?
Roland Rech: Trước hết không được bực tức với chính mình. Thật hết sức tự nhiên, ốm đau sẽ xảy đến với mình một ngày nào đó. Sau đó thì nên tự hỏi xem nguyên nhân nào đã đưa đến các bệnh tật ấy, có phải là do tình trạng mất thăng bằng trong cuộc sống, trong việc ẩm thực, hay trong công ăn việc làm hay không. Khi đã bước vào con đường tu tập tâm linh, nhất là con đường Phật giáo, thì bệnh tật sẽ là một lời giáo huấn, cũng như những gì xảy đến với mình tất cả đều là những lời giáo huấn. Vì tình trạng mất thăng bằng đó, hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Khi ốm đau xảy đến với mình thì mình cần phải nghỉ ngơi, hãy lợi dụng cơ hội đó để suy tư.
Tọa thiền là cách mang lại cho mình một sự tỉnh giác giúp mình theo dõi những gì xảy ra trong cơ thể, và đấy cũng là cách giúp mình nhận biết được tình trạng mất thăng bằng của mình đã là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho mình. Đối đầu với bệnh tật cũng là một cách tập cho mình kiên nhẫn, bởi vì dù là mình có khám phá được nguyên nhân và được điều trị thuốc men đúng cách đi nữa, thì cũng cần phải có thời gian, bởi vì bệnh tật không thể chấm dứt trong đầu hôm sớm mai được.
Ngoài ra cũng phải chấp nhận tình trạng ốm đau của mình, không nên oán hận các nguyên nhân mang lại những sự bất toại nguyện và đớn đau cho mình, mà phải nhìn vào mọi sự một cách nhẹ nhàng hơn .
HnPG: Có các phương pháp luyện tập đặc thù nào giúp chữa trị bệnh tật trên thân xác hay không?
Roland Rech: Thiền phái Tào Động được hình thành ở Trung Quốc, và các việc chữa trị bệnh tật trong các thiền viện [thời bấy giờ] là các phương pháp y khoa cổ truyền của Trung Quốc. Đó là các phương pháp xoa bóp (ấn huyệt), đốt ngải cứu, các phương thuốc thiên nhiên (dược thảo, v.v.). Thế nhưng ngày nay người ta không còn khuyên người bệnh chỉ nên theo các cách chữa trị ấy mà thường bảo họ nên tìm bác sĩ để chữa trị với các phương pháp tân tiến hơn.
Tuy nhiên ngày nay người ta vẫn còn tiếp tục bảo tồn nền y khoa cổ truyền. Đối với việc luyện tập thiền Zen thì phép hít thở giữ một vai trò thật chủ yếu. Phép thở ra rất quan trọng, phải đẩy hơi thở ra cho thật hết, đấy là cách tống khứ ra ngoài tất cả cặn bã của hơi thở, và khi hít vào thì cũng phải thật sâu, tương tự như khi thở ra (khi nào cảm thấy mệt mỏi thì nên hít vào thật sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng, vì thở ra bằng miệng sẽ giúp cho không khí trong phổi dễ thoát ra ngoài hơn. Trong những lúc bình thường trong ngày nếu có thể hít thở theo cách đó cũng tốt cho sức khỏe. Trong lúc tọa thiền thì việc hít thở đều phải bằng mũi, giữ thật đều đặn và thật sâu).
Cách hít thở thật sâu sẽ dồn năng lượng xuống vùng ruột bên dưới rốn, là một trung tâm năng lượng đôi khi còn được xem như là não bộ thứ hai. Mỗi khi bị kích thích thì vùng năng lượng này sẽ giúp cho tâm thần lắng xuống, và có thể làm giảm xuống các sự đau đớn trên thân xác (kích thích và dồn năng lượng vào vùng ruột ở vị trí dưới rốn sẽ làm nhẹ bớt sự căng thẳng của não bộ). Ở Âu Châu những người tu tập thiền Zen thường khuyên người mang thai nên áp dụng cách hít thở trong phép tọa thiền khi chuyển bụng và cả trong lúc sinh nở(cách hít thở đúng theo phép tọa thiền sẽ giúp người phụ nữ tập trung tâm thần, bình tĩnh, thư giãn).
Có tất cả ba trung tâm năng lượng: trung tâm tinh thần thuộc vùng não ở vị trí trước trán, trung tâm xúc cảm thuộc một vùng ở giữa xương ức và rốn (plexus solaire/đám rối dương), và trung tâm tồn lưu năng lượng thuộc vùng ruột ở vị trí khoảng ba đốt tay bên dưới rốn (tiếng Nhật gọi là trung tâm hara) và cũng là trung tâm quan trọng hơn cả. Trong những lúc sinh hoạt thường nhật, vùng não bộ trước trán phải làm việc nhiều nhất và do đó thường tạo ra tình trạng căng thẳng tâm thần.
Trong những lúc sinh hoạt đó người ta suy nghĩ quá nhiều, lúc thì hướng về quá khứ, lúc thì hy vọng hoặc lo lắng về những gì sẽ có thể xảy đến với mình trong tương lai. Nếu biết tập trung năng lượng vào vùng trung tâm xúc cảm thì tâm thần sẽ lắng xuống (theo thiển ý của người dịch các dòng này thì đó là một cách đánh "lạc hướng" sự suy nghĩ trong tâm thức, dồn năng lượng của sự suy nghĩ vào vùng dưới rốn là cách gián tiếp hóa giải các xúc cảm do tư duy tạo ra trong não bộ. Thí dụ trong lúc cơn giận đang nổi lên thì dồn năng lượng của sự giận dữ vào vùng trung tâm hara bên dưới rốn, năng lượng của sự giận dữ sẽ không bùng lên qua các hình thức xúc cảm hung hăng trong tâm thức và các ngôn từ và động tác trên thân thể) và nhờ đó sẽ giúp mình hòa nhập dễ dàng hơn với từng khoảnh khắc của thực tại.
Trong đời sống xã hội tân tiến ngày nay, vùng trung tâm bị khích động thứ hai là vùng trung tâm xúc cảm. Nhiều người hô hấp thật căng thẳng và hời hợt (hít thở quá nhanh nhưng không sâu) bởi vì họ bị bế tắc ở vị trí của màn ngăn ruột (diaphragm/cơ hoành) (tức là vùng trung tâm xúc cảm). Họ tự tạo ra một tấm áo giáp bao bọc cơ thể, đưa đến tình trạng căng thẳng trầm trọng. Nếu làm cho vùng này (trung tâm xúc cảm ở vị trí màn ngăn ruột) được thư giản thì đó là cách giúp nó tiếp nhận các xúc cảm [dễ dàng hơn], không quá bàm víu vào chúng, nhờ đó nó cũng sẽ loại bỏ được các xúc cảm một cách tự nhiên hơn, không cần cố gắng nhiều (các xúc cảm nói đến trên đây là các xúc cảm đủ loại - thường là bấn loạn, phát sinh với những người bình dị qua các sự giao tiếp và sinh hoạt xã hội của họ.
Đối với một người tu hành thì các xúc cảm - dù hiện ra trong bất cứ cảnh huống nào - thường là thấm đượm lòng từ bi, tình thương yêu và sự hào hiệp. Những xúc cảm ấy thay vì gây ra sự bế tắc cho trung tâm xúc cảm, thì trái lại sẽ khai thông trung tâm này và mở ra một bầu không gian tỏa rộng mang lại sự thanh thoát và hân hoan).
HnPG: Việc đó có thể thực hiện được bằng phép tọa thiền (zazen) hay không?
Roland Rech: Tọa thiền là cách tốt nhất giúp thực hiện cách hít thở đó (hít thở thật sâu). Tư thế tọa thiền giúp cho việc hô hấp được dễ dàng. Với tư thế tọa thiền, vùng khung chậu (phần dưới của thân thể: gồm mông và đùi) sẽ nghiêng về phía trước, năng lượng nhờ đó sẽ dồn vào bụng dưới dễ dàng hơn, bụng trên sẽ không bị ép lại và hơi thở ra sẽ có thể khởi động thật sâu từ vùng ruột bên dưới (nếu muốn tạo ra tư thế ngồi đó thì người hành thiền phải có một tọa cụ - gối ngồi - thích hợp với tầm vóc của mình.
Các chùa Phật giáo Theravada và một vài chùa Phật giáo khác thường có trang bị "tọa cụ" cho Phật tử đến chùa, nhưng thường là các tấm đệm mỏng hoàn toàn không thích nghi cho việc tọa thiền. Tọa thiền đúng cách phải có tọa cụ với chiều cao phù hợp với tầm vóc của mỗi người). Khi người hành thiền chú tâm vào tư thế ngồi và hơi thở thì sẽ không bị lôi cuốn bởi các hiện tượng tâm thần hiện ra trong tâm trí mình, nhất là các hiện tượng thuộc lãnh vực xúc cảm (cũng tương tự như những lúc chú tâm vào các động tác của tay chân khi múa Tài Chí và Khí Công, sự chú tâm đó sẽ giúp mình không miên man nghĩ đến các chuyện khác, và sau khi múa xong thì mình thấy tỉnh táo, đó là nhờ trong lúc múa may các xúc cảm đủ loại không phát sinh từ sự suy nghĩ miên man của mình).
Không tìm cách loại bỏ chúng, nhưng cũng không nên để mình bị chúng nắm bắt, nhờ đó mình sẽ dễ chủ động được chúng hơn (trong khi hành thiền chỉ cần theo dõi các hiện tượng tâm thần - tư duy và xúc cảm - hiện ra, dấy lên và sau đó tự tan biến, chỉ cần giữ thanh thản và bình tâm và xem các tư duy và xúc cảm ấy không phải là của mình).
HnPG: Tại sao ba thứ độc tố [tâm thần] (vô minh, tham lam và giận dữ) cũng là các độc tố của thân xác?
Roland Rech: Vô minh khiến người ta chểnh mảng không quan tâm đúng mức đến các đòi hỏi của thân xác, do đó việc ẩm thực không điều độ, sự sinh hoạt thiếu thăng bằng. Tham lam (thèm khát) thường là một hình thức bù đắp cho những thứ khổ đau phát sinh từ những sự mong cầu sâu kín, theo tôi thì chúng là những gì thuộc lãnh vực tâm linh. Các hình thức bù đắp ấy sẽ đưa đến các hậu quả nguy hại đến thân xác. Nhiều người cứ hễ gặp phải một chút bất toại nguyện nào (lo buồn hay khổ đau) thì chộp ngay các của ngọt để ngấu nghiến, hoặc uống rượu hay hút thuốc lá.
Đối với sự giận dữ thì chỉ cần giận dữ thật sự một lần thì bạn sẽ cảm thấy ngay là nó đầu độc mình đến mực độ nào! Sự giận dữ sẽ khiến cơ thể tiết ra các kích thích tố (hormone) hung hăng khiến nội tâm căng thẳng. Người ta tìm cách thoát khỏi sự chi phối sinh lý của sự giận dữ bằng cách cứ mặc cho thân xác nổ tung - cách mà chúng ta phải tránh - hoặc bằng thiền định.
Người ta có thể khắc phục sự giận dữ khi hiểu được nguyên nhân làm phát sinh ra nó, ngay từ lúc nó mới bắt đầu phát sinh. Xúc cảm [giận dữ] khi mới bắt đầu hiện ra thật không đáng kể. Thế nhưng sau đó nếu không ý thức được những gì đang xảy ra và vì nguyên nhân hiềm khích nào đã khiến mình giận dữ, thì sức mạnh của nó sẽ bùng lên rất nhanh. Sự vô ý thức đó - tức là tình trạng u mê của mình - sẽ khiến mình phản ứng hoàn toàn không thích nghi.
HnPG: Làm thế nào để chữa trị sự sợ hãi?
Roland Rech: Không cần thiết phải chữa trị sự sợ hãi. Lần đầu tiên tôi đi nghe vị Thầy Deshimaru thuyết giảng là vào năm 1972. Ông ta bắt đầu bằng câu sau đây: "Các bạn phải biết sợ hãi"; sợ hãi vì mình không đạt được giác ngộ, sợ hãi vì mình không thấu hiểu được sự vận hành của vũ trụ (nguyên văn là: suivre l’ordre cosmique/follow the cosmic order/bắt kịp được quy luật chuyển động của vũ trụ). Sợ hãi là một sự cảnh báo. Những kẻ không biết sợ hãi là gì rất là nguy hiểm, cho chính họ và cho cả người khác.
Tuy nhiên nếu sự sợ hãi là một hình thức xúc cảm đớn đau phát sinh từ một sự lo sợ triền miên, thì phép tọa thiền nhất định là có thể chữa lành được, bằng cách tìm hiểu ngược về căn nguyên đã đưa đến sự sợ hãi đó: sợ hãi vì cho rằng mình có thể sẽ bị mất đi những gì mà mình bám víu, hoặc sợ hãi vì nghĩ rằng mình có thể sẽ không đạt được những gì mà mình thèm muốn. Sự sợ hãi luôn luôn đi đôi với sự thèm khát (thèm muốn/mong cầu).
Đó là các triệu chứng hé lộ cho thấy cái ngã của mình đang cảm thấy yếu đuối và mong tìm một sự an toàn nào đó cho mình. Nguyên tắc căn bản nhất trong phép luyện tập thiền Zen là buông bỏ sự bám víu vào cái ngã của mình. Điều đó không có nghĩa là không được phép có cái ngã, mà chỉ có nghĩa là không được bám víu vào nó, sự khác biệt là ở chỗ đó.
HnPG: Nhiều người cho rằng Giáo Huấn của Đức Phật là nhằm vào việc chữa trị tâm thần hơn là thể xác. Tại sao ?
Roland Rech: Mỗi khi đau khổ thì chính là tâm thức đau khổ, không phải là thân xác. Tất nhiên cũng có những sự đau đớn trên thân xác, thế nhưng các giác cảm đau đớn là do tâm thức cảm nhận. Đau đớn phát lộ bên trong tâm thức. Do đó nếu chủ động được tâm thức thì có thể làm giảm bớt những sự đau đớn trên thân xác. Một số các vị thầy tu tập theo thiền Zen có thể chịu đựng được các phẩu thuật y khoa mà không cần đến thuốc tê hay thuốc gây mê.
HnPG: Người ta có thể chữa lành được tâm thức hay không?
Roland Rech: Tôi vừa xuất bản một quyển sách mang tựa là Chữa lành Tâm thức (Guérir l’Esprit, Éditions Yuno Kusen), góp phần hướng dẫn thêm cho những người giảng dạy về thiền Zen. Tôi muốn nhấn mạnh một điều là thiền Zen không phải là một thứ thuốc trị bá bệnh. Phép tọa thiền tuy rất hiệu nghiệm trong việc giải trừ ba thứ độc tố tâm thần là sự bám víu (thèm muốn), hận thù (ghét bỏ) và vô minh (u mê tâm thần), nhưng không chữa lành được các bệnh tâm thần (psychosis) (thật hết sức hiển nhiên bởi vì việc tọa thiền cần đến một quyết tâm tinh khiết và một sự minh mẫn nào đó, một khi đã lâm vào các chứng bệnh tâm thần thì thật hết sức khó để mà tọa thiền, do đó phép tọa thiền chỉ có thể giúp ngăn ngừa các thể dạng bấn loạn và khủng hoảng tâm thần có thể đưa đến các chứng điên loạn trầm trọng hơn).
Nhiều thứ bệnh tâm thần phải cần đến các phương pháp tâm lý trị liệu hoặc sự theo dõi của các bác sĩ phân tâm học. Việc luyện tập thiền định, nhất là phép tọa thiền, chỉ có thể góp phần giúp cho các phương pháp tâm lý trị liệu mang lại nhiều kết quả hơn thế thôi, vì thiền định sẽ giúp bệnh nhân ý thức được nhanh chóng hơn các xúc cảm của mình khi chúng mới bắt đầu bùng lên, hầu giúp mình sớm chủ động được nó.
HnPG: Nếu thực hiện đươc thể dạng Giác Ngộ của chư Phật thì có thể giúp cho các thể dạng thân xác và tâm thức mình được tốt đẹp hơn hay không?
Roland Rech: Đúng vậy, nhất dịnh là phải như thế. Theo tôi thì sự Giác Ngộ là một sự quay về với thể dạng sức khỏe tâm thần đích thật của mình. Các tôn giáo khác thường gọi đấy là sự cứu rỗi (salut/salvation). Cứu rỗi và sức khỏe mang cùng một ý nghĩa như nhau. Sức khỏe đích thật là những gì cứu chúng ta ra khỏi ảo giác và giúp chúng ta sống trong sự Giác Ngộ, có nghĩa là sống hài hòa với Đạo Pháp.
Sức khỏe hay sự Giác Ngộ giúp chữa lành được những gì do dấu ấn thứ nhất của Đạo Pháp nêu lên đó là sự khổ đau (dukkha), và giúp mình biết sống hòa mình với hai dấu ấn khác của Đạo Pháp là vô thường và vô ngã (bốn dấu ấn của Đạo Pháp/Dharma mudra là: 1) tất cả những hiện tượng cấu hợp đều vô thường, 2) tất cả các hiện tượng ô nhiễm đều là khổ đau, 3) tất cả các hiện tượng cấu hợp đều vô thực thể, 4) Niết-bàn là an bình - xin lưu ý là tùy theo kinh sách và các cách giải thích của các vị đại sư, khái niện bốn dấu ấn có thể khác biệt nhau đôi chút), có nghĩa là tạo ra cho mình một tâm thức uyển chuyển (hòa hợp và thích nghi với thực tại/hiện thực). Thể dạng tri thức mà thiền Zen gọi là Hishiryo (tiếng Nhật) là một thể dạng tri thức không trụ vào bất cứ gì cả.
Thể dạng tri thức này được nêu lên trong kinh Hoa Sen: "Khi tâm thức không trụ vào bất cứ gì, thì tâm thức đích thật sẽ hiển hiện ". Tâm thức [đích thật] sẽ vận hành một cách thật bình thường phù hợp nhất với [bản chất tự nhiên của] chính nó, có nghĩa là không tự buộc chặt vào bất cứ một thứ gì cả, mà luôn hiện hữu trong từng khoảnh khắc của thực tại, có nghĩa là hoàn hoàn cảm nhận được hiện thực "cũng chỉ là như thế", tức là không bị đông cứng (ghép chặt, buộc chặt) với nghiệp quá khứ, với kỷ niệm và sự vận hành [quy ước] của tâm thức.
Theo tôi nghĩ sự Giác Ngộ mà Đức Phật đã từng đạt được không phải đơn giản chỉ là một sự khám phá bất chợt (eurêka) vào một buổi sáng nào đó sau một đêm thiền định, mà là khả năng giúp mình sống hòa hợp với những gì mà Đức Phật đã khám phá ra trước đây qua sự Giác Ngộ của Ngài, và cả với những gì mà tất cả chúng ta đều có thể giác ngộ được cho chính mình (câu này thật hết sức quan trọng, nhiều người trong chúng ta quán thấy được một sự thật nào đó, một khía cạnh nào đó của sự giác ngộ kể cả sự giác ngộ toàn vẹn, thế nhưng vẫn còn chạy quanh bên ngoài sự thật và sự giác ngộ ấy của mình, tức là còn thuộc vào lãnh vực trí thức, không giúp mình hòa nhập và trở thành "một" với sự thật ấy hay sự giác ngộ ấy), chẳng qua là vì tất cả những thứ ấy đều mang tính cách toàn cầu và sẽ hiện ra thật hết sức hiển nhiên mỗi khi chúng ta thiền định: đấy là vô thường và tính cách vô-thực-thể của tất cả các tư duy của mình, kể cả các cảm nhận, các sự nhận thức cũng như tất cả các hình thức cấu hợp tạo dựng ra cái ngã của mình, cá tính của mình.
Tất cả những thứ ấy hoàn toàn vô thường, không hàm chứa một mảy may thực thể nào cả (tức là tính cách vô ngã của tất cả mọi hiện tượng). Nếu không đủ sức quán thấy được những điều ấy (những sự thật hiển nhiên là vô thường và vô ngã của tất cả mọi hiện tượng) thì người ta sẽ khó tránh khỏi tạo ra cho mình một thái độ ích kỷ tự xem mình là trung tâm của tất cả, khiến mình trở nên cứng nhắc, tất cả chẳng qua là vì chúng ta luôn ở trong tình trạng lo sợ thành trì tự vệ - chẳng hạn như cá tính của mình, v.v. - mà mình đã khổ công xây dựng sẽ bị sụp đổ, (có nghĩa là bản sắc, cái tôi, cái của tôi, cái ngã của mình mà mình cứ khư khư xem chúng là thành trì kiên cố bảo vệ mình và mình phải bảo vệ nó, thật ra cũng chỉ là một hiện tượng cấu hợp và vô thường, phát sinh từ những thứ cấu hợp khác của tâm thức).
Do đó một tình trạng mong manh và lo âu - tức là một sự khổ đau tiềm tàng - luôn hiện ra với mình. Trái lại, "Giác Ngộ là cách giúp mình quán nhận hiện thực cũng "chỉ là như thế", có nghĩa là cái ngã của mình cũng chỉ là vô thường và vô-thực-thể, và điều ấy cũng có nghĩa là chấp nhận cái chết như là hậu cảnh (background) của mọi thứ lo buồn".
Vài lời ghi chú của người dịch
Trong bài phỏng vấn trên đây, ngoài những sự nhận xét và phân tích thật sâu xa và sắc bén, thiền sư Roland Yuno Rech còn nêu lên một khái niệm khá mới lạ và đáng lưu ý là hai giáo huấn của Đức Phật hay là hai thứ Đạo Pháp: "Đạo Pháp của thế giới Luân Hồi" (Samsara Dharma) và "Đạo Pháp của Niết-bàn" (Nirvana Dharma). Vậy hai giáo huấn hay Đạo Pháp ấy là gì?
Đạo Pháp của thế giới Luân Hồi là giáo huấn giúp mang lại cho chúng ta một thứ hạnh phúc tương đối và tạm thời trong cuộc sống thường nhật của mình qua các sự giao tiếp trong xã hội. Giáo huấn đó gồm có sự ý thức về các khái niệm căn bản về đạo đức và giáo lý giúp mình tránh được rất nhiều khổ đau trong kiếp sống hiện tại, tức là sự hiện hữu mà mình đang có trong thế giới Luân Hồi này.
Các khái niệm căn bản đó gồm chung trong sáu con đường đúng đắn đầu tiên của Bát Chánh Đạo trong Phật giáo Theravada là: 1- chánh kiến (quan điểm đúng), 2- chánh tư duy (suy nghĩ đúng), 3- chánh ngữ (ngôn từ ngay thật), 4- chánh mệnh (hành động/cung cách hành xử đúng), 5- chánh nghiệp (phương tiện sinh sống đúng), 6- chánh tinh tấn (cố gắng/quyết tâm đúng). Cách tu tập theo sáu con đường đầu tiên của Bát Chánh Đạo trên đây cũng còn được gọi là Tu Giới, và cũng tương đương với bốn hành vi siêu việt của khái niệm Lục Ba-la-mật trong Phật giáo Đại Thừa là: 1- bố thí siêu việt (bố thí ba-la-mật), 2- đạo đức siêu việt (giới ba-la-mật), 3- kiên nhẫn siêu việt (nhẫn ba-la-mật), 4- nghị lực/siêng năng siêu việt (tinh tiến ba-la-mật).
Đạo Pháp của Niết-bàn là giáo huấn mang lại trí tuệ giúp chúng ta đạt được sự giải thoát và sự Giác Ngộ tối hậu. Giáo huấn này còn gọi là Tu Tuệ, gồm hai phép luyện tập sau cùng của Bát Chánh Đạo là: 7- suy nghiệm đúng (chánh niệm), 8- tập trung tâm thần đúng (chánh định).
Hai phép luyện tập này tương đương với hai hành vi siêu việt sau cùng nêu lên trong khái niệm Lục Ba-la-mật của Đại thừa Phật giáo là: 6- thiền định siêu việt (thiền ba-la-mật), 6- sự hiểu biết siêu việt (trí tuệ ba-la-mật).
Ngoài ra điều đáng lưu ý thứ hai trong bài phỏng vấn trên đây là câu kết luận vô cùng sâu sắc, cô đọng và ngắn gọn: "Giác Ngộ là cách giúp mình quán nhận hiện thực cũng "chỉ là như thế", có nghĩa là cái ngã của mình cũng chỉ là vô thường và vô-thực-thể, và điều ấy cũng có nghĩa là chấp nhận cái chết như là hậu cảnh của mọi thứ lo buồn". Vậy câu này có nghĩa là gì? Tất cả những thứ khổ đau, lo buồn và bệnh tật trong tâm thức cũng như trên thân xác cũng chỉ là những sự hiển lộ bên ngoài, phản ảnh một hiện tượng vô thường thật căn bản là cái chết.
Tu tập thiền định với mục đích cải thiện sức khỏe, chữa trị bệnh tật cũng chỉ mang tính cách giai đoạn và hời hợt, một sự bám víu nông cạn và thô thiển. Khi nào biết nhìn vào cái chết như là một hiện tượng vô thường, vô thường và vô-thực-thể như chính cái ngã của mình, thì đấy là cách giúp mình quán nhận được tất cả "cũng chỉ là như thế", không bám víu vào gì cả, và đấy cũng có nghĩa là đạt được sự giải thoát và Giác Ngộ.
(Guérir avec Zazen) Roland Yuno Rech
Ký giả phỏng vấn Carole Rap
Bures-Sur-Yvette, 25.08.15
VÕ THỊ hUỆ
RẤT HAY MÌNH SẼ HỌC TẬP
Thích Trả lời 9/12/2015 4:40:57 PM