;
Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Rồi Tôn giả Nanda, đắp những y khéo ủi, khéo là, bôi vẻ mắt, cầm bát sáng chói, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda như sau:
Như vậy không xứng đáng cho ông, này Nanda, là con nhà
lành, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, lại mang những
y khéo ủi, khéo là, bôi vẻ con mắt và cầm bát sáng chói. Như vậy là xứng đáng
cho ông, này Nanda, là con nhà lành, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống
không gia đình, tức là sống trong rừng, sống bằng khất thực, sống mặc y phấn
tảo và sống không mong đợi các dục vọng.
Thuyết giảng xong, Thế Tôn nói thêm: Ta mong được nhìn
thấy; Nanda sống trong rừng; mặc y phục phấn tảo; sống với những đồ ăn; biết là
đã vứt bỏ; không mong chờ dục vọng.
Rồi Tôn giả Nanda, sau một thời gian trở thành vị Tăng
sống trong rừng, ăn đồ ăn khất thực, mặc y phục phấn tảo, không mong đợi các
dục vọng.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 10, phần Nanda,
VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.491)
LỜI BÀN:
Người ta vẫn thường nói “Chiếc áo không làm nên nhà tu
nhưng nhà tu thì không thể thiếu chiếc áo”. Xem ra, chiếc áo của người tu cũng
lắm vấn đề để bàn…
Đối với Tăng sĩ Phật giáo thì y bát là những pháp khí
rất quan trọng, được trân quý, giữ gìn cẩn thận như tròng con mắt, là vật bất
ly thân của mỗi Tỷ kheo. Thời Thế Tôn tại thế, y bát của Tỷ kheo sử dụng có
tính tùy duyên, do gia chủ cúng dường, tốt xấu đủ loại. Ngoài ra, có khá nhiều
Tỷ kheo nguyện mặc y phấn tảo, bằng cách lượm lặt những mảnh vải liệm xác chết
quăng bỏ ngoài nghĩa địa hoặc vải hư rách nơi bãi rác, sau đó giặt sạch, nhuộm
cho hoại sắc (không còn chính sắc) và kết lại thành y.nguoiphattu.com
Tuy nhiên, thời Thế Tôn cũng như bây giờ, một vài Tỷ
kheo quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, vẻ mày tô mặt, y láng bát trơn… như
Tôn giả Nanda từng làm và đã bị Thế Tôn quở trách nặng nề. Đành rằng, một Tỷ
kheo, bậc mô phạm “thầy của trời người” tất yếu cần phải trang nghiêm. Tuy vậy,
sự trang nghiêm đúng nghĩa phải là “trang nghiêm tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm” (kinh Kim
Cang). Phẩm chất đích thực của vị Tỷ kheo là nơi tâm trang nghiêm tỏa sáng làm
nên vẻ trang nghiêm bên ngoài dù hình thức chỉ là một kẻ ăn xin (khất sĩ) tầm
thường mặc y phấn tảo.
Vì thế, một khi nội tâm chưa thật sự thúc liễm để đạt được thanh tịnh thì sự xun xoe áo mão bên ngoài trong chừng mực nào đó cũng cần nhưng không thiết thực. Việc Tôn giả Nanda sau khi nghe lời dạy của Thế Tôn đã chuyển sang mặc y phấn tảo, sống đời khất thực, đoạn trừ dục vọng phải chăng là bài học quý giá cho những người con Phật hậu thế suy ngẫm và noi gương?