;
Vừa là cha, là mẹ của những đứa em
Trong một chia sẻ mới đây của bác sỹ Hùng Minh (Bệnh viện Bạch Mai), không ít người xót xa trước hoàn cảnh của hai anh em Phạm Văn Đức – Phạm Thị Ánh. Hàng ngày, Đức một mình chăm sóc, bế ẵm em gái 22 tuổi bị bại não, mọi sinh hoạt, chi phí trong những ngày nằm viện tại Bệnh viện Bạch Mai đều một mình cậu bạn gánh vác. Nghị lực sống của Văn Đức, tình cảm của cậu bạn dành cho em gái mình khiến nhiều người rưng rưng nước mắt.
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, Phạm Văn Đức (sinh năm 1991, Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai) là con thứ 3. Chẳng bao lâu sau khi sinh đứa em út, mẹ của Văn Đức qua đời. Bố em sức khỏe rất yếu, lại bệnh tật quanh năm, nên chẳng thể lên nương trồng cấy được như trước. Mọi gánh nặng cuộc sống từ đó đổ dồn lên đôi vai nhỏ bé của Đức.
Gần 20 năm, Đức chăm sóc cho em gái.
Mẹ mất, Đức vừa là cha, vừa là mẹ của hai đứa em. Hàng ngày, Đức đi làm kiếm tiền nuôi cả gia đình, về nhà lại chăm sóc cho bố, chăm sóc cho cô em gái bị bại não từ năm lên 2 tuổi.
Đức kể: “Em gái em (Phạm Thị Ánh – sinh năm 1993) không được đưa đi bệnh viện kịp thời sau một trận sốt cao lúc nhỏ, nên di chứng để lại là căn bệnh bại não quái ác. Chân tay em lúc nào cũng co quắp, và em chẳng thể nhận thức được mọi thứ xung quanh. Em thương Ánh lắm, vì Ánh chẳng thể biết gì về mẹ em, cũng chẳng thể đi lại được”.
Thương em, Văn Đức cố gắng hết sức, làm đủ mọi việc để có tiền thuốc thang cho em và nuôi cả gia đình. Trước đây, Đức rất thích đi học, em học cũng rất khá, nhưng nếu em tiếp tục đến trường, ai sẽ thay em mưu sinh? Nghĩ vậy nên cậu bạn bỏ học, ngày ngày lên nương rẫy.
Khó khăn lại một lần nữa ập xuống gia đình khi cách đây gần 2 tháng, em Ánh bị khó thở, gia đình đưa em đến bệnh viện Lào Cai chữa trị. Mặc dù điều trị kháng sinh hơn 1 tháng nhưng bệnh tình của Ánh vẫn không thuyên giảm. Lần điều trị thứ 4 được 9 hôm thấy em không đỡ, gia đình đã quyết định đưa em về bệnh viện Bạch Mai.
Sau 2 ngày ở viện, bệnh tình của Ánh đã tạm thời được kiểm soát nhưng các bác sĩ chẩn đoán em bị viêm phổi lan tỏa hai bên, vài năm có thể tái phát lại, hoặc có thể tái phát lại luôn do bản thân em đã bị bại não, sức khỏe cũng rất yếu.
Gần như cả ngày, Đức ôm em trong tay cho em khỏi giãy giụa, la hét.
Người anh trai hết lòng yêu thương em
Những ngày nằm tại bệnh viện, hình ảnh người anh trai hàng ngày bế ẵm, chăm cho em gái tàn tật từng miếng ăn, giấc ngủ, cho đến mọi sinh hoạt cá nhân khiến nhiều người cảm động. “Từ ngày Ánh bị bại não, em chăm sóc Ánh hàng ngày. Chị cả em đi lấy chồng, anh thứ 2 cũng có gia đình rồi, nhưng ai cũng đều khốn khó cả. Em út thì còn nhỏ”.
Đối với chàng trai trẻ này, việc bận rộn chăm sóc cho em ở bệnh viện chẳng mệt mỏi bằng quãng đường đi từ Lào Cai đưa em gái xuống đây chữa trị. “Đi xe khách rất vất vả, em gần như phải bế em Ánh suốt chặng đường dài. Xe khá đông, lại kín nữa, nên Ánh liên tục khó thở, giãy giụa và say xe, em gần như không thể chợp mắt. Mặc dù nhiều lúc chân tay mỏi rã rời, nhưng cứ nghĩ đến việc em mình được điều trị tại một nơi tốt hơn em lại cố gắng vượt qua tất cả”.
Đức đút cho em gái ăn.
Mỗi ngày, chàng trai nhỏ nhẹ và hiền lành đều thức dậy từ sớm. Đức cho em uống sữa, ăn cháo và lúc nào cũng luôn miệng nói với em gái mình: “Không sao đâu em, rồi em sẽ ổn thôi”.
Những lúc Ánh giãy giụa, đạp chân vào giường, Đức lại vỗ về em. Cậu bạn gần như bế em cả ngày, tới lúc đến giờ cơm trưa, chỉ nhờ các cô, các bác cùng phòng mua tạm một thứ gì ăn cho qua bữa. “Thỉnh thoảng, Ánh ngủ một chút, nhưng nhiều lần, em chẳng ngủ, chân tay em đạp vào giường, miệng kêu ú ớ, em cứ phải ôm Ánh chặt vào lòng cho tới sáng”.
Những ngày ở bệnh viện, suất cơm từ thiện chính là “cứu cánh” của Đức, bởi nhờ những suất ăn đó, gia đình em có thể bớt một chút tiền sinh hoạt trong những ngày ở đây.
Hàng ngày, Đức đều ăn cơm từ thiện.
Ngước đôi mắt quầng thâm, mệt mỏi, Đức nói nhỏ: “Em chưa bao giờ nghĩ tới việc em sẽ lấy được vợ cả. Em nghèo thế này, chắc chẳng có ai dám lấy em. Em mà lập gia đình thì cũng không có ai chăm sóc Ánh, chăm sóc cho bố. Em chỉ hy vọng lần này Ánh có thể khỏi bệnh, dù phải đưa em đi nhiều bệnh viện đi chăng nữa, hoặc phải ở dài ngày lại Hà Nội, em cũng sẽ cố kiếm việc làm tại đây để chữa bệnh cho Ánh. Gần 20 năm qua, em đã là đôi chân của em gái em rồi”.
Được biết, đợt điều trị của Ánh kéo dài khoảng 10 ngày. Hiện tại, mỗi ngày Ánh phải tiêm 2 mũi kháng sinh và truyền 2 lọ thuốc. Mong rằng, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm hỗ trợ em Ánh trong quá trình chữa bệnh. Như vậy, cũng sẽ làm vơi bớt phần nào nỗi khó khăn, vất vả cho người anh tận tụy.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:
Số điện thoại: 01647298775.
Phạm Văn Đức (Bản 2, Liên Hải, Xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Hiện em Phạm Thị Ánh đang điều trị tại Trung tâm hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Nguồn: http://www.tiin.vn/chuyen-muc/thien/me-mat-som-9x-cham-em-gai-bai-nao-ganh-vac-ca-gia-dinh.html
**************************************************************
Bác sỹ viết tâm tư, kêu gọi giúp đỡ cho bệnh nhân khó khăn
Lời tâm sự của bác sỹ Đặng Hùng Minh về hoàn cảnh của gia đình bệnh nhân Ánh hiện nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng.
Mới đây, trên trang cá nhân của bác sỹ Hùng Minh (Bệnh viện Bạch Mai) có chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân Phạm Thị Ánh (21 tuổi, Lào Cai). Ánh bị viêm phổi, bại não từ năm lên 2 tuổi, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhưng điều làm người đọc không khỏi rơi nước mắt chính là câu chuyện, đoạn hội thoại giữa bác sỹ Minh và cậu thanh niên tên Phạm Văn Đức (23 tuổi) – anh trai của Ánh. Câu chuyện này hiện đã được nhiều người chia sẻ với mong muốn giúp đỡ phần nào cho hoàn cảnh khó khăn này.
Chia sẻ của bác sỹ Minh.
“Hôm nay đi trực bệnh nhân trong khoa nhiều ca nặng quá! Tết mới hết mà sao bệnh tật lại nhiều thế, đi đến buồng các bệnh nhân mới vào, mới đi được khoảng 1 nửa số bệnh nhân mà đã cảm thấy nản: Có vài ca nghi ngờ ung thư mà tuổi còn rất trẻ.
Đến buồng 605, chợt nhìn về giường 25, có một bệnh nhân tàn tật (nhìn thoáng qua mình nhầm tưởng bệnh nhân Quân). Lúc đó, mình thấy hơi lạ, bởi vì người bế em không phải là phụ nữ, mà là một cậu bé trông sáng sủa, mình đi lại và hỏi: ‘Mẹ của bệnh nhân đâu mà em lại bế giúp vậy?’. Em ngước mắt nói nhỏ: ‘Cháu bế em, em cháu tên là Ánh’.
Mình bỗng thấy nhói lòng vì sự nhầm lẫn vô tình. Cảm giác thương xót ùa về khi nhìn thấy cảnh anh trai chăm sóc em gái tàn tật.
- Nhà em ở đâu?
- Nhà em ở bản Liên hà 2, Lào Cai.
- Em gái em bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 21 ạ.
- Mẹ em đâu mà để em bế em gái thế này?
.....
Khoảng nửa phút sau, giọng em trả lời nhỏ và hơi nghẹn: ‘Mẹ em mất sớm rồi, mẹ em mất khi em gái của em một tuổi’.
Lại một lần nữa, sự vô tình của mình đã chạm vào nỗi đau của em, cổ họng mình nghèn nghẹn. Có lẽ đôi vai của cậu bé 23 tuổi không cảm thấy nặng hơn khi nỗi đau mất mẹ bị vô tình nhắc lại, bởi vì vai của em đã quen với trăm nghìn nỗi vất vả trong hàng chục năm qua.
Gia đình em có 5 anh chị em, em Đức là thứ ba, bố em thì luôn đau yếu.
- Em bế em suốt thế này thì mua đồ ăn sao được?
- Em nhờ người nhà bệnh nhân bên cạnh mua cho.
Cùng tuổi em, nếu là người thành phố thì các bạn đó đã và đang làm gì? Một sự so sánh khập khiễng! Không ai muốn nghĩ vậy, nhưng các bạn thử nghĩ một lần xem sao.
Buồn quá, trong xã hội vẫn biết có nhiều hoàn cảnh đáng thương, nhưng khi mình gặp, vẫn cảm thấy nhói lòng.
Buổi trực nặng nề quá, không phải là sự vất vả vì bệnh nhân đông hay là nhiều việc... So với sự vượt lên khó khăn mà sinh tồn của Đức, để gánh vác số phận thì mình đã thấm vào đâu…”.
Cùng với những dòng tâm tư buồn bã, bác sỹ Minh cũng kêu gọi những cá nhân hảo tâm hãy giúp đỡ cho em Phạm Thị Ánh – em của Đức, để vơi bớt phần nào sự khó khăn cho người anh trai trong những ngày chăm em gái bệnh tật.
Câu chuyện này một lần nữa khiến hàng nghìn trái tim thổn thức. Ai cũng cảm phục một bác sỹ có tài, có tâm, và càng cảm phục hơn nữa tình cảm, và sự hy sinh mà người anh dành cho em gái mình.
Theo: PV/Baodatviet.vn
**************************************
Video xúc động - Cả đàn cá con lao vào cứu mẹ bị mắc câu