;
Nói đến chùa, không thể không nhắc đến Huế. Cố đô là nơi có mật độ chùa chiền thuộc loại cao nhất Việt Nam với trên một trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Lần nào đến Huế tôi cũng đến thăm, lễ Phật và thưởng ngoạn tại ít nhất là 1 ngôi chùa. Chùa Thiên Mụ có lẽ là nơi số lần có mặt của tôi nhiều nhất, đơn giản bởi tôi đã nhiều lần dẫn các đoàn khách du lịch đi Huế mà đến Huế đoàn nào cũng muốn đến thăm ngôi chùa nổi tiếng này.
Lần này, thời
gian cho phép tôi có mặt Cố đô là đúng 1 ngày và tôi đã dành trọn quãng thời
gian quý giá này cho chùa Huế. Một quyết định mà đến giờ nghĩ lại vẫn thấy quá
đúng. Trời mưa đi chùa Huế thì hợp quá còn gì.
Bữa sáng
tôi được 2 vợ chồng anh chị Phúc và Thư - Phật tử Huế - chiêu đãi tại quán chay
Liên Hoa. Đây là 1 nhà hàng rất đẹp, thanh tao, gần gũi. Nhưng ấn tượng hơn đối
với tôi là món ăn ngon và rẻ đến bất ngờ. Ăn món chay Huế trong mưa rơi và trời
lạnh thấy ấm lòng lắm, nhất là khi những giọt nước mưa đã bắt đầu ngấm vào người.
Câu hỏi không thể thiếu của anh chị Phúc, Thư - chủ nhà - khi bữa sáng kết thúc
là “đi thăm chùa nào hôm nay”. Tôi chợt nghĩ, hình như cứ đến Huế là nhất định
không thể không thưởng thức món chay và đi chùa!
Điểm đầu
tiên chúng tôi đến là chùa Thuyền Lâm. Tôi đến thăm chùa này bởi có thầy Pháp
Mãn đang tu tập ở đây. Thầy Pháp Mãn còn khá trẻ, chắc chỉ dưới 40 tuổi thôi
nhưng thầy có phong thái rất điềm đạm, thong dong, tự tại. Thầy ít nói nhưng
luôn toát ra nguồn năng lượng lớn và sự bình an đến lạ kỳ. Thầy cười rất hiền từ
và mọi cử chỉ đều rất ân cần và chu đáo. Tôi quen biết thầy tình cờ trong chuyến
đi Bảo Lộc dự đại trai đàn chẩn tế cho 500 thai nhi ở chùa Phước Huệ tháng 7
năm 2011.
Tôi ấn tượng
nhất với chùa Thuyền Lâm là cổng vào bằng tre giản đơn và gần gũi. Đây là một
ngôi chùa rất cổ và nghe đâu từ những năm cuối thế kỷ thứ XVII đã diễn ra giới
đàn truyền giới tại đây. Tôi rất thích kiến trúc bằng gỗ từ thời xưa. Tôi để ý
đến những bức thư pháp đã cũ nhưng rất ý nghĩa và đẹp.
Tôi nhớ rằng
mình đã đi bộ dưới mưa trong khuôn viên chùa Thuyền Lâm. Tôi mặc cho mưa Huế
rơi vào mặt, vào tóc. Tôi có cảm giác rằng đón mưa ở ngôi chùa cổ này thú vị chứ
không thấy lạnh hay sợ bệnh.nguoiphattu.com
Chúng tôi ngồi uống nước và nói chuyện với thầy Pháp Mãn rất lâu. Thầy còn trẻ nhưng có khá nhiều câu chuyện để kể, có nhiều lời dạy của Đức Phật được nghe mà tôi thấy rất thú vị, ý nghĩa. Thầy nói chậm rãi, nhẹ nhàng để tôi học được khá nhiều từ phong cách của thầy. Khi ngồi trong chùa tôi nhận ra rằng, tu không phải nhiều hay ít mà là kết quả, rằng dù có đọc nhiều kinh sách hay có nhiều bằng cấp nhưng không có trải nghiệm thì “Phật tánh” vẫn không thể toát ra qua mỗi hành động và lời nói của ta được. Tôi nhận ra rằng, dù nếu ta có tu cả đời, tu đến già mà tham, sân, sy vẫn đầy mình thì ta vẫn còn rất xa chánh pháp.
Chúng tôi mải
bên nhau để rồi trưa đến lúc nào không hay. Bữa trưa chúng tôi tiếp tục được
bên thầy Pháp Mãn ở quán chay Thiền Tâm. Và phải thừa nhận rằng đây là quán rất
rộng, rất đẹp và rất hợp với tên. Chúng tôi thọ trai trong tinh thần thiền và
thấy tâm an lạc đến lạ thường. Cũng nhờ đến thăm chùa và thầy, giờ đây tôi đã
hiểu rằng người Huế gọi thiền là thuyền, vậy nên Thuyền Lâm là rừng thiền. Hay
thật!
Đầu giờ chiều,
thầy trò cùng nhau đến chùa Phước Duyên để thăm thầy Thái Hòa. Thầy Pháp Mãn
cho biết Hòa thượng đang đợi chúng tôi.
Phải thú thật,
đây là lần đầu tiên tôi được vào trong thất riêng của Hòa thượng. Trong thất có
quá nhiều tranh ảnh Phật và kinh sách. Hòa thượng Thái Hòa đón chúng tôi bằng nụ
cười rất hiền từ và gần gũi. Cũng không thể không nói rằng Hòa thượng có phong
cách rất Phật, rất từ bi mà mỗi lần gặp tôi đều thấy mình được an lạc vô cùng.
Hình như chỉ cần ngồi gần thầy thôi là đã đủ lắm rồi, đối với tôi.
Tôi cũng bất
ngờ rằng chùa Phước Duyên nằm ngay sau lưng chùa Thiên Mụ. Bất ngờ hơn khi tôi
có mặt ở ngôi chùa làng, chứ không phải chùa thành phố Huế như vẫn nghĩ trước
đó. Chúng tôi được thầy dẫn ra ngắm sông Bạch Yến và vùng đồng bằng rộng lớn
bao quanh thất. Khuôn viên của chùa khá rộng, ước chừng đến 5 ngàn mét vuông.
Trong khuôn viên chùa Phước Duyên có rất nhiều cây, nhưng cá nhân tôi ấn tượng
nhất là những cây cau rất cao và đẹp, thẳng tắp và uy nghi. Thú vị hơn nữa là
cây mai vàng, chưa tết mà đã nở hoa rực rỡ. Hòa thượng Thái Hòa nói rằng, mai nở
sớm để đón chúng tôi. Thật là hạnh phúc khi mấy thầy trò cười vang làm cho
không gian mang đầy không khí tết sớm.
Lần nào bên
thầy, chúng tôi cũng được nghe pháp thoại. Có những lần ít thời gian, thầy cho
chúng tôi những bài pháp thoại ngắn – mini dharma talk. Lần này chúng tôi được
nghe các bài pháp giật gân “giết người cứu người”, “tu tập theo Phật giáo Đại
thừa như thế nào cho đúng”, “Các Phật tử trẻ nên làm gì thời nay”. Chúng tôi
bên thầy trọn buổi chiều và cũng được thầy giải đáp cho nhiều thắc mắc, làm
sáng tỏ nhiều vấn đề của cư sỹ sơ cơ thiếu phước như tôi.
Chúng tôi
được đi tham quan thiền đường, được đứng trên chánh điện tầng 2 để ngắm nhìn đồng
quê và nông thôn Huế. Chùa Phước Duyên khá đồ sộ và phong cảnh nơi đây thì rất
thơ mộng, hữu tình. Đứng ngắm mưa rơi tôi càng thấy phước và duyên của mình quá
lớn khi được bên Hòa thượng cả buổi chiều. Tôi đứng và thầm mong: Bao giờ thầy
mới mở các khóa tu dài ngày cho Phật tử chúng con, bao giờ được đón thầy ra bắc
giảng pháp!
Không kịp
ăn tối, mang theo kinh, sách và đĩa Hòa thượng Thích Thái Hòa tặng, chúng tôi rời
chùa. Quay lại nhìn mới phát hiện ra thất nơi chúng tôi vừa ngồi bên thầy là
Tàng Kinh Các. Trời đất! Thảo nào mà nhiều kinh kệ đến vậy!
Chúng tôi bắt
xe đi tiếp đến chùa Từ Hiếu. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến với Tổ đình nổi
tiếng này. Tôi hoàn toàn bị bất ngờ bởi khuôn viên chùa quá rộng. Lối vào từ cổng
chùa như dẫn chúng tôi vào rừng. Rõ ràng Từ Hiếu là là một trong những ngôi cổ
tự lớn và là một danh lam văn hoá và lịch sử quý giá của cố đô Huế.
Trong lúc đợi thầy Từ
Hải ra đón, tôi được người bạn đi cùng kể về Hoà thượng Nhất Ðịnh nổi tiếng của
Từ Hiếu từ 2 thế kỷ trước. Thầy là người con hiếu thảo vô cùng. Chuyện kể rằng
mẹ già của thầy bị bệnh rất nặng. Thầy lo đủ các loại thuốc mà không khỏi. Có
người khuyên thầy phải mua cá để tẩm bổ thì mẹ mới khỏi được. Vì rất có hiếu
với mẹ nên mặc cho thiên hạ đàm tiếu, thầy Nhất Định tìm mua cá về nấu cháo cho
mẹ già ăn. Chuyện này đến tai vua Tự Đức – một vị vua cũng vốn rất hiếu thảo
với mẹ. Vua rất cảm phục trước tấm lòng của thầy Nhất Định nên ban cho "Sắc
tứ Từ Hiếu tự". Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. “Từ là
đức lớn của Phật, nếu không từ thì
lấy gì tiếp độ chúng sinh cứu giúp vạn loại.Hiếu là hạnh đầu của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt
thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”.
Chúng tôi vào lễ Phật
trong chánh điện. Ở đây có bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn, đẹp, với nụ cười
rất thánh thiện. Quý thay khi bức tượng này có từ thời vua Tự Đức.
Chúng tôi
ngồi uống trà tối bên nhau. Trời lạnh hơn và mưa lớn hơn. Trà nóng giữa bao la
thiên nhiên làm chúng tôi thấy gần nhau hơn, thấy ấm áp lạ thường.
Chúng tôi
được thầy Từ Hải chia sẻ kinh nghiệm tu tập, đặc biệt là cho giới trẻ. Thầy cho
biết thêm, khi chúng tôi đến nơi, thầy đang dạy võ cho các em nhỏ. Thật là lạ
và thú vị.
Đến chùa Từ
Hiếu khi trời đã muộn nhưng không thể không đi tham quan chùa trong ánh đèn
pin. Những bậc lên xuống và cao thấp. Những cột, mái và những bộ bàn ghế. Những
câu đối và lan can. Tất cả đều bằng gỗ. Trong đêm trông rất huyền bí và thân cận,
gần gũi. Bộ tràng kỷ nơi chúng tôi ngồi đã có “thâm niên” cả trăm năm.
Ngồi
uống trà và đàm đạo dưới ánh đèn trong chùa Từ Hiếu tự nhiên tôi nghĩ: hình nhưchùa
Huế không đồ sộ, nguy nga, xây dựng không tốn kém và quy mô như các ngôi chùa
lớn ở phía Bắc như chùa Thầy, chùa Dâu, chùa Keo, chùa Trăm Gian, chùa Lý Triều
Quốc Sư,…nhưng chùa Huế rất tinh tế vànhẹ nhàng, sâu sắc và kín đáo,thoáng đãng
và ít rườm rà. Tôi luôn ấn tượng với những ngôi chùa Huế ở sự thân thiết, gần
gũi và bình dị đến lạ thường.
Chúng tôi rời chùa Từ Hiếu
đã là 18h20. Anh lái taxi nói rằng chuyến xe khách cuối cùng rời Huế đi Đà Nẵng
là lúc 18h30. Ngồi trong taxi, quả thật tôi thấp thỏm không biết có kịp hay
không. Bụng bảo dạ, nếu không kịp lại có thêm 1 đêm thứ 2 ngủ tại Huế. Tuy
nhiên vẫn muốn về Đà Nẵng, bởi thành phố này và Hội An đang chờ đón. May thay,
nhờ ơn Phật, chúng tôi đến nơi thì xe chuẩn bị lăn bánh. Hay nói chính xác, nếu
1 vị khách không bị quên điện thoại di động thì chúng tôi đã không kịp rồi.
Trên
xe tôi nhẩm tính, nếu như mỗi chuyến đi Huế thăm được 3 ngôi chùa thì ít nhất
phải mất 30 chuyến về cố đô tôi mới có cơ may khám phá hết những ngôi chùa nơi
đây. Biết tôi là cư sỹ Hà Nội vào thăm Huế, người bạn đồng hành trên chuyến xe
nói vanh vách về những ngôi chùa lớn của Huế như Thiên Mụ, Từ Đàm, Trúc Lâm, Tường
Vân, Diệu Đế, Báo Quốc, Túy Vân, Thuyền Tôn,… Tôi ngạc nhiên khi anh còn nhớ cả
năm xây dựng của từng ngôi chùa này.
Chùa
Huế luôn để lại trong tâm tôi những tình cảm đặc biệt. Những con người Huế cũng
có những ấn tượng rất tốt với tôi. Nhất là các quý thầy Huế. Mà trong những
người thầy đã và đang hướng dẫn tôi tu học có rất nhiều Hòa thượng giỏi và thực
sự là đạo cao đức trọng. Rời Huế tôi thật sự thấy bùi ngùi. Bởi chưa biết sau
bao lâu nữa mới có cơ duyên quay lại đây.