;
Quang cảnh chùa Ráng trong mươi năm lại đây có nhiều đổi thay. Lũy tre già đu đưa trước ngõ xưa kia đã được hạ giải, thay vào đó là bờ tường rào chắc chắn, thoáng đãng. Vườn chùa được mở rộng về phía trước và phía sau. Đại điện được nâng cao lên tầng 2 với hệ thống lầu gác vươn cao. Cổng Ngũ quan được xây mới, khá đặc sắc, soi bóng bên hai hồ nước xanh biếc. Đặc biệt là phía sau nhà Tổ, trong khuôn viên rộng lớn đã sừng sững công trình Bản đồ Mười pháp giới sắp hoàn thành.
Tuy nhiên, các dấu tích xưa vẫn được bảo tồn, gìn giữ trong sự trân trọng đặc biệt. Ngôi cổng chùa với 2 cánh gỗ bạc màu vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” dẫn vào con đường cau, mít rợp mát hương xưa. Chùa tuy được nâng cao nhung nội thất vẫn bảo tồn nguyên vẹn, mái ngói rêu phong, tượng Phật, đồ thờ sơn thiếp cổ kính. Nhà Tổ vẫn trầm mặc dưới tán cây già thanh u, tịch mặc…
Và hơn hết, Trụ trì ngôi chùa Ráng – Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – vị Tổ – Bậc Tôn sư của chúng tôi vẫn hiện hữu đầy mầu nhiệm nơi đây.
Đức Ngài đã đang ở tuổi 99. So với vài năm trước đây, thậm chí so với năm ngoái thôi, thì chúng tôi cũng nhận ra, sức khỏe của Đức Ngài có yếu đi một chút. Nhiều khi đi lại đã cần phải có sự trợ giúp của cây gậy nhỏ. Thân hình tuy vẫn cao thẳng nhưng đã khô khẳng gầy gò hơn… Tuy nhiên với tuổi ấy, điều ấy đã là 1 sự phi thường.
Đức Ngài vẫn luôn tự vận động đi lại, làm việc luôn tay trên chùa, trong nhà, ngoài vườn, lễ Phật, tiếp khách. Thậm chí vẫn liên tục có mặt tại công trường, sít sao chỉ bảo từng ly từng tý cho các kỹ sư đang thi công công trình Bản đồ Mười pháp giới sắp hoàn thành.
Sức làm việc trí tuệ của Đức Ngài làm chúng tôi sững sờ, cảm động:
– Tại mặt bằng công trường, Tổ ân cần chỉ bảo từng ly từng tý về kỹ thuật, lắng nghe từng ý kiến, góp ý nhẹ nhàng mà quyết đoán, hóm hỉnh phê bình chỗ chưa được. Từng câu từng ý thấm nhuần tinh thần và giáo lý Như Lai.
– Khi hầu chuyện Tổ trước thềm Đại lễ Vesak 2014 sẽ khai mạc vào ngày mai, Tổ hỏi ngay: “Không biết việc thăm viếng, úy lạo 3 vị tử sỹ, 2 vị bị thương là công an giao thông do tai nạn hôm trước khi đi giúp việc chuẩn bị đại lễ có chu đáo không? Chúng tôi thì đã có cầu nguyện cho các vị ấy.”
– Nói về 8 điểm trong chủ đề của Vesak 2014, Tổ dạy: “Tổ chức Đại lễ Vesak là để tưởng nhớ đến công ơn của Phật Tổ, chung quy cũng không ngoài việc phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật. Chỗ nào người ta đau đớn, đói khát về thân, đau khổ, phiền não về tâm thì ta nên đến giúp đỡ. Giúp đỡ chúng sinh là hạnh tu Bồ tát. Muốn giúp đỡ được người thì ta phải từ bi hỉ xả, cần kiệm liêm chính, vô ngã vị tha. Nghe nói đến trẻ em vùng cao đi học, qua sông không có cầu phải ngụp lặn trong bao ni lông, thật đau lòng, ăn thêm một miếng cũng xấu hổ vì thương xót”.
-Khi chúng tôi vấn an về sức khỏe, Tổ bảo: “các vị nhìn thì biết, 100 tuổi thì già yếu là bình thường. Nhà Phật coi sống lâu là đứng đầu 5 phúc ở đời là theo nghĩa là để có thời gian, có cơ hội mà tu tập, chuẩn bị chu đáo hành trang sự sống tiếp theo cho mình và cho người, chứ không phải để hưởng thụ dục lạc hay làm khổ người khác. Đó là diễn nghĩa của lời thân người là khó được cần phải gìn giữ vậy. Người xuất gia yêu đời chính là yêu và chăm lo cho cái đời sống xuất gia của mình vậy…”
Đến đây đã 11h30 trưa, Sư Già thỉnh Tổ đi thụ trai, chúng tôi nhanh nhảu đỡ Tổ đứng dậy, sợ Tổ ngã, Tổ xua tay bảo: “Chúng tôi còn tự đứng dậy tự đi được, chưa đến nỗi nào, hơi chậm một chút thôi. Xưa nay chúng tôi chưa từng nghe người tu hành theo Phật nào lại bị ngã bao giờ.”
Tổ cười lớn, sảng khoái rồi lại bảo: “Các vị phải về thì lấy lộc Phật chia cho các vị mang về, mỗi vị 1 phẩm oản và 1 quả xoài, chia cho đều.” – Rồi Tổ buông lời: “Lộc Phật cũng là do thập phương cúng Phật, chúng tôi không có thụ dụng được, nhận rồi lại đem tán trả về cho thập phương. Chúng tôi chỉ thụ dụng cái thường có của người tu hành thôi.”
Nguồn: Phattuvietnam.net